Ai có thể giúp Tự tính tâm của bạn hiển lộ? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ai có thể giúp Tự tính tâm của bạn hiển lộ?

Sự thật căn bản của vạn pháp, cho dù thuộc về nội tâm như các xúc tình phiền não và trạng thái của tâm, hay thuộc về ngoại cảnh như cỏ cây hoa lá,… tất cả đều nằm trọn vẹn trong cùng một phạm trù vĩ đại là "Tự tính tâm". Giả sử một người chưa từng nếm vị của đường hỏi người khác vị đường như thế nào. Câu trả lời có thể là “nó rất ngọt”. Nhưng vị ngọt của đường như thế nào thì không có cách nào giải thích được, chỉ có chính bản thân bạn phải nếm nó. Cũng tương tự như vậy, trải nghiệm trực tiếp về Tự tính tâm không có từ ngữ nào giải thích được. Chân lý tối thượng này là điều duy nhất mà chính bản thân mỗi người cần nhận ra. Nhận ra được chân lý ấy chính là giác ngộ!

Dù thường nói và thảo luận về “tâm” nhưng thực sự chúng ta chưa có hiểu biết đầy đủ về khái niệm này. Tâm là gì, ở đâu, kích cỡ, hình dáng, màu sắc thế nào? Nằm ở tim, trên não hay phần nào của cơ thể? Làm sao có thể nhận ra được tâm? Dù đàm luận dưới góc độ nào, chúng ta cũng không có câu trả lời cho những vấn đề này bởi những gì được cho là “tâm” đều không thực sự tồn tại. Tâm không có thành phần hay cấu tạo, không có màu sắc, hình dáng, mùi vị. Tuy vậy, bạn vẫn cần phải có được chút ý niệm về tâm. Nếu như ngay cả thông tin ban đầu này cũng sai lệch thì bạn sẽ không biết mình đang làm gì. Bạn có thể tưởng rằng mình đang thực hành đạo giải thoát song thực chất lại chẳng đi đến đâu cả. Giống như để có thể đi du lịch đến một nơi nhất định, trước hết chúng ta cần phải có ý niệm về con đường cần đi và cái đích cần đến.

Để có thể giúp bạn có ý niệm ban đầu về tâm, chúng ta có thể tạm phân tích tâm ở hai khía cạnh: Thể và Dụng của Tâm.

1. Thể của tâm

Thể của tâm, hay bản tính của tâm, vốn là vô niệm, nghĩa là không có tư tưởng phân biệt, chia cắt, không có vọng tưởng. Vì vô niệm, nó là thanh tịnh, các tư tưởng không thể gây nhiễm ô và làm hư hại bản tính của tâm. Bản chất Tâm này còn được gọi là Pháp thân, Bản giác, Chân như, Phật tính, Như Lai,…

Nói cách khác, thể của tâm hay bản tính của tâm là tính không, thường trụ bất biến, từ xưa đến nay chưa hề tăng giảm, chẳng phải trước kia thì sinh, về sau thì diệt. Không ở đây không có nghĩa là hư không vô tri không có gì cả, mà ngược lại từ xưa nay, tự tính tâm có đủ tất cả các công đức: đại trí tuệ quang minh; chiếu soi khắp pháp giới; chân thật rõ biết; bản lai vốn thanh tịnh; Thường, Lạc, Ngã, Tịnh; tự tại trong mát không biến đổi.

Tự tính tâm không có giới hạn về không gian, thời gian và không phải cái gì cụ thể. Bản chất của tự tính tâm bao trùm khắp vạn pháp và tồn tại như vốn có cả bên trong và bên ngoài tâm, nơi chính bản thân chúng ta, nơi tất cả chúng sinh và toàn bộ vũ trụ pháp giới. Cho nên, tự tính tâm vốn sẵn đủ trong tất cả chúng sinh bình đẳng không sai khác, dù chúng ta đang đau khổ hay an vui. Tâm chúng ta giống với tâm giác ngộ của Đức Phật, không có sự khác biệt.

thể của tâm vốn vô niệm, không bị các tư tưởng làm cho nhiễm ô, biến chất nên bản tính giải thoát đó có sẵn và đầy đủ nơi mỗi chúng ta. Đây là nền tảng và mục tiêu thực chứng cho mọi sự thực hành của chúng ta.

2. Dụng của Tâm

Dụng của tâm là mọi biểu lộ của tâm thành những tư tưởng, xúc cảm trong nội tâm, hoặc những đối tượng của tâm phân biệt, như cỏ hoa, muông thú, sông núi, thành phố,… của ngoại cảnh. Những tư tưởng xúc cảm này có thể tích cực hay tiêu cực, thanh tịnh hay phiền não. Chỉ có điều, phần lớn chúng ta thường cho rằng ảo tưởng đó là duy nhất và không thay đổi, tạo ra niềm tin cố chấp vào một “cái tôi” hay bản ngã nên hay sinh tâm phiền não. Việc chấp trước vào bản ngã hay một chủ thể”cái tôi” đã dẫn đến sự phân biệt và chia rẽ tự tính tâm của chúng ta thành hai phần, tạo nên mối quan hệ nhị nguyên giữa “chủ thể” và “khách thể”, “cảnh” và “người ngắm cảnh”, “cảm giác” và “người tiếp nhận cảm giác”, “suy nghĩ” và “người suy nghĩ”. Đây chính là nền tảng tạo nên sự bám chấp. Kết quả là chúng ta thường thuận theo những gì hợp với bản ngã và không thích những gì trái với bản ngã: “tôi muốn thế này” và “không muốn thế kia”... Thật ra, cái trói buộc, khiến chúng ta đau khổ, lạc lõng và mắc kẹt trong sinh tử chính là những tư tưởng và xúc cảm bị méo mó của chính mình. Sinh tử chính là sự thể hiện của những tư tưởng và xúc cảm bị méo mó do vô minh chấp ngã đó. Bản thân sinh tử không hề thực sự tồn tại như cách chúng ta nghĩ nó là.

Thực tế, không tồn tại “cái tôi” hay bản ngã vượt ra tâm thức của bạn, không có “cái tôi” nào tồn tại tách biệt với vạn pháp, vạn pháp là những thứ bạn đang trải nghiệm. Chúng ta không có quyền sở hữu bất cứ cái gì. Nếu không nhận ra điều này và thường làm theo những gì phù hợp với bản ngã, chúng ta sẽ tiếp tục chịu khổ đau. Thế nên, chúng ta phải chuyển hóa, tịnh hóa nhiễm ô, đưa chúng trở lại thật thểthật dụng của nó. Theo Đại thừa - Kim Cương thừa, sự chuyển hóa ấy là:

  • A-lại-da thức chuyển trở về Đại viên cảnh trí,

  • Mạt-na-thức chấp ngã chuyển thành Bình đẳng tính trí,

  • Ý thức phân biệt chuyển thành Diệu quan sát trí,

  • Năm thức giác quan chuyển thành Thành sở tác trí.

Đây là sự chuyển giả về chân, vọng về thật. Nền tảng và kết quả của sự chuyển hóa này được y cứ trên sự thật là thểdụng chỉ là một, như sóng và nước đại dương là một, như hình bóng hồi quang phản chiếu trong gương và bản thân gương là một.

Từ những chúng sinh thông thường cho tới những bậc Thánh nhân, ai cũng có dụng của tâm. Dụng vô minh của tâm sẽ đưa chúng ta vào hành trình sinh tử khổ đau, còn nếu biết tịnh hóa nhiễm ô, thấu rõ được chúng, thì những dụng của tâm ấy sẽ đưa chúng ta trở lại Niết bàn an lạc - thật tướng của sinh tử - mặc dù về mặt thể của tâm, vốn chẳng có Niết bàn hay Luân hồi. Giống như nước, trạng thái tự nhiên của nước là chất lỏng nhưng sẽ chuyển thành đá khi bị đóng băng, tự tính tâm dường như cũng khác biệt khi bị vô minh và ảo tưởng bao phủ. Tuy nhiên tự tính tâm không ở đâu cả, cũng giống như nước vốn không ở đâu cả. Khi đá tan chảy, nước trở về bản chất tự nhiên của nó. Khi chúng ta loại bỏ tâm vô minh, tự tính của chúng ta được hiển bày.

Vô Úy

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6341199
Số người trực tuyến: