Pháp hoa thất dụ - Dụ thứ ba: Cây thuốc | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Pháp hoa thất dụ - Dụ thứ ba: Cây thuốc

Trong kinh Pháp Hoa, mỗi phẩm hầu như đều đề cập đến một câu chuyện, một thí dụ để làm rõ Tích môn, Bản môn và Hạnh môn kinh. Tuy nhiên, Pháp Hoa nổi tiếng với 7 thí dụ, gọi là “Pháp Hoa thất dụ”.

Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin nêu lại những thí dụ nổi tiếng đó - những thí dụ có tầm ảnh hưởng lớn đối với đời sống tu hành cũng như trong nhiều sáng tác văn chương Phật giáo - qua đó, chúng ta có thể rút ra một số bài học làm tư lương cho đời sống tỉnh thức, giác ngộ của mình.

3. Thí dụ về cây thuốc (cũng gọi là Vân vũ dụ - phẩm Dược thảo dụ)

Dụ này nói rằng đại thiên thế giới, núi đồi hang rãnh và ruộng đất mọc lên cây cối và cỏ thuốc, với bao nhiêu chủng loại mà tên gọi và màu sắc không hề giống nhau. Nhưng mây dày nổi lên và mưa bủa giăng xuống khắp cả đại thiên thế giới ấy; mưa xuống một cách đồng thời và đồng đều, thấm nhuần tất cả. Tất cả cây thuốc rễ nhỏ, nhánh nhỏ, thân nhỏ, lá nhỏ; cây thuốc rễ vừa, nhánh vừa, thân vừa; cây thuốc rễ lớn, nhánh lớn, thân lớn, lá lớn... tùy theo tính chất mà được hấp thụ đủ cả. Một trận mưa lớn, xứng hết với các mầm, nên thứ nào cũng được sinh ra, lớn lên, trổ hoa, ra trái và kết hạt. Cùng một đất mọc lên, một mưa thấm xuống, nhưng các cây cối và cỏ thuốc vẫn có khác nhau.

Ở đây, dược thảo (cỏ thuốc) dụ cho căn tính của chúng sinh trong 3 thừa. Cỏ có 3 loại: cỏ nhỏ, cỏ vừa, cỏ lớn, theo thứ tự mà thí dụ cho Nhân - Thiên là cỏ thuốc nhỏ, Thanh văn - Duyên giác là cỏ thuốc vừa và Bồ tát là cỏ thuốc lớn. Cùng mọc từ đất, cùng thấm nước mưa, nhưng mọi cây cỏ phát triển đều khác nhau mà không thứ nào tự biết như vậy. Qua âm thanh duy nhất của Phật, như trận mưa pháp lớn, qua việc Phật thường xuyên tạo yếu tố cho bước tới Nhất thừa, tất cả cùng nghe pháp đồng nhất, nhưng mỗi người tu nhân và nhận quả khác nhau mà không ai tự biết. Chỉ có Phật biết rõ mà thuyết pháp cho. Do đó, ví dụ cây cỏ (hay mưa lớn) này cho thấy Ngũ thừa hay Tam thừa cùng xuất từ Nhất thừa mà vẫn khác nhau.

Chính văn

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Ngài Ma-ha Ca-Diếp các vị đại đệ tử: “Hay thay! Hay thay! Ca-Diếp. Khéo nói được công đức chân thật của đức Như-Lai. Đúng như lời các ông vừa nói; Đức Như-Lai lại còn có vô lượng vô biên a-tăng-kỳ công đức, các ông dầu trải qua vô lượng ức kiếp nói cũng không hết được”.

Ca-Diếp nên biết! Đức Như-Lai là vua của các pháp nếu có nói ra lời chi đều không hư dối vậy. Phật ở nơi tất cả pháp dùng sức trí huệ phương tiện mà diễn nói, pháp của Phật nói thảy đều đến bậc nhất-thiết-trí (1) . Đức Như-Lai xem biết chỗ quy thú (2) của tất cả pháp; cũng rõ biết chỗ tâm sở hành (3) của tất cả chúng sinh không thấu không ngại. Phật lại ở nơi các pháp rốt ráo rõ biết hết, chỉ bày tất cả trí huệ cho các chúng sinh.

Ca-Diếp! Thí như trong cõi tam-thiên đại-thiên nơi núi, sông, khe, hang, ruộng, đất sinh ra cây cối, lùm rừng và các cỏ thuốc, bao nhiêu giống loại tên gọi màu sắc đều khác. Mây dầy bủa giăng trùm khắp cõi tam-thiên đại-thiên đồng thời mưa xối xuống, khắp nơi nhuần thấm, cây cối lùm rừng và các cỏ thuốc: hoặc thứ gốc nhỏ, thân nhỏ, nhánh nhỏ, lá nhỏ, hoặc thứ gốc chỉ vừa, thân vừa, nhánh vừa, lá vừa; hoặc có thứ gốc lớn, thân lớn, nhánh lớn, lá lớn.

Các giống cây lớn nhỏ, tùy hạng thượng trung hạ mà hấp thụ khác nhau. Một cụm mây tuôn mưa xuống xứng theo mỗi giống loại mà cây cỏ được sinh trưởng, đơm bông kết trái. Dầu rằng một cõi đất sinh, một trận mưa thấm nhuần mà các cỏ cây đều có sai khác.

3. Ca-Diếp nên biết! Đức Như-Lai cũng lại như thế, hiện ra nơi đời như là vừng mây lớn nổi lên, dùng giọng tiếng lớn vang khắp thế giới cả trời, người, A-tu-la, như mây lớn kia trùm khắp cõi nước tam-thiên đại-thiên. Phật ở trong đại chúng mà xướng lời nầy:

“Ta là đấng Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-Nhân-Sư, Phật Thế-Tôn. Người chưa được độ thời làm cho được độ, người chưa tỏ ngộ thời làm cho tỏ ngộ, người chưa an thời làm cho được an, người chưa chứng Niết-bàn thời làm cho chứng Niết-bàn, đời nay và đời sau Phật đều biết đúng như thật. Ta là bậc nhất-thiết-trí, bậc nhất-thiết-kiến, là bậc tri đạo, bậc khai đạo, bậc thuyết đạo. Các ngươi, hàng trời, người, A-tu-la đều nên đến đây vì để nghe pháp vậy”.

Bấy giờ có vô số nghìn muôn ức loài chúng sinh đi đến chỗ đức Như-Lai xem xét các căn lợi độn, tinh tấn hay giải đãi của chúng sinh đó, thuận vừa sức nó kham được mà vì chúng nói pháp, chủng loại nhiều vô lượng, Phật đều khiến vui mừng được nhiều lợi lành. Các chúng sinh nầy nghe pháp rồi, hiện đời an ổn, đời sau sinh về chỗ lành, do đạo được thọ hưởng vui và cũng được thọ hưởng vui và cũng được nghe pháp, đã nghe pháp rồi lìa khỏi các chướng ngại ở trong các pháp theo sức mình kham được lần lần đều được vào đạo. Như mây lớn kia mưa rưới khắp tất cả cỏ cây lùm rừng và các cỏ thuốc, theo giống của mỗi thứ đều được đượm nhuần đầy đủ, đều được sinh trưởng.

Đức Như-Lai nói pháp một tướng một vị, nghĩa là: Tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, rốt ráo đến bậc “nhất-thiết-chủng-trí”. Có chúng sinh nào nghe pháp của Như-Lai hoặc thọ trì đọc tụng, đúng như lời mà tu hành, được công đức tự mình không hay biết.

Vì sao? Vì chỉ có Như-Lai là biết chủng tướng thể tính của chúng sinh đó: Nhớ việc gì? Nghĩ việc gì? Tu việc gì? Nhớ thế nào? Nghĩ thế nào? Tu thế nào?

Dùng pháp gì để nhớ? Dùng pháp gì để nghĩ? Dùng pháp gì để tu? Dùng pháp gì đặng pháp gì?

Chúng sinh ở nơi các bậc, chỉ có Đức Như-Lai thấy đó đúng như thật, rõ ràng không bị ngại. Như cây cối lùm rừng các cỏ thuốc kia không tự biết tính thượng trung hạ của nó.

Đức Như-Lai biết pháp một tướng một vị ấy, nghĩa là: Tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, tướng rốt ráo Niết-bàn thường tịch diệt, trọn về nơi không, Phật biết như thế rồi xem xét tâm ưa muốn của chúng sinh mà dắt dìu nó, cho nên chẳng liền vì chúng vội nói “nhất-thiết-chủng-trí”.

Ca-Diếp! Các ông rất là hy hữu, có thể biết rõ Đức Như-Lai tùy cơ nghi nói pháp, hay tin hay nhận. Vì sao? Vì các Đức Phật Thế-Tôn tùy cơ nghi nói pháp khó hiểu khó biết.

(Lược trích: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh)

Tham khảo thêm

Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ nhất: Ngôi nhà lửa

Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ hai: Đứa con bỏ nhà đi ăn xin

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6316250
Số người trực tuyến: