Pháp thực hành đặc biệt đối trị tham muốn
Lòng tham là sự ham muốn những thứ thuộc về người khác. Một người có thể nhìn thấy người khác có tiền tài, của cải hay những tính cách đáng ngưỡng mộ và khởi tâm tham ái: “Tôi muốn có thứ này. Những thứ này đáng lẽ phải là của tôi”. Tâm tham lam thường bám chấp rất mạnh mẽ vào cả người lẫn vật. Vì tham lam mà chúng ta luôn mong muốn có nhiều hơn, nhiều thú vui hơn, nhiều của cải hơn, được yêu thương nhiều hơn, và không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình có. Tâm tham ái chính là nhân của bất thiện nghiệp.
Động cơ và hành động của tâm tham ái là một bởi cùng xuất phát từ ý nghiệp. Động cơ tiêu cực mong muốn những thứ thuộc về người khác càng tăng trưởng thì càng tạo nền móng vững chắc cho tất cả các bất thiện nghiệp. Bởi tâm được thể hiện qua hành động của thân và khẩu thông qua các xúc tình tiêu cực như sân hận, đố kỵ, tham ái, v.v….
Lòng tham của một người không những làm tổn hại cho người chủ sở hữu mà còn khiến chính người khởi tâm thèm muốn bất an. Mỗi người nên nhận ra rằng chẳng có lợi ích gì khi có những thứ mình muốn bởi lòng tham không bao giờ có thể được thỏa mãn, không bao giờ có điểm kết thúc. Khi đã có một, bạn lại muốn có thêm hai, ba. Vì lòng tham, một người có thể có những hành động bất thiện đối với bản thân và những người xung quanh. Nếu không biết cách kiểm soát, tham muốn sẽ khiến chúng ta ngày càng trở nên bám chấp, cứ mải miết kiếm tìm thứ sẽ mang lại hạnh phúc cho riêng mình.
Chúng ta nên quán niệm rằng: “Tôi thấy những thứ người khác có thật hấp dẫn nhưng những thứ đó không có lợi cho tôi. Bởi lòng tham của con người là vô cùng vô tận, nó như một cái thùng không đáy, có bao nhiêu cũng không đủ. Khi có rồi, tôi lại muốn có thêm nữa. Tôi cứ tự giày vò mình trong khổ đau mãi vì chẳng bao giờ được thỏa mãn. Vì vậy, người có những thứ tôi thích thật ra đang gây chướng ngại cho tôi”. Khi nhận ra được như vậy, bạn sẽ thấy cách tốt nhất để giải thoát khỏi khổ đau là không khởi tâm tham ái.
Tham muốn cũng tạo nên sự bám chấp trong tâm. Không chỉ bị trói buộc trong cách suy nghĩ và nhìn nhận thế giới bên ngoài, chúng ta còn trở nên quá bám chấp vào những đối tượng mình tham muốn. Chúng ta nghĩ một người nào đó sẽ đem lại cũng như có thể tước đoạt hạnh phúc của ta; hoặc nghĩ chỉ cần được thăng chức, chúng ta sẽ có thể nghỉ ngơi và hân hưởng cuộc sống (vậy ngay lúc này thì sao?). Nếu những bám chấp này trở nên quá sâu dầy, chúng sẽ đè nặng tâm trí và ngăn cản chúng ta chẳng còn thấy gì ngoài những tham muốn của mình và đồng thời bỏ qua những điều tốt đẹp ý nghĩa hơn nhiều trong cuộc sống.
Khi một người nhận ra tham ái là bất thiện và sẵn sàng từ bỏ tâm tham, đó là pháp thực hành thiện nghiệp thông thường.
PHÁP THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT: BIẾT BẰNG LÒNG
Pháp thực hành đặc biệt đối trị với tâm tham ái là biết bằng lòng với những gì mình có. Khi đó, bạn sẽ dễ dàng viên mãn những gì bạn muốn làm. Hơn nữa, biết bằng lòng cũng khiến bạn giảm thiểu những phiền toái bạn có thể gây ra cho người khác. Hãy phát triển sự hài lòng biết đủ. Rốt cuộc thì hạnh phúc là gì nếu không phải là sự hài lòng, mà điều này lại bắt nguồn từ tâm trân trọng tri ân. Đơn giản là mỗi giây phút quý giá của cuộc sống, bạn hãy khởi tâm tri ân vô điều kiện và đừng mong đợi điều gì; hãy tri ân bất cứ điều gì đến trong tâm bạn!
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng: Kẻ nào không tham đắm dục lạc thế gian sẽ được 5 công đức tự tại sau:
1. Ba nghiệp thân, khẩu, ý được tự tại, vì nhân các căn được đầy đủ.
2. Của cải được tự tại, vì tất cả giặc thù đều không làm hại được.
3. Phúc đức tự tại, vì khi tâm muốn gì đều được như ý.
4. Ngôi vua tự tại, vì các của cải quý báu đều được người đem đến dâng hiến.
5. Được hưởng phần lợi gấp trăm lần mình đã định, vì kiếp trước mình không có lòng bỏn xẻn.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 791
Viết bình luận