Ấn tượng ‘Kora Stupa’ - 108 vòng vi nhiễu Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên
Đã có hơn 500 Phật tử và người yêu thích môn thể thao chạy bộ cùng hành hương về đất Phật Tây Thiên tham dự vào chương trình Vi nhiễu Đại Bảo Tháp 108 vòng- tương đương 42 km chạy bộ.
Sự kiện do chư ni Drukpa Việt Nam phối hợp CLB Tuổi trẻ Thăng Long - YDA Việt Nam tổ chức ngay trước thềm 8/3 tại ngôi Bảo tháp Mandala linh thiêng (thị trấn Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc).
Ni sư Trụ trì gióng lên hồi trống Bát Nhã khai mạc chương trình nhiễu tháp
Thực hành vi nhiễu Bảo tháp (Kora Stupa - cách gọi tiếng Tạng) với nhiều diệu dụng mang đến cảm ứng gia trì Phật pháp, đồng thời giúp rèn luyện sức khỏe qua phương pháp bộ hành - đi bộ và trì tụng chân ngôn - theo chiều kim đồng hồ xung quanh ngôi bảo tháp.
Bởi thế vi nhiễu tháp – một truyền thống tu tập và nét văn hóa đặc trưng của Phật giáo vùng Himalaya đã và đang vượt ra ngoài môi trường đạo Phật đi vào đời sống trở thành “trend- nhiễu tháp” được yêu thích của đại chúng, nhất là với tín đồ say mê chạy bộ.
Điều bất ngờ thú vị đã xảy đến ngay sau lễ khai mạc. Đó là sự bùng nổ về số lượng hàng trăm du khách thắng cảnh Tây Thiên trong ngày chủ nhật 5/3 đã ngẫu hứng xin đăng ký tham gia nhiễu tháp từ sáng đến tối muộn để hoàn thành 54 vòng nhiễu (khoảng 21,6 km bằng một nửa cự ly 108).
Đoàn Phật tử trong nghi lễ rước cờ và các biểu tượng thiêng trong Phật giáo Mật thừa
Chương trình Kora Stupa - Vi nhiễu Bảo tháp 108 vòng dành cho khoảng 250 Phật tử đăng ký ban đầu bỗng tự nhiên nhậm vận, trở thành “giải chạy tâm linh” mở rộng.
Nhiều du khách cho biết, họ được truyền cảm hứng sau khi nghe Ni sư Trụ trì Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên chia sẻ về ý nghĩa diệu dụng và lợi lạc thiết thực của việc triều bái, vi nhiễu Đại Bảo Tháp, biểu tượng cao quý của Pháp thân - Trí tuệ Phật.
Sự kiện Kora Stupa lần này đánh dấu mốc vừa tròn một tháng kể từ Pháp hội Đại Bi Quan Âm Đại Bảo Tháp đầu Xuân 2023, với ký ức tươi mới về hình ảnh Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa ban Thủ ấn (đặt dấu bàn tay) chính thức khai quang khánh thành năm đường nhiễu Ngũ sắc đầu tiên hiện hữu không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới.
Bước đi trong sự tỉnh thức
“Giải chạy - bộ hành tâm linh” Kora Stupa diễn ra trên chính 5 đường vi nhiễu bao quanh Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên. Năm đường nhiễu ngũ sắc - 5 màu vàng, trắng, đỏ, xanh lục, xanh dương - từ trong ra ngoài, nêu biểu cho các đại (địa, thuỷ, hoả, phong và không đại). Là sự hòa hợp của tự nhiên, của quy luật vũ trụ, tạo nên sự bình an, thịnh vượng cho con người và môi sinh. Vòng ngoài cùng màu xanh dương gọi là vòng thức đại (vòng lửa trí tuệ).
Phật tử Drukpa Việt Nam thực hiện “Tam bộ nhất bái” tại chương trình Kora Stupa
Ni sư trụ trì sách tấn, khích lệ người tham dự đi nhiễu tại vòng xanh dương để giúp trí tuệ luôn được thức tỉnh. Về thời gian nên thực hành nhiễu tháp vào tuần trăng sáng (từ ngày mùng 1 đến 15- ngày rằm hằng tháng). Khoảng thời gian này năng lượng khí đi lên; tốt nhất là đi chân đất để nhiễu tháp nếu đủ sức khoẻ.
Đặc biệt vào tuần trăng sáng tháng Giêng Losar (theo lịch Kim Cương thừa), thời gian Đức Phật chuyển Pháp luân, công đức thiện nghiệp mỗi người biết tạo ra sẽ được tăng trưởng hàng triệu lần.
Theo vũ trụ học Mật thừa, đường nhiễu ngũ sắc cũng tương ứng với ngũ đại - Địa, Thủy Hỏa, Phong và Không đại, đồng thời liên quan mật thiết đến 5 yếu tố quan trọng nơi thân tâm mỗi người đó là: sinh lực, sức khỏe, quyền lực, may mắn, tinh thần.
Thành viên cao tuổi tinh tấn nhất là tốp 3 các bà các mẹ U80 hoàn thành 108 vòng nhiễu tháp
Đáng chú ý trong mỗi đại lại có đầy đủ các yếu tố của “ngũ hành tương sinh”. Ví dụ trong Địa đại đã có các hành, các đại khác, người “thiếu” hay mất cân bằng Địa đại, khi vi nhiễu Bảo tháp trên vòng tròn Địa đại (màu vàng) sẽ tích lũy được đầy đủ năng lượng và công đức của cả ngũ đại.
Trong cuộc sống có rất nhiều điều chúng ta không viên mãn tâm nguyện, chỉ vì công đức và thiện nghiệp phúc đức tự thân chưa trọn vẹn, không đủ. “Song nhờ công phu nhiễu tháp, mỗi bước chân hành trì trên 5 vòng ngũ đại chính là cách chúng ta nạp lại những yếu tố năng lượng mà mình đang thiếu hụt, tiêu trừ độc khí, lấy lại sự cân bằng, hài hoà thân tâm” - Ni sư giảng.
“Tôi rung động mạnh khi nghe Ni sư Trụ trì gióng lên hồi trống Bát Nhã khai mạc chương trình nhiễu tháp. Trống Bát Nhã có nghĩa thỉnh mời chư Phật, Bồ tát thượng đường chứng minh; còn đối với người dự lễ tiếng trống là sự thức tỉnh, nhắc nhớ trở về với chánh niệm” - nhà báo Phật tử Nguyễn Thu Hà (VTV9) đến từ Tp Hồ Chí Minh nói.
Những du khách Hải Phòng lại ấn tượng với nghi thức rước cờ Lungta (cờ cầu nguyện trong Phật giáo Kim Cương thừa). Như lời Sư Thầy giảng, trong mỗi lá cờ đều có biểu tượng Phật, nhờ đó người đi nhiễu tháp, chân tiếp đường nhiễu, tay dương cờ đương tâm, sẽ nhận được nguồn năng lượng mạnh mẽ của cờ nguyện Lungta mang ý nghĩa chữa lành khổ đau, tăng trưởng may mắn và sinh khí …
Đất trời Tây Thiên quyện trong mây bay gió núi, trong hương hoa thiên nhiên cùng sắc màu từ hàng nghìn lá cờ Phật giáo, cờ cầu nguyện Lungta (cờ ngũ sắc: xanh lục, xanh dương, vàng, đỏ, trắng có in hình chư Phật Bản tôn và các câu chân ngôn cùng biểu tượng linh thiêng) được treo phủ rộng toàn bộ ngôi Đại Bảo tháp, từ hồ hương thủy ra đến cổng chào…, ở những nơi đón gió.
Mỗi khi gió thổi lungta bay lên thầm gởi gắm lời kinh, lời nguyện cùng thanh âm chân ngôn trì tụng vang vọng không gian, giúp cho mỗi người như đang chạm đến và đón nhận trọn vẹn nguồn năng lượng phổ độ của Phật.
Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì Biển, đảo quê hương - anh Trần Vũ Thành cảm nhận: “Không khí nhiễu tháp và khung cảnh rực rỡ của Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên lúc này khiến tôi được trải nghiệm lại ký ức an lành đạo vị trong những lần hành hương đến các thánh địa Mật giáo linh thiêng tại Nepal (Bảo Tháp Boudhanath), tại Ấn Độ là Bồ Đề Đạo Tràng - nơi Đức Phật thành đạo”.
Khi chúng ta vi nhiễu bảo tháp với tâm thành kính và thư giãn sẽ tự nhiên bỏ lại sau lưng mọi bon chen của đời sống thường nhật, tâm mỗi người cũng sẽ tự khắc rộng mở ân hưởng từ trường an lành của tinh túy đất trời.
Thật cảm xúc khi bắt gặp hình ảnh những thành viên U80 tóc bạc trắng bên cạnh các cháu nhỏ tuổi thiếu niên nhi đồng ở các hạng mục trao giải thưởng: Thành viên có số vòng nhiễu nhiều nhất; Thành viên trẻ tuổi tinh tấn nhất; Thành viên cao tuổi tinh tấn nhất; Tình nguyện viên tích cực và truyền cảm hứng...
Chứng nhận điện tử ghi nhận kết quả vi nhiễu Đại Bảo Tháp - món quà 8/3 ý nghĩa của thành viên nữ
Chương trình vi nhiễu tháp kết thúc trong “tiệc ánh sáng” của pháo hoa rực rỡ và đèn hoa đăng cùng sắc màu lungta bay lên trong gió như thầm gởi gắm lời kinh, lời nguyện ước an lành, hạnh phúc trải khắp không gian.
Được biết, chương trình vi nhiễu 108 vòng Bảo tháp dự kiến tổ chức định kỳ hàng Quý, vào các thời điểm cát tường ý nghĩa như tháng Giêng, tháng Phật đản, mùa Vu Lan, ngày Quốc khánh 2/9…
(Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
- 432
Viết bình luận