Vì sao người tốt vẫn luôn cần sám hối? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Vì sao người tốt vẫn luôn cần sám hối?

Ý nghĩa của sám hối, song song với việc nhìn nhận lỗi lầm mình đã gây tạo, phải thường xuyên chính niệm tỉnh giác đánh bật gốc rễ thành kiến, phiền não. Dù ở bất kì góc độ nào, luôn làm chủ lời nói, hành vi của mình và nghĩ nhiều đến lợi ích tha nhân.

Sám hối là phương pháp hữu hiệu để tịnh hóa các nhiễm ô mà chúng ta lỡ tạo dưới xu hướng mạnh mẽ của các nghiệp tiêu cực. Mặc dù nhìn từ bên ngoài dường như chúng ta có những hành vi, việc làm đúng đắn và đạo đức, nhưng bên trong, chúng ta vẫn còn nhiều chi phối của bản ngã vị kỷ.

Rất nhiều người thường tự đắc cho rằng: “Việc làm của tôi đường đường chính chính, trên không thẹn với trời, dưới không hổ với đất, cớ gì phải sám hối?”. Trên thế gian cố nhiên có nhiều bậc quân tử làm việc chính đáng, cử chỉ lỗi lạc. Nhưng, chúng ta tạm gác quá khứ qua một bên, chỉ cần quán xét những ý nghĩ trong đời này, có phải mình phạm rất nhiều sai lầm mà không hay không biết? Bởi vì trong thói quen của mình luôn tiềm tàng gốc rễ của những căn bệnh tham lam, sân giận, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ... Nếu không tỉnh thức, ngay lập tức nó sẽ biểu hiện ra lời nói, hành vi, không chỉ làm phương hại người bên cạnh, mà phương hại luôn cả mình.

Bốn phẩm chất cần có khi thực hành sám hối

Thứ nhất: Bạn cần hối hận từ sâu thẳm trong tâm đối với những nghiệp bất thiện chúng ta nhớ được, hoặc nếu không thể nhớ, bởi chúng ta không thể nào nhớ hết những nghiệp trong nhiều đời trước, tất cả những nghiệp đã tạo gây tổn hại tới chúng sinh khác, bắt nguồn từ vô minh, tham muốn, sân giận, bất cứ nghiệp nào đã gây ra dù là của thân, khẩu, ý, chúng ta hối lỗi và tha thiết mong tịnh hóa.

Thứ hai: Bạn phát nguyện không tái phạm những nghiệp bất thiện đó nữa. Cho dù ngày mai bạn có thể phạm phải sai lầm, song khi bạn đang thực hành tịnh hóa, bạn phải phát khởi tâm nguyện mạnh mẽ. Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phổ Hiền Bồ Tát đã nói: "Nếu tội của chúng sinh có hình tướng, thì tất cả hư không cũng không thể chứa hết”. Bởi tội từ tâm mà sinh ra, không hình tướng nên chúng ta phải diệt tội từ trong tâm có nghĩa là dùng tâm thành kính để hối lỗi.        


Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa

Thứ ba: Bạn phát tâm Quy Y Phật, Pháp, Tăng, đặc biệt trong Kim Cương Thừa bạn Quy y Đức Thượng Sư Kim Cương Tát Đỏa, bởi Ngài chính là Đức Phật của sự Tịnh hóa – Đức Phật với bản thệ tịnh hóa nghiệp cho chúng sinh.

Thứ tư: Bạn thực hành thiện hạnh để mong cầu tịnh hóa. Lấy thí dụ ở miền Đông Himalaya, thời xa xưa có rất nhiều người sống bằng nghề trộm cướp, nhưng khi đủ duyên được nghe Pháp, họ phát khởi tâm sám hối thiết tha – họ phát thệ nguyện rằng để tịnh hóa nghiệp bất thiện sát hại mạng người, họ hành hương lễ lạy dọc suốt chặng đường từ miền Đông Himalaya tới đền Lhasa, hoặc xây tháp, hoặc xây cầu để giúp mọi người qua sông.


Các Phật tử chấp tác xây dựng Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên

Có những thiện nghiệp có tác động rất tốt đối với sự tịnh hóa – không phải phúc báo chung chung, mà đặc biệt dành riêng cho tịnh hóa nghiệp. Như vậy thực hành sám hối cần hội tụ đủ bốn phẩm chất trên: sám hối, phát nguyện không tái phạm, quy y và thực hành thiện hạnh để hồi hướng công đức cho sự tịnh hóa.

Thừa nhận những sai lầm mình đã vô ý gây tạo từ xưa đến nay, mới có khả năng dũng cảm đối diện và chấp nhận những điều bất như ý đang xảy ra cho mình. Thông thường người ta khi gặp khó khăn, chuyện bất như ý, đều oán trách ông trời không có mắt, không phân tốt xấu, không rõ đục trong. Kết quả là nếu không nản chí ngã lòng, thì cũng oán đời giận người. Phát tâm sám hối, tức là đón nhận điều bất như ý với tâm thái bình lặng; vả lại, dựa vào điều bất như ý, tôi luyện tâm cung kính, khiêm hạ, dù cho sóng gió thế nào, cũng vẫn giữ được lòng tin vào Phật pháp và tâm từ bi đối đãi với người, đó mới là người con Phật chân chính!

 

 

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6470131
Số người trực tuyến: