Sự thật về những điềm báo trong giấc mơ
Tâm thức giống như bầu trời vô nhiễm thanh tịnh. Nếu không bị cuốn hút và bám chấp vào những hiện tượng u ám, vẩn đục thì rồi chúng ta sẽ có thể an trú trong tâm hư không rộng mở của mình. Các thói quen, tập khí biểu hiện vào mọi lúc, kể cả lúc ngủ và cả lúc thức. Trong tâm thức bình phàm của chúng sinh, những hiện tượng tập khí, thói quen ban ngày trông thấy được là thô nặng và những hiện tượng tập khí, thói quen trong giấc mộng không trông thấy được là vi tế.
Nguyên tố vi tế lại luôn hiện diện trong nguyên tố thô, vì vậy trong tâm thức của một hành giả đích thực thì những hiện tượng tập khí, thói quen ban ngày không có sự khác biệt với những hiện tượng tập khí, thói quen trong giấc mộng.
Những hiện tượng tập khí, thói quen trong giấc mộng không nhìn thấy được của chúng ta giống như những vì sao tinh tú, tuy không thể trông thấy được vào ban ngày nhưng thực chất chúng vẫn luôn ở đó. Những hiện tượng thô ban ngày không khiến cho những hiện tượng giấc mộng vi tế biến mất. Những tập khí, thói quen mộng bất tịnh của tâm bình phàm không mất đi cho tới khi những tập khí, thói quen bất tịnh lúc thức biến mất.
Có nên giải đoán những điềm báo trong giấc mơ?
Dù cho từ vô thủy, mọi thứ là bất khả thị - không gì có thể được trông thấy - nhưng chúng ta vẫn luôn tạo ra và tin vào cái hữu hình không đáng tin cậy này. Ở giữa hữu hình và vô hình chúng ta luôn luôn ở trong đau khổ. Bồ tát Shantideva (Tịch Thiên) đã nói: “Một phụ nữ vô sinh thì không thể có con, nhưng trong giấc mơ của mình, nếu thấy đứa con của mình bị chết thì cô ta vẫn ở trong đau khổ”. Nhưng với bậc hành giả đích thực đã hiểu được tinh túy, bản chất thuần tịnh của các nguyên tố thì không có tập khí, thói quen ban ngày thô nào cả và cũng không có tập khí, thói quen mộng vi tế nào hết.
Theo truyền thống Mật thừa, không cần thiết phải khảo sát, kiểm nghiệm các giấc mộng chúng ta gặp vào buổi đêm và trước nửa đêm, vì những giấc mộng này chỉ là những biểu hiện của những tập khí, thói quen từ trước đó. Không cần thiết để khảo sát những giấc mộng chúng ta gặp vào lúc nửa đêm, vì khi ý niệm về các nguyên tố bất tịnh vi tế lúc mộng của chúng ta cùng ý niệm về các nguyên tố thô bất tịnh ban ngày của chúng ta được nối kết với nhau, thì chúng sẽ tạo ra những rối loạn biểu hiện tự thân như là những dạng ma quỷ. Chúng ta nên khảo sát, kiểm nghiệm những giấc mộng chúng ta có vào lúc bình minh, rạng sáng nếu chúng ta muốn biết về tương lai.
Phải làm gì nếu gặp ác mộng?
Nếu gặp ác mộng, chúng ta có thể xua tan những hiện tượng tiêu cực của nó nhờ sự cầu nguyện và thiền định. Nếu đó là một giấc mộng lành, thì chúng ta vẫn có thể giữ những hiện tượng tích cực của nó lại cũng nhờ sự cầu nguyện và thiền định, và nó có thể trở thành sự thực. Nếu chúng ta thực hành thiền vô tướng và muốn ngơi nghỉ, an trụ trong Tâm Trí Tuệ Bình Đẳng thì chúng ta nên nhận ra rằng không quan trọng dù cho những giấc mộng xảy ra là thật hay không, vì ban ngày và lúc mộng, cả hai đều chỉ là một giấc mộng mà thôi. Chúng ta không cần phải sợ và có cảm giác tồi tệ về những cơn ác mộng và chúng ta cũng không cần phải có những cảm giác tốt hay những mong đợi, hy vọng về những giấc mộng lành, mà thay vào đó, chúng ta nên cố gắng hòa tan những ý niệm của mình tan biến vào hư không quang minh sáng tỏ.
Nếu muốn tạo ra những hiện tượng thanh tịnh của các nguyên tố vi tế, chúng ta thực hành quán tưởng vị Bản tôn tùy theo nghi quỹ ứng với căn cơ, điều kiện riêng của mình. Nếu tập khí, thói quen ban ngày của chúng ta là hiện tượng của vị Bản tôn, thì tập khí, thói quen giấc mộng của chúng ta cũng sẽ trở thành hiện tượng của vị Bản tôn. Dần dần, những hiện tượng mộng bất tịnh sẽ được chuyển hóa vào những hiện tượng mộng thanh tịnh, cho tới khi một cách tận cùng và tối hậu thì ban ngày và lúc mộng đều trở thành một khối cầu pháp tính thanh tịnh vô hạn của các hiện tượng Bản Tôn Trí Tuệ.
(Lược trích ấn phẩm: “Vũ Điệu Huyền Diệu - Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini”
Nguyên tác: “Magic dance – The display of the self-nature of the five wisdom Dakinis”)
- 1381
Viết bình luận