5. Phật giáo Kim Cương thừa
Phật giáo vùng Hymalaya
Có lẽ Phật giáo lần đầu tiên được truyền vào miền đất tuyết Hymalaya năm 173 sau Công nguyên, dưới thời trị vì của vua Yalung thứ 28 là Ngài Lha Thothori Nyantsen. Một cuốn kinh được truyền vào song lại chưa được dịch ra tiếng Tạng. Đến đời vua Song Tsen Gampo (sinh năm 617), vị vua thứ 33 của người Tạng, đã cho dịch cuốn kinh đó và kết hôn với hai vị công chúa Phật giáo. Có thể nói là đây là lần đầu tiên Phật giáo đã thực sự được truyền vào vùng núi tuyết Hymalaya dưới hình thức thực hành.
Vị vua thứ 37 của người Tạng, Trisong Detsen đã mời các luận sư Ấn Độ là Shantarakshita (Tịch Hộ) và Kamalasila (Liên Hoa Giới), hai vị luận sư này đã đề nghị nhà Vua thỉnh cầu Thượng Sư Liên Hoa Sinh (Guru Padmasambhava hay còn gọi là Guru Rinpoche) đến vùng núi tuyết Hymalaya vào năm 817. Một cộng đồng Tăng sỹ được thọ giới đã thành lập trong Tự viện Samye, Tự viện Phật giáo đầu tiên tại vùng Hymalaya, do chính Đức Liên Hoa Sinh xây dựng. Trong giai đoạn này, việc chuyển dịch kinh điển đã chính thức bắt đầu.
Tự viện Samye
Lúc này, có thể khẳng định Phật giáo đã đứng vững ở vùng Hymalaya, với sự hiện diện của Tăng đoàn. Năm 792, sau một cuộc tranh biện lớn về triết học, Vua Trisong Detsen đã chính thức tuyên bố Phật giáo Ấn Độ, chứ không phải Phật giáo Trung Quốc, là Quốc giáo của vùng đất này.
Suy thoái và Phục hưng
Phật giáo gần như biến mất sau năm 842, khi vua Lang Dharma đàn áp Phật giáo nặng nề. Sau sự kiện này, trong một thời kỳ dài, không còn có các buổi lễ thụ giới và cũng không có cơ quan phụ trách tôn giáo trung ương tại đất nước nằm trong dãy núi Hymalaya. Thay vào đó, tôn giáo bản địa là đạo Bon phát triển mạnh mẽ.
Năm 978, với sự có mặt của một số vị đạo sư Ấn Độ và một số vị tăng vùng Hymalaya theo học tại Ấn Độ, Phật giáo đã được phục hồi, với sự bảo trợ của Vua Yeshe O. Một sự hồi sinh thực sự diễn ra sau năm 1042, khi Atisha – di – Pankhara (hay còn gọi là Lama Atisha) đưa những người dân Tây Tạng “quay trở lại con đường Chính Pháp”.
Ngài Atisha
Atisha – di – Pankhara đã trình bày triết học Phật giáo theo cách rất rõ ràng và cô đọng, xây dựng nền móng vững chắc cho giáo lý triết học Phật giáo, giáo lý này được lưu truyền trong hầu hết các trường phái Phật giáo khu vực Hymalaya. Sau Atisha, ảnh hưởng của các bậc thầy từ Ấn Độ đã bị hạn chế. Đệ tử chính của Atisha là một cư sĩ tên là Dromtonpa, đã sáng lập ra trường phái Kadam. Ngày nay, trường phái này không còn tồn tại dưới hình thức đó nữa, song đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các trường phái được thành lập sau là Kargyu, Sakya và đặc biệt là Gelug.
Lịch sử Kim cương thừa và ý nghĩa của Truyền thừa
Theo lịch sử Kim Cương thừa, một lần vị vua Indrabodhi của xứ Odiyana miền Tây Varanasi đã nhìn thấy rất nhiều bậc A la hán bay thẳng trên bầu trời về phía phương Đông. Tò mò và kinh ngạc, ông đã hỏi vị tể tướng Dawa Zangpo xem những bậc A la hán đó là ai. Vị tể tướng đã thỉnh tâu rằng đó là đệ tử của bậc giác ngộ là Đức Phật và họ đang tới thành phố Varanasi nơi Đức Phật chuyển Pháp luân. Ngay khi nghe danh hiệu Đức Phật, trong lòng vị vua tự nhiên trào dâng một niềm hỷ lạc và tín tâm vô bờ, ông nghĩ rằng nếu đệ tử của Đức Phật có được những khả năng thần thông như vậy thì chắc chắn Đức Phật cũng có tâm đại từ bi vô lượng và pháp thần thông vi diệu.
Khi đó, vị vua ngay lập tức quỳ xuống, hướng về phương Tây và đỉnh lễ, cầu nguyện thỉnh Đức Phật tới cung điện của ông vào trưa ngày hôm sau. Đức Phật đã nghe thấy lời thỉnh cầu của vị vua. Ngày hôm sau, Ngài và các đệ tử đã từ Varanasi tới hoàng cung. Vị vua đã cung đón Đức Phật với lòng kính ngưỡng vô bờ và thỉnh Ngài ban cho giáo pháp giải thoát luân hồi khổ đau. Mặc dù Đức Phật đã biết những gì mong muốn trong tâm vị vua, nhưng Ngài vẫn khuyên vị vua hãy từ bỏ tất cả mọi thứ, của cải, ngôi báu, gia đình… để xuất gia tu hành, chỉ khi đó Ngài mới ban cho vị vua giáo pháp giải thoát. Vị vua đáp lại: “Kính bạch Đức Phật toàn tri! Tâm chúng con còn đầy năm độc nhiễu hại, nhất là ái dục, chúng con không thể từ bỏ những vui thích của giác quan được. Xin Ngài rủ lòng từ bi khai thị con đường giải thoát luân hồi khổ não nhưng không phải từ bỏ những đối tượng của giác quan!”
Do biết rằng vị vua đã tích lũy được vô số công đức, tâm đại từ bi và trí tuệ, bởi vậy là người có thể đảm trách bổn phận hoằng dương chính pháp Kim Cương thừa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ Hóa thân thị hiện Báo thân A Xúc Bệ Phật, hiển lộ một Mandala Tantra Cha và khai thị cho vị vua giáo pháp Kim Cương thừa. Vị vua đã được thuyết giảng để chứng ngộ tự tính Phật trong vạn pháp, bởi vậy ông có thể quán tự thân là Đức Phật Đại Nhật Như Lai, quán bốn người con trai là bốn Đức Phật Thiền na, năm hoàng hậu là năm bậc Trì minh Trí tuệ, còn các quan đại thần trong triều là các Bồ tát nam và Bồ tát nữ. Tất cả phàm thân của họ đều chuyển hóa thành sắc thân cầu vồng và ngay lập tức họ chứng đạt giác ngộ. Thông qua giáo pháp thù thắng này, toàn bộ thần dân trong thành phố cũng đều thành tựu sắc thân cầu vồng và được giải thoát.
Tại vùng đất đó sau này hình thành nên một hồ thiêng là nơi Nagas (Long Vương) trú ngụ. Đệ tử của Đức Phật, Đức Kim Cương Thủ là một Đại Bồ tát đã ghi chép lại tất cả giáo pháp của Đức Phật vào kinh điển rồi ban giáo pháp cho Long Vương tại hồ. Long Vương thậm chí cũng tu tập Kim Cương thừa và thành tựu giác ngộ. Nơi này sau đó trở thành miền đất của các Dakini.
Đức Phật Kim Cương Tổng Trì
Sau đó, Đức Kim Cương Thủ đã hiện thân là Đức Drang Song Ugjin và ban giáo pháp Kim Cương thừa cho chúng sinh có duyên pháp và vô số trong số họ đã đạt giác ngộ giải thoát. Như thế, Truyền thừa khởi nguồn từ Đức Phật Thích Ca, truyền xuống Đức Kim Cương Thủ, tới Đức Sarha, Lohipa, Dinggipa, Lodroe Rinchen, Nagarjuna, Mataki, Thanglopa, Shinglopa, Kanari, Dombipa, Binasa, Lawapa, vua Indrabodhi đời thứ II, tiếp tục truyền xuống tới Đức Tilopa và Naropa và trải qua chư Thượng sư Truyền thừa không gián đoạn cho tới tận ngày nay. Truyền thừa được tôn xưng là Truyền thừa Kim Cương thừa.
Tân Truyền thừa được bắt đầu từ Đại thành tựu giả Tilopa, Ngài không chỉ thụ nhận giáo pháp từ những Thượng sư trong hình tướng loài người mà đón nhận trực tiếp từ Đức Phật Kim Cương Trì trong cõi tịnh độ Sắc cứu kính thiên. Bởi vậy Phật Kim Cương Trì chính là Pháp thân của Đức Phật Thích Ca. Kinh điển Kim Cương thừa đã đề cập, trước khi Đức Phật Thích Ca giáng sinh trong cõi Sa bà, Ngài đã giác ngộ trong cõi Tịnh độ Sắc cứu kính thiên trong Pháp thân Phật Kim Cương Trì, sau đó thị hiện Sắc thân là Thái tử Tất Đạt Đa (Cù Đàm) và tiếp tục thực hành mười hai công hạnh lợi tha. Bởi vậy theo quan điểm của Đại thừa, Thái tử Tất Đạt Đa chính là Bồ tát ngôi Thập địa, còn từ quan điểm của Kim Cương thừa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ trước khi Ngài giáng sinh là Thái tử. Truyền thừa giáo pháp mà Đức Tilopa thụ nhận từ Đức Phật Kim Cương Trì, truyền xuống Naropa, qua các chư tổ sư Truyền thừa và tiếp tục tới tận ngày nay được tôn xưng là Truyền thừa thù thắng.
Đức Naropa
Truyền thừa thứ ba trong Kim Cương thừa là Truyền thừa Linh kiến Thanh tịnh. Truyền thừa này dựa trên nền tảng giáo pháp được trao truyền bởi chư tổ sư Truyền thừa theo linh kiến thanh tịnh của các Ngài. Lấy ví dụ, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa Tsangpa Gyare, bậc sáng lập Truyền thừa Drukpa, đã có linh kiến về bảy Đức Phật và Ngài đã được thụ nhận trực tiếp những khai thị cốt tủy từ bảy Đức Phật. Tương tự như vậy, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ II đã có linh kiến về Thượng sư Liên Hoa Sinh và thụ nhận trực tiếp giáo pháp từ Đức Liên Hoa Sinh. Tất cả giáo pháp này được truyền thừa theo linh kiến thanh tịnh.
Tóm lại, dòng pháp mạch Truyền thừa có thể được trao truyền trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng mọi Truyền thừa đều xuất phát từ sự chứng ngộ. Kinh điển dạy rằng mặc dù có rất nhiều các Bậc giác ngộ đã viên mãn công đức, hoàn thành các cõi Tịnh Độ và thành tựu Phật quả trọn vẹn, nhưng trong khi còn an trụ trong cảnh giới Pháp thân, với lòng từ bi và trí tuệ vô hạn, các Ngài vẫn tiếp tục hiển diện để không ngừng lợi ích cho hết thảy hữu tình. Như thế, Đức Tilopa, Naropa hay tất cả những bậc nắm giữ Truyền thừa đều giống như Đức Phật bởi tất cả các Ngài đều chứng ngộ sự hợp nhất của lòng Đại từ bi và Tính không. Công hạnh của tâm Đại từ bi hiển lộ qua pháp mạch hóa thân chuyển thế không gián đoạn của chư Thượng sư Truyền thừa đều vì mục đích hướng đạo dìu dắt chúng ta trên con đường giải thoát khổ đau và tìm cầu chân hạnh phúc.
Truyền thừa Drukpa
Lịch sử Truyền thừa Drukpa khởi nguồn từ Đức Phật Nguyên thủy Kim Cương Tổng Trì. Ngài là chủ của một trăm Phật Bộ và là hiện thân của tất cả chư Phật trong ba đời. Nguồn pháp mạch của Truyền thừa được ban truyền trực tiếp từ Đức Phật Kim Cương Tổng Trì tới Đức Tilopa, một Đại thành tựu giả Ấn Độ vào thế kỷ thứ 10. Đức Tilopa tiếp tục truyền giáo pháp giác ngộ cho Đại thành tựu giả Naropa. Sau Đức Naropa, Truyền thừa được tiếp nối không gián đoạn đến Đại Thượng sư Marpa vào thế kỷ 11, rồi tiếp tục được truyền xuống Đại thành tựu giả Jetsun Milarepa là bậc thành tựu giác ngộ đại hợp nhất ngay trong một đời. Sau đó, Đức Milarepa truyền tiếp đến Đấng “Trăng rằm vô song” Gampopa, là bậc đã được Đức Phật Thích Ca huyền ký trong nhiều Kinh điển và Mật điển. Từ Đức Gampopa, Truyền thừa tiếp tục được truyền xuống tới Thành tựu giả Phagmo Drupa vinh quang, hóa thân của Phật Ca La Ca Tôn Đại hay Đức Phật thứ hai của hiện kiếp này. Tiếp đó, pháp mạch Truyền thừa được truyền tới Đại Thành tựu giả Lingchen Repa, Đấng thành tựu hạnh xả ly với sự chứng ngộ cao quý tuyệt đối.
Truyền thừa được chính thức mệnh danh Drukpa từ thế kỷ thứ XII, khi Đại đệ tử vô song của Đại thành tựu giả Lingchen Repa là Đức Drogon Tsangpa Gyare, Pháp danh Yeshe Dorje tôn quý được tín ngưỡng là Hóa thân của Đức Quán Âm Đại Từ Bi hóa thân nơi miền đất tuyết Himalaya. Sự hóa thân của Đức Drogon Tsangpa Gyare đã được Đức Phật Thích Ca huyền ký tại nhiều Kinh điển, Mật điển.
Khoảng năm 1206, đúng tròn gần 1000 năm trước, theo lời huyền ký từ Đức Lingchen Repa (1128-1188), Đức Drogon Tsangpa Gyare Yeshe Dorje đã đi tìm thánh địa để xây dựng tự viện. Tương truyền rằng, khi Ngài vừa đến thánh địa Namdruk, Ngài đã nhìn thấy điềm lành chín rồng thiêng xuất hiện từ dưới đất cuộn mình phi thiên trong tiếng rồng sấm vang rền. Trước điềm cát tường ấy, Ngài Drogon Tsangpa Gyare liền đặt tên cho truyền thừa là Drukpa, còn gọi “Thiên Long Truyền thừa”. Đức Tsangpa Gyare là đấng sáng lập và được tôn xưng là Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I của Truyền thừa Drukpa.
Đức Pháp Vương đời thứ I từng có vô số đệ tử là các thành tựu giả. Sinh thời Ngài từng ba lần yêu cầu các học trò mình phân chia đi khắp chốn để hoằng dương chính pháp. Mỗi lần như vậy, những Đại đệ tử xuất chúng đã thành tựu thân cầu vồng lên cõi Thiên, một số xuống cõi Rồng và một số tới các cõi nhân gian. Các đệ tử bậc trung đến các vùng linh địa Oddiyana, Shambhala, Srilanka, Serling hay “Đảo Vàng” (Sumatra), Sangling hay “Đảo Đồng” (Java) và những miền xa xôi khác. Số đệ tử còn lại trải khắp những miền đất từ Jalandhara ở Ấn Độ tới những miền địa đầu Trung Hoa. Nhờ vậy mà nền di sản tâm linh của Truyền thừa đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ và phân thành nhiều nhánh.
- 3619
Viết bình luận