7. Thiền là gì? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

7. Thiền là gì?

Trong cuộc sống có rất nhiều yếu tố bên ngoài mà chúng ta không thể kiểm soát được, ngược lại, chúng thường chi phối ta, khiến ta phải chịu khổ đau (xem mục Tứ diệu đế - Khổ đế). Tuy nhiên, điều mà chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được là các trạng thái tâm mình. Bằng cách thực hành các phương pháp thiền, chúng ta có thể thay đổi và chuyển hóa tâm theo hướng tích cực. Tâm được điều phục, rèn luyện và trưởng dưỡng sẽ trở nên an định, tỉnh giác, tập trung, sáng suốt giúp chúng ta có thể nhìn thấy bản chất thực tế của mọi sự vật hiện tượng, đó chính là con đường đưa ta tới chân lý rốt ráo, giải thoát khỏi mọi mê lầm khổ đau.

Vậy, nói một cách đơn giản nhất, thiền là phương pháp hữu hiệu để rèn luyện tâm.

7.1 Những hiểu biết sai lầm về Thiền

Trong khi thiền, chúng ta cố gắng phát triển trí tuệ, học cách để quan sát tâm của bản thân, giảm tâm tiêu cực và phát triển các tâm tích cực. Để phát triển trí tuệ và hiểu biết, chúng ta cần có tâm tĩnh lặng, rõ ràng và tập trung. Chúng ta cần quan sát suy nghĩ của bản thân và các trạng thái tâm thay vì việc đắm chìm trong cảm xúc hoặc trở nên thiên kiến. Chúng ta cần thành thực với chính mình, đối diện và nhìn nhận mọi cảm giác, mọi xúc tình phát khởi trong tâm thay vì việc tự dối lừa bản thân và né tránh những vấn đề không dễ chịu. Hơn thế nữa, để rèn luyện tâm, tập cho tâm thói quen tích cực, chúng ta cần kiên nhẫn, biết chấp nhận, tự tin và nhiệt thành để làm cho tâm an bình. Tất cả các yếu tố này cần cân bằng: trong chừng mực nào đó, chúng ta cần vừa thư thái vừa tập trung, chúng ta cần tránh cả việc rơi vào hai thái cực là uể oải hoặc kích động.

Nhiều người tu tập hiểu biết sai lầm về thiền, khi tu tập thiền nhấn mạnh quá nhiều vào sự tập trung tư tưởng: nếu bạn đang cố gắng đạt được sự tập trung đó, bạn sẽ không kiểm soát được sân giận nếu có người làm phiền bạn. Vẻ đẹp của thiền thực sự ngay cả khi bạn bị người khác làm phiền, bạn vẫn có thể thu xếp không gian và thời gian cho việc thiền.

Một hiểu biết sai lầm khác về thiền là cho rằng chúng ta cần ngừng suy nghĩ. Có lẽ quan điểm này xuất phát từ việc nhấn mạnh trong nhiều trường phái thiền về việc “ngừng suy nghĩ” – Điều đó tương tự như việc cố gắng trải nghiệm một buổi hoàng hôn đẹp trong khi lại đang tự đặt ra nhiều câu hỏi cho bản thân: “Có phải màu của các đám mây làm cho buổi hoàng hôn đẹp, hay hoàng hôn đẹp là do sự tĩnh lặng; tại sao mặt trời lại trở nên màu đỏ …”

Quan điểm về Thiền trong Phật giáo là không phải ngừng suy nghĩ, mà cần thư giãn an trụ trong thực tại, giữ chính niệm để mọi thứ diễn ra theo lẽ tự nhiên vốn có của vạn pháp. Nếu làm được như vậy thì tâm của bạn sẽ trở lên tĩnh lặng trong bất cứ môi trường nào, tựa như một hồ nước trong một cánh rừng thưa. Mọi loài muông thú quý hiếm và tuyệt vời sẽ đến uống nước trong hồ, và bạn sẽ nhìn rõ bản tính của mọi vật. Song bạn sẽ tĩnh lặng. Đây là sự an lạc của Đức Phật.

7.2 Thiền trong Phật giáo

Thiền không phải một phát minh của Đức Phật. Như đã phân tích ở phần đầu, thiền đã được giới thiệu từ nền văn minh Ấn Độ cổ xưa và là một phương pháp được áp dụng rộng rãi bởi nhiều đạo sư của nhiều trường phái khác nhau trên hành trình tâm linh. Cho tới ngày nay, cũng có rất nhiều trường phái thiền và những thực hành khác nhau sử dụng thiền nhằm những mục đích khác nhau. Đó có thể là thiền yoga, mục tiêu tác động một cách tích cực tới thân tâm, giúp cân bằng sức khỏe, năng lượng trong cuộc sống; hay thiền định để giữ tâm sáng suốt, nâng cao năng lực tư duy; thiền tỉnh giác chính niệm để có được sự an lạc và hạnh phúc trong hiện tại, v.v…

Tuy nhiên, theo đạo Phật, thiền là một phương pháp thực hành trưởng dưỡng tâm nhằm mục đích rốt ráo là giác ngộ chân lý, giải thoát sinh tử luân hồi. Những kết quả tích cực khác từ việc thực hành thiền định không hề bị phủ nhận, nhưng đó chỉ là những năng lực nhậm vận có được từ việc trưởng dưỡng tâm, nhưng theo đức Phật, đều không phải là đích đến cuối cùng.

Thiền của Phật giáo là phương pháp thực hành của Đức Phật, đúc kết từ những trải nghiệm của chính Đức Thế tôn trên hành trình tìm cầu chân lý, và thành tựu giác ngộ sau bốn mươi chín ngày thiền định dưới cội Bồ đề.

Theo lịch sử cuộc đời Đức Phật, trên hành trình tu tập gian nan sau khi xuất gia, một hôm thái tử đã tự nghĩ rằng: “Suốt 6 năm qua ta đã thực hành thiền định và khổ hạnh ép xác, tìm kiếm chân lý bên ngoài. Nhưng đều thất bại và không đạt được mục đích. Có lẽ là mục đích ấy, hiện thực ấy, Niết-bàn, nó không nằm ở bên ngoài mà là ở bên trong chính tâm ta”. Suy nghĩ như vậy nên Thái tử đã từ giã những vị thầy yoga, từ giã những người bạn tu khổ hạnh, ra đi một mình, ngồi dưới một gốc cây và bắt đầu thực hành thiền định theo một phương thức mới, “không tìm kiếm chân lý từ bên ngoài mà là từ bên trong”. Với quyết tâm dũng mãnh qua lời nguyện: “Nếu ta không thành công với phương pháp tu tập này, ta quyết sẽ không đứng dậy khỏi chỗ này”. Thái tử đã thực tập phương pháp hướng nội này suốt 49 ngày, cho đến một ngày khi sao mai vừa mọc Ngài hoát nhiên chứng ngộ và trở thành một bậc Toàn giác hay một vị Phật. Bằng cách hướng về nội tâm, Ngài đã khám phá ra được Phật tính – bản chất tâm giác ngộ nơi chính mình. Sự kiện này đánh dấu khởi nguyên của Thiền trong Phật giáo.

7.3 Các phương pháp và trường phái thiền trong Phật giáo

Trong suốt hành trình thuyết pháp độ sinh trải dài 49 năm, Đức Phật đã chỉ dạy tám vạn bốn ngàn pháp môn cho vô số chúng sinh với các trình độ, căn cơ, xuất thân, hoàn cảnh… khác nhau. Hơn nữa, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, trải qua các lần kết tập Kinh điển, cùng với sự hình thành và phát triển mở rộng của Phật pháp qua nhiều quốc gia lãnh thổ và thời đại, mà hình thành hai khuynh hướng Phật giáo, đó là khuynh hướng Nguyên Thủy và khuynh hướng Phát Triển. Phật giáo Nguyên thủy có khuynh hướng bảo nguyên những lời dạy của chính Đức Phật Thích Ca. Phật giáo Phát Triển lại có khuynh hướng vận dụng rộng rãi giáo lý của đức Phật theo nguyên tắc khế lý khế cơ, nghĩa là trên hợp với Phật lý, dưới ứng với căn cơ của của các tầng lớp quần chúng khác nhau trong xã hội.

Hai khuynh hướng Nguyên Thủy và Phát Triển tuy có một vài quan điểm dị biệt về lập luận và biện pháp, nhưng những nguyên lý cốt lõi nhất mà đức Phật tuyên thuyết thì vẫn là nền tảng chung của cả hai.

Sự phân chia Phật giáo thành hai khuynh hướng như trên không phải là một khuyết điểm, thực ra đó chính là một ưu điểm của Đạo Phật. Nhờ có khuynh hướng Nguyên Thủy mà lời dạy của đức Phật đã được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Và nhờ có khuynh hướng Phát Triển mà Đạo Phật có thể vận dụng để đáp ứng nhiều căn cơ trình độ, nhiều xứ sở và nhiều thời đại khác nhau.

Tương tự như vậy, Thiền trong Phật giáo vì thế mà cũng bao gồm nhiều phương pháp, trường phái thiền khác nhau. Tuy có những khác biệt về cách thức, con đường tu tập nhưng tất cả đều cùng chung một mục đích đó là giải thoát cho tâm khỏi mọi sự vướng mắc, ô nhiễm, vô minh, giúp tâm tìm về với bản thể thanh tịnh, giác ngộ nguyên thủy của nó. Điều này cũng chính là con đường thoát khổ luân hồi.

Một cách khái quát, có thể phân chia các phương pháp, trường phái thiền trong Phật giáo như sau:

  1. Thiền Nguyên thủy

Căn bản gồm hai phương pháp Thiền định và Thiền tuệ. Thiền định còn được gọi là Thiền samādhi hay thiền chỉ (samatha bhāvanā). Thiền tuệ còn được gọi là Thiền Vipassana hay các tên gọi khác như thiền minh sát, thiền quán.

 
  1. Thiền Trung Quốc và Thiền Nhật Bản.

Thiền tông Trung Quốc có khởi nguyên từ Ấn Độ, do Tổ Bồ đề đạt ma người Ấn Độ truyền sang Trung Quốc vào thế kỷ thứ 6, 7. Tại đây, cùng với sự hấp thụ các yếu tố bản địa và Đạo Lão, Thiền tông trở thành một tông phái lớn, với mục đích trực nhận chân tâm (tức bản thể), tập trung đến kinh nghiệm chứng ngộ mà không phải là những lý luận về giáo pháp. Thiền Tông Trung Quốc nổi tiếng với tôn chỉ: Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ chân tâm, Kiến tính thành Phật.

Từ Trung Quốc, Thiền Tông phát triển hưng thịnh tới đời Tổ thứ sáu là Lục tổ Huệ Năng, sau đó hình thành các nhánh khác như Quy ngưỡng, Tào động, Pháp Nhãn, Vân Môn, Lâm Tế và được truyền sang Nhật Bản với sự phát triển rực rỡ của tông Lâm Tế, Tào Động tại Nhật Bản. Đến thời hiện đại, Thiền Nhật Bản trở nên nổi tiếng với thiền sư D.T.Suzuki với bộ Thiền luận, là thiền sư đầu tiên của châu Á giới thiệu một cách có hệ thống Thiền tông đến với phương Tây. Từ đó, thiền được biết đến rộng rãi ở phương Tây dưới cái tên “Zen” (“thiền” theo tiếng Nhật).

Ngoài ra, vì là một phương pháp thực hành căn bản, thiết yếu cho người tu học Phật, thiền xuất hiện trong mọi pháp môn. Chẳng hạn, trong pháp môn Tịnh Độ, thiền chính là phương pháp niệm Phật A Di Đà cho đến “nhất tâm bất loạn”. Hoặc, trong Kim Cương thừa, giới thiệu về thiền “Đại Thủ Ấn” hay “Đại Toàn Thiện”, sự chứng ngộ Trí tuệ Bản lai, trí tuệ bất khả phân với các hiện tượng và tính không.

Trong khuôn khổ giới thiệu về Phật Pháp căn bản, chúng tôi sẽ tập trung trình bày sơ lược về Thiền nguyên thủy dưới đây.

7.4 Thiền định và thiền tuệ

 Trong tiếng Pali, từ 'bhavana' có nghĩa là “sự phát triển” hay “sự tu dưỡng”. Trong Kinh Điển, nó chỉ những phương pháp phát triển và tu dưỡng Tâm, được gọi là “thiền”. Như trên đã nói, có 2 loại thiền, đó là Thiền định và Thiền tuệ.

Việc thực hành thiền định nhắm vào sự phát triển một trạng thái tâm an định, hợp nhất kể như một phương tiện để trải nghiệm an lạc nội tại và làm phát sinh trí tuệ. Còn thiền tuệ nhắm vào việc phát triển trí tuệ trực giác để thấu triệt bản chất của mọi hiện tượng sinh diệt (danh sắc và ngũ uẩn), rốt ráo chứng ngộ chân lý Tứ diệu đế.

Trong hai hệ thống, thiền minh sát được đạo Phật xem như chìa khóa chính đi vào giải thoát, liều thuốc giải trực tiếp nọc độc vô minh nằm dưới mọi khổ đau và trói buộc. Trong khi thiền định được công nhận là sản phẩm chung của cả những hành giả theo Phật giáo lẫn không phải Phật giáo thì thiền tuệ được xem là khám phá của đức Phật và là một đặc điểm vô song của đạo Phật. Tuy nhiên, vì sự phát triển tuệ giác đòi hỏi phải có một mức độ định nào đó và thiền định được dùng để củng cố cho định này nên sự tu tập định khẳng định một vị trí không thể thiếu trong tiến trình thiền của đạo Phật. Hai loại thiền này được tu tập cùng nhau sẽ tạo cho tâm một lợi khí thích hợp cho sự giác ngộ. Với tâm hợp nhất nhờ sự tu tập định và được làm cho bén nhạy, chói sáng bằng sự tu tập tuệ, hành giả có thể tiến hành để đạt đến sự đoạn khổ mà không bị chướng ngại.

a. Thiền Định (Samadhi)

Thiền định( Samadhi hay samatha bhāvanā) là phương pháp gom tâm  trụ vào một đề mục cố định để giữ cho tâm được vắng lặng. Thiền này có mục đích chế ngự 5 chướng ngại của định gọi là triền cái và làm cho tâm an trú, thuộc ba chi phần định trong Bát Chính Đạo tương ứng với ba mức độ định khác nhau: chính tinh tấn – an trú được gọi là chuẩn bị định; chính niệm – an trú được gọi là cận hành định và chính định – an trú được gọi là an chỉ định.

Khi tâm đang tập trung sâu sắc hay “định” vào một đối tượng hành thiền, thì tất cả những chướng ngại của 5 triền cái như:(1) tham dục, (2) sân hận, (3) lười biếng và ngái ngủ, (4) bất an và lo lắng; và (5) nghi ngờ sẽ không có mặt trong tâm, vì tâm đang tập trung vào đối tượng rồi. Khi tâm không còn bị dính những chướng ngại này, người hành thiền cảm thấy được sự tĩnh lặng, yên bình và hạnh phúc.

Phương pháp và đối tượng của Thiền định:

Khi tu tập thiền định, hành giả có thể trụ tâm vào một trong những đề mục cố định như màu trắng, xanh, vàng, đỏ, ánh sáng, hư không, đất, nước, gió, lửa.

Thiền định có 40 đề mục chia thành nhiều nhóm và hành giả có thể chọn bất cứ đối tượng nào trong các nhóm đó để thực hành.

Không giống với Thiền tuệ có đối tượng là thật và có những đặc tính, dấu hiệu của vô thường, khổ và vô ngã, Thiền Định có đối tượng cố định, không thay đổi để “nhử” tâm, “cuốn hút” tâm tập trung vào và bằng cách đó đạt được sự tập trung cao độ hay Định.

Kết quả của việc thiền định

Đem lại những mức độ hạnh phúc, hỷ lạc khi đã đạt được mức độ định như Đại định, Cận Định hay Định An Chỉ và những tầng thiền định: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ thiền,  thức vô biên xứ , vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, sau đó hành giả bắt đầu luyện để đạt thần thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông và túc mạng thông.

Nhưng những dạng định này chưa giúp cho người hành thiền hiểu rõ một cách đúng đắn về những hiện tượng thân tâm đích thực “đúng bản chất vốn có của chúng”.

Phật Giáo Nguyên Thủy không xem thiền định là cứu cánh hay mục đích cuối cùng vì định chỉ có thể chế ngự các triền cái, giúp ổn định tâm như đá đè cỏ chứ không đoạn tận phiền não khổ đau, không chấm dứt luân hồi sinh tử. Dù vậy định là yếu tố hỗ trợ cho tiến trình Giới, Định, Tuệ đưa đến Đạo, Quả, Niết-bàn, vì vậy, định có mặt trong nhiều pháp môn phẩm trợ đạo: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo.

Tóm lại, thiền định, ở một mức độ nào đó, là rất cần thiết, không thể bỏ qua, nhưng chưa phải là yếu tố rốt ráo, nên chưa đủ để thành tựu cứu cánh giác ngộ giải thoát.

 b. Thiền tuệ (Vipassana)

Trong tiếng Pali, từ “Vipassana” được ghép bởi hai từ “Vi” có nghĩa là “bằng nhiều cách khác nhau” và “passana” có nghĩa là “thấy”. Vì vậy, nguyên chữ “Vipassana” có nghĩa là “thấy bằng nhiều cách khác nhau”. Khi được dùng trong ý nghĩa về “Thiền” thì “Vipassana” có nghĩa là: “thấy mọi đối tượng hay hiện tượng là vô thường , khổ và vô ngã ”.

Phương pháp và đối tượng của Thiền tuệ

Thiền tuệ quán sát bất kỳ quá trình tâm vật lý khởi sinh lên ngay trong khoảnh khắc này. Như vậy việc định tâm không phải được cố định trên một đối tượng riêng lẻ nào, mà trên những khoảnh khắc định tâm (còn gọi là sát-na định) khởi sinh khi tâm không còn dính với năm chướng ngại. Trong lúc này, tâm có thể “lưu ý” bất cứ đối tượng nào nổi lên hay khởi sinh một cách mạnh mẽ, và nó sẽ hé lộ bản chất đích thực của đối tượng đó.

Ở Thiền tuệ, người hành thiền nhấn mạnh vào “sự hiểu biết đúng đắn” về những quá trình thân-tâm và “bản chất đích thực” của chúng. Vì vậy, sự định tâm có thể đạt được bằng việc chính niệm liên tục, không gián đoạn vào những quá trình vật lý thân tâm trong cơ thể.

Đề mục của thiền tuệ là thân, thọ, tâm, pháp. Tất cả các đề mục này đều giúp cho hành giả thấy được sự sinh diệt khi thực hành. Nói một cách khác, hành giả quan sát các đề mục của thiền tuệ để thấy được sinh diệt của danh sắc và ngũ uẩn qua đó kinh nghiệm được vô thường, khổ và vô ngã để cuối cùng chứng đắc các tầng tuệ Minh sát, đạt được Giải Thoát, Niết Bàn.

Kết quả của việc thực hành Thiền tuệ

Thực hành thiền tuệ giúp đạt được sự chấm dứt đau khổ, thông qua quá trình nhìn thấu suốt, hiểu rõ một cách đúng đắn quá trình thân tâm và bản chất đích thực của nó.

Cần nói thêm rằng thiền định thì Phật giáo cũng có mà các tôn giáo khác cũng có. Thiền tuệ chỉ có trong Phật giáo hay nói một cách khác Thiền tuệ là thiền của Phật giáo.

7.5 Bốn Nền Tảng Chính Niệm hay Tứ Niệm Xứ

Kinh Niệm Xứ, Satipattthana Sutta, là một bài kinh vô cùng quan trọng vì kinh này đề cập đến những đề mục hành thiền nhằm phát triển cả hai năng lực thiền: thiền định và thiền tuệ. Tứ niệm xứ bao gồm bốn đề mục quán niệm là Thân, Thọ, Tâm và Pháp.

Đức Phật đã giảng giải về Bốn nền tảng chính niệm và việc chính niệm trong Kinh Tứ niệm xứ như sau:

 “Ở đây, này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo an trú trong quán sát thân là thân, nhiệt tâm, chú tâm hoàn toàn và chánh niệm, gác bỏ tham dục và phiền não ở thế giới bên ngoài.

“Người đó an trú trong quán sát cảm thọ là cảm thọ, nhiệt tâm, chú tâm hoàn toàn và chánh niệm, gác bỏ tham dục và phiền não ở thế giới bên ngoài.

“Người đó đó an trú trong quán sát tâm là tâm, nhiệt tâm, chú tâm hoàn toàn và chánh niệm, gác bỏ tham dục và phiền não ở thế giới bên ngoài.

“Người đó đó an trú trong quán sát những đối tượng của tâm là tâm (hay Pháp), nhiệt tâm, chú tâm hoàn toàn và chánh niệm, gác bỏ tham dục và phiền não ở thế giới bên ngoài”.

Sự quán niệm luôn phải được đi kèm bởi ba yếu tố: nỗ lực mạnh mẽ, sự hiểu biết rõ ràng và sự chính niệm.

 Sự quán niệm phải không còn dính mắc vào những tham dục và phiền não trên thế gian, là những chướng ngại chính cần phải được vượt qua để việc thực hành được thành công, kết quả.

Nội dung quán niệm 

Tổng cộng tất cả có 21 phần  để quán niệm mà Đức Phật đã giảng dạy trong Kinh này:

  1. Quán Thân:

Hành giả quán niệm thân thể nơi thân thể. Có nghĩa là ngay nơi thân thể, hành giả quán niệm về thân thể, chứ không phải nương theo nơi một cảm giác hay ý tưởng mà quán niệm về thân thể. Quán niệm về thân thể là quán sát và ghi nhận tất cả những gì liên quan và đang xảy ra nơi thân thể. Quán niệm về thân thể gồm có: hơi thở vô-ra, bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi), các động tác thông thường, các bộ phận ở trong thân thể, tứ đại và 9 giai đoạn tan rã của thân thể. Trong pháp niệm thân, đặc biệt chú trọng đến niệm hơi thở vào ra.  

2. Quán thọ: quán niệm những cảm thụ của hành giả

Cảm thụ bao gồm: cảm giác vui, cảm giác buồn, cảm giác không vui không buồn.

Cảm giác sinh trụ dị diệt, thấy rõ vô thường

Tập nhận diện những cảm giác này, không xua đuổi hay bám chấp mà nhận rõ đây là một cảm giác duyên sinh. Đức Phật dạy ta dùng hơi thở quán chiếu sự có mặt của khổ vui rồi từ từ điều phục. Hơi thở nhẹ nhàng an tịnh dần dần. Thân tâm nhẹ nhàng an tịnh dần dần. Cứ như thế chúng ta an tịnh cả 3 thọ. Chính kiến thấy rõ nguồn gốc, bản chất và hậu quả của những cảm thọ khổ vui nên giải thoát được sự thống chế của nó

3. Quán tâm:

Niệm tâm hay những hoạt động của Tâm. Trong khi hành thiền, nếu có những ý nghĩ hay tư tưởng phát sinh thì hành giả phải liền ý thức và ghi nhận chúng. Những tư tưởng ở đây có thể là tốt, là xấu, thiện hay bất thiện. Hành giả quán sát, theo dõi, nhìn cả hai mà không luyến ái hay bất mãn. Phương pháp quán sát tâm mình một cách khách quan giúp cho hành giả thấu đạt bản chất và hoạt động thật sự của tâm

4. Quán pháp

Niệm Pháp chính là quán niệm về đối tượng của tâm. Trong phần này hành giả quán niệm về: năm hiện tượng ngăn che hay ngũ cái (Nivaranà): tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, nghi hối - Năm nhóm tụ hợp hay ngũ uẩn (Khanda): sắc, thọ, tưởng, hành, thức - Sáu giác quan và sáu loại đối tượng hay lục căn và lục trần (Ayatana): mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, tư tưởng - Bảy yếu tố của sự ngộ đạo, Thất giác chi (Bojhangà): niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, hành xả - Bốn sự thật cao quý, Tứ diệu đế (Catvari Ariya Sacca): khổ đau, nguyên nhân đưa đến khổ đau, sự chấm dứt khổ đau, và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau.

Mục đích chính của Bốn pháp quán niệm này là giúp hành giả thấy rõ chân lý thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường và pháp vô ngã.

Những lưu ý khi hành thiền

(I) Giữ Giới

Giữ giới là điều kiện tiên quyết trước khi thực hành thiền. Giới giữ cho hành giả tâm thanh tịnh không bị dính mắc vào những ô nhiễm từ hành động hay lời nói bất thiện và tâm không bị xao lãng vào những hành vi không cần thiết như làm đẹp, xa xỉ, ăn chơi…. Như thế, hành giả sẽ có thêm nhiều thời gian để tập trung vào hành thiền.

Việc giữ giới này cơ bản gồm Tám Giới: không sát sinh, trộm cắp, nói dối, không dùng chất gây nghiện, không ăn sau giờ ngọ, không quan hệ nam nữ, vợ chồng, không ghế đẹp, giường êm, giữ người khỏi những nhục dục bình thường.

(II) Ngồi Thiền hay Tọa Thiền

Đức Phật gợi ý rằng, những chỗ trong rừng hay dưới gốc cây, hay một nơi yên tĩnh nào đó là thích hợp cho việc hành thiền. Người hành thiền nên ngồi một cách thoải mái, chân bắt chéo nhau trong thế ngồi mà chúng ta đều biết tên là thế ngồi Hoa sen hay Kiết già, giữ đầu thẳng, lưng thẳng, toàn thân buông lỏng nghĩa là thả lỏng đầu, hai vai, thân, hai chân, không nên gồng cứng, tay phải đặt trên tay trái tại chỗ hai chân giao lại. Mắt khép hờ một cách thoải mái.

Tâm lúc nào cũng để tự nhiên, quân bình, thư giãn, không ức chế tâm, không để tâm chú ý quá sâu vào đề mục, chỉ cần theo dõi hơi thở ra vào một cách tự nhiên mà thôi.

Hành giả theo dõi hơi thở ra vào chạm ở đầu chóp lổ mũi hoặc qua sự phồng xẹp của bụng. Cứ để hơi thở ra vào một cách tự nhiên, không nên cố tạo cho hơi thở dài ra hay ngắn lại, giữ chính niệm tỉnh giác liên tục.

Khi có những đối tượng khác nổi trội hơn, chẳng hạn như ý nghĩ hay sự lăng xăng thì chúng ta chỉ cần chú ý  vào những ý nghĩ hay sự lăng xăng đó cho đến chúng khi dừng lại.

 Ngay sau khi những quá trình tâm đó ngừng lại, tự nhiên sự chú ý đó sẽ quay lại đối tượng sơ khởi ban đầu, đó là sự chuyển động phồng xẹp của bụng.

Hãy hướng tâm an tịnh của bạn vào hình sắc, âm thanh, mùi vị, sự đụng chạm và suy nghĩ, bạn phải cố gắng thấy tiến trình thực tại, là thật sự danh và sắc phát sanh ở sáu cửa (lục căn), đúng theo thực tướng của nó. Khi thấy, sự thấy là thực tại, là thật sự có. Tất cả mọi đối tượng của thân và tâm đều là đề mục để bạn hướng đến. Bất kỳ cái gì phát sinh đều phải quan sát, ghi nhận; phải ghi nhận dù bạn thích hay không thích chúng. Hãy ghi nhận một cách khách quan, đừng để đối tượng yêu ghét ảnh hưởng đến tâm mình. Yêu, ghét chỉ là những phản ứng đối với thế giới bên ngoài. Bạn phải có cái nhìn sâu rộng hơn. Dần dần bạn sẽ thấy mọi cảm giác yêu ghét thực ra chỉ là sự vô thường, khổ và vô ngã. Hãy xếp mọi tốt xấu, hay dở vào ba loại vô thường, khổ và vô ngã. Dầu chúng thế nào đi nữa cũng để chúng yên, chỉ quan sát mà đừng can thiệp vào chúng. Đó là cách hành thiền minh sát. Làm như thế tất cả sẽ được bình an tĩnh lặng.

Chẳng bao lâu, tuệ giác, vô thường, khổ, vô ngã sẽ xuất hiện. Đó là bước đầu của trí tuệ thật sự, cốt tủy của thiền, dẫn đến giải thoát. Hãy theo dõi kinh nghiệm của mình, nhìn nó và tiếp tục cố gắng để thấy chân lý. Hãy học cách khước từ, không vướng mắc để đạt đến bình an tĩnh lặng.

  (III)Thiền hành

Trước khi bước đi, người hành thiền phải chú ý tư thế đứng của mình, đặt áp lực lên bàn chân một cách vững vàng, thẳng thắn. Việc đi hành thiền là chú ý vào những bước chân của mình, ghi nhận có tác ý muốn đi, dở bước, theo dõi chuyển động của hai chân. Trong suốt quá trình đi hành thiền, vì sự chú tâm sẽ tập trung vào bàn chân, nên người hành thiền cũng ý thức được những cảm thọ như nhẹ, nặng, chuyển động, nóng, lạnh, v.v… chú tâm vào những chuyển động và cảm thọ mới.

Những Ích Lợi Của Thiền Tứ Niệm Xứ

Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada 113), Đức Phật cũng đã nói rằng dù chỉ một ngày hành thiền để hiểu được mọi sự đến đi, sinh diệt như thế nào, còn hơn sống một trăm năm mà không có sự hiểu biết như thế, đó là sự hiểu thấu suốt bên trong quá trình thân - tâm sinh diệt, được gọi là Trí Tuệ Hiểu Biết Sinh Diệt.

 Theo Đức Phật dạy, việc thực hành pháp Tứ niệm xứ giúp thanh lọc những ô nhiễm và bất tịnh, thoát khỏi sự chi phối của những đau khổ cả về thể xác và tinh thần, chứng ngộ Thánh quả, chứng đạt giải thoát Niết bàn.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6406917
Số người trực tuyến: