Giới nguyện Quy y và phẩm chất của người đệ tử | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Giới nguyện Quy y và phẩm chất của người đệ tử

1. Giới nguyện Quy y
 

Phần quan trọng nhất của thực hành Quy y là nghiêm trì giới luật. Ở cấp độ cao nhất là giới của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, kế đến là giới của Thức xoa, Sa di, Sa di ni, sau cùng là giới của Phật tử. Dù ở cấp độ nào, bạn cũng nên tôn trọng và giữ gìn giới luật vì đó là cốt lõi của việc thực hành Quy y. Hệ thống giới luật, bao gồm những giới căn bản của Phật tử như không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không uống rượu… được Đức Phật chế định ra để ngăn ngừa các tội lỗi do thân khẩu ý gây ra. Giới luật giúp chúng ta không bị đau khổ và đọa lạc, đem lại sự hòa hợp cho thế giới, không chỉ giữa người với người mà còn với cả loài vật, cỏ cây, môi trường. Do đó, chúng ta phải luôn tỉnh thức trong thực hành để có thể giữ gìn giới luật được trọn vẹn. Nhờ trì giữ giới luật, thực hành Phật pháp mà chúng ta có thể trưởng dưỡng trí tuệ, phát triển tình yêu thương và không lệch bước trên con đường giác ngộ.

Giới nguyện quy y Phật có nghĩa là:

Không quy y thiên thần, quỷ vật, và thầy tà, không tin và làm theo những môn ngoại đạo như bói toán, phong thủy;

Coi tất cả những hình tượng Phật như Đức Phật đang hiện diện, không chú trọng đến chất lượng, hình thức của những hình tượng ấy;

Đặt tất cả những hình tượng Phật lên chỗ cao và sạch sẽ, không bao giờ đặt nơi bất tịnh hay là bước qua.

Theo nghĩa rộng, giới nguyện quy y bao gồm tất cả các thiện hạnh phải làm như:

Không phê bình chỉ trích tranh tượng Phật hay phàn nàn về sự điêu luyện của người chế tác.

Tôn kính các hình ảnh, biểu tượng tượng trưng cho Thân, Khẩu, Ý giác ngộ của chư Phật, tin rằng đó thực sự là Đức Phật.

Không làm thân Phật chảy máu, lấy cắp hoặc phá hủy tôn tượng và các hình ảnh, biểu tượng khác tượng trưng cho Phật.

Không kinh doanh, buôn bán tượng và các hình ảnh biểu tượng đó.

Không giẫm bước lên các hình ảnh biểu tượng của Phật.

Không làm hại chúng sinh.

Không từ bỏ Phật Pháp.

Có lòng kính ngưỡng Phật Pháp và những bậc thuyết giảng Phật Pháp.

Lắng nghe Phật Pháp.

Tìm hiểu tường tận giáo lý Phật.

Dạy cho người khác về giáo pháp mà mình đã được học và chứng nghiệm.

Dạy người khác tôn kính Pháp trong mọi hành động.

Không lân mẫn những người không trì giữ giáo pháp, không hệ lụy và tôn sùng họ.

Trợ giúp Tăng già và những người tu đạo.

Nương tựa vào những bậc giác ngộ.

Luôn học hỏi và khắc cốt ghi tâm ý nghĩa của giáo pháp.

Thực hành thiền định về Tứ Diệu Đế.

Không buông lung sáu căn.

Luôn cúng dàng Tam Bảo.

Không từ bỏ Tam Bảo dù phải hy sinh cả thân mạng.

Trì giữ với Tam muội da giới thân, khẩu, ý của Tam Căn Bản trong Kim Cương thừa.

2. Phẩm chất của người đệ tử:

 

Phẩm chất của người đệ tử:

Một đệ tử chân chính cần trau dồi những phẩm chất tích cực và loại bỏ những phẩm chất tiêu cực. Phẩm chất của người đệ tử phụ thuộc vào sự rèn luyện và cấp bậc của giới mà họ sẽ đón nhận. Trước tiên, người đệ tử cần trì giữ giới nguyện Tiểu thừa (giới Biệt giải thoát). Đó là nền tảng căn bản để hành giả thực hành giới nguyện Bồ tát và tiếp đó là giới nguyện Mật thừa. Một cách khái quát, đó chính là thân giới, tâm giới và tuệ giới. Cả ba giới đều có mối liên hệ mật thiết và bổ trợ lẫn nhau.

Giới nguyện Biệt giải thoát

Các bậc Thượng sư dạy rằng, người đệ tử phù hợp nhận giới Biệt giải thoát và thực hành giới này không được phạm năm giới, nếu phạm coi như là khuyết giới Biệt giải thoát. Năm giới đó là: không Tà dâm, không Trộm cắp, không Sát sinh, không Nói dối, không Uống rượu. Nói một cách khác, người đệ tử không được phạm vào những hành động trực tiếp hủy phạm giới, cũng không được phạm vào những hành vi gây chướng ngại cho việc viên mãn các giới nguyện. Bạn nên trì giữ nghiêm cẩn để giới nguyện Biệt giải thoát có thể trợ giúp cho việc thực hành tâm linh. Hành giả trì giữ giới nguyện Biệt giải thoát cần có những phẩm chất sau:

Lòng thành kính: người đệ tử phải tôn trọng những bậc Thầy trí tuệ.

Giới luật: Người đã thọ trì giới luật phải hoàn toàn từ bỏ năm ác hạnh làm bể giới nguyện và kiểm soát thân tâm bằng cách nghiêm cẩn tuân theo giới luật đã thọ nhận.

Thiền định: Khả năng thiền định cũng rất quan trọng cho sự định tâm của hành giả để trải nghiệm tự tính tâm, giảm trừ xu hướng tập khí thế tục.

Tinh tấn: Sự tinh tiến trong việc tu học giúp hành giả hiểu ý nghĩa và trì tụng thuộc lòng những bài kinh văn.

Nhẫn nhục: Người đệ tử phải đủ chín mùi để tu học với bậc Thầy và cũng phải đủ chín mùi lòng kiên nhẫn để giải quyết các chướng ngại phát sinh cả trong đời sống và sự thực hành Phật Pháp.

Chư Thượng sư đã chỉ dạy rằng giới nguyện Biệt giải thoát sẽ không phù hợp cho những người quy y với động cơ né tránh trách nhiệm đời thường hay trốn chạy khỏi khổ đau thế gian. Người có phẩm hạnh để đón nhận giới nguyện Biệt giải thoát cần có đạo đức, giữ tâm ổn định và biết cư xử đúng mực.

 

Giới nguyện Bồ Tát

Để thụ trì các giới nguyện Bồ tát, chư Thượng sư chỉ dạy rằng người đệ tử phải trưởng dưỡng tâm Bồ đề thức tỉnh và sở hữu những phẩm chất quan trọng ngoài các giới nguyện Biệt giải thoát đã nêu trên.

Tín tâm: Người đệ tử phải có tín tâm đối với Kinh thừa, Thanh văn thừa và bậc Thầy trí tuệ.

Từ bi tâm: Người đệ tử không chỉ quan tâm tới sự giải thoát khỏi đau khổ luân hồi của riêng mình mà còn phải quan tâm, chia sẻ khổ đau của chúng sinh trong sáu đạo luân hồi, không ngoại trừ một ai.

Sự thông minh: người đệ tử phải có trí tuệ sắc bén, khả năng thấu hiểu về tính không và những giáo pháp thâm sâu của Đại thừa.

Sự chấp nhận Đại thừa Bồ tát đạo: những pháp thực hành Đại thừa như Sáu Ba la mật (bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ) là rất nghiêm ngặt, đòi hỏi người đệ tử phải hứa nguyện thực hành từng phút giây cho đến viên mãn.

Hứa nguyện đạt tới giác ngộ vì mục đích giúp chúng sinh đạt tới giác ngộ.

Không ngừng nỗ lực tinh tấn thực hành Bồ tát đạo.

Ba phẩm chất cần có để có sự kết nối với bậc Thầy trí tuệ:

    o  Không phân biệt tôn giáo: Người đệ tử không được phân biệt giữa các truyền thừa, truyền thống Phật giáo cũng như tôn giáo khác với thái độ tiêu cực.

    o  Trí phân biệt: Người đệ tử cần phải có trí tuệ phân biệt để chọn một con đường cho bản thân mình và người khác đạt tới giải thoát.

    o  Nhiệt thành: người đệ tử cần phải có lòng nhiệt thành để tinh tấn thực hành trên con đường Đại thừa.

Một đệ tử sở hữu ba phẩm chất trên sẽ có những chính kiến về bậc Thầy và nhận ra các phẩm chất tốt đẹp của bậc Thầy.

 

Giới nguyện Kim cương thừa

Ngoài giới nguyện Biệt giải thoát và Bồ tát giới, hành giả thọ nhận giới nguyện Kim Cương thừa còn cần có tâm chí thành tuyệt đối với Thượng sư, có chính kiến và khả năng thực hành sâu sắc Mật thừa. Ngoài ra, người đệ tử phải có niềm tin mạnh mẽ về chân ngôn bí mật, khả năng chứng ngộ thực tại và trì giữ Tam muội da giới một cách nghiêm cẩn.

Tâm chí thành sâu sắc của đệ tử hướng về Căn bản Thượng sư là điều vô cùng quan trọng. Đó chính là quan kiến thanh tịnh của đệ tử về bậc Thầy, coi Thầy là Phật, là hiện thân của chân lý vũ trụ, chứ không chỉ đơn thuần nhìn bậc Thầy với niềm tri ân, lòng tôn kính, sự trân trọng như việc thực hành giới nguyện Bồ tát và Biệt giải thoát giới.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6482393
Số người trực tuyến: