Bạn là người theo đuổi hay tạo nên hạnh phúc? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Bạn là người theo đuổi hay tạo nên hạnh phúc?

Có những người theo đuổi hạnh phúc và những người tạo nên hạnh phúc.

~ Ralph Waldo Emerson ~

Việc chúng ta bắt đầu tư duy để hiểu về tâm là một dấu hiệu tốt. Hành động đó sẽ càng có ý nghĩa hơn nếu chúng ta tìm hiểu tiếp về cội nguồn hạnh phúc và khổ đau. Song như vậy vẫn chưa đủ, tri thức ấy cần được thấm nhuần vào tâm ta.

Chắc bạn cũng biết có những người dường như rất hiểu bản thân mình - họ có thể lắng nghe tự tính tâm. Họ cũng trải qua những cảm xúc buồn chán, sân giận hay tham muốn như bất cứ ai, nhưng họ giống như người thuyền trưởng tài ba lái tâm mình vượt qua bão giông. Tôi có nhiều người bạn không theo bất kỳ tôn giáo nào, họ chỉ đơn giản biết kết nối với bản thân mình, điều đó khiến họ trở thành những con người rất thú vị và dễ gần. Dù đang bước đi trên con đường gập ghềnh và chông gai để tự hoàn thiện mình nhưng họ vẫn biết tận hưởng cuộc hành trình.

Nếu chưa thể cảm nhận được hạnh phúc vốn sẵn có thì chúng ta có thể trưởng dưỡng nó. Chúng ta có thể trau dồi để thấu hiểu tự tính tâm và khiến hạnh phúc hiển lộ. Đây cũng là trải nghiệm của riêng tôi.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chọn lấy hạnh phúc và gạt bỏ hoàn toàn những điều kiện, so sánh, kỳ vọng chỉ để tập trung vào những cơ hội và điều tốt đẹp của cuộc sống ngay trong lúc này? Nhiều người lo ngại sự lạc quan thái quá, chỉ nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề sẽ khiến ta càng thất vọng khi mọi việc diễn ra không như ý. Song, lạc quan không có nghĩa là mong đợi mỗi ngày nhẹ trôi như một làn gió mát và nhủ lòng mọi việc đều đang suôn sẻ. Tâm lạc quan có đủ sự linh hoạt để đón nhận bất cứ điều gì xảy đến và cố gắng nhìn thấy khía cạnh tích cực trong mọi tình huống. Tâm hạnh phúc, lạc quan ôm trọn cả những bất trắc của đời sống đồng thời ít bám chấp vào ngoại cảnh và cách mọi thứ đang diễn ra.

Nếu đúng như vậy, liệu chúng ta có thể rèn luyện tâm để sống hạnh phúc hơn, không chỉ trong giây phút này, mà còn thay đổi để biết hài lòng với bản thân, với những gì mình đã đạt được, thay đổi cả cách chúng ta tự đánh giá cuộc sống của chính mình? May mắn thay, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Kết nối lại với trực giác sẵn có và tự tính tâm của mình

Pháp thực hành này giúp chúng ta gieo trồng hạt giống của sự hiểu biết. Khi đã có hiểu biết, không những tâm sẽ nhậm vận tự nhiên được hạnh phúc mà chúng ta còn bắt đầu dành thời gian để sẻ chia hạnh phúc với mọi người thông qua từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình.

Cả thiền định và trưởng dưỡng tâm chính niệm tỉnh giác đều giúp cho tiếng nói nội tâm được rõ nét hơn, qua đó giúp bạn hiểu rõ mục đích của mình và có thể hòa nhịp con tim với mọi hành động bên ngoài cuộc sống. Bạn sẽ bắt đầu nhìn nhận mọi việc từ một góc độ khác, thay đổi những thói quen khuôn mẫu, phản ứng trước mọi việc và ứng xử với mọi người khác đi. Bạn sẽ thay đổi cách nhìn với cả những chướng ngại vẫn khiến bạn không thể có được hạnh phúc. Bạn cũng sẽ thay đổi cách đón nhận những thách thức bất ngờ, đỡ bị chông chênh trước những sự việc trước đây có thể hủy hoại niềm hạnh phúc trong bạn. Bạn có thể dừng lại trước khi phản ứng lại.

Bằng sự rèn luyện, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những ngụy tạo do chính mình tích lũy từ bao lâu nay, những điều kiện và đòi hỏi mà mình đã đặt ra trong cuộc sống để có được “hạnh phúc”. Có thể bạn sẽ phát hiện ra rằng mình đã trở nên quá bám chấp và thậm chí cực đoan vào những lối mòn tư duy bảo thủ, những phán xét thích hay không thích và có thể bạn đã trở nên hẹp hòi và khép kín. Thật không dễ để một tâm hồn hẹp hòi có được hạnh phúc, vì vậy bạn cần thực hành trải rộng tâm mình để đón nhận thêm hạnh phúc.

Dũng cảm và thành thật nhìn vào những yếu kém cần cải thiện

Nếu bạn có khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực, dễ bị cảm xúc lấn át song lại mong muốn mình được sống nhẹ nhàng, thanh thản và hạnh phúc hơn, có thể bạn sẽ hơi e ngại không dám quán chiếu tâm mình hay đối diện với cảm xúc. Nhưng bạn cần hiểu ngay những xúc tình tiêu cực như tật đố, ganh ghét, sợ hãi luôn vô thường - chúng đến rồi đi nhưng đều rất giá trị đối với hành trình sống của bạn.

Dù chẳng có lý do để bám chấp vào những xúc tình tiêu cực nhưng nhiều người lại rơi vào cái bẫy cảm xúc quá dễ dàng. Một số khác chạy theo chủ nghĩa lạc quan thái quá, phớt lờ sự hiện hữu của những hiểm họa; tỏ ra bất cần theo kiểu “chẳng gì có thể làm tôi tổn thương”. Tất cả đối với họ chỉ như nước đổ lá khoai, chẳng đọng lại chút gì. Nhưng nếu bước đi trên con đường trung đạo, chúng ta sẽ giữ được sự cân bằng, chúng ta sẽ không quá bức xúc bởi những trải nghiệm hay xúc tình tiêu cực, đồng thời cũng không để bản ngã lấn áp, chà đạp tất cả.

Khi chân thành với bản thân, ta có thể chân thành với mọi người, điều đó giúp tâm và cuộc sống của chúng ta được bình an, hạnh phúc. Chúng ta bắt đầu có năng lực cảm thông và yêu thương mạnh mẽ. Càng tinh tế và tỉnh thức nhận ra cội nguồn hạnh phúc cũng như những hạn chế và thói xấu của bản thân, chúng ta sẽ càng nhạy cảm hơn với mong cầu của mọi người và phát tâm mang lại hạnh phúc cho họ. Chúng ta sẽ không vội vã phán xét phê bình mà thay vào đó sẽ học cách sống chân thật, nỗ lực hết mình làm điều tốt hơn.

Hãy dũng cảm phát lời nguyện sau: Từ nay ta sẽ đối diện với những chướng ngại đang ngăn cản mình với hạnh phúc - để tự nắm lấy cơ hội hy hữu của đời người.

(Trích ấn phẩm “Hạnh phúc tại tâm - Bí quyết sống hạnh phúc”

Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Tham khảo thêm

Hạnh phúc chính là tự tính của bạn

Hãy tỉnh thức trước những niềm vui nhất thời

Tại sao chúng ta cần thiền định?


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6342185
Số người trực tuyến: