Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ 7: Vị lương y | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ 7: Vị lương y

Trong kinh Pháp Hoa, mỗi phẩm hầu như đều đề cập đến một câu chuyện, một thí dụ để làm rõ Tích môn, Bản môn và Hạnh môn kinh. Tuy nhiên, Pháp Hoa nổi tiếng với 7 thí dụ, gọi là “Pháp Hoa thất dụ”.

Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin nêu lại những thí dụ nổi tiếng đó - những thí dụ có tầm ảnh hưởng lớn đối với đời sống tu hành cũng như trong nhiều sáng tác văn chương Phật giáo - qua đó, chúng ta có thể rút ra một số bài học làm tư lương cho đời sống tỉnh thức, giác ngộ của mình.

7. Thí dụ về vị lương y (hay Y tử dụ - phẩm Như Lai thọ lượng)

Thí như vị thầy thuốc hay, trí tuệ thông đạt, luyện rành các phương thuốc. Ông thầy thuốc đó có nhiều con. Vì có duyên sự, ông đi sang nước khác, những đứa con của ông ở nhà uống phải thứ thuốc độc làm cho tâm sầu muộn, mê man, rối loạn, vật vã trên đất. Bấy giờ người cha từ nước khác trở về, thấy những đứa con bị trúng độc, có đứa mất cả bản tâm, có đứa không mất bản tâm, thấy cha về thì mừng rỡ, xin cha cứu giúp. Người cha thương con, bèn chế thuốc hay đưa cho các con uống. Những đứa không mất bản tâm, nghe lời cha uống thuốc thì được bình phục. Còn những đứa mất bản tâm, tuy thấy cha đến cũng biết thưa hỏi, cũng muốn chữa bệnh, nhưng khi cha đưa thuốc lại không chịu uống. Bởi lẽ chất độc đã ngấm sâu, làm mất bản tâm, cho nên đối với những thứ thuốc hay, chúng không cho là tốt. Vị lương y bèn nghĩ ra phương tiện giúp các con uống những thứ thuốc hay đó, bèn bảo: Ta đã già rồi, ngày chết sắp đến nơi, thứ thuốc hay đó ta nay để đây các ngươi tự lấy uống, chớ lo không lành. Xong, ông trở về nước khác, sai sứ trở về bảo rằng cha các người đã chết. Những người con nghe vậy thương nhớ vô hạn, nghĩ đến tấm lòng và phương thuốc của cha cho, liền lấy ra uống và lập tức khỏi bệnh. Người cha biết các con đã chịu uống thuốc và lành bệnh, liền trở về cho chúng thấy mặt.

Ở đây, vị lương y chính là Phật, các người con điên đảo chỉ cho chúng sinh. Như Lai thành Phật đến nay đã vô lượng kiếp, chỉ vì cứu độ chúng sinh mà phương tiện tuyên bố nhập diệt. Nhưng không phải Như Lai nói dối. Phật thấy biết chúng sinh ai đang đi theo đường chính và ai đang lạc vào nẻo tà, nên biết tùy trường hợp mà hóa độ. Nhờ vậy mà Đức Phật có thể cứu độ chúng sinh. Đó chính là phương tiện thuyết pháp và hóa độ của Như Lai, rằng Như Lai nhập diệt nhưng kỳ thực không phải nhập diệt.

Chính văn

Lại thiện-nam-tử! Phương-pháp của các đức Phật Như-Lai đều như thế, vì độ chúng-sinh đều thực chẳng dối.

Ví như vị lương-y, trí-tuệ sáng-suốt, khéo luyện phương thuốc trị các bệnh. Người đó nhiều con cái, hoặc mười, hai mươi nhẫn đến số trăm, do có sự duyên đến nước xa khác. Sau lúc đó các người con uống thuốc độc khác, thuốc phát muộn-loạn lăn-lộn trên đất.

Bãy giờ, người cha từ nước xa trở về nhà. Các con uống thuốc độc, hoặc làm mất bản tâm, hoặc chẳng mất, xa thấy cha về đều rất vui mừng, quỳ lạy hỏi thăm: "An-lành về an-ổn. Chúng con ngu-si, lầm uống thuốc độc, xin cứu lành cho, lại ban thọ-mệnh cho chúng con."

Cha thấy các con khổ não như thế, y theo các kinh phương, tìm cỏ thuốc tốt, mùi sắc vị ngon, thảy đều đầy-đủ. Đâm nghiền hòa-hợp, đưa bảo các con uống mà nói rằng: "Thuốc đại lương-dược này mùi sắc vị ngon, thảy đều đầy đủ, các con nên uống, mau trừ khổ-não, không còn lại có các bệnh-hoạn".

Trong các con, những người chẳng thất tâm, thấy thuốc lương dược ấy, sắc hương đều tốt, liền bèn uống đó, bệnh trừ hết, được lành mạnh. Ngoài ra, những người thất tâm, thấy cha về dầu cũng vui mừng hỏi thăm, cầu xin trị bệnh, song trao thuốc cho mà không chịu uống.

Vì sao? Vì hơi độc đã thâm-nhập làm mất bản tâm, nơi thuốc tốt thơm đẹp này mà cho là không ngon. Người cha nghĩ rằng: "Người con này đáng thương, bị trúng độc, tâm đều điên-đảo, dầu thấy ta về, mừng cầu xin cứu lành, nhưng thuốc tốt như thế, mà chẳng chịu uống, nay ta bày chước phương-tiện, khiến chúng uống thuốc này".

Nghĩ thế rồi liền bảo rằng: "Các con phải biết, ta nay già suy, giờ chết đã đến, thuốc "lương-dược" tốt này nay để ở đây, các con nên lấy uống, chớ lo không lành". Bảo thế, rồi lạì đến nước khác, sai sứ về nói: "Cha các ngươi đã chết".

Bãy giờ, các con nghe cha chết, lòng rất sầu khổ mà nghĩ rằng: "Nếu cha ta còn, thương xót chúng ta,có thể được cứu hộ, hôm nay bỏ ta xa chết ở nước khác". Tự nghĩ mình nay côi cút, không có chổ cậy nhờ, lòng thường bi-cảm, tâm bèn tỉnh ngộ biết thuốc này, sắc hương vị ngon, liền lấy uống đó, bệnh độc đều lành. Người cha nghe các con đều đã lành mạnh, liền trở về cho các con đều thấy.

KẾT LUẬN

Xuyên suốt những thí dụ trên là những lời giáo huấn tha thiết của Đức Như Lai. Tất cả phương tiện thiện xảo của Ngài mục đích cũng là để cho chúng sinh thấy tam giới là nhà lửa, chúng sinh, thậm chí là hàng Thanh văn, Duyên giác là những kẻ cùng tử, những kẻ có chút ít tự cho là đủ. Chúng sinh dù căn cơ siêu việt hay thấp kém, hạ liệt cũng đều từ một cõi đất mà ra, cũng đều có cùng một quê hương xứ sở. Nhưng chúng sinh hầu như quên mất nguồn gốc cao quý của mình, lang thang trong ba cõi khổ đau bất tận. Một trận mưa pháp của Như Lai rưới xuống thấm nhuần một vị giải thoát, nhưng tùy theo căn tánh mà mỗi người tiếp nhận khác nhau. Chúng sinh nói chung cũng như hàng Thanh văn, Duyên giác, đang tiến lên trên con đường giác ngộ trở về bảo sở dài dằng dặc. Dường như ai nấy cũng đều mệt mỏi. Đức Thế Tôn bèn phương tiện hóa ra thành quách cho mọi người nghỉ ngơi. Vậy mà không ít kẻ tự nghĩ rằng mình đã đến được nơi cần đến, đã đạt được mục đích tối hậu. Trong mắt của Như Lai, chúng sinh thật đáng thương. Chúng sinh là những kẻ có sẵn châu ngọc mà không biết đem ra sử dụng. Đức Phật là đấng cha lành, là một vị lương y cho thuốc hay, có thể cứu chúng sinh thoát khỏi tam độc hành hạ đau khổ. Mặc dù có vị thuốc hay Như Lai ban tặng, nhưng chúng sinh không phải ai cũng chịu uống; kẻ đánh mất bản tâm, không biết đây là vị thuốc hay nên không chịu uống đã đành, ngược lại, có kẻ tuy biết thuốc hay nhưng còn mê muội, lười biếng mà không chịu uống. Những ai tinh tấn diệt trừ được ma chướng một cách oanh liệt, tiếp nhận và tu tập giáo pháp Như Lai để đạt được mục đích tối hậu, những người đó mới xứng đáng nhận viên minh châu vô giá của Đức Như Lai.

Rõ ràng, Đức Phật muốn chỉ dạy cho chúng ta một điều: cần phải có niềm tin cho con đường giải thoát; nhưng không phải niềm tin thông thường, mà tin vào mình, vào chính khả năng thành Phật của mình để tự tin vứt bỏ tấm áo kẻ hốt phân, khoác vào mình tấm áo trưởng giả với một gia tài đồ sộ - gia tài Chính pháp của Như Lai. Có như vậy chúng ta mới không hổ thẹn khi tự xưng mình là Thích tử.

(Lược trích: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh)

 Tham khảo thêm

Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ nhất: Ngôi nhà lửa

Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ hai: Đứa con bỏ nhà đi ăn xin

Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ ba: Cây thuốc

Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ tư: Hóa thành

Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ năm: Ngọc trong áo

Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ sáu: Ngọc trong búi tóc

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6409798
Số người trực tuyến: