4 năng lực đối trị không thể thiếu trong pháp tu sám hối tịnh hóa
Sám hối là phương pháp hữu hiệu để tịnh hóa các nhiễm ô mà chúng ta lỡ tạo dưới xu hướng mạnh mẽ của các nghiệp tiêu cực. Mặc dù nhìn từ bên ngoài dường như chúng ta có những hành vi, việc làm đúng đắn và đạo đức, nhưng bên trong, chúng ta vẫn còn nhiều chi phối của bản ngã vị kỷ. Chúng ta nghĩ bản thân không phạm giới nhưng vẫn dễ mắc phải các lỗi trọng. Hành giả tu tập theo Nguyên thủy Phật giáo ít có khả năng phạm giới hơn vì chỉ khi phạm lỗi về Thân hay Khẩu thì mới cần sám hối; dù trong tâm hành giả có không giữ giới thì cũng không bị coi là phạm các giới của Tiểu thừa. Trong Kim Cương thừa, giới Tam muội da dễ bị vi phạm hơn vì chỉ cần một thoáng suy nghĩ trong tâm sai lệch là hành giả đã phá vỡ Tam muội da. Vì thế, các hành giả Kim Cương thừa cần luôn sám hối, một ngày có sáu thời là sáu lần cần sám hối. Sự tương tục của trí tuệ và năng lực Kim Cương thừa là trọng tâm và phần chính thực hành phục hồi giới nguyện thanh tịnh và hoàn thiện của hành giả Kim Cương thừa.
Bạn hãy khởi tâm trân trọng pháp thực hành sám hối để viên mãn bốn năng lực tịnh hóa. Đó không chỉ là năng lực tịnh hóa ác nghiệp và còn là năng lực cam kết phát nguyện không tái phạm. Thứ nhất, việc tịnh hoá các chướng ngại là vô cùng quan trọng. Thứ hai, bạn cần luôn trân trọng pháp thực hành để viên mãn 4 năng lực tịnh hóa. Cách hoàn hảo để tịnh hoá nghiệp chướng là thực hành sám hối hội đủ cả 4 năng lực này.
Bạn cần hiểu rõ tầm quan trọng của pháp tu này. Cách bạn trân trọng pháp thực hành tịnh hóa cũng giống như việc bạn trân trọng tấm hộ chiếu và tiền bạc của bạn vậy. Bời vì bạn hiểu rõ được những rắc rối bạn sẽ gặp phải khi không có hộ chiếu và tiền, và bạn cũng nhận thức rõ ràng được những tiện lợi mà chúng mang lại, cho nên bạn vô cùng trân trọng chúng. Với 4 năng lực sám hối tịnh hóa bạn cũng cần có thái độ trân trọng tương tự.
1. Năng lực hối lỗi
Bạn ân hận về những lỗi lầm mình đã tạo. Cũng giống như một người bị trúng độc đang phải chịu đau đớn cận kề với cái chết. Giờ đây, anh ta nhận ra lỗi lầm tự chuốc thuốc độc vào mình, hối hận về hạnh động đã khiến mình phải chịu khổ đau và hiểm nguy khi cái chết đến gần. Vậy nên, trước khi làm gì, hãy nghĩ rằng “Nếu mình làm như vậy và tạo ác nghiệp, kết quả mình lãnh chịu sẽ đau đớn biết chừng nào”. Làm được như vậy tức là bạn đã sở hữu một trong bốn năng lực sám hối tịnh hóa. Người đang bị bệnh do sử dụng thuốc độc nhận ra rằng mọi đau khổ anh ta đang phải trải qua là kết quả của chính hành động của anh ta. Anh ta hối hận vì việc mình đã làm và mong ước một phép màu để mọi đau đớn biến mất. Tương tự như vậy, hãy nghĩ về những quả báo của các nghiệp bất thiện, bạn sẽ cảm thấy hối tiếc nhiều hơn vì những nghiệp xấu mình đã phạm phải và mong cầu được tịnh nghiệp hơn bao giờ hết. Đó chính là sức mạnh hối cải.
Năng lực hối lỗi giúp ngăn chặn những nghiệp bất thiện cơ bản như sát sinh, trộm cắp và tà dâm. Phạm phải một trong 3 nghiệp ác này sẽ mang lại bốn quả khổ đau. Một trong bốn quả khổ đó là tái sinh ở cõi thấp hơn như súc sinh và ngã quỷ. Năng lực hối lỗi sẽ hóa giải quả khổ đó. Ví như bạn đã tạo ra những nghiệp ác, tuy nhiên, thời gian tái sinh trong cõi thấp của bạn dài hay ngắn tùy thuộcvào việc bạn có thực hành sám hối bằng năng lực hối lỗi này mạnh mẽ hay không. Nếu năng lực này đủ mạnh, bạn có thể sẽ không phải chiêu cảm khổ đau do tái sinh trong các cõi thấp nữa.
2. Năng lực chữa lành
Cầu nguyện và trì chân ngôn giống như người bệnh tìm được thuốc giải. Đây chính là năng lực chữa lành hay giải độc. Một bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch cận kề cái chết, anh ta sẽ vui mừng biết bao khi có được phương thuốc chữa được cơn bạo bệnh của mình. Một khi thấy được lợi ích thiết thực và rõ ràng của việc lễ lạy, trì tụng hồng danh của 35 vị Phật và trì tụng chân ngôn, bạn sẽ tràn đầy cảm hứng và say mê thực hành. Nói chung, bất kì công đức nào mà bạn tích lũy được qua những các pháp thực hành kể trên đều là năng lực chữa lành.
Nếu phạm phải ác nghiệp thì dù bạn có được sinh ra vào cõi người hay cõi trời, thì bạn vẫn phải trả quả do những nghiệp ác mà mình đã tạo tác. Đó gọi là trải nghiệm quả giống như nhân đã gieo. Nếu bạn tiêu diệt sự sống của một sinh linh nào đó bằng cách sát sinh, vào một lúc nào đó nếu có phúc duyên được tái sinh làm người, bạn sẽ gặp kết cục tương tự - bạn sẽ bị giết hại. Nếu ai đó lấy trộm đồ của bạn, lừa phỉnh bạn hoặc nói những lời dối trá với bạn thì đó chỉ có thể là do kiếp trước bạn đã làm những điều xấu tương tự với họ - bạn đã trộm đồ của họ, lừa gạt và làm điều dối trá với họ. Năng lực giải độc sẽ ngăn những những quả báo chín mùi đầy đủ, trọn vẹn như vậy – bạn sẽ không phải nhận lại khổ đau từ người khác hay từ Tứ đại – Đất, Nước, Gió, Lửa.
Nương năng lực hối lỗi, người bị trúng độc sẽ rất ăn năn vì những việc đã làm, sẽ nhận thức rõ tác hại của việc mình làm và quyết tâm không mắc phải sai lầm tương tự nữa. Điểm mấu chốt chính là quyết tâm của anh ta. Nếu anh ta không quyết tâm từ bỏ, thì dù anh ta có tìm được thuốc giải để trị căn bệnh hiện tại, anh ra vẫn chưa giải quyết được vấn đề của mình một cách triệt để. Vì nếu sơ suất một lần nữa, nếu tiếp tục làm những hành vi dại dột tự chuốc độc vào mình, anh ta sẽ lại mắc bệnh và cứ mãi vướng mắc trong vòng luẩn quẩn. Nhưng nếu anh ta thực sự quyết tâm, sau những đớn đau phải trải qua, anh ta thực sự từ bỏ được việc làm xấu thì anh ta sẽ chấm dứt được vấn đề của mình mà không cần phải dùng đến cả kho thuốc để chữa bệnh. Vậy nên, việc chấm dứt ngay những hành động tiêu cực là vô cùng quan trọng. Đó là năng lực thứ 3, năng lực cam kết.
3. Năng lực cam kết
Năng lực cam kết là sự quyết tâm không tạo nghiệp xấu ác nữa. Bạn phát nguyện với ý chí mạnh mẽ không tái phạm hành động tiêu cực. Năng lực này giúp chúng ta không phải trải qua những quả khổ của việc lặp lại những nghiệp xấu. Nếu không thực hành năng lực này, sau một thời gian được tái sinh trong cõi lành, chúng ta sẽ lại quay lại tập khí phạm tội sát sinh, trộm cắp, dối trá và tà dâm – những điều này là căn nguyên của bốn quả khổ đau mà chúng ta sẽ phải trả. Vì thế, nếu không quyết tâm đoạn trừ ác nghiệp, chúng ta sẽ phải trải qua những khổ đau vô tận của luân hồi sinh tử. Nếu bạn không làm điều gì đó để thay đổi nghiệp trước khi hạt giống nghiệp chín mùi và trổ quả, bạn sẽ phải trải qua những đau khổ luân hồi. Năng lực cam kết không tạo nghiệp bất thiện một lần nữa giúp chúng ta thoái khỏi luân hồi đau khổ.
4. Năng lực hỗ trợ
Bệnh nhân cần bác sĩ và y tá để giúp chữa trị bệnh. Nhờ bác sĩ và y tá mà anh ta có thể bình phục từ những cơn đau và thoát khỏi cái chết. Tương tự, khi thực hành tịnh hóa, bạn cần dựa trên năng lực hỗ trợ - tức là nương năng lực gia trì của 3 ngôi Tam bảo Phật, Pháp và Tăng. Bạn có thể hiểu sự chứng ngộ của chư Phật chính là Pháp bảo. Và năng lực tuyệt đối của Tăng bảo trong Kim Cương Thừa là để thực chứng Pháp bảo tuyệt đối: trí tuệ về Tính không, và đồng thời cũng là sự đoạn diệt khổ đau.
Chúng ta trưởng dưỡng tâm của mình bằng cách thực hành sám hối tịnh hóa như trì tụng hồng danh của 35 vị Phật, nương nhờ vào năng lực gia trì của các Ngài. Với mỗi vị Phật, bạn có thể quán niệm rằng thân Ngài là Tăng bảo, tâm Ngài là Phật bảo, kim khẩu của Ngài là Pháp bảo. Thứ nhất, bằng cách tin tưởng và nương nhờ vào năng lực gia trì của Phật, Pháp, và Tăng, chúng ta tịnh hóa được nghiệp chướng. Thứ hai, chúng ta phát khởi tình yêu thương, lòng từ bi và Bồ đề tâm hướng đến tất cả chúng sinh trong khắp Pháp giới.
Những nghiệp xấu mà bạn phạm phải liên quan tới chúng sinh sẽ được tịnh hóa bằng cách trao gửi yêu thương, lòng từ bi và Bồ đề tâm tới họ. Đặc biệt, những nghiệp chướng phạm phải liên quan đến Phật, Pháp và Tăng cũng được tịnh hóa bằng việc thực hành quy y Phật, Pháp Tăng. Nếu ai đó ngã xuống, anh ta sẽ có thể đứng lên nhờ điểm tựa là mặt đất. Chúng ta gieo nghiệp xấu lên chúng sinh thì chúng ta cũng phải dựa vào chúng sinh mà hóa giải ác nghiệp.
Chúng ta tạo ác nghiệp với các biểu tượng linh thiêng của Phật, Pháp và Tăng; bằng cách thực hành quy y, bạn sẽ tịnh hoá được ác nghiệp này. Đó chính là năng lực hỗ trợ.
Nương năng lực hỗ trợ, chúng ta không phải trả quả báo chín mùi đầy đủ và quả báo về môi trường. Ngay cả khi bạn được sinh ra trong cõi lành của những chúng sinh có nhiều phúc báo, nghiệp quả luân hồi sẽ đem bạn đến ở một nơi không mong muốn, một nơi dơ bẩn, có rất nhiều bệnh tật, rất nhiều vấn đề như chiến tranh, hoặc rất nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng khác. Tất cả phụ thuộc vào loại nghiệp xấu mà bạn đã tạo tác. Năng lực hỗ trợ sẽ giúp bạn tịnh hóa tất cả những nghiệp chướng đó.
Đức Atisha, dạy rằng bất cứ khi nào bạn thấy rằng bạn bể giới, hoặc tạo nghiệp bất thiện, ngay lập tức, không chậm trễ, bạn phải tịnh hóa nó, không cho phép ác nghiệp tăng trưởng. Ngài cũng nói rằng Ngài không bao giờ giữ những lỗi lầm dù chỉ một ngày, vì ngày nào Ngài cũng thực hành tịnh hóa chúng.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa là Đức Phật chủ về tịnh hóa. Ngài đã phát nguyện rằng dù chỉ còn sót lại một bất thiện nghiệp của chúng sinh chưa được tiêu trừ thì Ngài cũng sẽ không nhập Niết bàn. Như vậy, lời nguyện hộ trì chúng sinh tịnh hóa bất thiện nghiệp của Ngài mạnh mẽ tới mức nếu trì tụng chân ngôn của Ngài, chúng ta sẽ được tịnh hóa trên mọi bình diện. Tu trì chân ngôn Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa có thể tiêu trừ được tất cả các ác nghiệp trọng tội, ác báo và diệt trừ tất cả những ác niệm, phá trừ tất cả các phiền não, tăng trưởng vô lượng công đức.
(Quý vị tải Nghi quỹ tu trì giản lược Đức Bản tôn Kim Cương Tát Đỏa tại đây)
- 1395
Viết bình luận