Thân này có phải của bạn không?
Thân người là một hợp thể nhân duyên bao gồm yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần, gọi một cách chung lại là ngũ uẩn. Sắc uẩn bao gồm bốn yếu tố tứ đại đất, nước, lửa, gió, biến đổi liên tục và sẽ tan rã, phân ly không chỉ khi chúng ta chết đi mà ngay trong từng sát na của cuộc sống.
Thụ uẩn cũng hình thành một cách có điều kiện dựa trên sự tiếp xúc của sáu cơ quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) với sáu yếu tố ngoại cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Các uẩn còn lại, từ tưởng uẩn là sự nhận biết, suy tưởng dựa trên các cảm thụ của thụ uẩn, cho đến hành uẩn là những hoạt động tâm lý sau khi có tưởng và cuối cùng, thức uẩn là ý thức phân biệt (thức uẩn), tất cả đều được hình thành dựa trên hàng loạt yếu tố và mối quan hệ nhân duyên tương hỗ, đan xen.
Dễ thấy rằng, chúng ta sẽ không thể duy trì thân người, không thể duy trì mạng sống này nếu thiếu dù chỉ một yếu tố tứ đại. Nếu thiếu Hỏa đại, con người không còn hơi ấm, nếu thiếu Thủy đại, các yếu tố có tính chất lỏng như máu huyết… sẽ cạn khô. Sự thiếu hụt, rối loạn này đều là nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh tật và cái chết. Cũng tương tự, xét về yếu tố tinh thần, sẽ không có cảm thụ nếu thiếu một trong hai yếu tố giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) hoặc trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Các uẩn còn lại cũng nương nơi thụ uẩn mà hình thành.
Tuy nhiên, không có gì gọi là một cái tôi thực sự, thuần nhất, bất biến. Đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động từ vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này dù riêng lẻ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là “cái tôi”… Lòng tin có một “cái tôi”, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng vĩ đại!.
Có nên nương tựa vào thân như huyễn này không?
Thân thể vật chất này tuy về bản chất là như huyễn nhưng từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi ai cũng chăm chút, phục vụ cho cái thân. Nhiều người thậm chí vì một chút danh lợi có thể chà đạp lên người khác, làm những việc thất đức, hay cũng có thể giết người. Tất cả cũng chỉ để chiều chuộng cho cái thân. Thế nhưng đến lúc gặp đại nạn, khi mà hồn lìa bỏ xác thân thì xác thân này lại không phải là nơi nương tựa vững chãi cho chúng ta.
Từ khi sinh ra, bố mẹ đặt cho bạn một cái tên, rồi lớn lên, bạn nuôi dưỡng một danh vọng, một địa vị (giáo viên, bác sĩ,...). Nhưng đó chỉ là dán nhãn, có bao giờ chúng ta tự hỏi mình là ai? Chính vì sự nhầm lẫn ấy mà chúng ta mới sống nhầm. Cái thân mà chúng ta yêu quý nhất này, ngay từ trong bụng mẹ, chúng ta vay mượn tinh cha huyết mẹ. Để duy trì sự sống, chúng ta phải ăn uống, phải thở. Như vậy, chúng ta vay tinh chất của đất, của nước, mượn hơi thở của gió… Cái thân vật chất này chúng ta vay của đất, nước, gió, lửa nên mình phải biết rằng có vay thì phải có trả. Mình không có quyền hạn mãi với cái thân này.
Chúng ta cần hiểu rằng cái thân này không phải là của mình mà chỉ là phương tiện đưa chúng ta đi đến bến bờ giác ngộ. Cái thân được ví như một con thuyền vượt qua biển khổ, nếu như không có thuyền thì chúng ta không thể đến được bến bờ. Nhưng con thuyền này chỉ giúp chúng ta qua sông thôi, đừng thấy con thuyền đẹp quá mà suốt ngày trang điểm tô vẽ cho nó rồi chẳng chịu chéo lái con thuyền đi đến bến bờ.
Xung quanh chúng ta cũng có nhiều thân đi mượn như thân trâu, thân bò nhưng chúng không có cơ duyên được nghe pháp, được thực hành Phật pháp. Không dễ gì mà mượn được thân người. Đó là do rất nhiều đời chúng ta vun trồng những hạt giống thiện lành để được tái sinh làm người. Vì vậy, trong các loại thân vay mượn, chúng ta mượn được thân người là tốt nhất, bởi chỉ có thân người mới có thể làm được những việc có lợi ích nhất!
- 1405
Viết bình luận