Tại sao chúng ta cần thiền định?
Nếu chúng ta cho rằng thiền định chỉ đơn thuần là làm lắng tâm thì ngay khi trở lại công việc hàng ngày, những thói quen cố hữu của tâm sẽ quay lại phá vỡ sự cân bằng trước đó. Vì vậy, tôi muốn giới thiệu với các bạn những lý do khác khiến chúng ta nên thực hành thiền định và chính niệm, không chỉ làm lắng dịu tâm mà bạn có thể bắt đầu chuyển hóa và thay đổi cuộc đời mình tốt đẹp hơn.
Thiền mang lại cho bạn niềm tri ân sâu sắc với cuộc sống. Lòng tri ân vẫn luôn ở đó, ẩn nấp dưới biến động tinh thần, vùi sâu dưới những lớp tầng của sợ hãi và kỳ vọng. Nhờ thiền định, cảm xúc này có thể trỗi dậy giúp chúng ta thực sự trải nghiệm được nó. Tương tự, khi quán chiếu cảm xúc và nhìn lại những tổn thương sâu sắc trong quá khứ, những tình cảm chúng ta cố tình chôn giấu suốt nhiều năm tháng có thể nổi lên và đây là lúc chúng ta có thể xả bỏ chúng đi. Điều này đòi hỏi sự dũng cảm, nhưng khi nhìn trực diện vào những suy nghĩ và cảm xúc ấy, trong khoảng thời gian vô cùng an ổn của một thời thiền định, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra mình được toàn quyền quyết định có để chúng tiếp tục bào mòn thực tại và che phủ cả cuộc đời mình nữa không. Thiền định luôn mở ra một khoảng không gian rộng lớn trong tâm, để tâm được nghỉ ngơi và chúng ta có thời gian suy ngẫm về cuộc sống. Chúng ta bớt bám chấp vào những tư tưởng, cảm xúc, và nhờ vậy chúng cũng trôi đi dễ dàng.
Thực hành thiền định đồng thời trưởng dưỡng sự tỉnh thức về chính mình và cuộc sống xung quanh giúp chúng ta ngừng rượt đuổi mục tiêu ảo vọng để tận hưởng những gì tốt đẹp sẵn có. Chúng ta có thể hạnh phúc ngay lúc này thay vì lăng xăng cố gắng tích vào bảng danh sách dài dằng dặc những việc cần làm, cho rằng chỉ khi hoàn thành xong, chúng ta mới xứng đáng được hưởng hạnh phúc.
Thiền định giúp mở rộng tâm, cho phép chúng ta nhìn mọi việc dưới góc độ khác để khám phá ý nghĩa đích thực của cuộc sống và hoàn thiện chính mình. Chúng ta giải phóng tâm khỏi trói buộc hàng ngày của những lo toan nghi ngại và tạo ra không gian cho hạnh phúc hôm nay.
Thiền định giúp chúng ta hiểu bản chất của thời gian và tự tính vô thường của vạn pháp thế gian. Quán chiếu được điều này, chúng ta sẽ bớt bám chấp vào kỳ vọng về những điều phải có trong cuộc sống để ta được hạnh phúc. Bằng sự chiêm nghiệm và suy ngẫm, chúng ta bắt đầu hiểu tâm vận hành như thế nào, hiểu rằng mọi suy nghĩ của chúng ta đều chỉ là nhận thức hay một cách nhìn tương đối. Từ nhận thức này, ta có thể chấp nhận một cách nhìn khác có giá trị đúng đắn tương đương.
Chúng ta có thể suy ngẫm về những mối quan hệ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và ngay cả với một người xa lạ trên phố. Chúng ta có đang cư xử với mọi người theo cách ta muốn được đối lại hay không? Nếu ai đó làm chúng ta khó chịu, chúng ta có tự soi chiếu lại và suy nghĩ làm cách nào để sửa đổi bản thân, thay vì ngay lập tức phản bác và trả đũa họ?
Chúng ta cũng có thể quán chiếu về mối quan hệ của mình với mọi thứ - chẳng hạn như tài sản, tiền bạc. Liệu chúng ta có đang ôm giữ khư khư hay biết cách buông xả những thứ này? Một khi bắt đầu bám chấp vào bất kỳ ai hay vào điều gì đó, tâm ta sẽ trở nên cố chấp thiếu linh hoạt, để những điều kiện, kỳ vọng che lấp tự tính hạnh phúc vốn sẵn có nơi tâm mình.
Bạn cần ngồi tĩnh lặng để thấy rõ tâm mình
"Tôi thấy thiền định rất hữu ích khi kết hợp với quán chiếu, suy ngẫm về mọi khía cạnh của Phật pháp, mà thực chất chính là chiêm nghiệm về cuộc sống. Khi mới tập thiền, tôi chỉ có thể ngồi được một chút, cùng lắm vài phút. Trong lúc thiền, đầu óc tôi còn rất nhiều tạp niệm và không hề thư thái. Dần dần, khoảng trống giữa các ý nghĩ bắt đầu dài hơn. Đó là lúc bạn có thể quán chiếu, quan sát ý nghĩ mà không cần nắm bắt, chỉ đơn giản hãy để nó tự sinh diệt. Cho dù những ý nghĩ cao cả như tư tưởng Phật pháp có hiện khởi, ta cũng không thủ không xả mà hãy để nó trôi chảy tự nhiên. Thật thú vị khi để tâm vào từng ý nghĩ phát khởi nhưng cũng đồng thời để mặc chúng qua đi, như những hình ảnh trôi qua trong một bộ phim.
Sau khi thực hành nhiều lần, những vọng tưởng hối hả của bạn sẽ dần lắng xuống, bạn có thể nhìn thấy chúng rõ hơn và bắt đầu phát hiện ra chút khoảng trống ở giữa. Khoảng trống ấy cho phép hạnh phúc chân thật bên trong được hiển lộ. Cùng với việc làm quen và nhận ra dấu hiệu hạnh phúc đó, chúng ta sẽ trải nghiệm trạng thái tâm vô cùng an lạc.
(Trích ấn phẩm “Hạnh phúc tại tâm - Bí quyết sống hạnh phúc”
Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
Tham khảo thêm
Hạnh phúc chính là tự tính của bạn
Hãy tỉnh thức trước những niềm vui nhất thời
- 1039
Viết bình luận