Vị Đại đệ tử của Phật chứng Thiên nhãn thông dù 2 mắt bị mù
Sau khi thành đạo Đức Phật xuống núi, đi giáo hóa khắp nơi, Đức Phật cũng không quên trở về thành Ca Tỳ La Vệ thuyết pháp cho hàng vương tôn công tử, và đã khuyến hóa được nhiều thân thuộc xuất gia. Trong số 7 vương tử đi xuất gia có Ngài A Na Luật là bậc Thiên Nhãn Đệ Nhất.
Nhờ nghiêm trì phạm hạnh không bị nữ sắc cám dỗ, Ngài A Na Luật rất được mọi giới kính ngưỡng, nhưng Ngài A Na Luật chưa loại trừ được ma mê ngủ. Mỗi khi vào giảng đường nghe Phật thuyết pháp dù đã hết sức cố gắng, Ngài A Na Luật vẫn thường ngủ gục. Vài ba lần, Ngài A Na Luật đã bị Đức Phật quở trách. Một hôm Đức Phật gọi Ngài A Na Luật đến bảo rằng:
- Này A Na Luật! Ông xuất gia học đạo vì sợ phép nước hay sợ trộm cướp.
- Bạch Thế Tôn! Không phải như vậy.
- Thế vì lý do gì mà ông xuất gia?
- Bạch Thế Tôn vì con chán cảnh sinh, lão, bệnh, tử và muốn giác ngộ, giải thoát hết các khổ não.
- Này A Na Luật! Ông là con người đoan chính, phạm hạnh không sa ngã bởi nữ sắc, cho nên được giáo đoàn kính trọng. Tính háo sắc, người đời khó trừ được còn ông là người không mù quáng, thế tại sao tính ham ngủ ông lại không dẹp bỏ được? Trong lúc nghe pháp mà ngủ thì bao giờ mới chứng đạo giải thoát?
Nghe Phật quở, Ngài A Na Luật quỳ lạy sám hối và phát lời thề rằng:
- Bạch Thế Tôn con xin sám hối tội hay ngủ gục trong lúc nghe Pháp, cúi xin Đức Thế Tôn lượng thứ. Từ nay về sau con sẵn sàng chịu mọi cực hình miễn sao diệt trừ được tật xấu ngủ gục.
Từ đó Tôn giả quyết tâm không ngủ. Lúc nào cũng mở to đôi mắt nhìn vào khoảng không, từ đầu hôm đến sáng, từ sáng đến chiều không chớp mắt. Sức người có hạn, sau những giờ làm việc mệt nhọc, con người cần có giấc ngủ để lấy lại sức lực. Sự vận hành của thiên nhiên giữ cho con người đuợc thăng bằng. Mặt trời xuất hiện soi sáng mọi vật, giúp con người hoạt động. Mặt trời đi ngủ khiến không khí mát mẻ, bóng đêm tràn ngập, giúp con người ngủ nghỉ để tâm hồn bình thản, trái với thiên nhiên, con người mất hết sức lực. Ngài A Na Luật đã cải thiên nhiên, ngồi chong mắt hết ngày nọ đến ngày kia, khiến hai mắt sưng vù.
Từ trên pháp tòa, nhìn thấy Ngài A Na Luật đã sưng vù hai mắt, Phật rất lo lắng gọi đến và dạy rằng:
- Này A Na Luật! Người tu hành hãy tránh hai thái cực: Bất cập hoặc thái quá đều chẳng đạt đạo. Dây đàn căng quá hoặc chùng quá khiến đàn không kêu, dây đàn vừa phải, tiếng đàn mới thánh thót. Sự tu hành phải đi theo con đường trung đạo. Ông không nên hành đạo theo con đường thề độc của ông, nguy hiểm lắm, đạo chưa đạt mà mắt đã mù, sẽ chịu thiệt hại nhiều thứ.
- Bạch Thế Tôn! Con không thể trái nguyện, xin Thế Tôn cho con được giữ tròn.
- Này A Na Luật! Sống trong đời con mắt rất cần yếu, mắt bị mù sẽ không thấy biết gì hết. Con người sống được nhờ ăn, có ngủ nghỉ con mắt mới tinh sáng. Giấc ngủ là thức ăn của con mắt, ông không ngủ tức là bắt mắt nhịn đói, đói ngủ nó sẽ mù. Sức khỏe của ông cũng sẽ kiệt, sức kiệt thì làm thế nào tiến đến Niết Bàn, ông nên biết Niết Bàn cũng cần thức ăn.
- Bạch Thế Tôn! Thế thức ăn của Niết Bàn là gì?
- Thức ăn của Niết Bàn là không buông lung (bất phóng dật), người không buông lung mới đạt Niết Bàn.
Mặc dù Đức Phật từ mẫn khuyên bảo, Tôn giả vẫn không nghe cứ tiếp tục cố mở mắt, chỉ sau một thời gian ngắn, đôi mắt Ngài bị mù. Một hôm Tôn giả mặc một tấm áo, biết có chỗ rách bèn ngồi vá áo, nhưng không biết mượn ai xâu chỉ vào kim, Phật đến trước Ngài A Na Luật và nói:
- Để ta xâu giúp cho.
Tình thương của Phật thật bao la, Ngài A Na Luật rất cảm động. Xâu chỉ xong, Phật trao kim lại nhưng Ngài A Na Luật cũng chẳng thấy để may, tay cứ mân mê cái áo. Thấy thế Đức Phật lại bảo:
- Để ta giúp cho.
Suốt cả ngày, Đức Phật nắm tay Ngài A Na Luật hướng dẫn để mũi kim lên xuống đều đặn; mãi đến chiều, ba y đã vá xong. Để giúp cho Ngài A Na Luật không cần mắt thịt vẫn thấy xuyên suốt ba ngàn thế giới, Đức Phật dạy Ngài A Na Luật phương pháp nhập định, luyện phép thiên nhiên. Bản chất vốn cương quyết, lại tuyệt đối tin Phật, Ngài A Na Luật chứng được Thiên Nhãn Thông. Ngài được giáo đoàn suy tôn là bậc Thiên Nhãn Đệ Nhất trong hàng Thánh chúng.
(Lược trích ấn phẩm: “Thập Đại Đệ tử Phật”
Tác giả: Thích Minh Tuệ)
Tháng Phật đản là thắng duyên vô cùng đặc biệt cho việc tích lũy công đức và trí tuệ. Mọi công đức, trí tuệ tích lũy đều sẽ tăng trưởng gấp hàng trăm ngàn lần.
Hãy cùng tích lũy công đức trong tháng Phật đản bằng việc thực hành Phật pháp, làm các thiện hạnh, bố thí, cúng dàng, phóng sinh, ăn chay… để hồi hướng công đức cho sự an lạc, cát tường, thành tựu giác ngộ của mình và hết thảy chúng sinh.
- 576
Viết bình luận