Phép quán đơn giản giúp bạn nhanh chóng kiểm soát cơn giận
Trong cuộc sống, mọi người dễ dàng nóng giận vì nhiều lý do khác nhau. Một số người bực bội trước việc xả rác bừa bãi của người khác hay tức tối khi lái xe và va chạm trên đường. Hay bạn cũng có thể giận dữ với một kẻ du côn, sân lên khi thấy người thân của mình bị xúc phạm v.v…. Dường như cơn giận nào cũng chính đáng nhưng điều quan trọng là bạn biết cách phân tích, quán chiếu cơn giận của mình thay vì để nó dẫn dắt bạn một cách mù quáng. Sau đây là phương pháp phân tích đơn giản và hiệu quả giúp bạn nhận ra sân giận khi nó chỉ vừa mới nhen nhóm, để sân giận không thiêu đốt tâm bạn, và giúp bạn tránh tạo ác nghiệp là nhân tái sinh vào cõi địa ngục.
Tác hại của sân giận
Trong một loạt suy nghĩ tiêu cực mà trái tim con người phải chịu đựng, sân giận có lẽ là nguy hại nhất đối với bản thân và người khác. Cảm giác giận dữ mãnh liệt tới mức bạn có thể cảm nhận thấy từng cơn sóng dữ dội cuộn trào trong lồng ngực, khiến cả khuôn mặt bạn nóng bừng và đỏ ửng. Cơn giận có thể xuyên qua xương thịt, tiêm nhiễm những ý nghĩ nhiễm ô, tiêu cực vào huyết mạch bạn. Chẳng mất nhiều thời gian để sân giận phát tác, đôi khi nó khiến bạn quên mất bản thân mình là ai, đang ở đâu, làm gì, trừ khi bạn có đủ trí tuệ để kiểm soát sân giận và buông bỏ nó vĩnh viễn.
Bởi vậy Đức Phật từng so sánh bản chất của sân giận với một băng cướp xấu xa. Những tên cướp không chỉ lấy trộm đồ đạc mà còn tra tấn, bẻ gãy chân tay khiến bạn phải chịu nỗi đau đớn kinh hoàng.
Kịch bản thực tế: Có người nợ tiền bạn
Giả sử bạn đang tản bộ trên đường thì nhận ra một người quen cũ. Trước đó vài năm, bạn đã tin tưởng cho anh ta vay một khoản tiền lớn. Cầm tiền từ tay bạn chưa được bao lâu thì anh ta đã biến mất tăm!
Mọi nỗ lực liên lạc với anh ta đều vô ích. Bởi vì chuyện này mà bạn lâm vào một thời kỳ tài chính khó khăn khá nghiêm trọng. Lúc nào bạn cũng muốn tìm anh ta để đòi lại số tiền đã cho vay. Bạn càng muốn gặp mặt anh ta trực tiếp để biết rõ nguyên nhân tại sao anh ta lại đối xử với bạn như vậy.
Bây giờ, người đàn ông mà bạn vẫn luôn tìm kiếm đang tiến lại gần.
Phân tích tiến trình diễn biến của tâm sân giận
Đầu tiên, chúng ta cùng thừa nhận rằng tình huống như thế này sẽ càng đổ thêm dầu vào lửa cho những suy nghĩ sân giận trong tâm trí con người. Với giả định đó, chúng ta hãy phân tích diễn biến của tâm qua từng giai đoạn nêu trên.
Tiến trình thứ 1: Các giác quan của bạn nhận dạng đối tượng sân giận. Khoảnh khắc bạn nhìn thấy người đó, bước đầu tiên đã hoàn tất. Đây là bước nhận dạng đối tượng qua các giác quan.
Tiến trình thứ 2: Bạn có cảm giác bất như ý về đối tượng đó. Không lâu sau khi nhận dạng, bạn sẽ bắt đầu nhận biết anh ta là ai. Nhận dạng và nhận biết có phải là một không? Không đâu! Nếu bạn chưa từng biết người này, bạn vẫn sẽ nhận dạng anh ta là một người đàn ông, nhưng không nhận biết anh ta theo định kiến mà bạn đã nghĩ về anh ta từ trước. Chính suy nghĩ úp chụp đã gây cho bạn cảm giác khó chịu.
Tiến trình 3: Cảm giác khó chịu đối với đối tượng sẽ dẫn tới tâm bất như ý. Chúng ta luôn có phản ứng cự tuyệt những gì chúng ta nhận biết là khó chịu.
Tiến trình 4: Từ suy nghĩ bất như ý làm nảy sinh trong tâm nhiều ý nghĩ vô minh khác, kéo theo những chuyện trong quá khứ, sự phán xét, cái tôi, và các xúc tình tiêu cực khác, v.v.
Nếu không kiểm soát tư tưởng vô minh này, nhiều ý nghĩ tiêu cực tương tự khác sẽ dấy khởi trong tâm. Suy nghĩ về một chuyện trong quá khứ sẽ dẫn tới sự phán xét, kích động cái tôi và nhen nhóm lên những xúc tình tiêu cực. Cũng như lửa gần rơm thì bén, một ý nghĩ bất như ý sinh ra bao niềm cay đắng, giống như phản ứng dây chuyền. Tại thời điểm này, bạn có thể cảm nhận được ngọn lửa sân giận đang quẩn quanh trong lồng ngực.
Tiến trình 5: Từ những đốm lửa là những ý nghĩ tiêu cực, các tổ hợp tâm lý nhiễm ô, độc hại bắt đầu xuất hiện. Những ý nghĩ mãnh liệt ấy sẽ buộc bạn phải hành động. Chúng sẽ xúi giục bạn phải làm gì và vin vào những phán xét ở các tiến trình trước làm căn cứ cho những lời xúi giục ấy.
Đây là thời điểm mà bạn suy nghĩ xem nên đáp lại anh ta thế nào, làm sao để khiến anh ta trả lại tiền. Bạn sẽ bắt đầu tưởng tượng cảnh tóm cổ áo anh ta và cao giọng gay gắt hỏi tại sao lại phản bội lòng tin của bạn.
Nguy hiểm ở chỗ nếu áp lực tăng lên quá cao và tâm trở nên dao động bất ổn, bạn sẽ làm theo sự xui khiến của một loạt tổ hợp tâm lý tiêu cực đó. Chính từ đây, sân giận bắt đầu thực sự nắm dây cương điều khiển người đã đầu hàng nó.
Bạn hãy thử áp dụng bài phân tích này để xem tâm sân giận của bạn đi qua tất cả những tiến trình ấy trong bao lâu? Có thể chưa quá 1 giây đâu bạn nhé!
(Nhóm ĐBT biên soạn)
(Còn tiếp)
- 748
Viết bình luận