Trưởng dưỡng tâm bình đẳng xả trong pháp tu Quan Âm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Trưởng dưỡng tâm bình đẳng xả trong pháp tu Quan Âm

Trong Tứ vô lượng tâm, phần quan trọng hàng đầu mà chúng ta thực sự cần hiểu là xả vô lượng tâm hay ý thức về bình đẳng xả, quyền bình đẳng giữa mọi người, mọi loài, chứ không phải là sự bình đẳng riêng trong một nhóm người hay một loài nào cả. Ý thức về quyền bình đẳng cần dựa trên hiểu biết về tính không và Trung quán luận chứ không dựa trên bản ngã. Đó là hiểu biết nền tảng cho cả phần thực hành trưởng dưỡng trong pháp tu Quan Âm.

Cách trưởng dưỡng chưa đầy đủ đối với hiểu biết về quyền bình đẳng cũng đem lại những lợi ích nhất định, nhưng đó không phải là sự hiểu biết hay thực hành đầy đủ, đem lại cho bạn sự hỗ trợ thực sự vì cách trưởng dưỡng đó còn rất nhiều vô minh. Vì thế, hiểu biết nền tảng phải là Trí tuệ Bát nhã, Trung quán luận.

Khi nói về Đại Thủ Ấn, chúng ta có căn Đại Thủ Ấn, đạo Đại Thủ Ấn, và quả Đại Thủ Ấn. Căn Đại Thủ Ấn là nền tảng chúng ta dựa vào, chúng ta chỉ thường hiểu theo quan điểm rằng đây là nền tảng của vạn pháp, nhưng thực ra không phải như vậy. Chúng ta cần hiểu rằng đó không chỉ là nền tảng của vạn pháp, mà còn là nền tảng của mọi thực hành tâm linh chân thực. Vì thế đó không chỉ là nền tảng từ góc độ quan điểm, mà còn là nền tảng từ góc độ thực tiễn.  

Ở góc độ thực tiễn, ý thức bình đẳng xả đem lại nhiều lợi ích và đặc biệt là tạo ra sự an vui, hạnh phúc đích thực. Ý thức bình đẳng xả tạo ra nhiều niềm vui trong cuộc sống của bạn, vì thế Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy rằng phần quan trọng đầu tiên cần trưởng dưỡng là ý thức bình đẳng xả vì chúng ta đang còn thiếu an vui, hạnh phúc đích thực. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng tâm bình đẳng xả là nguồn gốc duy nhất đem lại sự an vui thực sự.

Hạnh phúc không phải là mục đích duy nhất chúng ta đang hướng đến, nhưng nhờ được an vui mà chúng ta có thể trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Khi còn chưa an vui, chúng ta chưa thực sự trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn, vì thế bạn cần hiểu rằng tình yêu thương và lòng bi mẫn là kết quả của hạnh phúc và tâm bình đẳng xả.

Đây cũng có thể coi là một phần kết quả của việc thực hành lý luận Trung đạo. Trung đạo hay hiểu biết bình đẳng xả tạo ra ý thức mạnh mẽ về lòng bi mẫn và tình yêu thương…

Nếu chúng ta có chút thiên kiến cực đoan, nghiêng nhiều hơn về khía cạnh tôn giáo hay tâm linh thì tình yêu thương và lòng bi mẫn của chúng ta thường rất hạn hẹp. Không có nghĩa là chúng ta không có tình yêu thương và lòng bi mẫn, nhưng khi đó, tình yêu thương và lòng bi mẫn chưa phải là vô điều kiện.  Nhưng khi chúng ta thực hành Trung đạo, tình yêu thương và lòng bi mẫn thực sự vô điều kiện sẽ hiển lộ. Vì thế, trưởng dưỡng tâm bình đẳng xả là một phần rất quan trọng trong pháp thực hành Quan Âm.

Đôi khi chúng ta có niềm tin mang màu sắc tôn giáo rằng Đức Quan Âm sẽ che chở chúng ta, sẽ ban gia trì giúp cho chúng ta có tình yêu thương và lòng bi mẫn mạnh mẽ. Dĩ nhiên là trong chừng mực nhất định thì niềm tin này có tác dụng – ở cấp độ tương đối thì Đức Quan Âm hoàn toàn có thật, Ngài che chở hộ trì cho chúng ta, ban gia trì và dẫn dắt chúng ta. Mọi người đều tin là như vậy – Đức Quan Âm là bậc hộ trì vĩ đại. Đó là quan kiến thế gian.

Nhưng nếu chúng ta có quan điểm cực đoan mang màu sắc tôn giáo như vậy về Đức Quan Âm, không thực hành quan điểm Trung đạo, thì lúc đó chúng ta hoàn toàn dựa vào Đức Quan Âm. Việc này cũng rất tốt, nhưng khi chúng ta có lòng bi mẫn thì chúng ta sẽ coi đó là sự gia trì của Đức Quan Âm, còn khi chúng ta không thành tựu trong thực hành thì chúng ta lại oán trách Ngài – “Khi tôi cầu nguyện cả ngày lẫn đêm lên Đức Quan Âm, Ngài đã cho tôi lòng bi mẫn và tình yêu thương như vậy. Đó là tất cả những gì Đức Quan Âm đã trao cho tôi, và tất cả những gì tôi đã cố gắng nhận được là sự gia trì của Ngài. Có vậy thôi. Vì thế tôi rất từ bi với con người, với bạn bè mình, nhưng không phải là với kẻ thù của mình; hoặc tôi sẽ từ bi với con người, nhưng không phải là từ bi với các loài vật. Đó là những gì Đức Quan Âm dạy tôi”.

Có nhiều người nghĩ rằng chúng ta có thể ăn thịt lợn, dù họ có lòng từ bi rất to lớn. Thậm chí họ còn nghĩ rằng những vị thần đã cho chúng ta thịt lợn để ăn. Tôi không biết đó là quan điểm tôn giáo hay suy nghĩ thái quá của chính họ, nhưng đó chính là cách họ nghĩ. Họ cũng nghĩ rằng chúng ta có quyền ăn gà, cá, và các loài khác. Ngay cả một số Phật tử cũng cho rằng họ có thể ăn cá. Tôi không thể nói từ quan điểm của các tôn giáo khác, nhưng theo quan điểm đạo Phật thì cách nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm. Ấy vậy mà một số Phật tử lại cho rằng họ được phép ăn cá vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy được phép ăn cá. Tôi biết Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng trong trường hợp một vị tăng bị ốm thì được phép ra chợ mua cá ăn để chữa bệnh. Đúng là Ngài có dạy như vậy trong kinh. Nhưng điều đó không có nghĩa là Đức Phật hay Chúa Trời trao cá cho bạn, và cũng không có nghĩa là bạn nên ăn cá vì khoái khẩu. Khi bạn mắc kẹt với quan điểm cực đoan trong tôn giáo thì bạn sẽ có những hạn chế nhất định về tình yêu thương và lòng bi mẫn. Đó là tình yêu thương và lòng bi mẫn có điều kiện.

(Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa về Pháp tu Quan Âm tại Plouray - Pháp, 2007)

Tham khảo thêm

Trân trọng những may mắn trong cuộc sống để đầu tư cho tương lai tốt lành

Làm thế nào để trưởng dưỡng sự kết nối bản lai với Đức Quan Âm?

Chân ngôn của Đức Phật Quan Âm

 
File âm thanh

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6335865
Số người trực tuyến: