Nhu cầu tâm linh trong đời sống hiện tại
Cuộc sống hiện đại đã có những thành tựu vượt bậc về mặt vật chất. Song nhân loại vẫn không ngừng trăn trở: chúng ta có thực sự trở nên hạnh phúc hơn không? Trên thực tế, dường như càng đạt được tiến bộ trên phương diện vật chất nhiều bao nhiêu thì chúng ta càng phải sống trong nỗi sợ hãi triền miên nhiều bấy nhiêu. Khoa học công nghệ đã có những bước tiến kỳ diệu, và không còn nghi ngờ gì sẽ tiếp tục phát triển. Con người đã có thể đặt chân lên mặt trăng - nơi được nhiều tín đồ thời cổ đại tin là trú xứ của các thánh thần - và cố gắng khai thác các nguồn tài nguyên ở đó vì lợi ích của mình. Tương tự, các hành tinh khác cũng có thể sẽ bị con người chinh phục.
Tuy vậy, dù trong bất cứ trường hợp nào, sự tiến bộ trên phương diện vật chất đó không có khả năng đem lại niềm hạnh phúc đích thực và bền vững cho con người, vì sự tiến bộ vật chất luôn thôi thúc ham muốn đạt được nhiều tiến bộ hơn, sở hữu nhiều của cải vật chất hơn nữa. Nhưng sự ham muốn là không có điểm dừng và không khi nào được thỏa mãn. Nó chẳng khác nào người đang trong cơn khát uống nước muối để giải tỏa cơn khát của mình – càng uống càng khát thêm. Vì không thỏa mãn nên những niềm vui sướng do tiến bộ vật chất đem lại chỉ mang tính nhất thời và sớm tàn lụi.
Ngược lại, ở khía cạnh tâm linh, khi tâm cảm thấy an lạc, mãn nguyện, con người có thể dễ dàng chịu đựng được những khó khăn thiếu thốn về mặt vật chất. Và nếu niềm an vui thuần túy bắt nguồn từ trong tâm, đó sẽ là một niềm an lạc thực sự và bền vững.
Không có niềm hoan hỷ nào khác có thể sánh với niềm an lạc nội tâm, do thực hành trưởng dưỡng tâm linh mang lại. Đây là nguồn an lạc lớn lao, bền vững, là hạnh phúc đích thực. Nhiều triết thuyết và tôn giáo khác nhau cũng đều chỉ ra con đường riêng để đạt được điều này.
Lý do thứ hai để thực hành trưởng dưỡng tâm linh là kể cả đối với niềm vui có được từ việc hưởng thụ những khoái lạc vật chất rốt cuộc vẫn do tâm ta quyết định. Nhìn chung, hoan hỷ và khổ đau đều không chỉ do ngoại cảnh mà còn do các yếu tố nội tâm. Người xưa có câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Các yếu tố nội tâm này là những ấn tượng lưu lại trong tâm chúng ta thông qua những hành động đã làm trong quá khứ; ngay khi tiếp xúc với ngoại cảnh, các yếu tố nội tâm này khiến chúng ta trải nghiệm khổ đau và vui sướng.
Nếu không thực hành trưởng dưỡng tâm, tâm sẽ phát khởi những suy nghĩ tiêu cực và thể hiện thành những lời nói hành động xấu xa. Đến lượt mình, hành động lời nói đó sẽ tiếp tục để lại những dấu ấn tiêu cực trong tâm. Và ngay khi có tác động ngoại cảnh, tâm sẽ chịu những hậu quả của các hành động trong quá khứ. Vì vậy, nếu chúng ta khổ đau, nỗi khổ của chúng ta có căn nguyên sâu xa từ trong quá khứ. Mọi vui sướng và khổ đau đều có nguồn gốc từ suy nghĩ, và chúng ta cần tới tâm linh vì nếu không có tâm linh, tâm sẽ không thể kiểm soát được.
.
- 3429
Viết bình luận