Trưởng dưỡng trí tuệ để không rơi vào cạm bẫy mê tín
Trong những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về các vụ việc đau lòng khiến nhiều người dân phải chịu thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong do các hành động mê tín dị đoan. Niềm tin vào sự thần bí là nhu cầu có thật của con người, và theo các nhà khoa học, nó lớn hơn mọi chứng cớ phản bác. Niềm tin đó được gọi là mê tín, hay một dạng biểu hiện tâm lý yếu đuối, thiếu niềm tin vào bản thân, cầu viện vào một đấng siêu nhiên, thần quyền để cầu xin vụ lợi cá nhân, thậm chí làm tổn hại đến người khác.
Là người Phật tử chân chính, chúng ta cần có sự lựa chọn đúng đắn giữa các hoạt động tâm linh và các hành vi mê tín. Sự thờ cúng và cầu nguyện vào một đấng siêu nhiên nào đó để đạt được sự lợi lạc về vật chất, sự may mắn cho bản thân rõ ràng đi rất xa so với bản chất của đạo Phật, đó chính là giác ngộ tự tính tâm. Sự giúp ích cho các hoạt động mê tín dị đoan vô tình đẩy con người vào bóng đêm của vô minh, dẫn đến một lối sống bế tắc và thiếu định hướng tâm linh đúng đắn. Tất cả chúng ta đều mong cầu hạnh phúc, vì thế chúng ta đều muốn được giải thoát khỏi khổ đau và con đường duy nhất giúp chúng ta đạt được mong nguyện này là đạt tới giác ngộ. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường, nhưng đích thân chúng ta phải bước đi trên con đường đó.
Quay về nương tựa
Hải đảo tự thân
Chính niệm là đuốc
Soi sáng xa gần
(Kinh Pháp cú)
Tự tính tâm chính là nguyên lý căn bản của quy luật nghiệp
Mỗi tôn giáo có các cách tiếp cận khác nhau. Chẳng hạn một vài tôn giáo tin vào Thượng đế. Họ tin tưởng rằng Thượng đế, hay đức Chúa Trời là Đấng Sáng tạo nên toàn bộ vũ trụ và đời sống của con người. Vì vậy, để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, hiển nhiên, họ cần phụng sự Chúa, làm Ngài hài lòng và họ cần phải tu dưỡng và trau dồi đạo đức, giữ gìn giới luật ... để đến được cái đích cuối cùng là làm Thượng Đế hoan hỷ.
Còn đạo Phật không phải như vậy. Đức Phật luôn thuyết giảng về “nghiệp”, “quy luật nghiệp” hay “luật nhân quả”. Triết học Phật giáo cho rằng thế giới này không phải do Thượng Đế hay Chúa Trời sáng tạo nên. Sự hình thành của toàn bộ vũ trụ và vận hành của đời sống là do “Nghiệp”. Nghiệp là tích lũy các hành động tạo tác của thân khẩu ý; mọi việc làm, lời nói, suy nghĩ của chúng ta đều có tâm thức, đều phụ thuộc vào tâm và do tâm quyết định. Nghiệp báo hiện tại là kết quả của những hành động chúng ta đã tạo từ trong các kiếp quá khứ. Xét về bản chất sâu xa, tự tính tâm chính là nền tảng, là nguyên lý căn bản của quy luật nghiệp. Không có nghiệp đứng ngoài tâm, không có luật nghiệp khác biệt hay ở ngoài tự tính tâm. Điều này là chân lý.
Có rất nhiều người không hiểu được như vậy. Trên thực tế, các Phật tử luôn nói đến “nghiệp” hay “quy luật nghiệp”, đều hiểu rằng Nghiệp là luật nhân quả báo ứng. Từ những hành giả tu tập cho đến những học giả nghiên cứu Phật pháp đều hiểu điều này, nhưng một cách sâu xa, họ không hiểu rằng về bản chất Nghiệp chính là tự tính tâm. Đó là sự vô minh, nhận thức của chúng ta còn vô cùng phiến diện và thiển cận. Do đó mục đích tu tập và thực hành của mỗi hành giả là giác ngộ bản chất tâm hay tự tính tâm.
Phiếm bàn hý luận thì rất đơn giản nhưng tu tập thực hành khó khăn vô cùng. Vì vậy, Đức Phật từ bi đã giúp chúng ta tìm ra giải pháp. Giải pháp căn bản nhất chính là “Nghiệp”: chúng ta cần giác ngộ về “nghiệp”, thực hành “nghiệp”, trưởng dưỡng và định hướng “nghiệp” một cách đúng đắn. Cách tiếp cận đúng đắn về Nghiệp sẽ đem lại cho chúng ta một đời sống quân bình, tự tại và lợi ích. Nói một cách chung nhất, có được thân người quý báu này, chúng ta phải biết sống hoan hỷ, an vui, có ý nghĩa và đem lại lợi ích không chỉ cho bản thân, gia đình mà rộng ra cả toàn xã hội.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
Tham khảo thêm
Để có cái nhìn lạc quan về Nghiệp báo
Phương pháp nào chuyển hoá Nghiệp tận gốc?
- 271
Viết bình luận