Pháp tu Di Đà- giải thoát ngay trong đời hiện tại
Đời sống luân hồi bắt nguồn từ việc nảy sinh dục vọng. Tham muốn là nguyên nhân căn bản tạo ra tất cả các phiền não và hoạt động thế gian. Đó là lý do tại sao thế giới mà chúng ta đang sống được gọi là Dục giới. Tâm chúng ta luôn có tham ái, sân giận, si mê, kiêu mạn hoặc nghi ngờ - tức là năm căn bản phiền não, vốn bắt nguồn từ thái độ chấp ngã.
Đức Phật A Di Đà nêu biểu Trí tuệ Diệu Quan Sát, là sự chuyển hóa tham muốn thành trí tuệ giác ngộ. A Di Đà có nghĩa là chuyển Pháp luân thuyết pháp của Trí tuệ Diệu Quan Sát, lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Danh hiệu của Đức Phật A Di Đà (Phạn ngữ: Amitabha Buddha) có nghĩa là Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ. Trong Mandala, Ngài trụ ở phương Tây, là phương của trí tuệ nội chứng, và an tọa trên Bảo tòa Khổng Tước Vương, nêu biểu sự giác tỉnh cùng khả năng chuyển hóa phiền não. Sắc thân màu đỏ của Đức Phật A Di Đà nêu biểu lòng Đại bi, tướng thanh tịnh của hỏa đại. Tay Ngài kết ấn đại định (Định ấn là ngón út, ngón đeo nhẫn, hai ngón giữa giao nhau) nêu biểu 6 đại vô ngại.
Tu trì chân ngôn A Di Đà có khả năng chuyển hóa tâm tham ái, bám chấp thành Trí tuệ Diệu Quan Sát; chuyển hóa những tham nhiễm, chấp trước thành đại nguyện vị tha và chứng đắc Báo thân Phật A Di Đà.
Chủng tử tự: SHRI
Tâm chân ngôn: OM AH MI DEWA SHRI
Lý do, tầm quan trọng và lợi ích của pháp tu Di Đà Mật thừa
Phật thuyết pháp 84.000 pháp môn nhằm phù hợp với năng lực, căn cơ khác nhau của chúng sinh nhưng pháp tu chính được các Bồ tát chọn lại là tu Tịnh Độ. Tám mươi tư đại thành tựu giả là những bậc giác ngộ đều chọn pháp tu Tịnh Độ, không ai là không tu Tịnh Độ, không ai là không quy hướng Tịnh Độ.
Tu trì Pháp Di Đà không chỉ đem lại những lợi ích mà chúng ta đã biết. Pháp tu Di Đà trong Mật thừa giúp chuyển hóa dục vọng, tham muốn thành Trí tuệ Diệu Quan Sát. Pháp tu này vô cùng phù hợp vì chúng ta đang sống trong Dục giới tràn đầy tham muốn dục lạc. Kinh Di Đà tán thán cảnh giới Tịnh Độ của Đức Di Đà, còn theo quan kiến Kim Cương thừa, ý nghĩa chính của Tịnh độ là việc chuyển hóa mọi xúc tình phiền não bắt nguồn từ tâm nhiễm ô.
Pháp tu Di Đà không chỉ lợi ích khi lâm chung hay cận tử nghiệp, mà còn đem lại lợi ích ngay trong đời hiện tại, giúp ta thoát khỏi những chướng ngại, bất an và mang lại cuộc sống an vui. Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta luôn quá bận rộn, chỉ có pháp tu Di Đà là phương cách mầu nhiệm, giản dị dễ tu và dễ thành tựu nhất, giúp chúng ta có điểm tựa và con đường tu tập giải thoát hữu hiệu trong biển khổ trầm luân.
Lợi ích trì tụng Chân ngôn Đức Phật A Di Đà
Chân ngôn sáu âm “OM AMI DEWA SHRI” của Đức A Di Đà, tiếng Việt phiên âm là “Nam Mô A Di Đà Phật”, nêu biểu Lục độ Ba La Mật, là pháp đối trị với sáu xúc tình phiền não.
Thành tâm trì tụng 120.000 biến chân ngôn A Di Đà đúng pháp giúp bạn kết nối với Đức Phật A Di Đà, tăng trưởng sức khỏe, trường thọ, tài bảo, khai mở tình yêu thương, trưởng dưỡng lòng bi mẫn, tịnh hóa vô số ác nghiệp. Những ai thành tựu trì tụng 300.000 lần Chân ngôn này sẽ được Đức Phật A Di Đà an tọa trên đỉnh đầu, hộ trì cả ngày lẫn đêm.
Theo Kinh Đại Tập, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: “Trong thời Mạt pháp này, việc chính niệm trì tụng Đức Phật A Di Đà và phát nguyện được vãng sinh vào Tịnh Độ của Ngài là cách duy nhất giúp mọi người thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, đạt được giải thoát và giác ngộ ngay trong một đời."
Tại sao mọi việc thiện ác đều được nhân lên hàng triệu lần trong ngày 15?
Theo quan kiến Vũ trụ học Mật thừa, chu kỳ của chuyển động mặt trăng trong tháng có ảnh hưởng nhất định đối với đời sống và công đức thực hành tu tập.
Các bậc Thầy Vũ trụ học Mật thừa chia tháng âm lịch thành giai đoạn trăng sáng (15 ngày đầu tháng) để làm những việc cát tường lợi ích, và giai đoạn trăng tối (từ ngày 16 đến hết tháng) là thời điểm các năng lượng tiêu cực chưa được chuyển hóa. Ngày 15 hàng tháng (theo lịch Kim Cương thừa) được các bậc Thầy Mật thừa xem là “khoảng hở” hay “khớp nối” của không gian và thời gian, giữa hai giai đoạn trăng tối và sáng. Thực hành Phật pháp trong “khoảng hở” đó đem lại vô số lợi ích. Mọi việc thiện ác thực hiện trong thời gian này sẽ đều được nhân lên hàng triệu lần.
Ngoài ra, theo truyền thống Kim Cương thừa, ngày 15 hàng tháng cũng là ngày vía Đức Phật A Di Đà. Vì thế, đây là ngày có sự kết hợp giữa năng lượng tốt lành của mặt trăng và năng lượng ngày vía Phật A Di Đà, tạo thành sự hội tụ cát tường vô cùng to lớn cho thực hành Phật Pháp và tích lũy công đức.
- 254
Viết bình luận