2. Đức Phật là ai? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

2. Đức Phật là ai?

Khái niệm về một vị Phật

Một vị Phật là một người đã hoàn toàn phát triển được các phẩm chất tích cực và loại bỏ mọi phẩm chất tiêu cực. Trước khi đạt được giác ngộ, một vị Phật cũng là một người thường như bạn và tôi. Giác ngộ được ví với việc thức tỉnh, khi một người trải qua sự chuyển hoá toàn diện về mặt tâm linh từ trạng thái mê mờ sang trạng thái thức tỉnh. Chúng ta có thể nói rằng một vị Phật là thể hiện đỉnh cao nhất của quá trình trưởng dưỡng tâm linh, do các vị Phật đã thành tựu hiểu biết toàn tri – chính là trí tuệ giác ngộ tối thượng.

Đức Phật trong lịch sử, Phật Thích Ca Mâu Ni hay Đức Phật Cồ Đàm (Gautama), sống cách đây khoảng 2500 năm tại Ấn Độ. Tuy nhiên, Ngài không phải là đức Phật đầu tiên, và sẽ không phải là đức Phật cuối cùng. Ngài thuyết giảng rằng trong thời đại này (eon - một khoảng thời gian rất dài, có thể so sánh với thời gian từ lúc hình thành của vũ trụ mà chúng ta biết), sẽ có 1.000 vị Phật toàn giác thuyết giảng về Phật giáo (sau khi Phật giáo đã bị hoàn toàn lãng quên). Các Đức Phật thứ nhất, thứ hai, thứ ba là Câu Lưu Tôn Phật (Krakucchanda), Câu Na Hàm Mâu Ni Phật (Kanakamuni), Ca Diếp Phật (Kashyapa), sau đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni), Đức Phật trong lịch sử sống cách đây khoảng 2.500 năm, và Đức Phật tiếp theo sẽ là Đức Phật Di Lặc (Maitreya).

Một vị Phật khác với “Chúa trời”, “thần linh” hay “đấng tối cao”… theo cách hiểu của các tôn giáo Ki tô, Do Thái, Hồi giáo và nhiều tôn giáo khác ở chỗ Phật không phải là đấng sáng tạo ra vũ trụ, không phải là đấng toàn năng có thể ban phúc giáng họa. Trái lại, Phật là người đã giác ngộ, thấu đạt được sự thật – chân lý – và mang chân lý đó truyền giảng lại cho những người khác, giúp chúng sinh nhờ thực hành tu tập trưởng dưỡng tâm linh mà cũng thành tựu giác ngộ được như vậy.  Tuy nhiên, nhờ năng lực giác ngộ, một vị Phật có hiểu biết toàn tri, thấu đạt vạn pháp và có thể bằng cách đó đem lại lợi ích to lớn cho các chúng sinh khác.

Như vậy, mọi chúng sinh đều tự chủ về cuộc sống cũng như khả năng thành tựu giác ngộ của bản thân, đều có thể đạt đến trạng thái Phật quả (mặc dù có thể phải mất nhiều kiếp). Đức Phật đã chỉ ra con đường đến với chân lý, nhưng không ai khác ngoài mỗi người phải tự mình tiến bước trên hành trình tâm linh của chính mình.

Lịch sử cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Cách đây 2,500 năm, tại Lâm Tì Ni (ngày nay là vùng Lumbini thuộc Nepal), Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddharta Gautama) đã đản sinh trong vô số điềm cát tường thị hiện. Khi triệu vời một bậc hiền triết trong vương quốc tới tiên đoán về tương lai của Thái tử, Quốc vương Tịnh Phạn được biết Thái tử sẽ trở thành một vị vua tốt hoặc một bậc thầy tâm linh vĩ đại.

Vì muốn Thái tử kế vị ngai vàng, Quốc vương đã sắp đặt để Thái tử sống trong cung điện xa hoa, tách biệt với thế giới bên ngoài, xa rời mọi vấn đề rắc rối của cuộc sống, nhằm ngăn cản việc Thái tử hướng tới con đường tâm linh. Khi còn nhỏ, Thái tử tỏ ra đặc biệt thông minh, siêu việt xuất chúng hơn người, khi lớn lên trở thành một chàng trai tuấn tú, tinh thông võ nghệ, uyên bác về mọi mặt và đặc biệt Thái tử rất đỗi nhân từ, bao dung với mọi loài. Ngài thành hôn với công chúa xinh đẹp Da Du Đà Là, và hạ sinh được một hoàng nam tên là La Hầu La.

Năm 29 tuổi, trong một lần dạo chơi quanh cổng thành, chứng kiến những cảnh bệnh tật, già nua và chết chóc, Ngài chợt nhận ra thế giới xung quanh có vô vàn nỗi khổ đau. Day dứt trước những cảnh khổ mà tất cả mọi chúng sinh đang gánh chịu, Ngài quyết định ra đi tìm con đường diệt khổ. Ngài đã rời bỏ cung điện, từ giã vợ con, trút bỏ xiêm y hoàng tộc và bắt đầu tìm cầu học đạo.

Thái tử Cồ Đàm theo học nhiều bậc thầy khác nhau, thực hành và nắm vững được tất cả kiến thức đó. Với người thầy đầu tiên Alara Kalama, Ngài đã chứng được cấp thiền Vô Sở Hữu Xứ. Tuy vậy, Ngài nhận thấy sự chứng đạt này không giúp giải quyết khổ đau, nên vẫn tiếp tục lên đường tìm kiếm.

Người thầy tiếp theo Udraka Ramaputra đã dạy cho Ngài chứng đạt thiền Phi Phi tưởng xứ. Một lần nữa, Cồ Đàm nhận ra rằng đây cũng không phải là thứ Ngài tìm kiếm. (Theo một số học giả, cả Alara và Udraka đều là những tín đồ ngoại đạo Jai-na).

Tiếp sau đó, Ngài và năm anh em Kiều Trần Như cùng thực hành pháp tu khổ hạnh vô cùng nghiêm cẩn tại Ưu Lâu Tần La (Uruvilva). Sau sáu năm tìm thầy học đạo và năm năm tu hành ép xác trong rừng sâu, Ngài nhận ra lối tu hành khổ hạnh, hành hạ thể xác không thể tạo ra những suy nghĩ sâu sắc mới, hơn nữa còn làm héo mòn thể chất và tự huỷ hoại bản thân. Ngài quyết định từ bỏ pháp tu khổ hạnh, điều này khiến các đệ tử của Ngài phiền não và từ bỏ Ngài.

Sau đó, Ngài ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, nơi ngày nay được gọi là Bồ Đề Đạo Tràng Bodhaya (miền bắc Ấn Độ), quyết tâm thiền định cho đến khi tìm ra chân lý. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ngài đã giác ngộ Phật tính tối thượng. Điều này có nghĩa là Ngài đã hoàn toàn phát huy mọi phẩm hạnh tích cực và đoạn trừ mọi xúc tình tiêu cực nơi thân tâm phàm. Đồng thời, Ngài cũng nhận ra được bản chất chân thật của luân hồi và khổ đau, nhận ra được bản chất của tính không (emptiness), cũng như tìm được con đường để chấm dứt khổ đau.

Bảy tuần sau khi giác ngộ, Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên ở Vườn Lộc Uyển (Sarnath), gần Varanasi. Ngài đã khai thị về Tứ Diệu Đế. Kể từ đó cho tới khi thị hiện viên tịch Niết Bàn ở tuổi 81, Đức Phật không ngừng thuyết Pháp độ sinh.

Đức Phật đã từng đúc kết về Giáo Pháp của Ngài trong một câu: “Ta chỉ dạy về đau khổ và cách đoạn trừ đau khổ”.

Các Đại Đệ tử của Đức Phật được gọi là các Đại A la hán (Arhat) gồm có Ngài Xá Lợi Phất nổi tiếng là bậc “Trí tuệ Đệ Nhất”, thông tỏ về Vi Diệu Pháp (Abidharma); Ngài Mục Kiền Liên, nổi tiếng là bậc “Thần thông Đệ nhất”; Ngài Ma Ha Ca Diếp, bậc tu khổ hạnh “Đầu Đà Đệ Nhất”; và Ngài A Nan Đà, bậc “Đa Văn Đệ Nhất” từng thị giả Đức Phật và có khả năng ghi nhớ từng lời thuyết pháp của Đức Phật…

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6326922
Số người trực tuyến: