Thực hành Sáu Yoga của Naropa trong 3 năm 3 tháng, mọi kinh mạch, luân xa sẽ được tịnh hóa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thực hành Sáu Yoga của Naropa trong 3 năm 3 tháng, mọi kinh mạch, luân xa sẽ được tịnh hóa

Sáu Yoga của Naropa (Phần 2)

Các truyền thống Kim Cương thừa khác nhau thường đưa ra các phương pháp tu tập khác nhau của giai đoạn Thành tựu nhưng tựu chung tinh hoa của các pháp tu này đều nằm trong pháp thực hành Sáu Yoga của Naropa được các bậc Thầy ưu tiên truyền dạy. Sáu pháp Yoga là tinh túy giáo pháp Kim Cương thừa, do Đại thành tựu giả Naropa người Ấn Độ sáng lập. Các Yoga này chủ yếu liên quan đến nhận thức, hay sự thấu hiểu về thân vi tế bên trong mỗi chúng ta gồm kinh mạch, luân xa, khí và những giọt tinh chất Minh điểm. Những yếu tố này giúp chúng ta nhìn thấy thế giới bên ngoài nhờ sự trải nghiệm nội chứng bên trong chính bản thân mình. Người ta nói rằng nếu bạn thực hành Sáu Yoga của Naropa trong vòng ba năm ba tháng, mọi kinh mạch, luân xa của bạn sẽ được tịnh hóa, các luân xa nơi trán, cổ họng, tim và rốn sẽ được khai mở và bạn sẽ thực chứng rằng Thân bạn (thân vi tế hay thân Kim cương) thực chất là chỗ an trụ của chư Phật và Bồ tát; và Ngũ trí Phật sẽ được chứng ngộ trong Sắc thân của bạn.

Sáu pháp Yoga của Naropa tạo thành phần cốt lõi của việc thực hành tu tập giai đoạn Thành tựu trong truyền thống Kim Cương thừa Drukpa, bao gồm: 1) pháp Yoga nội hỏa; 2) pháp Yoga thân như huyễn; 3) pháp Yoga mộng; 4) pháp Yoga Pháp tính diệu minh; 5) pháp Yoga Bardo, và 6) pháp Yoga chuyển di tâm thức.

1. Yoga Nội hỏa

Mục tiêu của Yoga Nội hỏa là đem năng lượng đi vào kinh mạch trung ương tại luân xa tim, làm tan chảy những giọt minh điểm và tạo ra đại lạc. Có ba yếu tố chính liên quan đến thực hành Yoga nội hỏa: thiền quán về kinh mạch, thiền quán về chủng tử tự, và thiền quán kết hợp với kỹ thuật “thở bình” (tập kiểm soát hơi thở và giữ hơi thở lại nhằm gia tăng sự tập trung và sinh lực). Trong suốt quá trình thực hành, hành giả đồng thời cần cầu nguyện, sám hối, trau dồi tâm Bồ đề, củng cố tinh thần xả ly và thiền định về tính không để vượt qua những trở ngại. Hành giả cũng cần thực hành những thực tập về thân để cởi mở những nút thắt kinh mạch trong các Luân xa.

Thiền định như vậy sẽ tạo ra bốn đại lạc. Để làm được điều này, trước tiên giọt tinh chất Bồ đề tâm phải tan chảy và cùng với sinh khí phải được đem vào luân xa tại đỉnh đầu, tạo ra đại lạc thứ nhất gọi là “Đại lạc”. Tiếp đến, hành giả dẫn những giọt tinh chất trong kinh mạch chảy tới và tụ lại tại luân xa cổ họng, đại lạc thứ hai gọi là “Cực lạc” xuất hiện. Một lần nữa, giọt tinh chất lại trôi chảy và tụ lại ở luân xa tim, đại lạc thứ ba được biết như “Đại lạc đặc biệt” khởi lên. Thứ tư, năng lượng tụ lại ở luân xa rốn, đại lạc được biết là “Đại lạc bản lai” sẽ phát lộ.

Khi kinh mạch và giọt tinh chất Bồ đề được tịnh hóa, hành giả có năng lực khai triển phô diễn những phép lạ hay thần thông phi thường; bởi vì giọt tinh chất Bồ đề được củng cố và di chuyển lên những luân xa phía trên, hành giả có thể làm dừng một dòng sông đang chảy; bởi vì tâm khí được tập trung, hành giả có thể thôi miên người khác bằng cách nhìn thẳng vào họ; bởi vì Hỏa đại được kiểm soát, hành giả có thể dừng mặt trời đang quay vòng; với năng lực của những kinh mạch có thể sản xuất ra sự giàu có và vô số ngọc quý; với năng lực của khí có thể hấp dẫn con người; và với năng lực của giọt tinh chất có thể hấp dẫn loài phi nhân.


Tương tự như thế, chúng ta cần hiểu rằng sức nóng sinh lý phát sinh từ thực hành Yoga Nội hỏa chỉ là hiệu quả phụ của việc thực hành, không phải mục tiêu hay chức năng của nó. Yoga Nội hỏa được thực hành nhằm kiểm soát những năng lượng vi tế trong cơ thể và những phản ứng hóa học như một phương tiện làm tan chảy những giọt và tạo ra đại lạc. Đại lạc này hoạt động như nhiên liệu cho hỏa tiễn du hành trong pháp giới. Kiểm soát trên những quá trình sinh lý, ví dụ như chức năng của nhiệt, chỉ là hệ quả phụ mà không phải là mục tiêu chủ chốt của sự thực hành này. Sự kiểm soát tiến trình vi tế của cơ thể và khả năng đem năng lượng vi tế cùng những giọt tinh chất làm nền tảng không thể thiếu được của thực hành Yoga tối thượng. Khơi dậy kiểm soát này là mục tiêu quan trọng của Yoga Nội hỏa. Cho nên, dẫu có thể có mọi lợi lạc và kết quả diệu dụng này, hành giả cần phải được biết rằng chúng đều huyễn hóa như cầu vồng, không có tự tính. Hành giả phải không bao giờ tự cao vì những năng lực này, mà cố gắng vượt qua Bát phong (Tám món bận tâm thế gian) và an trụ trong Đại Thủ Ấn tự sáng tỏ không xao lãng, bởi vì đây là con đường duy nhất để chứng ngộ sâu thêm.

Tóm lại, thực hành Yoga Nội hỏa giúp chứng đắc Trí tuệ Đại Thủ Ấn Vô Sinh, đạt được sự giải thoát khỏi mọi bám chấp và vô minh, cởi mở mọi nút thắt kinh mạch Sinh tử, chuyển hóa mọi kinh mạch Sinh tử thành kinh mạch Trí tuệ, tịnh hóa mọi khí nghiệp và chuyển hóa chúng thành Khí Trí tuệ không chướng ngại, tịnh hóa mọi giọt nhiễm ô và chuyển hóa chúng thành Giọt của Đại lạc, và đạt đến Thân Cầu Vồng bất khả phân với Phật tính viên mãn.

2. Yoga Huyễn thân

Truyền thống Bí Mật Tập Hội dạy về Yoga “tịnh hóa thân khẩu ý” có liên hệ đến tiến trình ba khía cạnh tương ứng của thân, năng lượng và tỉnh giác - thô, tế và rất vi tế lần lượt từng cái một. Huyễn thân được tạo ra trên nền tảng của phạm trù thứ ba (tức là phần tỉnh giác). Trong chừng mực nhất định, hành giả chỉ có thể biểu hiện huyễn thân trên căn bản đã được thiết lập là “Tịnh hóa thân khẩu ý”.

Trong hệ thống Sáu Yoga, việc rèn luyện huyễn thân được chia làm ba khía cạnh: rèn luyện trong việc trải nghiệm thực chứng tính như huyễn của “vạn pháp” khiến vượt qua sự vật mà chúng ta kinh nghiệm trong cuộc sống lúc thức, rèn luyện tỉnh giác về tính như huyễn của giấc mộng, và rèn luyện trong tính như huyễn của Bardo cái chết. Trong khía cạnh đầu tiên, những năng lượng của sự sống trong kinh mạch đi vào luân xa tim, và cho ra kinh nghiệm của những nguyên tố hòa tan cho đến khi đại lạc và tịnh quang khởi lên. Sau đó, tập trung thiền định trên tính không. Trong thời hậu thiền định, hành giả đem đại lạctính không này vào kinh nghiệm sống hàng ngày.

 

Như vậy, chúng ta cần biết rằng trong thân người thô thiển do nghiệp báo vẫn thường trụ tinh túy thanh tịnh của Thân Phật, nhưng tinh túy này tạm thời bị che giấu do sự bám chấp và lầm lạc của con người. Qua sự thực hành Yoga Huyễn thân, những bám chấp và lầm lạc này sẽ dần dần được tiêu trừ, và trí tuệ tính không được chứng ngộ. Kết quả là, những khí, kinh mạch và giọt tinh chất Bồ đề thuộc sinh tử được tịnh hóa và thân người được chuyển hóa thành Thân huyễn như cầu vồng của Phật quả.

3. Yoga Mộng 

Khía cạnh tiếp theo của việc rèn luyện huyễn thân liên quan đến làm việc với trạng thái giấc mộng. Trong áp dụng thực tế của Yoga giấc mộng, thật cần thiết phải liên hệ đến sự thiền định và an trú thanh tịnh quang của giấc ngủ, mặc dù một mức độ nhỏ của yoga giấc mộng có thể thực hành bằng cách dùng ý thức kết hợp với kỹ thuật thiền định hay thiền quán. Mức độ thành thạo đòi hỏi bắt đầu từ nền tảng của Sáu Yoga được nâng lên, phương pháp nội hỏa là khả năng tạo ra hòa tan nguyên tố và kinh nghiệm tâm thức qua những giai đoạn hòa tan này, từ cái thấy của ảo ảnh cho đến sự xuất hiện của thanh tịnh quang. Khả năng tạo ra những hòa tan này và lưu giữ chúng ở những giai đoạn khác nhau trong trạng thái thiền định tỉnh thức là một khí cụ cho việc áp dụng kỹ thuật vào thời gian ngủ và giấc mộng. 

Yoga giấc mộng bắt đầu với sự trau dồi khả năng duy trì giấc mộng, có nghĩa là khả năng nhận ra giấc mộng như một giấc mộng (biết mình đang nằm mộng) trong lúc đang nằm mộng, không làm rối loạn dòng chảy của nội dung trải nghiệm. Nói khác đi, hành giả trau dồi kỹ thuật thiền quán trong tiến trình ngủ, trước tiên thể nhập vào thiền định thanh tịnh quang của giấc ngủ, sau đó khi giấc mơ bắt đầu xảy đến, thể nhập vào yoga giấc mộng.

4. Yoga Bardo

Như ta đã biết, khe hở giữa hai trạng thái khác nhau chính là Bardo, chúng ta đang sống trong từng phút giây hiện tại ở trong trạng thái trung gian cho nên có thể nói mọi biểu lộ của thế giới này thật ra là những biểu hiện của Bardo, và tất cả hiện hữu của sinh tử đều là những biểu hiện của Bardo. Thời gian từ lúc sinh ra đến khi chết đi được gọi là “Giai đoạn trung gian của Đời Sống và Cái Chết”. Từ khi rơi vào giấc ngủ đến khi thức dậy là “Trung gian của Giấc Mộng”. Từ chết đến tái sinh là “Giai đoạn trung gian sau khi chết tới tái sinh”. Tương tứng với các trạng thái Bardo chính này, các pháp Yoga Nội hỏa và Yoga Huyễn Thân áp dụng cho “Trạng thái trung gian giữa Đời Sống và Cái Chết”; Yoga Pháp tính diệu minh và Yoga Giấc mộng áp dụng cho “Trạng thái trung gian của Giấc Ngủ”; còn hai pháp Yoga Bardo và Yoga của Chuyển di tâm thức áp dụng cho “Trạng thái trung gian sau khi chết và tái sinh”.

Công đức của thực hành Yoga Bardo có thể tóm tắt như sau:

- Pháp thân có thể chứng ngộ vào lúc chết, lúc ngủ cũng như khi thiền định.

- Báo thân khi ở trong Bardo giữa chết và tái sinh (Trung ấm thân), và trong lúc mộng.

- Hóa thân vào lúc tái sinh và khi thức.

Đây cũng gọi là Con đường dẫn đến sự thành tựu Tam thân Phật.

5. Yoga Pháp tính diệu minh

Bao gồm hai loại thực hành: Thiền định về Pháp tính diệu minh trong lúc thức và trong lúc ngủ.

Thực hành Yoga Pháp tính diệu minh trong trạng thái thức cơ bản ám chỉ việc thực hiện Yoga Nội hỏa nhằm thu gom năng lượng của sự sống đi vào an trú và hòa tan vào kinh mạch giữa, làm tan chảy những giọt tinh chất Bồ đề tâm tạo ra bốn Đại lạc và bốn Tính không. Dấu hiệu của những nguyên tố hòa tan xảy ra cho đến khoảnh khắc thanh tịnh quang. Đại lạc của kinh nghiệm đại tịnh quang được kết hợp với thiền định về tính không và sau đó an trụ trong Pháp tính diệu minh.

Sự rèn luyện trưởng dưỡng Yoga Pháp tính diệu minh của giấc ngủ đòi hỏi một phương pháp đặc biệt hơn, và do đó, với yoga giấc mộng, bao gồm làm việc với những luân xa khác nhau để điều chỉnh những tư thế ngủ của hành giả được tốt hơn và đem chúng bổ sung hài hòa với yêu cầu của Yoga.

6. Yoga chuyển di tâm thức

Trạng thái thân và tâm của hành giả vào lúc chết tạo nên một khác biệt lớn lao với kinh nghiệm lúc cận tử và làm thế nào để hành giả đi vào Bardo này. Kết quả là ảnh hưởng đến kinh nghiệm Bardo chết và tiếp theo là sự tái sinh. Điểm then chốt trong thực hành pháp yoga này là nhằm chuẩn bị kinh mạch cho cái chết bằng cách áp dụng các pháp yoga trong suốt cuộc đời hành giả, vì vậy khi khoảnh khắc cái chết đến, tâm thức của hành giả có thể nhẹ nhàng thoát ra ngoài cơ thể và hướng đến tái sinh trong một cõi Tịnh độ của Phật hay cõi Trời, hoặc tái sinh vào cõi Người làm một hành giả Mật thừa. Kinh mạch của sự chết dễ dàng chuẩn bị bằng phương tiện thực hành áp dụng yoga, đặc biệt nếu thành thạo về yoga nội hỏa, huyễn thân và Pháp tính diệu minh.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5698809
Số người trực tuyến: