Tích lũy công đức vào các ngày đặc biệt trong năm
Mỗi chúng ta là trung tâm của năng lượng, nếu bản thân không có đủ phẩm chất tình yêu thương, không có trí tuệ, thì không thể phát ra từ trường mát mẻ, an bình tốt lành cho cả môi trường và vũ trụ chúng ta đang sống. Nếu bạn giữ tâm bình an, nỗ lực trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm và thực hành tích lũy công đức thì mỗi ngày, mỗi thời khắc đều trở thành dịp đặc biệt cát tường thù thắng.
Công đức chân chính dựa vào trí tuệ biết xả bỏ bản ngã
Khi thực hành giai đoạn phát triển chúng ta đặc biệt chú tâm tới sự tích lũy hai bồ tư lương: công đức và trí tuệ.
Nghĩ tới việc tích lũy công đức chúng ta thường nghĩ tới việc có "đối tượng" là mình đang tích lũy công đức và có sự tích lũy một lượng công đức cụ thể. Thực tế điều này không phải giống như vậy. Nếu cho rằng có đối tượng tích lũy công đức là cái "TA" một bản ngã thì sẽ có sự chấp rằng có cái "TA" sau này để hưởng phước phần. Như vậy vô tình ta đã tạo ra thêm 1 cái Ngã tham "công đức". Cái Ngã này sẽ ra sức "tích tập" công đức, ra sức làm các thiện hạnh nhưng rồi chính nó lại chấp vào chính công đức thiện hạnh đó và điều này trở thành nhà tù đầy tiện nghi nhốt chặt “giả ngã” lại trong luân hồi.
Sự tích tập công đức chân chính dựa vào trí tuệ biết xả bỏ bản ngã trong hoạt động của mình và không gì khác là bồ đề tâm vì lợi ích cho tha nhân, chúng hữu tình.
Chúng ta cần hiểu rằng khi còn sống trong vòng luân hồi thì không thể nào tránh được nghiệp. Chúng ta là Phật tử cần tin rằng gieo nhân ác chịu quả báo khổ đau, gieo nhân thiện lành sẽ đem lại kết quả tốt đẹp. Cũng như muốn trở thành một người tri thức trí tuệ chúng ta cần đầu tư học hành, kiến thức không thể nào rơi từ trên trời xuống được. Chúng ta muốn tích lũy công đức thì phải làm thiện, tịnh hóa thân khẩu ý của mình. Còn nếu tạo bất thiện nghiệp như sát sinh, trộm cắp, nói dối, uống rượu… thì không tránh khỏi chướng ngại.
Vì vậy bốn đặc điểm của nghiệp là:
- Nhân quả là chắc chắn;
- Nghiệp tăng trưởng liên tục;
- Nếu chúng ta không làm một hành động nào thì ta sẽ không nhận quả báo đó;
- Nghiệp không bao giờ mất, từ một nhân có thể thành nhiều quả khác nhau, nó không dừng nếu chúng ta không tìm cách để cắt đứt nó.
Ví dụ một căn nhà sắp sụp đổ được ví với thân bệnh, chướng ngại của chúng ta sắp ập đến, thay vì ngồi chờ đổ vỡ chúng ta phải tìm cách xây lại cái trụ cột để căn nhà được bình an và không đổ sụp xuống đầu. Đó là cách dùng Phật pháp để thực hành, tịnh hóa tất cả chướng ngại.
Xưa kia Đức Mục Kiền Liên là một bậc thần thông đệ nhất của Đức Phật nhưng vẫn phải chịu quả báo bị người ta đánh chết mà không dùng một chút thần thông nào cho đến kiếp cuối cùng khi Ngài chứng quả A La Hán. Vậy chúng ta là những hành giả sơ cơ làm sao có thể tránh khỏi các quả đó nếu chúng ta không thực hành Phật pháp.
Các bạn muốn có tiền thì phải đi kiếm công việc, phải làm việc, phải đầu tư thời gian, sức khỏe thì mới có kết quả là tài sản, của cải. Chúng ta muốn gia đình hạnh phúc thì phải vun vén hạnh phúc, biết trân trọng, tri ân những thành viên trong gia đình thì chúng ta mới có hạnh phúc. Không thể có hạnh phúc từ bên ngoài, tâm mình cởi mở, an tịnh, yêu thương thật lòng thì sẽ đón nhận được hạnh phúc. Chúng ta vừa làm tổn hại người khác, chúng ta có thể quên ngay nhưng cái nhân đó đã gieo vào tạng thức và nó sẽ hiện thành nghiệp.
Sự vận hành của trục trung tâm của bảng luân hồi là nguyên nhân khiến chúng ta trầm trìm trong sáu đạo luân hồi, đó chính là tâm chúng ta. Chúng ta thường gọi là nghiệp lực, nghiệp chuyển thành lực tức là có sức mạnh khiến chúng ta không thể kiểm soát, giống như người nghiện rượu, nghiện thuốc họ không thể dừng lại hành động của họ. Trong quy luật nghiệp, lại có cực trọng nghiệp, cận tử nghiệp, tập quán nghiệp và tích lũy nghiệp có sức mạnh dẫn con người đi đầu thai mạnh nhất.
Y báo là cảnh giới mình đang sống, chánh báo là bản thân mình. Đối với chư Phật, chính báo là Đức Phật, y báo của Ngài là cảnh giới Tịnh độ. Đối với cá, chính báo là cá, y báo là nước. Mỗi loài chúng sinh hữu tình, vô tình đều có y báo và chính báo, điều này tương ứng với vũ trụ bên ngoài và bên trong. Ở đây chúng ta chỉ cần nhớ vũ trụ bên ngoài là môi trường, vũ trụ vi tế là bản thân mình.
Tích lũy công đức vào những ngày đặc biệt
Do vậy khi bạn được nói rằng ngày A, ngày B, dịp C nào đó là dịp đặc biệt cát tường để tích lũy công đức thì ngày đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi bạn có thể làm lợi lạc nhiều hơn cho tha nhân, cho chúng sinh và cho vũ trụ này.
Các ngày Nhật thực, Nguyệt thực, v.v... kỳ thực là những thời điểm vũ trụ có sự bất tường về mặt năng lượng, rối loạn, phát sinh năng lượng tiêu cực và do đó sẽ gây sự bất tường tới cả một hệ mặt trời rộng lớn là cõi ta bà nơi ta đang sống. Điều này gây ảnh hưởng tới cả một tiểu vũ trụ gây rối loạn làm tổn hại các vị chư Thiên, Atula, các hộ pháp thế gian, các chúng sinh các cõi ngã quỹ, bàng sinh.v.v... Chúng sinh ra các năng lượng tiêu cực ảnh hưởng tới kinh mạch, khí lực của các hành giả tâm linh cũng như người bình thường. Do vậy nếu tu tập trong những dịp như vậy, đặc biệt các thực hành Phật pháp như ăn chay, tụng kinh cầu nguyện, trì chân ngôn, phóng sinh, thực tập thiền định trải từ bi tâm v.v... sẽ có ảnh hưởng chung cho nhiều sinh linh, làm giảm tác hại của sự rối loạn năng lượng vũ trụ do đó mà phát sinh công đức.
Trong tháng các ngày 14,15, 30,1 thực chất cũng là các ngày chuyển tiếp giữa các chu kỳ mặt trăng nên cũng gây sự mất quân bình cho tiểu vũ trụ và các sinh linh sống có ảnh hưởng bởi mặt trăng. Do vậy các ngày này thường được khuyên không nên sát sinh, nói dối, nói ác khẩu, uống bia rượu, giảm các hành vi xấu và tăng các thiện hạnh, thực hành tâm linh có thể tăng trưởng công đức.
Ngày 8, 10 và 25 rất có ý nghĩa trong Kim cương thừa. Nó thực sự là các Ngày trung đạo trong tháng, năng lượng mẫu tính và phụ tính chuyển hóa tốt nhất đặc biệt thích hợp thực hành các pháp tu lễ Phật, sám hối Kim Cương Tát Đỏa, sám hồng danh 35 vị Phật, cúng dàng Mandala, cúng dàng đèn, Guru Yoga, pháp tu về vị Phật Bản Tôn...
Các ngày vía Phật thực sự có ý nghĩa cát tường là thời gian Đức Phật hiện thân cõi Ta bà chuyển pháp luân lợi ích vô lượng chúng sinh, là dịp đặc biệt thù thắng đánh dấu mốc son thay đổi tâm linh của cả nhân loại, chuyển hóa khổ đau và tìm về bến giác giải thoát cho vô lượng chúng sinh sau bao nhiêu kiếp trôi lăn trong sinh tử luân hồi.
Theo truyền thống Kim Cương thừa
(Tải Lịch Kim Cương thừa ở hình bìa dưới đây)
Các ngày hàng tháng:
Ngày 08: Ngày Đức Phật Dược sư
Ngày 10: Ngày Đức Liên Hoa Sinh
Ngày 15: Ngày Đức Phật A Di Đà
Ngày 25: Ngày Đức Phật Mẫu Dakini
Ngày 29: Ngày Đức Kim cương Hộ pháp
Ngày 30: Ngày Đức Phật Thích Ca.
Theo truyền thống Đại thừa
(Âm lịch)
Tháng Giêng
01/01: Ngày Đức Phật Di Lặc
Tháng Hai
08/02: Ngày Đức Phật Thích Ca xuất gia
15/02: Ngày Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn
19/02: Ngày Đức Quan Thế Âm Bồ tát
21/02: Ngày Đức Phổ Hiền Bồ tát
Tháng Tư
04/04: Ngày Đức Văn Thù Bồ tát
15/04: Ngày Đức Phật Thích Ca đản sinh
Tháng Sáu
19/06: Ngày Đức Quán Thế Âm Bồ tát
Tháng Bảy
13/07: Ngày Đức Đại Thế Chí Bồ tát
15/07: Lễ Vu Lan Bồn
30/07: Ngày Đức Địa Tạng Bồ tát
Tháng Chín
19/09: Ngày Đức Quan Thế Âm Bồ tát
30/09: Ngày Đức Phật Dược Sư
Tháng Mười Một
17/11: Ngày Đức Phật A Di Đà
Tháng Chạp
08/12: Ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo
CÁC NGÀY TRAI HÀNG THÁNG
Mười ngày trai gồm: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30.
Sáu ngày trai gồm: 8, 14, 15, 23, 29, 30
Bốn ngày trai gồm: 1, 14, 15, 30
Hai ngày trai gồm: mùng 1 và 15.
Trong Kim Cương thừa sự vận hành của 15 ngày đầu năm mới, tức là tuần trăng sáng rất quan trọng vì nó khởi đầu 1 chu trình mới của tiểu vũ trụ nên các thiện sự, ác sự sẽ ảnh hưởng tới cả năm. Chúng ta cần thực hành tích lũy công đức, giúp đỡ mọi người, sống chan hòa, phát triển tình yêu thương, trí tuệ, đặt sự quyết tâm trưởng dưỡng con đường tâm linh của mình.
Nhóm ĐBT biên soạn
- 1791
Viết bình luận