Vượt lên cạm bẫy của 2 thái cực để đạt được tự tại vô ngại | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Vượt lên cạm bẫy của 2 thái cực để đạt được tự tại vô ngại

Trên hành trình dẫn đến giác ngộ chúng ta phải tránh cạm bẫy của hai thái cực, một bên là sự đam mê chạy theo những tham vọng của bản thân, bên kia là thái cực ngược lại, dồn ép mình vào những nguyên tắc cứng nhắc, khổ hạnh, hành hạ thân và tâm một cách bất hợp lý. Con đường dẫn đến giác ngộ và trí tuệ của Tứ Diệu đế siêu vượt hai thái cực trên, giúp ta đạt được sự cân bằng và an bình nội tâm. Con đường này gọi là Trung đạo, được xây dựng trên nền tảng Bát chính đạo gồm Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định.

Có thể nói, Trung đạo là con đường xa lánh hai trạng thái cực đoan chấp có hoặc chấp không, chấp trường tồn hay chấp đoạn diệt. Trung đạo cũng chính là chân lý bất nhị, hợp nhất cả hai thái cực “có” và “không”. Với quan kiến Trung đạo, bạn cần nhận ra mọi trải nghiệm trong cuộc sống đều là sự phóng chiếu của tâm. Do hiểu rằng mọi thứ đều không thực sự tồn tại, đều là giả huyễn nên bạn không bám chấp thái quá vào cuộc sống. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tôn trọng tất cả bởi thấy rằng tuy không thật nhưng chúng vẫn đang tồn tại. Vạn pháp xuất hiện và biến mất do những nguyên nhân từ vô thủy. Những chúng sinh vô minh cho rằng vạn pháp trong cuộc sống này tồn tại hay không tồn tại nhưng người có trí tuệ sẽ nhìn cuộc sống siêu vượt hai phạm trù tồn tại và không tồn tại.

Phương pháp thực hành hàng ngày

Trung đạo không chỉ là cách nhìn nhận, hiểu biết về bản chất của cuộc sống và tự tính của vạn pháp. Nó còn là phương pháp tu tập thực hành giúp bạn tiêu trừ vô minh, xa lìa đau khổ, có được trí tuệ và an vui ngay trong đời hiện tại.

Chẳng hạn khi nhìn các sắc tướng, ta có thể khởi tâm phân biệt rằng chúng tốt hay xấu, đẹp hay không đẹp. Nhưng nếu áp dụng Trung đạo, bạn cần sáng suốt nhận ra rằng dù đẹp hay xấu đều, tất cả cùng là sự ngộ nhận, phóng chiếu của tâm mà thôi. Bạn có sự phóng chiếu của riêng bạn khi cho rằng bông hoa này đẹp. Nhưng người khác cũng lại có sự phóng chiếu riêng khi nói rằng bông hoa đó xấu. Nếu hiểu lý Trung đạo, bạn có thể buông xả và chấp nhận sự khác biệt này. Ngược lại, nếu cố chấp mãi vào quan kiến cá nhân thì điều này có thể phát sinh mâu thuẫn, xung đột như những gì thường thấy trong đời sống hiện nay.

Đối với âm thanh cũng vậy, bạn cần quán chiếu để nhận ra bản chất của mọi loại âm thanh, dù là du dương, dễ chịu hay đinh tai, khó nghe, dù là lời khen hay tiếng chê, đều giống nhau về mặt bản chất, đều không có thật tính và đều do duyên hợp mà thành.

Việc áp dụng thực hành Trung đạo đối với các xúc tình cũng tương tự. Chúng ta cần hiểu rằng các trạng thái tâm tham lam, sân hận, phiền não đều là vô thường, đều không có tự tính, do vô minh và chấp ngã gây nên. Trí tuệ Trung đạo quán chiếu những xúc tình tiêu cực thấy rõ chúng vốn không phải là tiêu cực. Khi chúng ta cảm thấy giận dữ, hãy tự hỏi mình giận dữ có bản chất không? Cách tiếp cận đúng đắn là, khi sân giận phát khởi, thay vì để bản năng phóng chiếu và phản ứng theo trạng thái sân giận đó, hãy buông xả để nó tự nhiên và an trụ trong trạng thái này. Khi đó, sân giận sẽ tự nhiên được trả về bản chất của chính nó, tức về Trung đạo, vượt qua những khái niệm về giận hay không giận, nó sẽ biến mất. Cách thực hành tương tự cũng cần áp dụng cho cảm thụ hạnh phúc, khổ đau và tất cả những xúc tình tích cực hay tiêu cực mà chúng ta phải đối diện và trải nghiệm.

Nói tóm lại, Trung đạo dạy bạn biết đón nhận tất cả mọi thứ, tự nhiên như nó vốn là, không khởi tâm chấp trước, phân biệt hay vọng tưởng nhị nguyên. Hiểu và thực hành được như thế sẽ giúp bạn thấu tỏ được bản chất của cuộc sống và đạt được tự tại vô ngại.

(Trích ấn phẩm: “Bardo - Bí mật nghệ thuật sinh tử”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2012)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6406727
Số người trực tuyến: