Phần thành tựu hồi hướng | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phần thành tựu hồi hướng

1 - Phần thực hành tiếp theo là hồi hướng. Thông thường trong Đại thừa, chúng ta thường nói động cơ là Bồ đề tâm, rồi trong thực tế bạn cần thực hành với tâm không phân tán, và cuối cùng là tới phần hồi hướng. Đây là ba phần quan trọng trong pháp tu Đại thừa. Cách tiếp cận của Kim Cương thừa nhìn chung cũng là như vậy. Và cách hồi hướng đúng đắn nhất, cũng tương tự như trong Kim Cương thừa, là cần phải hồi hướng và không ngừng quán tam luân không tịch. Tam luân là “Tôi đã làm cái này” hoặc “Tôi đã thực hành pháp tu này”, “Tôi đã thực hành pháp cúng dàng này”, và “Tôi hồi hướng cho hết thảy chúng sinh”..., như vậy gọi là tam luân. Nếu không bám chấp vào tam luân này, nếu không quá đặt nặng vào việc hồi hướng, nếu không hề có bất cứ định kiến rằng đây là cách làm đúng đắn hay tuyệt hảo, thật ra thực hành tuyệt đối chính xác về Tam luân không tịch được như vậy chỉ có hàng Bồ tát Nhất địa mới làm được, song chúng ta vẫn có thể thử làm theo.

Nếu bạn chưa thể làm như vậy thì cách tốt nhất là hồi hướng theo hạnh của Ngài Văn Thù, một cách ngắn gọn. Câu này nghĩa là “con là một người phàm không biết cách hồi hướng, vì vậy con xin hồi hướng giống như Ngài Văn Thù và chư Bồ tát, con xin theo dấu chân của các Ngài, các Ngài đã hồi hướng cho chúng sinh như thế nào, con cũng xin hồi hướng mọi công đức của con đúng như vậy”. Đây được gọi là cách tốt nhất nếu như bạn không biết phải hồi hướng như thế nào.

Nếu như bạn tu pháp Mahakala, phần hòa tan sẽ có Bản tôn hòa tan vào câu chân ngôn, rồi câu chân ngôn từ từ, chầm chậm hòa tan vào tự tính tâm của bạn. Sau đó bạn bắt đầu hồi hướng. Xong phần này, nếu bạn có thể cầu nguyện thì sẽ được viên mãn.

2 - Phát nguyện

Phần thứ hai của phần Thành tựu bao gồm những nguyện cầu được thực hiện ngay lập tức sau khi hồi hướng. Như Đức Liên Hoa Sinh đã dạy, những lời cầu nguyện này phải được thực hiện với sự tin tưởng và lòng từ bi, vì mục đích thức tỉnh và giải thoát tất cả những chúng sinh mẹ. Hành giả phải phát nguyện chân thành, tự đáy lòng và hồi hướng vì lợi ích với động lực Bồ đề tâm rất rộng lớn, điều mà hành giả đã phát nguyện từ lúc bắt đầu thực hành. Bất cứ một lời cầu nguyện chân thành nào mà hành giả muốn phát nguyện đều có thể được thực hiện vào lúc này. Hành giả phải trì tụng những bài kệ trong nghi quỹ và có thể kèm theo bất cứ lời cầu nguyện nào thường được thực hiện vào thời điểm này.

3 - Gia trì cát tường

Cuối cùng, phần thứ ba của phần Thành tựu là lời Cầu nguyện cát tường để viên mãn tất cả mọi tâm nguyện. Vào thời điểm này, hãy quán tưởng trong không gian ở phía trước là Tam Căn bản, Tam Bảo và tất cả tập hội của các Bản tôn thiền định. Bạn hãy tin tưởng rằng các Ngài thực sự hiện diện; các Ngài đang tán thán những bài kệ của sự cát tường, và mưa hoa cát tường rơi nhẹ từ mười phương. Hãy coi các bông hoa và những âm thanh cầu nguyện cho sự cát tường đang trải rộng khắp, giống như sự lan tỏa của những đám mây lớn. Lặp lại những bài kệ trong thực hành nghi quỹ về tán tụng cát tường, và bạn có thể tung một vài cánh hoa hay gạo vào khoảng không trước mặt. Hãy tin tưởng rằng những lời cầu nguyện của bạn sẽ được viên mãn, tất cả thiện hạnh và vô lượng cát tường đang trải rộng khắp muôn phương.

Để kết thúc phần này, bạn phải biết rằng tâm vốn siêu việt, không thể diễn tả, suy ngẫm và khái niệm hóa bởi vì nó trống rỗng. Tuy vậy, có vạn pháp và hiện tướng (sự vật hiện tượng). Những đối tượng mà bạn bám chấp vào trong thực tại thức tỉnh này cũng giống như trong một giấc mơ. Nếu không tìm hiểu về bản chất của giấc mơ này, bạn vẫn sẽ bị hấp dẫn như thể những đối tượng đó là có thực. Dựa trên kiểm tra quan sát, bạn thấy rằng những sự vật này không có tồn tại thực và cũng giống như hư không. Một hành giả hiểu

rằng vạn pháp thiếu tồn tại thực và giống như hư không, cần quan sát bản thân mình để tìm hiểu xem mình có bản ngã thật hay không. Sau đó hành giả cũng khám phá ra rằng ngay cả người quan sát cũng thực sự không có thực. Trong suốt quá trình tu tập, hành giả phải luôn duy trì Kiến - Thiền - Hành.

Kiến được gọi là “Kiến của trí tuệ bản lai tự hiện diện”, bởi nó là sự chứng ngộ rằng vạn pháp và sự tỉnh giác thanh tịnh là không bị che đậy và không thể phân biệt được với tự tính chân thật của một người. Vạn pháp và sự tỉnh giác thanh tịnh đơn giản là tự sinh. Chúng tự xuất hiện và không đến từ một nguồn gốc nào khác. Đây gọi là kiến.

Thiền thực sự là an trú trong trạng thái tâm không căng thẳng cũng không thả lỏng. Không có gì phải xóa bỏ trong tâm và không có gì cần phải an trú ở đó. Trạng thái thiền định của tâm thoát khỏi mọi hoạt động và không bao giờ dao động khỏi tự tính nguyên thủy. Nó chỉ thư giãn một cách tự nhiên, nó hoàn toàn trong sạch, không bị che đậy và không thay đổi. Đó là sự bất khả phân của tâm an tịnh - tinh túy tâm và toàn thể giác tính. Tâm trong trạng thái tự nhiên của nó là thiền thực sự.

Hành đòi hỏi hành giả phải luôn an trụ hợp nhất và không bao giờ tách khỏi kiếnthiền. Đây là hành. Hãy thật tập trung với tất cả khía cạnh

của hành và đem trí tuệ bản lai nhậm vận và đại hỷ lạc như là hoạt động của bạn trên con đường.

Bằng cách thực hành nghi quỹ, bạn đạt được kiến, thiền, hành đúng đắn. Thêm vào đó, bạn đạt được sự chứng ngộ tự tính của thực tại như nó vốn có, được nhận thức trực tiếp trên mức độ tương đối. Không có gì từ bỏ hoặc đạt được. Sự chứng ngộ và nhận thức về tâm trí tuệ đích thực tuyệt đối của chúng sinh, Pháp thân, là quả.

Cuối cùng, điều quan trọng là bạn phải nhận ra mình không hề tạo ra quả hay khiến một quả xảy ra từ sự thực hành của mình. (Điều này đã được nói đến phía trên). Quả là nguyên nhân cốt lõi. Việc thực hành đơn giản đã được thực hiện để xua tan đám mây khỏi mặt trời, xua tan ám chướng để tự tính được hiển lộ và được hiểu một cách trực tiếp. Mặt trời không bao giờ bị những đám mây che mờ. Mặt trời luôn tỏa sáng. Cũng vậy, Phật tính, kết quả luôn thanh tịnh từ vô thủy, sẽ lại được nhận ra từ khoảnh khắc hành giả thực chứng được tự tính như nó vốn có.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6447233
Số người trực tuyến: