Phải chăng không thấy có nghĩa là không tồn tại cõi Địa ngục?
Tùy theo nghiệp lực của chúng sinh mà chiêu cảm cảnh giới tương ứng. Nếu không do nghiệp thì phải nhờ oai lực của các bậc Đại Bồ-tát mới có thể vào địa ngục. Kinh Phật có dạy, những chúng sinh nào tạo nghiệp cực ác thì khi lâm chung ngay lập tức chiêu cảm quả báo thống khổ trong địa ngục. Một số người hoài nghi hoặc không tin có địa ngục hay cõi trời vì một lẽ đơn giản là họ không thấy. Chúng ta cần thận trọng vì giác quan của loài người rất giới hạn nên không thấy không có nghĩa là không có. Là Phật tử, chúng ta tin sâu vào lời Phật dạy, biết sợ hãi quả khổ trong địa ngục mà luôn xa lìa những việc ác.
Theo giáo lý căn bản của Phật giáo, địa ngục hay thiên đường (cõi trời) đều lưu xuất từ tâm của mỗi người. Cái gọi là địa ngục hay thiên đường, về mặt cảm nhận của tinh thần xác thực là có; còn về mặt quả báo, sự tồn tại của địa ngục cũng xác thực là có. Kinh Địa Tạng nói “địa ngục cắt lưỡi”, tương lai đọa vào địa ngục cắt lưỡi, nước đồng đổ vào miệng, gường sắt dính thân,… đều do khẩu nghiệp đã tạo. Kinh Phật nói những lời này nhất định không phải là lời dự đoán, không phải hù doạ người mà là chân tướng sự thật. Mười pháp giới y chính trang nghiêm đều là nghiệp lực chính chúng ta biến hiện ra. Thế giới trước mắt hay cảnh giới trước mắt cũng là nghiệp lực chính mình hiện ra. Nếu không tạo nghiệp sẽ không thấy cảnh giới này.
Tư tưởng địa ngục xuất hiện rất nhiều trong tôn giáo cũng như văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới. Trước khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng đạt giác ngộ, Ấn Độ đã có thuyết địa ngục, người Trung Quốc có câu “dưới suối vàng”, người Thiên Chúa giáo có quan niệm chết nếu không sinh lên thiên đường thì bị đọa xuống địa ngục. Chung quy, các tôn giáo đều thừa nhận trên thực tế có sự tồn tại của địa ngục.
Xét ở khía cạnh cảnh giới cảm thọ, Địa ngục tồn tại ngay chính cõi thế gian mà loài người đang sống. Từng giây, từng phút và từng ngày họ phải thọ báo những đau khổ, những xấu xa, những tội lỗi mà nghiệp báo đã chuyển đến cho họ sau khi họ được tái sinh. Đây chính là Địa ngục trần gian vậy. Biết bao người hằng ngày phải sống trong thiếu thốn khổ đau. Họ bị đọa đày từ tinh thần đến xác thân thì có phải đây là địa ngục chăng? Trong kiếp quá khứ chúng ta gây nên ác nghiệp nên bây giờ thân phải chịu bệnh tật hiểm nghèo. Có người vì bệnh mà phải chịu mổ xẻ tim, gan, thận, cắt tay, cắt chân, mổ óc…Đây có phải là giống như cảnh chặt tay, cưa chân, móc óc trong cảnh địa ngục chăng?
Địa ngục giống như lúc mình nằm mộng thấy đến một nơi rất đáng kinh hãi; còn mộng đẹp, lại thấy mình đang ở thiên đường. Lúc nằm mộng ý thức còn có cảm nhận như vậy, huống gì thần thức sau khi chết? Cho nên, trạng thái tinh thần bất an, sợ hãi, không tự do, đó chính là địa ngục.
Trong cuộc sống, mỗi ý nghĩ vừa sinh khởi, nếu ý nghĩ ấy chứa mầm mống của phiền não, chấp trước, đưa ta rơi vào trạng thái buồn phiền, sợ hãi, khổ đau không muốn sống, xem như mình đang thọ khổ trong địa ngục. Sinh khởi lòng tham lớn, sẽ đọa vào loài ngạ quỷ; tâm sợ hãi cực độ, rơi vào địa ngục trần gian; trong công việc, luôn thất bại, cùng đường tuyệt lộ, cơ khổ cùng cực, xem như đã đến biên giới của địa ngục.
Thiên đường và địa ngục trần gian nằm ngay trong tấc lòng của chúng ta. Chỉ cần có trí tuệ sáng suốt nhìn nhận ra sự thật cuộc đời, sẽ không bị phiền não, sợ hãi của thế gian trói buộc, xem như người ấy đã lìa xa địa ngục.
(Nguồn: “Nhận diện khổ đau”
Tác giả: Pháp sư Thánh Nghiêm
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2017)
- 760
Viết bình luận