Ma Da Thánh mẫu thỉnh vấn Bồ tát Địa Tạng về những tội báo phải đoạ địa ngục Vô gián | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ma Da Thánh mẫu thỉnh vấn Bồ tát Địa Tạng về những tội báo phải đoạ địa ngục Vô gián

Địa Tạng (Bồ tát), tiếng Phạn là Khất Thoa Để Bá Sa (Ksitigarbha), tiếng Hán gọi đủ là “U minh Giáo chủ Địa Tạng vương Bồ tát”. Địa Tạng Bồ tát trụ ở cung trời Đao Lợi (là cảnh trời thứ 2 trong  6 cõi trời của Dục giới trên đỉnh núi Tu Di cõi Diêm Phù Đề). Kinh Địa Tạng bản nguyện chép: Khi đức Phật Thích Ca lên cung trời Đao Lợi để thuyết pháp cho Thánh mẫu nghe, giữa chốn đại hội đủ hết thảy chư Phật, chư Bồ tát và các vị thánh chúng, Ngài ân cần phó chúc (dặn dò) cho Bồ tát Địa Tạng rằng: “Ta đem việc chúng sinh ở cõi trời và cõi người chưa thoát khỏi tam giới, lục đạo, còn bị ở trong nhà lửa, nhờ cậy ở Bồ tát đừng để cho chúng sinh ấy đày đọa trong mọi nơi ác đạo”. Kinh còn chép: Ở vào khoảng sau khi đức Thích Ca Mâu Ni diệt độ, mà đức Di Lặc chưa ra đời thì đức Bồ tát Địa Tạng thường hiện thân vào cõi nhân gian, cõi thiên giới và cõi địa ngục để cứu khổ cho chúng sinh. Bởi có lời phó chúc của Phật và lại có thần thông rất lớn nên Địa Tạng Bồ tát thường hay biến hiện lên xuống trong lục đạo để hóa độ chúng sinh.

Quả bảo của chúng sinh cõi Diêm Phù Đề

Giữa hội chúng, Ma Da Thánh Mẫu chắp tay cung kính mà hỏi Ngài Ðịa Tạng Bồ tát: “Thánh giả! Chúng sinh trong cõi Diêm Phù Ðề tạo nghiệp sai khác, cảm thọ quả báo ra thế nào?”.

Ngài Ðịa Tạng Bồ tát đáp rằng: “Trong nghìn muôn thế giới cho đến quốc độ, hoặc nơi thời có địa ngục, nơi thời không có địa ngục, hoặc nơi thời có hàng nữ nhân, nơi thời không có hàng nữ nhân, hoặc nơi có Phật Pháp, nơi thời không có Phật Pháp, nhẫn đến bậc Thanh văn và Bích Chi Phật, v.v... cũng sai khác như thế, chớ chẳng phải riêng tội báo nơi địa ngục sai khác thôi đâu!”

Ma Da Thánh Mẫu lại bạch cùng Bồ tát rằng: “Tôi muốn nghe tội báo trong cõi Diêm Phù Ðề chiêu cảm lấy ác đạo”. Ngài Ðịa Tạng đáp rằng: “Thánh Mẫu! Trông mong ngài lóng nghe nhận lấy, tôi sẽ lược nói việc đó. Danh hiệu của những tội báo trong cõi Nam Diêm Phù Ðề như dưới đây:

1. Như có chúng sinh chẳng hiếu thảo với cha mẹ, cho đến giết hại cha mẹ, kẻ đó phải đọa vào Vô Gián địa ngục mãi đến nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được.

Đề Bà Đạt Đa đẩy đá hại Phật bị đọa địa ngục Vô Gián

2. Như có chúng sinh nào có lòng ác, làm thân Phật bị thương chảy máu, khinh chê ngôi Tam Bảo, chẳng kính Kinh điển, cũng phải đọa vào Vô Gián địa ngục, trong nghìn muôn ức kiếp không khi nào ra khỏi được.

3. Như có chúng sinh xâm tổn của thường trụ, ô phạm Tăng, Ni, hoặc tứ tình làm sự dâm loạn trong chốn chùa chiền, hoặc giết hoặc hại... phải đọa vào Vô Gián địa ngục, trong nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được.

4. Như có chúng sinh giả làm Thầy Sa Môn, kỳ thật tâm chẳng phải Sa Môn, lạm dụng của thường trụ, trái phạm giới luật, gạt gẫm hàng bạch y, tạo nhiều điều tội ác. Hạng người như thế phải đọa vào Vô Gián địa ngục, trong nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được.

5. Như có chúng sinh trộm cắp những tài vật lúa gạo, đồ ăn uống y phục, v.v... của thường trụ, cho đến không cho mà lấy một vật, kẻ đó phải đọa vào Vô Gián địa ngục trong nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được.

Ngài Ðịa Tạng Bồ tát thưa rằng: “Thánh Mẫu! Nếu có chúng sinh nào phạm những tội như trên đó thời phải đọa vào địa ngục ngũ Vô Gián, cầu tạm ngừng sự đau khổ chừng khoảng một niệm cũng không được”.

Vô Gián địa ngục ở đâu?

Ma Da Thánh Mẫu lại bạch cùng Ðịa Tạng Bồ tát: “Thế nào là Vô Gián địa ngục?”.

Ngài Ðịa Tạng Bồ tát thưa rằng: “Thánh Mẫu! Bao nhiêu địa ngục ở trong núi Thiết Vi, lớn có 18 chỗ, thứ kế đó 500 chỗ danh hiệu đều riêng khác nhau, thứ kế lại có nghìn trăm danh hiệu cũng đều riêng khác nhau.

Nói về địa ngục Vô Gián đó, giáp vòng ngục thành hơn tám muôn dặm, thành đó thuần bằng sắt cao đến một muôn dặm. Lửa cháy trên thành không có chỗ nào hở trống. Trong ngục thành đó có các nhà địa ngục liên tiếp nhau đều có danh hiệu sai khác.

Riêng có một sở ngục tên là Vô Gián. Ngục này chu vi một muôn tám nghìn dặm, tường ngục cao một nghìn dặm, toàn bằng sắt cả. Lửa cháy hực hở suốt trên suốt dưới. Trên tường ngục rắn sắt, chó sắt, phun lửa đuổi nhau chạy bên này sang bên kia.

Trong ngục có giường rộng khắp muôn dặm. Một người thọ tội thời tự thấy thân mình nằm đầy chật cả giường, đến nghìn muôn người thọ tội cũng đều tự thấy thân của mình nằm chật cả trên giường. Ðó là do vì những tội nghiệp đã tạo ra nó cảm vời như thế.

Lại những người tội chịu đủ sự khổ sở: trăm nghìn quỷ Dạ Xoa cùng với loài ác quỉ, răng nanh bén nhọn dường gươm, cặp mắt chói sáng như chớp nhoáng, móng tay cứng như đồng, móc ruột bằm chặt. Lại có quỉ Dạ Xoa khác cầm chĩa ba lớn bằng sắt đâm vào mình người tội, hoặc đâm trúng miệng mũi, hoặc đâm trúng bụng lưng... rồi dồi lên trên không, lấy chĩa ba hứng lấy để lại trên giường.

Lại có diều hâu bằng sắt mổ mắt người tội.

Lại có rắn sắt cắn đầu người tội. Nơi lóng đốt khắp trong thân thể đều lấy đinh dài đóng xuống giường, kéo lưỡi ra rồi cày bừa trên đó, lôi kéo người tội, nước đồng đổ vào miệng, dây sắt nóng đỏ quấn lấy thân người tội, một ngày một đêm, muôn lần chết muôn lần sống lại. Do vì tội nghiệp mà cảm lấy như thế, trải qua ức kiếp, không lúc nào ra khỏi được.

Lúc thế giới này hư hoại thời sinh nhờ qua địa ngục ở thế giới khác. Lúc thế giới khác đó hư hoại thời lại sinh vào cõi khác nữa. Lúc cõi khác đó hư hoại thời cũng xoay vần sinh vào cõi khác. Ðến khi thế giới  này thành xong thời sinh trở về thế giới này. Những sự tội báo trong ngục Vô Gián như thế đó.

Vì sao gọi là Vô Gián địa ngục?

Địa ngục đó do có năm điều nghiệp cảm, nên gọi là Vô Gián. Năm điều đó là:

1. Tội nhân trong đó chịu khổ ngày lẫn đêm, cho đến trải qua số kiếp không lúc nào ngừng ngớt, nên gọi là Vô Gián.

2. Một người tội thân đầy chật cả ngục, nhiều người tội mỗi mỗi thân cũng đều chật đầy cả ngục, nên gọi là Vô Gián.

3. Những khí cụ để hành hình tội nhân như: chĩa ba, gậy, diều hâu, rắn, sói, chó, cối giã, cối xay, cưa, đục, dao mác, chảo dầu sôi, lưới sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt, da sống niền đầu, nước sắt nóng rưới thân, đói thời ăn hoàn sắt nóng, khát thời uống nước sắt sôi. Từ năm trọn  kiếp, đến vô số kiếp những sự khổ sở nối nhau luôn không một giây ngừng ngớt nên gọi là Vô Gián.

4. Không luận là trai hay gái, Mường, Mán, Mọi rợ, già trẻ, sang hèn, hoặc là Rồng, là Trời, hoặc là Thần, là Quỉ, hễ gây tội ác theo đó mà cảm lấy, tất cả đều đồng chịu khổ nên gọi là Vô Gián.

5. Nếu người nào bị đọa vào địa ngục đó, thời từ khi mới vào cho đến trăm nghìn kiếp mỗi một ngày đêm muôn lần chết, muôn lần sống lại, muốn cầu tạm ngừng chừng một khoảng niệm cũng không đặng, trừ khi tội nghiệp tiêu hết mới đặng thọ sinh. Do vì lẽ liên miên mãi nên gọi là Vô Gián.

Ngài Ðịa Tạng Bồ tát thưa Thánh Mẫu rằng: “Nói sơ lược về địa ngục Vô Gián như thế. Nếu nói rộng ra thời tên của những khí cụ để hành tội cùng những sự thống khổ trong địa ngục đó, dầu đến suốt một kiếp cũng không thể nào nói cho hết được”.

Ma Da Thánh Mẫu nghe Ngài Ðịa Tạng Bồ tát nói xong, buồn rầu khôn xiết và xót thương chúng sinh vì vô mình mà phải chịu nghiệp báo bị đày đọa, cực hình nơi đường ác. Bà chắp tay đỉnh lễ Bồ tát mà lui ra.

(Thuật theo Kinh Địa tạng Bồ tát bản nguyện – Phẩm thứ ba

Dịch giả: HT. Thích Trí Tịnh

NXB Tôn giáo)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6411131
Số người trực tuyến: