Phổ Hiền Bồ tát khuyến tấn đại chúng trong Pháp hội Hoa Nghiêm cầu sinh Tịnh độ
Kinh Hoa Nghiêm là một trong những bộ kinh lớn thuộc hệ thống kinh tạng Đại thừa Phật giáo, được các học giả phương Tây xếp vào một trong 20 thánh thư giá trị nhất phương Đông. Trong một đời hoằng hóa, Đức Phật Thích Ca chỉ nói Kinh Hoa Nghiêm có một lần, lại cố ý nêu rõ ý nghĩa “nhất thiết viên mãn” ấy lại chính là mười hạnh nguyện vương trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, dẫn đường chỉ lối cho kẻ tu hành nên hướng tâm về cõi Cực Lạc.
Phổ Hiền Bồ tát
Nhận được trọng trách đó, Ngài Phổ Hiền đã đem pháp môn Tịnh Độ tích cực khuyến tấn chúng Tăng trong hải hội Hoa tạng, đồng nhất tâm cầu nguyện Phật A Di Đà gia hộ. Như vậy, thì pháp môn Tịnh Độ đã được Phật Thích Ca dạy ngay trong bộ kinh Hoa Nghiêm. Đó chính là pháp môn chung cho mọi hạng người ở mọi quốc độ và mọi thời gian, ai ai cũng đều tu được cả, nhất là hiện nay, trong thời điểm khoa học hiện đại, mọi thông tin liên lạc tân tiến chiếm hữu thời gian con người rất nhiều. Pháp môn niệm Phật quả là hiệu nghiệm.
Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Thiện Tài đi tham cứu học đạo với 53 vị thiện tri thức khắp nơi và chứng được địa vị Đẳng Giác. Thế mà rốt cuộc vẫn phải cùng với 41 vị Đại Sĩ phát nguyện vãng sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc, mong được viên mãn Phật quả thì đủ thấy được rằng pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh quan trọng đến bậc nào”.
Kinh Bảo Tích nói: “Phụ Vương của Phật hỏi Đức Phật cách thức tu để chứng, đã được Như Lai trả lời rằng hết thảy chúng sinh đều có Phật tính và khả năng thành Phật, Phụ Vương nên chuyên tâm niệm Phật A Di Đà cầu được vãng sinh về Tây Phương thế giới, tất sẽ được thành Phật”.
Ngài Như Thiên Thiền Sư sau khi ngộ đạo cũng dặn dò hàng đệ tử: “Trong thời mạt pháp, các kinh điển sẽ lần lượt mất hết, duy còn lưu lại bốn chữ A Di Đà Phật. nếu ai không tin và không tu theo pháp môn Tịnh Độ, e sẽ phải đọa vào ác đạo không có lối thoát”.
Gần đây như Ngài Ấn Quang cũng khuyến cáo đại chúng rằng: “Phần đông chúng sinh ngày nay tội dày phước mỏng, ngoài pháp môn niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh mà tu theo các pháp môn khác cũng có thể được phước trí vẹn toàn, song vẫn khó lòng thoát khỏi luân hồi sinh tử. Chỉ riêng pháp môn niệm Phật A Di Đà, tuy ít người chứng được “Nhất tâm tam muội” như xưa, nhưng có thể nương theo nguyện lực của mình và bản nguyện của Phật A Di Đà mà đới nghiệp vãng sinh. Khi đã tới cảnh Cực Lạc rồi thì không còn lo sợ phải thoái đọa nữa vì đã nhờ được hoàn cảnh thuận tiện thường được gặp Phật nghe pháp nhiệm màu, mà tuần tự tiến tu đến quả vị vô sinh….”.
Căn bản của kinh A Di Đà là thuần niệm Phật để kết hợp tuệ giác với chân như. Công việc tiếp dẫn của Phật A Di Đà là mối dây liên hệ tương ưng giữa tuệ giác siêu việt và thực tại siêu soát. Phật A Di Đà là thực tại siêu thoát.
Mỗi câu niệm Phật có hiệu lực nhắc nhở giữ gìn lòng người khỏi sa ngã để một ngay kia ta gội sạch được ba nghiệp thân, khẩu, ý, thì tâm ta trở nên thanh tịnh, hết mọi trần cấu nhiễm ô. Chừng đó tâm định, phát sinh tuệ giác, lại được thấm nhuần đức Từ, Bi, Hỷ, Xả của Đức Phật thì dù có niệm Phật hay không niệm Phật, tâm ta trở thành vô niệm, mỗi hành vi, cử chỉ, lời nói, ý tưởng đều tuyệt nhiên thanh tịnh, tương ưng với Phật rồi. Lúc ấy ta là Phật, Phật là ta, tính của ta là tính Phật, đồng một thể chân không Bát Nhã, sáng suốt nhiệm màu chẳng còn mê luyến sắc trần tham ái nữa.
Thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà
Vì thế, những người được nghe mười điều nguyện vương này, chớ sinh lòng nghi ngờ, nên lãnh thọ, thọ rồi nên đọc, đọc rồi có thể tụng thuộc, tụng thuộc rồi nên gìn nhớ luôn, nhẫn đến biên chép, vì người mà giảng nói. Những người như vậy trong một niệm đều được thành tựu tất cả hạnh nguyện, được phúc báo vô lượng vô biên, có thể ở trong biển khổ phiền não cứu vớt chúng sinh, khiến chúng sinh được giải thoát, đều được vãng sinh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
(Trích ấn phẩm “Mười hạnh Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm”
Tác giả: Thích Chí Giác Châu
NXB Phương Đông, 2008)
- 714
Viết bình luận