Chuyện rượu bia ngày Tất niên và những nghiệp quả khôn lường | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chuyện rượu bia ngày Tất niên và những nghiệp quả khôn lường

Tết Nguyên đán là dịp người người nhà nhà tổ chức các bữa tiệc tân niên linh đình. Và rượu bia đã trở thành thứ đồ uống không thể thiếu trong những buổi tiệc đó. Theo thống kê của Hiệp hội Máy móc Chế biến Thực phẩm và Đóng gói (VDMA), trong báo cáo thị trường đồ uống toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 16 thế giới về tiêu thụ đồ uống có cồn. Ngoài tác hại của bia rượu đối với sức khỏe như rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ, dạ dày, xơ gan, ung thư gan..., ít ai biết được những quả báo khôn lường khiến con người phải chịu đau khổ trong vô số kiếp do hành động uống rượu bia gây ra, thậm chí ngay cả khi bạn không uống một giọt rượu nào mà chỉ đơn giản là nâng ly mời người khác uống.

Theo khoa học, tất cả các loại rượu đều có chứa chất tửu tinh. Chất này có tác dụng làm tiêu hao sinh lực, khiến cho sự hấp thụ chất đản bạch, các sinh tố cùng các chất khoáng bị giảm thiểu. Kết quả là mức độ dinh dưỡng trong cơ thể bị suy tổn trầm trọng, can tạng (gan) bị tổn thương rất lớn. Bất cứ loại rượu nào, dù là hàm lượng tửu tinh rất ít, cũng gây tổn thương cho cơ thể.

Rượu là đồ uống không thể thiếu trong những buổi liên hoan

Vì sao Đức Phật cấm uống rượu?

Đức Phật dạy tất cả những thứ có chất men làm say hay đầu độc con người đều không được uống. Chính mình không uống đã đành mà cũng không được ép nài, khuyến khích người khác uống. Nếu bạn cố ý uống rượu thì thường tạo tác vô lượng tội lỗi.

Có người đặt ra câu hỏi tại sao rượu được chế tạo bằng những loại cao lương, gạo hoặc trái cây, tại sao Đức Phật lại cấm không cho uống? Nguyên nhân chính là khi chúng ta uống rượu vào làm cho tâm tính mê loạn, mất hết lý trí và tạo tác các bất thiện nghiệp. Đức Phật chế giới cấm uống rượu vì muốn bảo toàn hạt giống trí tuệ và ngăn ngừa nguyên nhân sinh ra tội lỗi. Bản thân rượu không phải là một tội như sát sinh, trộm cướp, tà dâm nhưng nó có thể tạo nhân cho những tội lỗi kia sinh ra. Khi đã uống rượu vào say sưa thì tội nào cũng có thể phạm được.

Trong một số kinh điển Đức Phật có nói về quả báo của việc uống rượu như sau:

- Kinh Phạm Võng: “Khích lệ người khác uống rượu bị quả báo 500 kiếp không có tay”. “Không tay” ở đây không chỉ có nghĩa là sinh làm người không có tay, mà còn là khi bỏ thân này, bị đọa vào trong loài súc sinh, làm những loài vật không tay như côn trùng, đỉa, giun, lươn, lịch... là những loài thuộc về loại chúng sinh không có tay.

- Kinh Chính Pháp Thiện Xứ nói: “Người nào đem rượu cho chúng tăng trong pháp hội uống, hoặc cho người thọ giả uống, cho người tâm đã được tịch tịnh uống, cho người đắc thiền định uống khiến tâm chí của các vị ấy mê loạn thì tội lỗi ấy rất lớn, tương lai sẽ bị đọa vào địa ngục Khiếu Oán”.


Hậu quả của việc uống rượu là sau khi chết đọa vào địa ngục

- Như trong Đại Trí Độ Luận đã thuyết minh: “Uống rượu sinh ra 36 thứ tội lỗi, nên gọi là vô lượng tội lỗi”. Ngoài ra, các kinh khác như kinh Phân Biệt Thiện Ác Sơ Khởi, kinh Phân Biệt Thiện Ác Báo Ứng, cũng đều nói uống rượu sinh ra 36 thứ tội lỗi. Kinh Phân Biệt Thiện Ác Sơ Khởi nói: “Đức Phật dạy người sinh trên thế gian này đa số đều thích uống rượu cho say. Khi đã say rồi thì dễ sinh 36 thứ tội lỗi”.
 

- Trong Kinh Quỷ Vấn Mục Liên nói: “Một hôm tôn giả Mục Liên du hành trong cảnh giới ngạ quỷ. Có một con quỷ thấy Tôn Giả đến nên thỉnh vấn rằng: “Kính bạch Tôn Giả! Một đời của con từ sinh đến nay, tâm tính ngu si đần độn không biết gì, chẳng biết do tội nghiệp chi mà mà chiêu cảm khổ báo ấy?”.

Tôn Giả đáp rằng: “Đấy chính là do trong lúc làm người ở thời quá khứ, người thường đem rượu cho người uống, lại cưỡng ép, khuyên người khác uống rượu, muốn cho người say sưa, mê loạn để tự lấy làm thú vui. Khổ báo ngu si, đần độn này chỉ mới là hoa báo, quả báo sau khi bỏ thân quỷ này phải đọa vào địa ngục”.

Uống rượu làm phá hủy hạt giống trí tuệ
 
Chúng tôi xin kể lại câu chuyện Trưởng lão Sa Đà Dà say rượu để minh chứng cho việc uống rượu làm phá hủy hạt giống trí tuệ như sau:

Khi Phật còn tại thế, một hôm Ngài đi đến ấp Bạt Đà La Bà Đề của nước Chi Đề để giáo hóa. Nơi ấy, có một con độc long gọi là Am Ba La Đề Đà hung dữ, bạo ác phi thường. Con người không ai dám bén mảng đến chỗ ấy đã đành, ngay cả loài thú to như voi, trâu, bò, ngựa... cũng không dám léo hánh đến gần chỗ của nó. Thậm chí loài phi điểu bay trên không trung cũng không dám bay ngang chỗ nó ở. Hoa mầu, lúa thóc đã chín đều bị độc long phá hoại sạch.

Trưởng lão Sa Dà Đà là người thường cúng dường Phật, nên khi nghe Đức Phật Thế Tôn đến nơi này giáo hóa, trưởng lão cũng đi theo. Nghe nơi ấy có độc long, trưởng lão xin phép Đức Phật đến chỗ độc long để bắt nó hàng phục cho dân chúng và muôn thú được yên ổn.

Khi trưởng lão vừa đến, độc long ngửi thấy khí vị y phục của Ngài liền sinh tâm sân hận, vì xưa nay không bao giờ có ai dám đến chỗ của nó. Lập tức từ trong thân của nó phóng ra những khói độc khiến không khí cả một vùng đều bị ô nhiễm.

Thấy khói độc bay đến mình, trưởng lão bèn nhập tam muội, dùng thần thông từ trong thân phóng ra những luồng khói trắng ngăn cản khói độc của độc long, không cho nhập vào mình.

Độc long thấy thất bại càng nổi sân hận, từ trên thân phóng ra lửa khiến toàn vùng ấy biến thành một biển lửa lớn. Trưởng lão bèn nhập Hỏa Quang tam muội, từ trên thân phóng ra lửa ngăn chặn độc quanh mình.

Thấy sự việc bất thành, độc long liền hóa trận mưa đá và sấm sét vang trời để giết trưởng lão. Nhưng trưởng lão không chút sợ sệt, ngài biến những hạt mưa đá thành những hoàn thuốc hoan hỷ hoặc những bánh rất thơm ngon.

Cuối cùng độc long dùng tất cả sức lực, bản lĩnh hóa ra một trận mưa tên và rắn độc. Trưởng lão dùng thần thông rất nhiệm mầu, biến tất cả các thứ ấy thành Ưu Bát La Hoa và thân thể của ngài hoàn toàn không bị tổn thương. Độc long đem hết sức thần thông mà không khuất phục được trưởng lão. Tự biết mình không phải là đối thủ của trưởng lão, độc long bèn đến trước trưởng lão tự nguyện quy y Tam Bảo, làm đệ tử Phật, không còn làm những việc hung ác như trước nữa. Trưởng lão hàng phục được độc long, đem lại yên vui an ổn cho nhân và cầm thú chốn ấy. Từ đó, thanh danh của Ngài lan truyền khắp nơi.

Khi ấy, có một nữ Phật tử bần cùng nhưng vô cùng kính tin trưởng lão, nàng thành kính thỉnh trưởng lão đến nhà để cúng dường một bữa cháo, sữa và tô lạc, ngoài ra còn có thêm một thứ rượu màu trắng như nước.

Trưởng lão vì không để ý nên uống thứ rượu đó. Sau khi uống xong, trưởng lão vì nữ Phật tử thuyết pháp. Xong việc, nữ Phật tử lễ tạ và Ngài từ biệt trở về tịnh xá. Lúc về gần đến nơi, vì ảnh hưởng của men rượu tác động làm trưởng lão té nhào gần tịnh xá, thân nằm một nơi, tăng-già-lê, bình bát v.v... văng tản mác. Trưởng lão bị say nhừ không hay biết gì.

Đức Phật thấy việc này liền bảo ngài A Nan tập hợp đại chúng lại và dạy về việc trưởng lão hàng phục được độc long. Ngài hỏi đại chúng: “Trong lúc hàng phục độc long oai lực biết bao, giờ đây ông Sa Dà Đà này có thể hàng phục được một con rắn nhỏ hay một con tôm hay không?”

Đại chúng đồng đáp lại rằng: “Không thể hàng phục được”.

Phật dạy: “Ông Sa Dà Đà là một vị thánh nhân mà sau khi uống rượu say còn như vậy, huống chi người thế tục thông thường. Thế nên từ đây về sau, nếu là đệ tử của Phật thì quyết định không được uống rượu. Không nói là uống nhiều, chỉ cần một chén nhỏ cho đến một giọt trên đầu ngọn cỏ, cũng không được uống. Nếu uống tức là phạm tội”.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327882
Số người trực tuyến: