Giải đáp thắc mắc khó nói về nghiệp phá thai trong hoàn cảnh bất đắc dĩ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Giải đáp thắc mắc khó nói về nghiệp phá thai trong hoàn cảnh bất đắc dĩ

Khám sàng lọc trước sinh vẫn được xem là một trong những bước tiến của ngành y học nhằm xác định em bé có chắc chắn bị dị tật bẩm sinh hay không. Đối xử với những thai nhi khuyết tật bằng cách cướp đi quyền sống, quyền được sinh ra có phải công bằng hay không luôn là câu hỏi gây tranh cãi. Thông thường, bác sĩ sẽ đưa ra hai hướng để cha mẹ lựa chọn. Thứ nhất là đình chỉ thai nghén. Cách thứ hai là tiếp tục thai kì, chuẩn bị sẵn tinh thần để chăm sóc em bé và đối mặt với những khó khăn sau đó. Vậy đâu là lời khuyên tâm linh cho các bậc cha mẹ trong trường hợp này?

Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin gửi tới Quý vị lời giải đáp của Hòa Thượng Tuyên Hóa liên quan đến vấn đề này trích từ ấn phẩm “Thai nhi vô tội” (nguyên tác “Innocent Little Ghosts”).

Hỏi: Nếu như người mẹ đang mang thai, sau khi siêu âm phát hiện thai nhi trong bụng có dị tật bẩm sinh, như bị chứng bệnh chậm phát triển trí não (hội chứng Down) chẳng hạn, xin hỏi có thể vì thế mà phá thai hay không?

Đáp: Phá thai nằm trong giới sát, thuộc về sát thai nên vẫn là phạm tội sát sinh. Trên căn bản, nếu như là sẩy thai tự nhiên, hoặc là thai chết trong bụng, thì đó là do sinh mạng của thai nhi tự nhiên kết thúc, cho nên không tính là phạm giới sát. Tuy nhiên, nếu như cố ý làm việc phá thai, đây là phạm giới sát.

Hỏi: Nhưng nếu cha mẹ nuôi nấng đứa con không may bị dị tật bẩm sinh hoặc thiểu năng trí tuệ thì đó không phải là sự thiệt thòi, nỗi đau cho đứa trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội sao?

Đáp: Dĩ nhiên là cha mẹ sẽ rất cực khổ. Nhưng điều này là do có nhân duyên quả báo bên trong. Vì khi đứa con có khuyết tật đến đầu thai, là do có duyên với cha mẹ. Có câu “Vợ chồng là do tiền duyên, thiện duyên, ác duyên; không duyên thì chẳng gặp. Con cái vốn do nợ túc căn đời trước, thiếu nợ, trả nợ; không nợ thì chẳng đến”. Con đến đầu thai, phải có ba duyên thành thai là duyên cha, duyên mẹ, và duyên của chính đứa bé.

Con người khi đến làm người, thì thức thứ tám đến trước tiên; lúc chết thì thức thứ tám rời đi sau chót. Con người từ sau khi chết cho đến lúc đầu thai thân mới thì trong khoảng thời gian này, thức thứ tám được gọi là “Thân trung ấm”. Thân trung ấm nhìn mọi vật đều thấy một màn tối đen, cái gì cũng chẳng nhìn thấy. Nhưng thân này có duyên với người cha, người mẹ nào, hoặc quan hệ cha con, mẹ con, tức là có cùng một loại nghiệp báo tương đồng. Lúc đó dù cách xa muôn ngàn dặm nhưng khi cha mẹ chăn gối, Thân trung ấm sẽ thấy một tia ánh sáng nhỏ, sự vô mình của nó liền dấy động, lúc này liền có một luồng sức hút như nam châm hút sắt, không kể khoảng cách xa đến đâu, đều có thể hút nó tới để đầu thai.

Trước đây không có máy dò siêu âm nên thọ thai gì thì đều hạ sinh ra, bây giờ có công nghệ hiện đại phát hiện ra nhiễm sắc thể của bào thai bị lỗi, liền đem phá bỏ, tưởng là đem dẹp bỏ đi cái phiền não về sau. Kỳ thực, thông thường những thứ duyên này chẳng phải là một thứ duyên lành, nhưng người cha người mẹ phải nhận lấy bào thai đó. Nếu như cha mẹ chẳng cảm thông cho nó, lại đem nó giết đi, điều này sẽ càng làm tăng duyên ác với nhau trong quan hệ ác duyên này, không chừng trong đời sau nữa lại càng ghê gớm hơn. Như Kinh Lăng Nghiêm đã nêu trong “Thập nhị loại sinh”, có một chúng sinh gọi là “Phi Vô Tưởng”, loài chúng sinh này chẳng phải là không có tư tưởng, mà là tư tưởng bất bình thường. Tỷ như một loài chim cú sau khi sinh ra thì sẽ ăn thịt chim mẹ, lấy máu thịt của mẹ để nuôi thân mình. Khoa học cũng phát hiện ra một loại bọ hung ăn thịt mẹ của nó. Vì sao nó phải ăn thịt mẹ, bởi vì trong đời quá khứ, họ có mối oán thù rất sâu. Chẳng hạn có trường hợp lấy thù báo ân. Trong quá khứ con là ân nhân của mẹ, mà mẹ không biết đã dùng đủ mọi cách làm con chết, để con chết không nhắm mắt mà lại chẳng có cách tố oán. Cho nên trong đời này nó sinh làm con của mẹ nó, để ăn thịt mẹ nó. Tuy nhiên người thế gian chẳng hiểu rõ nhân quả, cho nên khi nghĩ là bào thai có vấn đề thì cho rằng có thể phá bỏ là xong chuyện. Điều này có thể nói là trải sương lên tuyết (oán thù càng sâu thêm). Trên căn bản, nếu có một cái bào thai như thế, cha mẹ không nên phá bỏ, mà phải giữ cái bào thai để trả cho hết nghiệp duyên xưa.

Hỏi: Nếu có cặp vợ chồng không còn biện pháp nào khác ngoài phá thai vì những khó khăn kinh tế hay vì những lý do khác, hậu quả có nặng nề lắm không?

Đáp: Vì điều kiện kinh tế không cho phép có con thì không nên để lỡ mang thai ngay từ đầu; như vậy, sẽ tránh được rắc rối, khổ đau về sau. Có thể hiện thời họ có những khó khăn về tài chính, nhưng tại sao họ phải đợi cho đến khi vấn đề xảy ra rồi mới đi tìm giải pháp? Họ phải tự cảnh giác về vấn đề này trước khi để nó xảy ra; tại sao không tìm những giải pháp tốt đẹp khác. "Đợi đến ván đã đóng thuyền; gạo đã nấu thành cơm” thì mọi chuyện đã muộn màng rồi.

Hỏi: Nếu một cô gái bị cưỡng hiếp có thể phá thai được không?

Đáp: Tình trạng này khiến người đời rất thương xót. Nhưng nếu vì thế mà đi phá thai thì đây vẫn tính là tạo  nghiệp giết hại một sinh mạng. Ở trong tình huống bất hạnh như vậy, vẫn nên để đứa trẻ ra đời mà không phá thai. Suốt cuộc đời người con gái này có thể phải chịu nhiều điều tiếng, đau khổ, nhưng từ góc độ nhân quả mà nói, đây là cách làm tương đối ổn thỏa.

(Còn tiếp)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328247
Số người trực tuyến: