Bí quyết mang lại thành công và giàu có theo lời Phật dạy
Trong kinh “Lời khuyên dạy Vyagghapajja”, Đức Phật giải thích bốn chìa khóa dẫn tới thành công trong cuộc sống cho một thương nhân giàu có tên là Dighajanu. Nhiều người có quan kiến sai lầm cho rằng đạo Phật chỉ chú trọng vào phát triển tâm linh mà xem nhẹ việc gây dựng đời sống vật chất. Đi theo con đường của đạo Phật khiến con người ta trở nên thụ động và thiếu tham vọng thành công về mặt tài bảo trong cuộc sống. Hiểu biết này hoàn toàn sai lầm!
Khái niệm thành công đã trở nên sai lệch nhiều trong thời hiện đại. Theo tiêu chí ngày nay, thành công của một con người thường đi liền với tiền tài, danh vọng hay quyền lực. Tuy nhiên, Đạo Phật quan niệm thành công chỉ trọn vẹn khi nó là như một công cụ để mang lại hạnh phúc cho bản thân bạn và những người khác. Các cư sĩ Phật tử thường coi thành công là điều kiện cần thiết để phát triển tâm linh ở mức độ cao hơn. Càng có nhiều tiền tài và quyền lực trong tay, chúng ta càng có thể giúp đỡ nhiều người, qua đó mà bản thân cũng được hạnh phúc và tạo nên nhiều thiện nghiệp.
Chìa khóa thành công và giàu có trong cuộc sống
Một ngày nọ, Đức Phật đang cư ngụ tại một thị trấn buôn bán có tên Kakkarapatta tại vương quốc của thân mẫu ngài. Một thương nhân giàu có tên Digajanu đến gặp Đức Phật và thỉnh cầu Ngài chỉ dạy làm thế nào để duy trì hạnh phúc và sự giàu có trong đời này và đời sau. Đó là duyên khởi của bài kinh Vyagghapajja.
Đức Phật dạy có bốn điều kiện mang lại sự giàu có và hạnh phúc cho đời sống tại gia trong kiếp sống này, cùng với bốn điều kiện khác giúp mang lại sự giàu có và hạnh phúc trong kiếp sau.
Bốn điều kiện Đức Phật nêu ra là: kiên trì nỗ lực, cẩn trọng, giao du với bạn tốt và cân bằng cuộc sống vật chất.
1. Kiên trì nỗ lực
Chìa khóa đầu tiên để thành công trong cuộc sống là kiên trì nỗ lực. Ở đây Đức Phật khuyên rằng người cư sĩ phải hướng tới cuộc sống khá giả và đảm bảo tài chính qua những “phương thức chính đáng”.
Để kiếm sống một cách “chính đáng”, trước tiên chúng ta phải tránh mọi nghề nghiệp phương hại tới bản thân, tới bất cứ chúng sinh nào khác hay tới môi trường. Thứ hai, ta phải trung thực và tuân thủ đạo đức trong công việc làm ăn. Một tay buôn thuốc phiện có thể làm ăn trung thực nhưng không có nghĩa là công việc của anh ta chính đáng. Công việc của một người bác sĩ sẽ không phải là chính đáng nếu anh ta không trung thực và tuân thủ đạo đức. Họ có thể kiếm thật nhiều tiền hay trở thành những nhân vật quyền lực trong cộng đồng, nhưng chắc chắn rằng họ sẽ không thành công trong cuộc sống. Rồi một ngày (trong kiếp này hoặc kiếp sau) họ sẽ phải trả quả vì những bất thiện nghiệp mà mình đã tạo nên.
Ngoài công việc làm ăn chân chính, bạn phải có năng lực và không được giải đãi. Một người nông dân có thể kiếm sống chính đáng, nhưng anh ta sẽ không thành công nếu không đủ kỹ năng và không cần cù siêng năng trong công việc. Anh ta cần phải có khả năng nhận định một cách khôn ngoan những cách thức và phương tiện phù hợp để phát triển công việc của mình.
2. Cẩn trọng
Kiếm tiền bằng phương thức chính đáng không phải việc dễ. Đức Phật dạy rằng một người muốn sống thành công không chỉ cần có tài bảo mà còn phải biết cách bảo vệ, trông giữ của cải của mình.
Người nào đang nỗ lực tìm kiếm thành công cần phải có chiến lược phù hợp để bảo vệ của cải của mình khỏi những thế lực có khả năng lấy chúng đi. Đồng thời, anh ta phải bảo vệ của cải đó khỏi những kẻ trộm cắp đang nhòm ngó chúng, đề phòng hỏa hoạn, lũ lụt và các thiên tai khác. Anh ta phải có những biện pháp bảo vệ của cải trước những kẻ thừa kế có dã tâm lấy chúng đi.
3. Giao du với bạn tốt
Chúng ta luôn chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh. Trong đó, gia đình và bạn bè là những người có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc sống của chúng ta. Họ có thể giúp chúng ta phát huy tiềm năng thực sự của mình hoặc khiến chúng ta yếu lòng mà không phát huy được những phẩm chất tốt đẹp.
Theo lời khuyên của Đức Phật, một người thực sự mong muốn đạt được thành công trong cuộc sống cần phải giao du với những người bạn có đầy đủ bốn phẩm chất: giàu lòng tin, giàu đức hạnh, giàu thiện tâm và giàu trí tuệ. Đức Phật dạy rằng nếu thường xuyên giao du với những người bạn mang bốn phẩm chất này, chúng ta tự nhiên sẽ noi theo lòng tin của người giàu lòng tin, đức hạnh của người giàu đức hạnh, thiện tâm của người giàu thiện tâm và trí tuệ của người giàu trí tuệ.
4. Cân bằng cuộc sống vật chất
Cân bằng cuộc sống vật chất là nắm rõ mức thu, mức chi của bản thân và quản lý chi tiêu sao cho hợp lý. Đức Phật dạy: “Sống không nên quá xa hoa, cũng không nên quá khốn khó”. Chúng ta phải luôn thu xếp công việc làm ăn của mình sao cho thu nhiều hơn chi chứ không phải ngược lại.
Cuộc sống điều độ là cách hay nhất và nhanh nhất để đạt được bất cứ điều gì trong cuộc sống. Nếu một người quá hà tiện và hẹp hòi, chỉ bỏ tiền ra cho những nhu cầu cơ bản nhất thì anh ta sẽ bỏ lỡ những trách nhiệm quan trọng khác đối với gia đình và mọi người xung quanh. Theo Đức Phật, những người sử dụng tài sản của mình như vậy thì chẳng khác nào đang cố ăn một quả táo gỗ mà không chịu tách vỏ ra. Người đó sẽ không được nếm thử phần quả thơm ngon bên trong bởi anh ta hà tiện đến mức không chịu tách bỏ lớp vỏ, sợ lãng phí quả táo.
Sống xa hoa trong khi thu nhập không đáp ứng cũng sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc sống. Nền kinh tế hiện đại là một cỗ máy vận hành rất trơn tru. Ai cũng có thể hưởng thụ bất cứ “niềm vui thú dục lạc nào” với mức giá phù hợp. Chỉ cần chúng ta muốn là được. Hệ thống ấy hoạt động tốt đến mức một số người thậm chí không nhận ra rằng họ đã sa vào guồng máy dục lạc không có điểm dừng.
Hi vọng rằng giáo pháp này của Đức Phật sẽ giúp bạn gây dựng cuộc sống thành công và giàu có chân chính vì lợi ích của chính bản thân và mọi người xung quanh!
(Nguồn: True Buddhist Teachings)
- 2473
Viết bình luận