Quy y và Bồ đề tâm
Tiếp đến là Quy y, chúng ta nói có Nhân Quy y và Quả Quy y. Những đối tượng như Phật, Pháp, Tăng, Thượng sư, Daka, Dakini được gọi là Quy y bên ngoài hay Nhân Quy y, bởi vì thông qua sự thực hành Quy này, bằng việc thực hành cúng dàng, quán tưởng những đối tượng Quy y bên ngoài, bằng việc trì tụng chân ngôn, thông qua các pháp thực hành như vậy, rồi dần dần Phật, Pháp, Tăng bên trong chính bạn sẽ được trưởng dưỡng. Khi bạn giác ngộ thì tâm không ngụy tạo, tự nhiên, thanh tịnh của bạn chính là Phật, Pháp, Tăng. Song lúc này bạn chưa thể nhận ra ngay điều đó, vì vậy nên nhờ có Phật, Pháp, Tăng bên ngoài mà chúng ta có thể nhận ra được Phật, Pháp, Tăng bên trong chính mình. Như vậy, khi bạn thực hành Pháp tu mở đầu Ngondro, thực hành lễ lạy, quán tưởng cây quy y, tức là bạn đang quy y Phật, Pháp, Tăng bên ngoài. Rồi tới phần cuối của Ngondro, khi quán hòa tan tất cả mọi đối tượng quy y và thư giãn an trụ tức là bạn đang Quy y Phật, Pháp, Tăng bên trong, trong tự tính tâm của chính mình. Như vậy gọi là Nhân quy y và Quả quy y.
Tiếp đến là Bồ đề tâm, chúng ta có Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm tuyệt đối. Bồ đề tâm tương đối phụ thuộc vào sự tác động từ một đối tượng bên ngoài, ví dụ như bạn phát nguyện quy y và phát Bồ đề tâm trước các Bậc Thầy, trước tôn tượng Phật. Như vậy cần có rất nhiều nhân duyên hội tụ để thành việc phát nguyện. Và trong lời phát nguyện đó, trong Bồ đề tâm tương đối đó, cũng có hai loại được gọi là Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh. Bồ đề nguyện là khi bạn phát tâm nguyện giải thoát tất cả chúng sinh và đưa họ đến giác ngộ. Và trong pháp thực hành Bồ tát ấy, ngay trong Bồ đề tâm tương đối mà chúng ta gọi là Bát nhã Ba la mật hay Trí tuệ Bát nhã, trong Luận Tạng của Tăng già cũng đã ghi chép rằng Bồ đề tâm cần luôn được trang bị hai phẩm chất là trí tuệ và từ bi. Nhờ có tâm từ bi mà Bồ đề tâm gửi sự hồi hướng tới hết thảy chúng sinh mẹ, và nhờ có trí tuệ mà pháp thực hành Bồ đề tâm phải là sự phát nguyện giải thoát hết thảy chúng sinh để đưa họ đạt tới giác ngộ. Nguyện vọng đạt tới giác ngộ chính là trí tuệ. Nếu thiếu một trong hai phẩm hạnh này thì tâm đó chưa được coi là Bồ đề tâm chân chính.
Thí dụ như có rất nhiều người rất tốt bụng muốn giúp đỡ người khác, nhưng họ không có đủ trí tuệ để hiểu rằng hạnh phúc tối thượng chỉ có thể đạt được khi đạt tới thành tựu giác ngộ. Hoặc có những bậc thầy, họ có thể đạt được đại trí tuệ, họ biết cách tu tập để đạt được giác ngộ, họ biết cách đạt được mọi thứ, nhưng họ lại không có tâm từ bi để dùng trí tuệ của mình nhằm mang lại lợi ích cho chúng hữu tình. Chính vì vậy mà chúng ta nói rằng trong Bồ đề tâm tương đối rất cần tới sự song hành của Trí tuệ và Từ bi.
Như vậy trong Bồ đề tâm tương đối có Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh. Bồ đề nguyện là tâm nguyện muốn giải thoát hết thảy chúng sinh và dẫn dắt họ tới giác ngộ. Còn Bồ đề hạnh là khi hành giả phát lời thệ nguyện từ nay trở đi sẽ thực hành hạnh Bố thí, thực hành Lục độ Ba la mật, thực hành một nghi quỹ nhất định hoặc pháp Đại thủ ấn vì lợi ích hết thảy chúng sinh. Khi phát nguyện sẽ thực hành và thực sự bắt đầu thực hành pháp là bạn đã bắt đầu thực hành Bồ đề hạnh.
Tiếp theo đó, trong Đại thừa, bạn sẽ tiến tới Bồ đề tâm tuyệt đối. Một số Bậc Thầy dạy rằng bạn có thể đón nhận Bồ đề tâm tuyệt đối thông qua sự phát nguyện, một số Bậc Thầy khác lại dạy rằng bạn không thể nhận được từ bên ngoài, song khi bạn trở thành một bậc Bồ tát và đạt tới địa thứ Nhất thì Bồ đề tâm tuyệt đối sẽ tự nhiên phát khởi bên trong chính bạn. Có nhiều Bậc Thầy đề cập rằng Bồ đề tâm tối thượng và sự chứng ngộ về tính không là một. Thế nhưng, trong Kim Cương thừa, khi quy y, chúng ta quán tưởng phát Bồ đề tâm tuyệt đối. Chẳng hạn đôi khi trong Kim Cương thừa, khi đón nhận pháp quán đỉnh, bên trên đĩa mặt trăng chúng ta sẽ quán tưởng chày kim cương nêu biểu Bồ đề tâm tuyệt đối còn mặt trăng là Bồ đề tâm tương đối.
- 904
Viết bình luận