Sáu Yoga của Naropa (Phần 1) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Sáu Yoga của Naropa (Phần 1)

Các truyền thống Kim Cương thừa khác nhau thường đưa ra các phương pháp tu tập khác nhau của giai đoạn Thành tựu nhưng tựu chung tinh hoa của các pháp tu này đều nằm trong pháp thực hành Sáu Yoga của Naropa được các bậc Thầy ưu tiên truyền dạy. Sáu pháp Yoga là tinh túy giáo pháp Kim Cương thừa, do Đại thành tựu giả Naropa người Ấn Độ sáng lập. Các Yoga này chủ yếu liên quan đến nhận thức, hay sự thấu hiểu về thân vi tế bên trong mỗi chúng ta gồm kinh mạch, luân xa, khí và những giọt tinh chất Minh điểm. Những yếu tố này giúp chúng ta nhìn thấy thế giới bên ngoài nhờ sự trải nghiệm nội chứng bên trong chính bản thân mình. Đối với sự di chuyển của các dòng khí, các hành giả yogi đã quán sát và tính đếm rằng một người bình thường trung bình có 21.600 lượt thở ra và vào trong một ngày, và tuổi thọ của chúng ta kéo dài theo số lượt thở. Chính vì thế ở vùng Himalaya, khi biết trước sẽ mãn tuổi thọ vào ngày hôm sau, nhưng do ngày hôm sau chưa phải là một ngày cát tường, một hành giả yogi cao cấp có thể làm chậm lại hơi thở của mình chỉ còn khoảng 2.000 hoặc 1.500 lượt mỗi ngày để kéo dài thọ mạng cho đến ngày trăng tròn cát tường sau đó. Cho nên có thể nói tuổi thọ của chúng ta chính là độ dài quãng thời gian mà chúng ta hô hấp.


Đại thành tựu giả Naropa

Thông qua hơi thở, vô số xúc tình phiền não bên trong chúng ta sinh khởi do các dòng khí khác nhau đi vào kinh mạch. Vì vậy đôi khi người ta nói rằng mọi thứ chúng ta trông thấy, ngay cả mặt trăng, mặt trời, các vì sao,… đều tương ứng với thân và tâm vi tế của mỗi người. Một hành giả yogi thực hành tốt các phương pháp Yoga có thể tiên đoán nhật thực, nguyệt thực thông qua các thân vi tế bên trong, qua cảm nhận về các dòng năng lượng. Chẳng hạn từ ngày mồng một đến mười lăm âm lịch là chu kỳ trăng lên, cũng như vậy bên trong thân thể có những tinh túy và năng lượng nhất định tăng trưởng theo đúng chuyển động của mặt trăng này. Khi trăng khuyết dần, những năng lượng và một số yếu tố vi tế nhất định sẽ giảm xuống. Nhờ thực hành Yoga cùng với thấu hiểu về Đại Thủ Ấn, các hành giả chú trọng vào Yoga thiền định hơi thở, tịnh hóa các kinh mạch. Thay vì trở thành các dòng khí thông thường làm sinh khởi các cảm xúc tham, sân, si, các hành giả nỗ lực chuyển hóa khí lực vào kinh mạch trung ương và theo cách này, dòng khí hay năng lượng của tham sân si sẽ được chuyển hóa thành năng lượng của trí tuệ.

Kinh mạch trung ương thường được xem là vô cùng linh thiêng. Trong Đại Thừa, đó là Trung đạo. Cũng vậy, trong Kim Cương thừa, nếu các dòng khí của kinh mạch phải và trái chuyển được vào kinh mạch trung ương thì hành giả sẽ đạt được giác ngộ. Chẳng hạn trong thực hành chuyển di tâm thức, bạn phải nỗ lực tập trung đẩy khí vào kinh mạch trung ương, sau đó tâm thức cũng thoát ra từ đây. Người ta cũng nói rằng năng lực trí tuệ bắt đầu sinh khởi khi có dấu hiệu dòng khí trí tuệ bắt đầu đi vào kinh mạch trung ương. Nói chung, có rất nhiều bậc Thầy chỉ thực hành chuyên chú vào Sáu pháp Yoga, tập trung vào việc di chuyển của các dòng khí, kinh mạch, tịnh hóa luân xa, chuyển di giọt tinh chất Minh điểm lên xuống trong thân vi tế, nhờ đó đánh thức khí trí tuệ trôi chảy thông suốt trong kinh mạch trung ương, kết quả là thành tựu giác ngộ.

Sáu pháp Yoga của Naropa tạo thành phần cốt lõi của việc thực hành tu tập giai đoạn Thành tựu trong truyền thống Kim Cương thừa Drukpa, bao gồm: 1) pháp Yoga nội hỏa; 2) pháp Yoga thân như huyễn; 3) pháp Yoga mộng; 4) pháp Yoga Pháp tính diệu minh; 5) pháp Yoga Bardo, và 6) pháp Yoga chuyển di tâm thức.
Tham khảo thêm
Sáu Yoga của Naropa (Phần 2)

Sáu Yoga của Naropa (Phần 3)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6417403
Số người trực tuyến: