Tấm gương những Bậc Thầy nhận lãnh đau đớn, bệnh tật cho chúng sinh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tấm gương những Bậc Thầy nhận lãnh đau đớn, bệnh tật cho chúng sinh

Theo quan kiến đạo Phật, một người có từ tâm là vị thầy thuốc chữa bệnh thần kỳ nhất, không những chỉ chữa lành bệnh hay giải quyết được các vấn đề cho chính họ, mà còn là vị thầy thuốc chữa bệnh cho những người khác. Đa số chúng ta đều xác nhận rằng trong bệnh viện, nơi căn bệnh đang hoành hành và bệnh nhân đang chịu đựng nỗi đau đớn, với nụ cười thân thiện và sự khích lệ của  các y bác sĩ, bệnh nhân sẽ đỡ đau và mau khỏe hơn. Một khi tình thương được lan tỏa ra từ nơi sâu thẳm của một người, chính tình thương yêu đã tạo nên năng lượng chữa lành.


Đức Phật Dược Sư

Trong truyền thống Phật giáo, người thầy chữa bệnh nguyên thủy và đầu tiên là Đức Phật Phật Dược Sư, chính Ngài đã thuyết các bài pháp thiêng liêng được cô đọng trong những bài kinh được gọi là Tứ Mật Y Kinh (Four Medical Tantras). Tất cả y thuật của đạo Phật đều bắt nguồn từ bộ kinh thiêng liêng này. Duyên khởi của bài kinh này, Đức Phật Dược Sư một lần đã ngồi thiền định, xung quanh là các vị đệ tử gồm các vị y sĩ, nhà thông thái, thiên vương và các vị Bồ Tát, tất cả đều ước nguyện học hỏi về phương pháp chữa bệnh.

Tất cả đều lặng người bởi hào quang sáng rỡ trang nghiêm của Đức Phật, mà không dám mở lời. Biết được nguyện vọng của họ, Đức Phật Dược Sư đã phát ra hai ánh hào quang, ánh hào quang thứ nhất là lời thỉnh cầu học pháp, và ánh hào quang thứ hai giảng giải về pháp này. Nhờ vậy, bài kinh này được thuyết, và Đức Phật Dược Sư giải thích những chứng bệnh khác nhau về thân cũng như tâm, giảng về nguyên nhân của chúng, sự chẩn đoán bệnh tình, và cách chữa trị. Mặt khác, Đức Phật Dược Sư hiểu rõ nguyện vọng của các đệ tử mà không cần họ phải nói ra, việc này cho thấy lòng từ bi vô hạn của Ngài đối với các đệ tử.

Y học Phật giáo chỉ áp dụng thuốc men một cách có giới hạn. Việc sử dụng thuốc chỉ được áp dụng vừa phải để chữa các triệu chứng ngoại tại của căn bệnh. Việc chữa trị căn bệnh cho con người tận gốc rễ cần phải nương vào sự chứng ngộ tâm linh, mỗi người chúng ta đều có thể tự chữa trị bằng cách này. Đức Phật Dược sư thường được họa vẽ với đủ loại dược thảo quý hiếm bao quanh, trong y dược, với vô số thiên vương, và chư vị Bồ Tát.

Chúng ta không những có khả năng chữa trị cho chính bản thân, mà còn có thể chữa bệnh cho những người xung quanh như câu chuyện sau đây:

Thuở xưa, có một tăng sĩ sống trong một làng nhỏ ở vùng Himalaya. Ngài sống rất giản dị, và hàng ngày chăm lo các Phật sự của mình. Năm đó trong làng xảy ra một trận dịch đậu mùa, giết chết vô số người trong vùng, vị tăng sĩ cũng bị đậu mùa và thị tịch. Đó là vào giữa mùa đông, mặt đất bị đóng băng và củi thì khan hiếm, vì vậy nhục thân của Ngài được thả xuống một cái hồ đang đóng băng. Một thời gian sau đó, dịch đậu mùa chấm dứt. Vào mùa xuân, mặt băng tan đi, và người ta nhận thấy một cầu vòng phía trên mặt hồ nơi họ thả nhục thân của vị tu sĩ.

Người ta liền đến nơi đó và thấy nhục thân của vị tu sĩ đang nổi lên, hoàn toàn nguyên vẹn. Nhục thân của Ngài được đưa về tu viện và được làm lễ trà tỳ theo nghi thức tăng sĩ. Khi nhục thân của Ngài biến mất trong ngọn lửa, nơi dàn hỏa xuất hiện nhiều cầu vồng bay thẳng lên bầu trời, sau đó người ta tìm được các xá lợi trong đống tro tàn. Lúc ấy, mọi người đồng công nhận vị tăng sĩ là một Bậc Thầy giác ngộ ngay trong vỏ ngoài rất tầm thường. Ngài đã nhận lãnh căn bệnh hiểm nguy để thanh tịnh hóa các nghiệp xấu của chúng sinh tạo nên trận dịch. Bời vậy, trong Phật giáo vùng Himalaya, bệnh tật có thể là một biểu hiện của sự thành tựu về mặt tâm linh, và sự hy sinh chính mình để cứu những người khác.

Một người tầm thường có khả năng trị bệnh phi phàm. Khả năng này chỉ đạt được khi chúng ta chấp nhận về mình sự đau khổ của kẻ khác, chịu đau khổ như kẻ khác, bằng cảm nhận lấy nỗi khổ của họ. Trau dồi những cảm giác tương thông này sẽ làm tăng trưởng lòng từ bi. Chỉ có như vậy mới có thể kích hoạt được năng lực chữa bệnh không giới hạn tiềm ẩn sâu thẳm trong tâm thức vô biên của chúng ta.

Bệnh tật và đau khổ được xem là cách giải thoát đặc thù, cho ta cơ hội để trải nghiệm sự liên hệ chặt chẽ giữa ta và những chúng sinh khác, và cho ta thấy rõ bản chất khổ đau của kiếp con người. Có một câu chuyện về một vị trụ trì thiền viện đã đạt được năng lực chữa bệnh bằng lòng từ bi. Một ngày nọ trong khi Ngài đang dạy dỗ đệ tử, bất thần Ngài kêu đau. Khi các đại sư hỏi ông bị gì, ông nói rằng có một con chó đang bị đánh đập bên ngoài. Khi họ ra ngoài, họ nhìn thấy một người đàn ông đang giận dữ và dùng gậy để đánh một con chó. Khi người đàn ông được gọi vào bên trong thiền viện, vị trụ trì kéo áo xuống cho ông ta thấy những vết bầm và cắt trên lưng đúng ngay chỗ con chó bị đánh đập.

(Nguyên tác: Each of us a Healer: Medicine Buddha and the Karma of Healing

Dịch sang tiếng Việt: Mỹ Thanh)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5756607
Số người trực tuyến: