Trì giữ giới nguyện ở cấp độ đơn giản trong Kim Cương thừa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Trì giữ giới nguyện ở cấp độ đơn giản trong Kim Cương thừa

Giới nguyện Samaya (Tam Muội Da) trong Kim Cương thừa có thể hiểu là tất cả mọi thứ bạn nhìn thấy tuy thị hiện nhưng đều là Tính không. Nói đúng hơn bạn cần phải nhìn mọi thứ đều là Bản tôn mà mình hành trì, hoặc mọi thứ đều phải được nhìn như bậc Thượng sư. Nhưng nếu bạn suy ngẫm, mọi sự được nhìn nhận như là Thượng sư, chẳng hạn cả chiếc ghế đây cũng là Thượng sư, thì làm sao tôi có thể ngồi lên Thượng sư của mình được. Lúc đó, bạn nên nhớ rằng Thượng sư có nghĩa là Đại thủ ấn, là trí tuệ bất nhị, và như vậy thì Thượng sư luôn hiển hiện khắp mọi nơi.

Tuy nhiên, trong Kim Cương thừa cũng có nhiều cấp độ đơn giản hơn về Giới nguyện. Ví dụ trong Nghi quỹ thực hành Pháp tu Sangye Tsewa (Thí thân Pháp Bát Nhã Ba la mật) có đề cập rõ ràng về mười bốn lỗi lầm khiến bể Tam muội da mà bạn có thể tham khảo thêm.

Còn trước mắt, nếu bạn đã phát nguyện trì giữ bất cứ giới nào, dù là giới quy y, giới cư sĩ, bạn cũng đều cần trì giữ tinh nghiêm giới nguyện ấy. Nếu bạn phát nguyện giữ giới sát sinh, trộm cắp hay bất cứ giới nguyện nào khác, thì đó là những giới nguyện nền tảng rất quan trọng cần phải được trì giữ. Nếu bị bể, bạn có thể tịnh hóa và khôi phục lại giới nguyện, bạn có thể làm cách nào cũng được.

Thêm vào đó, trên đường tu của mình, lúc nào đủ điều kiện bạn cũng nên giữ giới Bồ tát, có rất nhiều giới, nếu bạn không thể trì giữ toàn bộ các giới nguyện của hàng Bồ tát, thì bạn nên biết trong Bồ tát giới có sự phân biệt giữa giới tương đối, có giới chính và giới phụ. Các giới phụ có năm điều:

- Không bỏ rơi mọi chúng sinh,

- Luôn nhớ về lợi ích của Bồ tát giới,

- Tích lũy hai công đức,

- Luôn phát nguyện trì giữ giới Bồ tát trong các đời tái sinh sau, và

- Không phạm phải bốn nghiệp xấu. Đó là các nghiệp xấu được quy định trong Đại thừa, như là không nói xấu các bậc Bồ tát khác, không nói dối Thượng sư, không lừa dối mọi người và còn có thêm một nghiệp xấu thứ tư nữa.

Trong kinh Đại thừa cũng nói rằng nếu bạn không thể giữ toàn bộ giới Bồ tát thì trước hết bạn cần tập trung vào bốn giới này và không được bỏ rơi một chúng sinh nào cả.

Ngoài giới Bồ tát, thêm vào đó các bạn còn cần giữ giới Kim Cương thừa: tôn kính Thượng sư như Đức Phật, tôn kính Thân, Khẩu, Ý của Thượng sư như Thân, Khẩu, Ý của Phật. Phật chính là hiện thân của trí tuệ bất nhị, vì thế trong Kim Cương thừa chúng ta nói rằng hầu như không ai có được tâm chí thành chân chính. Tất nhiên bạn có thể bảo rằng “Không, tôi có tâm chí thành và tôi tôn kính Thượng sư”, nhưng đó chỉ là tâm chí thành tương đối thôi. Tâm chí thành chân chính là khi bạn nhìn nhận Thượng sư là Trí tuệ bất nhị, không chỉ nhìn nhận từ phương diện triết lý, mà phải thực sự chứng nghiệm được Trí tuệ bất nhị nơi Thượng sư. Khi bạn chứng nghiệm được Thượng sư chính là trí tuệ bất nhị, thì chắc chắn bạn sẽ chứng nghiệm được một cách nhậm vận tự nhiên rằng mọi sự vật hiện tượng cũng đều là trí tuệ bất nhị.

Như vậy thì tâm chí thành chân chính đối với bậc Thượng sư, tâm chí thành tối thượng đối với Thượng sư, sẽ chỉ khởi phát khi bạn đạt tới Bồ tát địa thứ nhất, và khi đạt tới Bồ tát địa thứ nhất này thì bạn cũng sẽ nhận thức được tâm thức tối thượng. Còn lúc này thì tâm chí thành dường như chỉ có được nhờ vào sự thực hành, nhờ tu tập quán hòa tan, nhờ tìm đọc về tiểu sử và công hạnh của bậc Thượng sư. Những điều này có thể trợ giúp rất nhiều trong việc trưởng dưỡng tâm chí thành tương đối!

(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6422551
Số người trực tuyến: