4. Nghiệp | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

4. Nghiệp

Quy luật nghiệp đã được đề cập một cách khái quát ở mục 2, nói về Tập đế trong Tứ diệu đế. Ở đây sẽ được trình bày kỹ hơn.

4.1 Khái niệm Nghiệp

Nghiệp là khái niệm rất căn bản trong triết lý Phật pháp. Thậm chí nhiều người không phải là Phật tử trong chừng mực nào đó cũng thấm nhuần tư tưởng này. Nghiệp là quy luật tự nhiên chi phối toàn bộ tiến trình đời sống và cái chết trong vòng quay luân hồi bất tận. Trong vòng quay đó, cả sự sống lẫn cái chết đều không ngừng bị Nghiệp dẫn dắt. Do Nghiệp mà người ta có một cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau, cái chết có thể đến sớm hay muộn, là một trải nghiệm dữ dội hay bình an. Có thể nói nghiệp chi phối toàn bộ đời sống luân hồi. Một bậc Thầy tôn quý đã nói về nghiệp như sau: “Vô số tái sinh còn ở phía trước, cả tốt và xấu. Quả của nghiệp là không tránh khỏi, và trong những cuộc đời trước chúng ta đã tích luỹ nghiệp xấu thì không tránh khỏi sẽ dẫn đến quả của nghiệp xấu đó trong đời này hoặc những đời tương lai. Như có người đã được cảnh sát chứng kiến trong một lần phạm tội cuối cùng sẽ bị bắt và bị trừng phạt, do đó chúng ta cũng phải đối mặt với hệ quả của những hành động sai trái chúng ta đã làm trong quá khứ”.

Quy luật nghiệp cũng được gọi là quy luật nhân quả vì nghiệp có nghĩa là gieo nhân gì gặt quả đó, nhưng khi sử dụng từ “quy luật”, chúng ta nên hiểu là quy luật của tự nhiên giống như là quy luật lực hút của trái đất chứ không phải là luật do ai đặt ra.

Cách giải thích ngắn gọn nhất về Nghiệp là: “Bạn sẽ nhận được những gì bạn cho đi”. Trở ngại lớn nhất của chúng ta trong việc hiểu hay tin vào nghiệp có lẽ là vấn đề thời gian. Các hành động làm trong đời này có thể tạo ra quả trong ngay đời này, nhưng cũng có thể trong đời sau. Vì vậy có người thắc mắc “Tại sao người kia làm toàn điều xấu mà vẫn giàu có, khỏe mạnh?”

4.2 Một số quan niệm sai lầm về Nghiệp

Một số người tự hỏi liệu quy luật nghiệp chỉ áp dụng cho những ai có niềm tin vào quy luật nghiệp, và sẽ không áp dụng cho những ai không biết hoặc không có niềm tin, giống như “không biết thì không có tội” và nếu như vậy, thì tốt hơn hết là không nên biết về nghiệp. Trong thực tế, nghiệp là quy luật của vũ trụ, có sẵn trong tự nhiên và chi phối tất cả mọi loài trong sáu đạo luân hồi, dù cho chúng ta có biết và có tin vào nghiệp hay không. Giống như khi ăn phải những chất độc hại thì bất kỳ ai cũng sẽ bị ốm, bệnh cho dù họ có tin là chất độc sẽ gây hại hay không.

Có người lại cho rằng nghiệp là tiền định, chúng ta không làm gì để thay đổi được. Đây hoàn toàn là một hiểu biết sai lệch. Một khi nghiệp được tạo ra từ những hành động của thân, khẩu, ý có nghĩa của bạn, có nghĩa là việc thay đổi nghiệp cũng nằm trong hành động thân, khẩu, ý của bạn. Hay nói một cách khác là nằm trong tầm tay của bạn.

Một số người lại có suy nghĩ rằng vì tất cả là tính không, nên không có tốt và xấu, không có đúng và sai. Quan điểm chấp không này là rất sai lầm và sẽ gây trở ngại lớn cho sự phát triển tâm linh của chúng ta. Những bậc Thầy giác ngộ là những người thực chứng tính không bất nhị thấy rõ vạn pháp có cùng bản chất: thuộc tính tồn tại của tính không. Tính không không phủ định tính tương đối của vạn pháp. Ở mức độ tương đối, vạn pháp và mọi sự vật hiện tượng tồn tại theo nhân duyên - cái này tồn tại phụ thuộc vào cái kia như những nguyên nhân và điều kiện tương hỗ cho nhau. Ở mức độ tuyệt đối, mọi hiện tượng đều là tính không, nhưng ở mức độ tương đối, đau khổ và nhầm lẫn là kết quả của những hành động bất thiện, hạnh phúc là kết quả của những thiện nghiệp. Vì vậy, nghiệp hay quy luật nhân quả chắc chắn tồn tại và chúng ta cần phải trưởng dưỡng trí tuệ để thực chứng để được lợi ích tích cực nhất từ việc tôn trọng quy luật vĩ đại này.

Một vài người lại có quan điểm về nghiệp theo xu hướng tiêu cực. Họ nghĩ rằng “Tôi gặp rất nhiều chướng ngại trong đời sống, chắc hẳn tôi đã làm nhiều điều không tốt trong quá khứ, bởi vậy tôi là “một người xấu’”. Đây là quan kiến sai lầm. Không có cái gì gọi là “một người xấu”. Tất cả những ai chưa giác ngộ thì tâm đều bị phiền não, vô minh và ảo tưởng chi phối, dẫn đến những hành động không khéo léo, có trí tuệ và tạo ra những rắc rối cho chính mình và mọi người xung quanh, nhưng điều này không phải là bản chất thật của chúng ta. Tất cả chúng ta đều có khả năng và tiềm năng thoát khỏi vô minh, ảo tưởng, phiền não và cả những ác nghiệp để trở thành một bậc toàn tri với lòng từ bi hướng đến tất cả chúng sinh như chư Phật, chư vị Bồ tát hay các bậc Thầy giác ngộ. Chúng ta không thể thay đổi những gì ta đã làm trong quá khứ, nhưng từ giờ phút này trở đi, chúng ta có thể thay đổi bản thân mình, và giáo lý nghiệp chỉ cho chúng ta phương cách thay đổi.

4.3 Tại sao phải tin vào Nghiệp?  

Nghiệp thể hiện sự công bằng tuyệt đối vì người ta sẽ nhận được kết quả của những hành động do họ làm. Ví dụ trồng cây ớt sẽ thu hoạch trái ớt, trồng cây cam sẽ thu hoạch trái cam. Tuyệt đối không bao giờ trồng cây ớt lại thu hoạch trái cam. Chúng ta tin vào nghiệp thì mới có thể tạo cho mình một đời sống bình an, hạnh phúc.

Bản thân khoa học cũng nhìn nhận Nghiệp theo cách của nó. Ngành vật lý cũng có nói tới quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành động và phản lực.

Đức Phật đã dạy:

“Đừng cho rằng một tội lỗi nhỏ không quay trở lại trong những đời tiếp theo.

Tựa như những hạt mưa rơi sẽ làm đầy một chiếc bình chứa lớn,

Những tội lỗi nhỏ liên tục tích luỹ sẽ hoàn toàn nhấn chìm kẻ gây ra những tội lỗi đó.”      

Đừng nghĩ một công đức nhỏ sẽ không quay trở lại trong những đời tiếp theo.

Tựa như những hạt mưa rơi sẽ làm đầy một chiếc bình chứa lớn,

Những công đức nhỏ liên tục tích luỹ sẽ hoàn toàn đủ lớn cho người có công đức.”

Khi hiểu và tin vào nghiệp, chúng ta sẽ trở nên lạc quan vì hiểu rằng chúng ta là chủ nhân của chính mình chứ không bị lệ thuộc vào một đấng siêu nhiên hay một người hoặc hoàn cảnh nào khác bên ngoài.

Có nhiều người, thậm chí không phải Phật tử, trưởng dưỡng được niềm tin tự nhiên về quy luật nghiệp qua những trải nghiệm thực tế của bản thân hoặc của người khác mà họ quan sát được. Các bậc Thầy dạy rằng ở mức độ nhất định chúng ta có thể nhìn thấy sự vận hành của nghiệp trong đời sống. Khi tâm chúng ta trong trạng thái không tốt - bất mãn với bản thân và cuộc sống hoặc sân giận với thế giới xung quanh - thì mọi việc sẽ không suôn sẻ, ta sẽ gặp nhiều cản trở và những điều tiêu cực khác. Nhưng khi tâm chúng ta trong trạng thái tích cực, tôn trọng và quan tâm đến mọi người, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều trải nghiệm tốt. Những trải nghiệm này là bằng chứng rằng thái độ và hành vi của chúng ta đã ảnh hưởng đến những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

4.4. Bốn quy luật của Nghiệp       

(i) Nghiệp là chắc chắn: Khi ta gây hại cho người khác, ta sẽ gặt khổ đau cho bản thân. Một khi đã thực hiện một hành động, không bao giờ lại không có hậu quả. Một cách đơn giản: Hành động thiện tạo ra sự an lạc, hạnh phúc; hành động bất thiện tạo ra khổ đau.

Nhưng làm thế nào để chúng ta phân biệt đâu là hành động thiện và đâu là hành động bất thiện? Trong hai khổ đầu của kệ Pháp cú, Đức Phật đã giải thích tất cả đều phụ thuộc vào trạng thái tâm và động cơ của chúng ta.

Tâm dẫn đầu tất cả các Pháp

Tâm là chủ, Vạn Pháp do tâm tạo.

Nếu một người nói và làm với tâm không thanh tịnh, sẽ mang lại đau khổ

Giống như một bánh xe theo sau chiếc xe bò kéo.

Tâm dẫn đầu các Pháp,

Tâm là chủ, tâm tạo ra các Pháp.

Nếu một người nói và làm với tâm thanh tịnh thì hạnh phúc sẽ theo họ

Giống như bóng với hình không bao giờ rời nhau

Nói một cách khác, những hành động bất thiện xuất phát từ tâm bất thiện ví dụ như sân giận, bám chấp, ghen tuông, vô minh. Những hành động thiện lành được tạo ra từ tâm thanh tịnh ví dụ như lòng từ bi, tình yêu thương, vô chấp hay trí tuệ.

(ii) Nghiệp tăng trưởng:

Điều này có nghĩa nếu chúng ta thực hiện một hành vi bất thiện cho dù nhỏ nhất mà không áp dụng bất kỳ phương pháp đối trị nào như thực hành tịnh hóa thì ác nghiệp sẽ tăng trưởng liên tục và sẽ đem lại những kết quả không mong muốn. Còn một hành động thiện nghiệp dù rất nhỏ cũng sẽ đem lại nhiều kết quả lợi lạc. Điều này tương tự với bất kỳ điều gì chúng ta có thể quan sát trong tự nhiên - ví dụ nếu ta gieo chỉ một hạt táo nhỏ, qua năm tháng được chăm bón, hạt táo đó có thể trở thành một cây táo trĩu quả. Nếu chúng ta để cỏ mọc tự nhiên thì sẽ nhanh chóng có một khu vườn đầy cỏ dại.

(iii) Nếu chúng ta không làm một hành động nào thì ta sẽ không nhận quả báo đó.

Điều này có nghĩa rằng nếu chúng ta không có hành động bất thiện thì sẽ không có quả báo xấu trong tương lai. Điều này cũng là điều hiển nhiên trong khoa học, mọi thứ không xuất hiện mà không có nguồn gốc.

Nguyên lý này giải thích tại sao đôi khi có những tai nạn xe cộ khiến một số người mất mạng, nhưng lại có những người lành lặn không một vết xước. Một mặt khác, nếu không tạo thiện nghiệp, chúng ta sẽ không thể có được những quả báo tốt lành trong tương lai. Nguyên lý này được hiểu dưới góc độ những trải nghiệm hiện tại của chúng ta. Bất kỳ khi nào phải đối mặt với chướng ngại hay bất hạnh trong cuộc đời, chúng ta cần nhắc nhở tâm mình rằng đó là do những bất thiện nghiệp chúng ta đã tạo trong quá khứ. Nếu hiểu và chấp nhận điều này, chúng ta sẽ không còn cảm thấy mình là nạn nhân phải gánh chịu khổ đau hay trách cứ người khác. Tất cả những điều may mắn ta có được - được sinh làm người, có sức khỏe, đủ ăn, được mọi người đối xử tốt - là quả báo của những thiện nghiệp chúng ta đã tích lũy từ trong quá khứ. Chúng ta phải có trí tuệ để trân trọng và hoan hỷ về những gì mình đang có trong kiếp sống này, hân hưởng những phước báo này và đồng thời biết tự khuyến khích, tạo động lực tiếp tục làm các thiện hạnh mạnh mẽ và lợi ích hơn nữa.

(iv) Nghiệp không bao giờ mất.

Khi chúng ta thực hiện một hành động của thân- khẩu- ý sẽ để lại một dấu ấn giống như gieo trồng một hạt giống trong tâm thức chúng ta. Trong đời mình, chúng ta gieo vô số hạt giống nghiệp. Những hạt giống này sẽ nằm ở trong tâm cho đến khi tạo quả hoặc bị tiêu trừ. Nếu chúng ta không thực hành các phương pháp tịnh hóa hạt giống nghiệp xấu, thì đến khi hội tụ đầy đủ nhân duyên, hạt giống sẽ chín mùi và chúng ta sẽ chịu quả báo. Khoa học cũng nói, mọi thứ không thể biến mất mà không để lại một thứ gì đó. Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú rằng:

Nếu bạn đã làm một điều gì sai trái

Hay liên quan đến hành vi sai trái nào,

Bạn chạy chốn với hy vọng có thể che đậy đi sự thật

Việc làm đó quả là việc làm vô ích và không có lối thoát.

Nó tồn tại chẳng ở nơi nào

Nhưng những gì bạn đã làm, sẽ theo bạn

Xuống đại dương, lên bầu trời

Hoặc ở trong những hang núi xa

Dù cho đó là tốt hay xấu,

Năng lượng của bất kỳ hành động nào

Bạn đã làm sẽ không bao giờ mất

Quả báo cũng sẽ đi liền theo đó.

4.5 Năng lực của Nghiệp

Với nhận thức đúng đắn rằng Nghiệp chính là sức mạnh đưa chúng ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi, chết đi rồi lại tái sinh vào kiếp khác, rồi lại chết đi, chúng ta cần biết lúc lâm chung, năng lực dẫn sinh của nghiệp được xếp theo thứ tự từ cao đến thấp như sau:

Cực trọng nghiệp: có thể là “cực trọng thiện nghiệp” hoặc”cực trọng ác nghiệp”. Loại nghiệp này có năng lực chi phối mạnh nhất khi bạn kề cận cái chết. Chẳng hạn, những người niệm Phật đến nhất tâm bất loạn sẽ sinh thẳng về cõi Tịnh độ, đó là do năng lực của cực trọng thiện nghiệp. Những người phạm tội Ngũ nghịch sẽ khó thoát khỏi tái sinh vào ba cõi thấp vì đó là cực trọng ác nghiệp.

Cận tử nghiệp: là nghiệp được tạo tác sau cùng trước khi một người chết hoàn toàn. Đa phần đó là ý nghiệp. Nếu không có cực trọng nghiệp thì cận tử nghiệp sẽ là năng lực dẫn sinh mạnh nhất. Chẳng hạn, một người nếu ngay lúc chết khởi tâm sân giận thì người đó sẽ gặp nhiều khổ đau trong giai đoạn thân trung ấm và sẽ tái sinh vào cảnh giới không tốt đẹp. Ngược lại, nếu người đó giữ được tâm thế an bình tỉnh thức thì sẽ có thể đi vào giai đoạn thân trung ấm một cách nhẹ nhàng và có nhiều khả năng được sinh đến những cõi lành. Sự sân hận trong giây phút lâm chung thật vô cùng tai hại. Cái chết vị vua A Dục, vị Hoàng đế được biết đến như một bậc Hộ trì Phật pháp vĩ đại, là minh chứng sinh động cho điều này. Trong lịch sử, vua A Dục đã từng xây cất không biết bao nhiêu bảo tháp chùa chiền, thực hành vô số thiện hạnh hướng về Tam Bảo. Khi sắp lâm chung, vua ra lệnh đem của cải trong kho ra bố thí trọng đại để làm phúc trước khi chết. Khi vị quan giữ kho phản đối, nhà vua tức giận về điều này rồi chết. Sự sân hận đó khiến Ngài phải đầu thai làm con rắn độc trong vườn Ngự uyển chờ cơ hội thuận tiện cắn chết ông quan giữ kho để trả thù. Nhờ có công đức đời trước, sau gặp được vị Sa-môn vì rắn thuyết pháp, do nghe pháp nên đức Vua mới được thoát thân rắn, sinh lên cõi Trời.

Cận tử nghiệp hình thành như là kết quả cuối cùng của một loạt chặng tư tưởng trước khi chết gọi là lộ trình tâm cận tử. Lộ trình này lại có liên quan chặt chẽ đến hai loại nghiệp được tích lũy trong đời sống vừa qua là “tập quán nghiệp” và”tích lũy nghiệp”.

Tập quán nghiệp là những nghiệp được lặp đi lặp lại trong đời sống. Khi lâm chung, loại nghiệp đó sẽ khiến hiện ra cho người chết ba thứ ảo ảnh:

Nghiệp: người chết thấy lại hình ảnh mình đang làm việc đó. Ví dụ người tu hành thấy mình đang tụng kinh, người đồ tể lại thấy mình đang giết lợn.

Nghiệp tướng: người chết thấy lại những hình ảnh liên quan đến tập quán đó. Ví dụ người tu hành thấy chuông mõ, kinh kệ, người đồ tể có thể thấy con dao, chậu máu ghê rợn...

Thú tướng: tập quán nghiệp dẫn người chết sinh vào cõi nào thì hình ảnh của cõi ấy sẽ hiện ra. Ví dụ người tu hành có thể thấy cõi Phật hoặc các Thiên giới an lành, còn người đồ tể thì thấy cảnh khủng khiếp của Địa ngục...

Tích lũy nghiệp: trong tất cả các nghiệp chúng ta đã tạo tác, nghiệp nào nặng nhất hoặc ấn tượng mạnh nhất trong dòng tâm thức của chúng ta, có thể là thiện hay bất thiện, có thể chúng ta chỉ làm một lần trong đời, và có thể không ai biết cả, nhưng chắc chắn nghiệp đó sẽ quay lại, hiện ra vào lúc chết và làm nhiệm vụ dẫn sinh.

Tóm lại, thời điểm lâm chung là thời điểm vô cùng quan trọng khi nghiệp sẽ thể hiện mạnh mẽ năng lực chi phối, dẫn sinh của mình. Nếu không hiểu biết và thực hành quán chiếu về nghiệp, vào lúc lâm chung, bạn sẽ không thể chủ động sáng suốt mà sẽ bị cuốn theo các ác nghiệp để tái sinh vào một trong sáu đạo luân hồi. Trên tiến trình chết như đã trình bày ở phần trước, nếu bạn tích lũy nhiều thiện nghiệp trong đời sống vừa qua, các tiến trình tan rã này sẽ có những dấu hiệu tương đối dễ nhận biết, do vậy, bạn bè người thân có thể dễ dàng hộ niệm cho bạn hướng tới một cái chết bình an và tái sinh an lành. Ngược lại, nếu từng tạo rất nhiều ác nghiệp, trọng tội thì tiến trình tan rã xảy ra rất lộn xộn, rất khó nhận biết và rất khó để người khác hộ niệm cho bạn một cách hiệu quả.

  

4.6 Làm gì để loại bỏ nghiệp xấu đã tạo?     

Tuy nhiên, chúng ta có thể tịnh hóa tất cả ác nghiệp chúng ta đã tạo ra trong đời này, thậm chí là nhiều đời trước - không bao giờ là muộn cả. Nghiệp không phải là định mệnh, không thể thay đổi được, không có bất thiện nghiệp nào mà không thể tịnh hóa được.

Những hạt giống nghiệp bất thiện có thể bị tiêu trừ thông qua bốn năng lực đối trị: 1) hối hận, ăn năn về những hành động bất thiện đã tạo; 2) tin tưởng vào sự giúp đỡ của những đối tượng quy y như Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng); 3) thực hành thiện nghiệp; và 4) quyết tâm không tái phạm.

Lưu ý là những hạt giống nghiệp thiện cũng có thể bị huỷ hoại. Trong khi chúng ta chưa tích lũy được bao nhiêu thiện nghiệp, phải kiểm soát tâm để tránh sân giận nếu không sẽ nhanh chóng tự hủy hoại những hạt giống nghiệp thiện quý báu.

Về mặt thực hành, chúng ta có thể loại bỏ những bất thiện nghiệp trong hiện tại và quá khứ bằng cách thực hành các phương pháp tịnh hóa (các pháp sám hối, trì chân ngôn Đức Kim Cương Tát Đỏa), và bảo vệ những nghiệp tốt đã tạo bằng cách hồi hướng công đức đến sự giác ngộ của tất cả chúng sinh.


Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa

Vào thời đức Phật còn tại thế, tại xứ Kosala từng có tướng cướp Angulimala là kẻ vô cùng bạo tàn đã giết tới 999 người, về sau tên tướng cướp khét tiếng này đã được Phật độ cho quy y xuất gia làm tăng sĩ. Vị tăng đó đã miên mật tịnh hóa những ác nghiệp quá khứ và rồi cuối cùng chứng đạt quả A la hán. Lịch sử Kim Cương thừa cũng ghi lại câu chuyện về bậc Thành tựu giả trứ danh là Đức Milarepa, sinh thời từng gây ra cái chết của 35 người cùng rất nhiều động vật và phá hủy mùa màng của nhiều người dân vô tội. Nương năng lực tu tập thực hành, Ngài vẫn có thể tịnh hóa được ác nghiệp của mình và đạt được giác ngộ ngay một trong đời. Như thế, dù nghiệp đã tạo ra tiêu cực thế nào vẫn có thể được tịnh hóa một phần hoặc hoàn toàn qua quá trình thực hành tâm linh.

Giống như một người làm vườn, người tu tập trước tiên cần phát quang cánh đồng (thân, khẩu, ý) bằng cách làm sạch các đất đá và cỏ rác trên cánh đồng đó (tịnh hóa), sau đó gieo hạt, chăm bón (tu tập, làm điều thiện) và một vụ mùa mới sẽ tự động sinh trưởng (thành tựu thực hành tâm linh, có một đời sống bình an, hạnh phúc).

4.7 Mười bất thiện nghiệp cần tránh:

Ba bất thiện nghiệp thuộc về thân là:

  • Sát sinh: cướp đoạt sinh mạng của bất cứ chúng sinh nào - từ con người cho đến loài côn trùng nhỏ nhất, dù cho trực tiếp hay gián tiếp làm điều đó.

  • Trộm cắp hoặc lấy tài sản của người khác mà không được sự đồng ý, dù trực tiếp hay gián tiếp, bất kể giá trị của vật lấy trộm là bao nhiêu.

  • Tà dâm (với những người không phải là vợ/chồng mình) và thích những hình thức ân ái đồi trụy.

Bốn bất thiện nghiệp gắn thuộc về lời nói là:

  • Nói dối: đưa ra lời khuyên hoặc thông tin sai lệch.   

  • Nói lời thêu dệt, lưới đôi chiều: vu khống để gây chia rẽ.  

  • Nói lời thô lỗ: nói những lời khắc nghiệt và lăng mạ.

  • Nói lời vô ích: nói chuyện gẫu về những điều không lợi ích.

Ba bất thiện nghiệp liên quan đến các hoạt động của tâm là:

  • Tham lam, ham muốn những thứ thuộc về người khác.

  • Ác ý: muốn làm hại người khác

  • Tà kiến: có quan điểm của tà giáo: không tin vào tái sinh, Luật Nhân quả và Tam quy y.

4.8 Một câu chuyện hay về việc chuyển nghiệp

Cách đây khá lâu, có một vị tăng già, thông qua việc tu tập siêng năng, đã đạt đến khả năng hiểu biết tâm linh nhất định. Vị tăng có một đệ tử mới khoảng chừng mười tám tuổi. Một ngày kia, vị tăng nhìn ngắm khuôn mặt của người đệ tử và thấy rằng anh ta sẽ chết trong vài tháng nữa. Cảm thấy buồn trước điều này, vị tăng già cho người đệ tử nghỉ một thời gian dài và đi thăm bố mẹ anh ta. Vị tăng già nói: “Hãy đi thong thả. Đừng vội quay về đây.” Vì vị tăng già cho rằng người đệ tử đó nên ở cùng gia đình khi qua đời.

Ba tháng sau, vị tăng già ngạc nhiên khi thấy người đệ tử đó lên núi quay về chùa. Vị tăng già quan sát kỹ mặt anh ta và thấy người đệ tử sẽ sống đến già. Vị tăng già nói: “Hãy kể cho ta nghe mọi chuyện đã xảy ra trên đường con đi.” Và thế là người đệ tử bắt đầu thuật lại hành trình xuống núi của mình. Anh ta kể về những làng mạc và thành phố đã đi qua, về những dòng sông đã lội qua và những ngọn núi đã trèo qua. Sau đó, anh ta kể việc một ngày kia đi ngang qua một con suối đang trong cơn lũ. Trong khi đang cố gắng vượt qua dòng suối chảy xiết, anh ta nhận thấy có một tổ kiến đã bị mắc kẹt trên một mô đất nhỏ giữa dòng nước xiết. Động lòng trắc ẩn trước những sinh linh tội nghiệp đó, anh ta đã lấy một cành cây và đặt nằm ngang qua một nhánh của con suối cho đến khi nhánh cây đó chạm vào mô đất và giữ cho cành cây nằm chắc chắn cho đến khi tất cả đàn kiến đã thoát sang đến vùng đất khô ráo. Sau đó, người đệ tử lại tiếp tục hành trình của mình. Vị tăng già tự nhủ: “Vậy đó là lý do tại sao chư thiên đã kéo dài cuộc sống của anh ta.”

Với hiểu biết về Nghiệp, bạn thấy rằng đời người thật quý giá bởi đó là cơ hội cho bạn tích lũy vô lượng công đức và tịnh trừ vô số ác nghiệp, cho phép bạn tự do quyết định tính chất hạnh phúc hay đau khổ cho đời sống hiện tại cũng như tương lai của mình. Do đó hãy sử dụng thân người của bạn một cách hiệu quả nhất, tránh xa những dục vọng ảo tưởng thế gian, hãy dấn thân và nỗ lực tinh tấn thực hành hướng đến sự giác ngộ giải thoát.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6331575
Số người trực tuyến: