An trú tâm, bạn có thể “chạm” vào vũ trụ
Tâm là nền tảng, cội nguồn của hầu hết mọi khổ đau và hạnh phúc. Trong Đạo Phật, tâm hay “tự tính” của chúng ta không chỉ là lý trí mà còn bao gồm cả tình cảm hay tình yêu thương. Mỗi chúng ta có thể kết nối thông qua tình yêu thương đến toàn thể vũ trụ. Một khi an trụ trong tâm, bạn có thể thấy được cả vũ trụ.
Thực hành thiền để xây dựng thói quen tích cực
Trong cuộc sống, có những lúc bạn phải đối diện với khủng hoảng hay tai họa thực sự. Vào thời điểm khó khăn nhất của khủng hoảng, chúng ta thường khó tìm thấy lối thoát. Hãy thực hành thiền quán bởi điều này giúp chúng ta loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.
Mất việc làm, nhà cửa hay chia tay bạn đời có thể khiến bạn phải trải qua những hoang mang, giận dữ, vô số cảm xúc cực đoan sẽ che mờ tâm trí. Bạn phải thực sự vật lộn để tìm ra một lối thoát. Khi tâm ở trong trạng thái tiêu cực, bạn cảm thấy dường như cả thế gian đang chống lại mình và dường như mình sắp đánh mất tất cả.
Khi đó, dù tâm trở nên bất an, bạn cũng nên tỉnh táo để tìm hướng xử lý cho cuộc khủng hoảng vì đó là cách tốt nhất bạn có thể làm cho bản thân và những người mình yêu thương. Vào thời điểm bế tắc này, bạn cần tìm sự giúp đỡ dưới bất kỳ hình thức nào mà mình thấy thoải mái và hữu ích.
Đó có thể là sự giúp đỡ về chuyên môn, những lời khuyên đầy trí tuệ chân thành, hay sự an ủi yêu thương từ người thân, bạn bè, những ai luôn lắng nghe và biết cách giúp bạn nhìn nhận mọi việc một cách đúng đắn. Đây không phải là những người luôn nói điều bạn thích nghe. Tương tự, họ cũng không đổ hết trách nhiệm lên đầu bạn. Họ có cách để nghe, biết nhìn mọi việc theo quan điểm của bạn và đề xuất những hướng giải quyết tích cực. Hoặc họ có thể là trợ thủ giúp bạn chèo lái qua thời khắc khó khăn.
Hãy nghĩ xem ai là những người như vậy trong các mối quan hệ của bạn. Nghĩ về những mối quan hệ này là rất tốt vì chúng giúp ta liên hệ được với trí tuệ bên trong và cho bạn bè thấy được ta quan tâm và trân trọng họ như thế nào. Bạn có nhận thấy rằng, trong phần lớn mọi trường hợp, khi mở lòng sẻ chia với người bạn tri kỷ cũng chính là lúc ta tìm được lời giải đáp từ trí tuệ bên trong mình. Vậy hãy mở lòng vì đó là phép màu mang lại lối thoát trong những hoàn cảnh tưởng như bế tắc.
Thực hành những bài thiền về rèn luyện tâm, phù hợp theo thời gian và hoàn cảnh cho phép cũng giúp cho bạn thêm vững vàng để đối phó với những thử thách cuộc đời. Các bài tập thiền đó không loại trừ nỗi buồn, sự căng thẳng, bất mãn hay chán chường của bạn.
Bạn vẫn cảm nhận sâu sắc những cảm xúc này nhưng cũng đồng thời xây dựng thói quen nhìn vào mặt tích cực của mọi việc. Buông bỏ nỗi đau không có nghĩa là bạn không còn cảm thấy gì mà có nghĩa bạn hiểu rằng việc tiếp tục bám chấp vào xúc tình phiền não sẽ đem lại những khổ đau không cần thiết. Đau khổ khó khăn đến mức độ nào cũng sẽ trôi qua, y như trải nghiệm của giấc mơ vậy.
Sự tỉnh thức bắt đầu phát triển khi bạn quan sát được dòng cảm xúc trôi chảy hiện khởi. Lúc đó, bạn sẽ bớt bám chấp vào điều không suôn sẻ, giảm lo lắng với những gì có thể xảy ra, sống tỉnh thức an lạc trong hiện tại.
Nếu biết bớt bám chấp vào những thứ như công việc hay nhà cửa thì thay vì chỉ nhìn thấy đau khổ khi mất mát, chúng ta có thể nhận ra cơ hội tiềm ẩn. Chúng ta hiểu rằng mọi thứ mình gắn bó như nhà cửa, công việc và những người mình yêu mến sẽ đều đến rồi đi, không ai có thể kiểm soát được thời điểm mọi việc đổi thay.
Vì vậy, dù cảm nhận rằng mọi thứ diễn ra quá nhanh, hay không công bằng, hay băn khoăn tại sao những điều xấu lại xảy đến với người tốt, chúng ta cũng có thể tìm kiếm mặt tốt và nhận thấy nó vẫn tồn tại ở một khía cạnh nào đó. Tiếp đến, hãy tập trung năng lượng của mình để nuôi dưỡng điều tốt đẹp nhỏ bé đó, giúp nó có không gian phát triển rộng lớn hơn và cuộc sống một lần nữa sẽ được cân bằng. Theo quy luật, một sự kết thúc luôn mở ra một sự khởi đầu mới.
Thiền quán loại bỏ suy nghĩ tiêu cực
Thiền quán giúp chúng ta loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Đó là khoảng thời gian chúng ta có thể tạm dừng và quán chiếu. Những lúc bế tắc bởi tư tưởng tiêu cực, chúng ta thường trách móc số phận hay đổ tại mình kém may mắn, nhưng khi lặng lẽ quán chiếu những cảm xúc như sân hận, đố kị, sợ hãi..., chúng ta có thể tìm hiểu mà không thấy bế tắc. Chúng ta có thể tự hỏi vì sao mình có những cảm xúc này và nhìn sâu trong tâm để thấy câu trả lời thay vì đổ lỗi cho những lý do ngoài tầm kiểm soát.
Chúng ta rất dễ bị nhịp sống tất bật cuốn đi và bỏ lỡ những cơ hội quán chiếu, trau dồi thêm hiểu biết về bản thân cũng như cuộc đời này. Trạng thái quá phấn khích hoặc quá lo âu ngăn cản chúng ta dừng lại và suy ngẫm. Đặc biệt là khi những bức xúc khiến chúng ta chẳng còn năng lượng và tỉnh thức để tìm hiểu sự việc, tìm hiểu chính mình.
(Mai An biên tập)
- 784
Viết bình luận