Cuộc sống ảo có giúp bạn bớt khổ?
Có phải bạn là một trong số những người hễ gặp chút chuyện nhỏ là kêu than ầm ĩ trên các trang mạng xã hội? Có phải bạn là một trong số những người thích phơi bày từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống của mình ra cho toàn xã hội để tìm kiếm sự đồng cảm? Có phải bạn là một trong số những người chỉ muốn đăng lên những tấm hình 360 độ “trẻ mãi tuổi 20”?.... Nếu bạn trả lời “Có” cho những câu hỏi tương tự như vậy, bạn đang dần lãng quên cuộc sống đời thực của bản thân, dần lãng quên những hạnh phúc và khổ đau hiện hữu của cuộc sống! Dường như thế giới ảo đang hút cạn sức sống của bạn, khiến bạn không còn động lực để đi tìm mục đích và ý nghĩa của đời sống chân thật.
Theo quan kiến của đạo Phật, cõi Người là nơi mà hạnh phúc và khổ đau xen lẫn nhau một cách hoàn hảo đủ để thôi thúc con người hướng đến hành trình tâm linh. Khổ đau thực sự là những gì gắn liền với đời sống thường nhật của chúng ta. Chúng ta hàng ngày chịu đựng biết bao nỗi khổ, nhưng dường như lại chẳng hề thấy mình đang đau khổ hoặc tự lừa dối mình để tảng lờ những khổ đau, hoặc giả có thấy thì cũng không biết làm gì để cải thiện tình hình. Nếu hàng ngày bạn dũng cảm quán chiếu về những nỗi khổ của thân người, nhận ra rằng chúng đều sinh khởi từ trong tâm, và bạn chính là người có khả năng chuyển hóa chúng, dần dần bạn có thể tự giải phóng mình khỏi những nỗi khổ đau ngay trong đời sống hiện tại mà không cần phải cầu cứu sự đồng cảm của hàng ngàn người bạn ảo trên mạng.
Quán chiếu về khổ của kiếp người không phải để chúng ta sống bi lụy, chán đời. Chúng ta học nỗi khổ của kiếp người để tìm ra cách chuyển hóa. Khổ trong Kiếp người mà chúng ta đang gánh chịu chính là kết quả của những hạt giống mà chúng ta đã gieo từ đời trước. Chúng ta quán sát khổ để đoạn trừ nhân của khổ chứ không khởi tâm oán thán, than phiền.
Trong kinh có nói rằng, Đức Phật lấy hình ảnh có một con rùa mù chìm dưới đáy biển, một ngàn năm mới nổi lên mặt biển một lần. Trong lần nổi lên ấy, nếu rùa mù tìm được một nơi nào để chui vào, nó sẽ thoát cảnh chìm đắm dưới biển sâu. Trong biển mênh mông đấy có một bọng cây khô mục, rỗng. Con rùa vừa mù vừa chậm chạp, làm thế nào khi nổi lên có thể chui được vào bọng cây? Đây là điều vô cùng khó. Được sinh làm kiếp người cũng khó như vậy. Trong kiếp người, mỗi chúng ta đã có được một thân người, chúng ta quán sát để thấy rằng thân người chúng ta chỉ mong manh tạm bợ. Chúng ta sống như thế nào nhưng không lấy gì đảm bảo. Ngày mai hay đời sau, cái gì đến trước, chúng ta không biết. Vì vậy, nếu quán sát được bản chất tạm bợ, mong manh giả tạm của thân người, thì chúng ta sẽ chọn cho mình chỗ nương tựa nào vững chắc, đảm bảo hơn là thân người mình đang có. Chỉ có một cách duy nhất là chúng ta hướng đời mình vào giáo pháp, nương vào Tam bảo. Đức Phật dạy rằng, mỗi ngày chỉ cần chúng ta bớt ra một chút thời gian, tĩnh tâm lại để nhớ về con đường tâm linh, bằng bất kỳ phương pháp nào như ngồi thiền, tụng kinh, hay trì tụng chân ngôn,… thì chúng ta sẽ tự tạo cho mình hành trang bước vào cõi khác an lành hơn.
Cõi Người có tám nỗi khổ sau:
1. Bốn nỗi khổ của thân
Sinh khổ
Sau khi đã vào bào thai mẹ và cho đến khi ra đời, bạn trải qua từng nỗi đau liên kết với năm giai đoạn phát triển bào thai và với từng thời kỳ thân thể phát triển. Khi ở trong bào thai, tưởng tượng bạn bị đặt trong một cái nồi sắt đầy những thứ nhơ uế khác nhau, nắp đậy tối om. Không cách gì bạn có thể ở lại đấy một ngày, vậy mà bạn phải ở trong cái thai đầy mùi hôi và bóng tối ấy trong chín tháng rưỡi. Khi sinh ra, bạn đau như là thân thể bị siết bằng đinh ốc. Khi bạn chui ra, bạn giống như bò bị lột da; và khi bạn được đặt trên một cái gối dù mềm mại đến đâu, cũng như thể bị ném trên gai. Khi gió thổi, bạn cảm giác như bị gươm đâm. Khi mẹ bế bạn vào lòng, cảm giác sẽ như một chú chim sẻ đang bị cắp trong móng diều hâu. Những điều ấy làm cho bạn kinh hãi.
Già khổ
Thân thể héo mòn, sức khỏe tàn tạ, các căn suy sụp, sự thưởng thức ngũ dục thoái hóa, mạng sống giảm dần, những giác quan, trí tuệ trở nên đờ đẫn, thân thể bạn cong xuống như cây cung; bạn ngồi xuống đứng lên một cách khó nhọc; tóc bạn bạc trắng; da nhiều nếp nhăn, bạn trở nên xấu xí như một kẻ ăn mày. Nếp nhăn và tóc bạc là những dấu hiệu báo hiệu rằng thần chết sắp mang bạn đi, và bạn sẽ phải trải nghiệm nỗi khổ đau vì phấp phỏng sợ lo cho cái chết sắp đến.
Người già sống dường như nặng nề. Mỗi ngày trôi qua, đôi khi rảnh rỗi thì ảo tưởng lại thời trẻ rồi tiếc nuối. Nếu không biết tìm cho mình chỗ nương tựa tâm linh thì cuộc sống của người già thật hiu quạnh.
Bệnh khổ
Bạn đau khổ vì cơ thể thay đổi, bệnh tật dằn vặt, dày vò bạn từng phút từng giờ. Khi lâm bệnh, dù nặng hay nhẹ, bạn thấy mình mất đi sức lực và sự chủ động tự do tương đối vốn có vì những đau đớn lấn át khiến bạn không còn thiết tha, ham muốn bất cứ thú vui, sự hưởng thụ nào. Cơ thể gầy mòn, khô héo dù cho bạn đang tuổi xuân. Nếu bị bệnh nặng, bạn càng lo sợ vì sự sống đang rời xa mình. Bạn tiếc nuối những gì mình đang làm dở hay ân hận vì đã không thực hành Phật pháp, bởi cho đến lúc này, khi bệnh tật đã chế ngự thì bạn chẳng còn đủ sức khỏe và minh mẫn để thực hành. Nếu gặp một cơn bệnh đột ngột dẫn đến tử vong, bạn thậm chí không còn cơ hội để lại lời trăn trối. Khi thực hành quán niệm về Bệnh khổ, bạn cũng có thể quán chiếu chi tiết về từng loại bệnh, mỗi loại sẽ gây ra cho bạn những đau đớn và những bất hạnh khác nhau. Nếu thiền quán sâu hơn nữa, mỗi lần vào bệnh viện, thấy người bệnh quằn quại đau đớn vì những căn bệnh như ung thư, hay bất kỳ căn bệnh nào mà bạn chứng kiến, hãy suy xét để có thể phát được tâm từ bi cảm thông và chia sẻ với những người đang bệnh và hiểu rằng đó là quy luật chung.
Chết khổ
Khi cái chết đến, bạn bắt buộc phải chia ly với thân thể mà bạn vẫn tự nhận là cái “tôi” của mình, với gia đình người thân, với tài sản và mọi sự sở hữu, tất cả đều phải bỏ lại. Khi chết, bạn phải trải qua nỗi đau đớn mãnh liệt của thân xác và sự sợ hãi khủng khiếp trong tâm. Khi cái chết đến, bạn không có cách gì ngăn chặn hay lảng tránh nó.
Thứ nhất, nỗi khổ của người chết là nỗi khổ cô đơn. Nếu không có niềm tin với giáo pháp, người chết sẽ vô cùng đau khổ vì muốn sống mà không được sống. Những người yêu thương sắp phải xa rời. Chính nỗi khổ đó khiến vong hồn không siêu thoát, nên Kinh nói nỗi khổ là cô đơn, khổ bởi không chấp nhận cái chết.
Thứ hai, cái chết giống như bạn chuẩn bị thay một áo mới, bỏ áo cũ. Dĩ nhiên áo mới tốt hay xấu phụ thuộc vào nghiệp của đời này. Về mặt tâm linh, chúng ta không bao giờ chết mà đi vòng quanh trong 6 đạo. Khi chết nghĩa là chúng ta từ bỏ thân tứ đại mà mình mượn tạm một thời gian.
2. Bốn nối khổ của tâm
Khổ vì yêu thương phải xa lìa (Ái biệt ly khổ)
Bạn phải xa lìa những người, đối tượng hay hoàn cảnh mà mình yêu thích. Đây là nỗi khổ bạn có thể thấy phổ biến trong cuộc sống. Lúc sống mình thương quý con cái, vợ chồng, vậy mà vẫn phải xa cách. Sống trong sự xa cách chính là khổ. Để chuyển hóa được nỗi khổ này, chúng ta cần quán chiếu về vô thường và giảm bớt đi tâm ái luyến.
Khổ vì oán ghét, hận thù mà phải gặp gỡ (Oán tắng hội khổ)
Ngược lại với nỗi khổ trên, bạn lại càng khổ sở, ức chế, đọa đày khi phải gặp gỡ, chung sống với những người, đối tượng hay hoàn cảnh mà mình chán ghét. Bởi vậy trong đạo Phật có dạy bạn đừng ghét ai, bạn sẽ không có khổ oán tắng, đừng yêu ái quá để không có khổ biệt ly.
Khổ vì mong cầu không được (Cầu bất đắc)
Nguyên nhân của nỗi khổ này là do chính tâm không biết đủ của bạn. Dù có được những gì mình muốn, bạn lại tiếp tục mong cầu nhiều thứ tốt đẹp hơn nữa. Kết quả là bạn chẳng bao giờ thỏa mãn, luôn chạy theo vọng tưởng và những thứ mình không có.
Muốn thoát khổ cầu bất đắc, bạn phải quán chiếu về nghiệp. Những điều ngoài tầm tay, tức đời trước đã không gieo thì đừng mong hái quả, đừng mong cầu cái gì ngoài tầm tay mình. Đời người khổ vì chúng ta mong cầu quá nhiều, mà chủ yếu là mong cầu ngoài khả năng. Nên người thực hành phật pháp không nên mong cầu quá nhiều mà hãy để tùy duyên, nếu là duyên của mình thì sẽ được.
Năm ấm xúy thịnh khổ
Nỗi khổ chi phối tất cả khổ của loài Người là năm ấm xúy thịnh khổ, nghĩa là trong năm yếu tố tạo nên bản ngã (gồm Sắc thuộc phần vật chất và thân tứ đại, Thọ là cảm thọ, Tưởng là tư tưởng hình ảnh, tâm của chúng ta, Hành là sự vận hành dòng tâm, Thức là tâm thức tổng thể), nếu không thể hòa đồng mà lại có yếu tố nào thịnh quá sẽ khiến tạo nên sự mất cân bằng gây ra khổ đau thân tâm.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 645
Viết bình luận