Vì sao nên cầu siêu cho các vong linh, cô hồn?
Thế gian quan niệm rằng: “Âm dương đồng nhất lý”. Lý ở đây là nguyên lý nhân quả, đời sống chúng sinh chính là do nghiệp quả của họ tạo ra. Cho nên cõi nào còn có sinh, già, bệnh, chết thì còn có khổ đau. Cõi âm hay cõi dương cũng thế. Nhưng cần phải hiểu rộng ra, con người sau khi chết sẽ tái sinh vào nhiều cảnh giới khác nhau. Thế giới con người chỉ là một trong mười pháp giới đang hiện hữu (Pháp giới của Phật, Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn, Trời, Người, A-tu-la, Địa ngục, Ngã quỷ và Súc sinh). Trong Kinh dạy, có 12 loại cô hồn khác nhau, đó là những người thuộc đủ các tầng lớp, thành phần trong xã hội sau khi mất đi mà thành. Đại văn hào Nguyễn Du từng viết trong tác phẩm “Văn tế thập loại chúng sinh” như sau:
Đường bạch dương bóng chiều man mác
Dặm đường lê lác đác sương sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất
Có khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Loại cô hồn đầu tiên là “Tiền vương hậu bá chi lưu”, tức là những vị vua chúa các triều đại chết do chinh biến, soán chủ thay ngôi. Đó là những vị vua đang trong cảnh thái bình nhưng bỗng chốc chiến hạm kéo đến, binh mã dấy lên và thế là cơ nghiệp nát tan. Các vị này mất đi thành cô hồn với oán hận ngút ngàn:
Nào những bậc tính đường kiêu hãnh
Chí những toan vác gánh non sông.
Nhớ khi đương thuở cậy hùng
Ngày nay thế khuất, vận cùng, thật đau !
Ai ngờ đâu bão bùng một phút
Bỗng thấy mình thành đứa hèn ngu !
Vinh hoa gánh nặng oán thù
Máu tươi lai láng, thịt xương rã rời.
Phách vía đành lạc loài nheo nhóc
Quỷ không đầu oan khóc trong sương.
Đã hay thành bại là thường,
Mà u hồn biết bao giờ cho tan !
Thứ hai là loại cô hồn “Anh hùng tướng soái chi lưu”. Những tướng lĩnh anh hùng cái thế, lừng lẫy một thời, xông pha trận mạc, vào sinh ra tử nhưng rồi tử trận, máu nhuộm sa trường, thây phơi đồng nội.
Loại cô hồn thứ ba là “Văn thần tể phụ chi lưu”. Các quan chức hành chính huyện phủ, học hành đỗ đạt nhưng phụng mệnh phải nhậm chức xa nhà, chết nơi quê người đất khách:
Nào những bậc mũ cao áo rộng
Ngòi bút son phác bức phù vân!
Sách kinh chất cả rương đầy,
Đêm đêm thơ phú, ngày ngày văn chương.
Thịnh mãn lắm, ghét ganh càng lắm
Chung quy còn để nấm mồ xanh.
Người thân đã vắng sau vắng trước
Biết lấy ai bát nước nén hương
Cô hồn thất thểu bên đường,
Không duyên đâu dễ tìm phương khỏi nàn.
“Văn nhân cử tử chi lưu”, đây là loại cô hồn thứ tư. Các hàng sĩ tử sinh viên học sinh dẫu học hành nhiều, đêm ngày đèn sách nhưng khi công chưa thành, danh chưa toại nửa chừng đã yểu mạng:
Cũng có kẻ rắp cầu chữ Quý
Dấn thân vào thành thị lân la.
Mấy thu lìa cửa lìa nhà
Văn chương đã chắc đâu mà trí thân.
Dọc hàng quán phải tuần mưa nắng
Vợ con nào nuôi nấng khem kiêng
Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng
Anh em, thiên hạ, láng giềng, người dưng.
Thứ năm là cô hồn “Ty y Thích tử chi lưu”. Một số vị Tăng sĩ, tuy ban đầu có chí xuất trần nhưng không đạt được mục đích của đời sống xuất gia. Chỉ đàm luận suông triết lý nhà Phật mà ít dụng công thực hành, không buông xả lại còn bám víu nên chẳng được siêu thoát.
Loại cô hồn “Huyền môn đạo sĩ chi lưu” là thứ sáu. Đây là những người tiên nhân, đạo sĩ đang trên hành trình tu tập nhưng đạo pháp chưa toàn, thiên tào chưa kịp ghi tên thì bốn đại vô thường, địa phủ đành ôm mối hận..
Loại cô hồn thứ bảy là “Tha hương khách lữ chi lưu”. Các thương gia xuôi ngược buôn bán rồi bỏ mạng trên đường kinh thương, không ít người trải qua bao bất trắc trên đường thủy, đường bộ:
Cũng có kẻ đi về buôn bán
Đòn gánh tre chín dạn hai vai
Gặp cơn mưa nắng giữa trời
Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao.
Loại thứ tám là cô hồn “Trận vong binh tốt chi lưu” tức những binh sĩ tử nạn trong chiến tranh. Trong vòng binh lửa, bom đạn tơi bời, mạng người như cỏ rác, máu chảy đầu rơi, xương tan thịt nát.
Nào những kẻ bài binh bố trận
Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung
Gió mưa thét rống đùng đùng
Dãi thây trăm họ làm công một người.
Khi thất thế tên rơi đạn lạc
Bãi sa trường thịt nát máu trôi
Bơ vơ góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao!
Cô hồn thứ chín là “Huyết hồ sản nạn chi lưu”. Đó là những sản phụ và con chết trong khi vượt cạn. Sinh nở là thời khắc đau đớn và nguy hiểm, một số trường hợp gặp nạn dẫn đến tử vong:
Kìa những trẻ hãy còn tấm bé,
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha.
Những người gieo giếng, thắt dây,
Nước trôi, lửa cháy, sa cây, gẫy cành.
Thứ mười là loại cô hồn “Sân ngoan bội nghịch chi lưu” tức những người bị báo chướng sinh nơi biên địa, đui điếc câm ngọng, chết vì tai nạn lao động, ghen tuông hay bị đầu độc. Bởi kiếp trước họ không tu hành, khinh khi Tam bảo, ngỗ nghịch đối với cha mẹ, tạo nhiều tội nghịch nên nay phải trả quả báo.
Loại cô hồn thứ mười một là “Quần thoa phụ nữ chi lưu”. Những cung phi mỹ nữ, hàng khuê các giai nhân, các mệnh phụ phu nhân gặp lúc thất thế lâm vào khốn cùng, chết thảm:
Nào những kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung Quế Hằng Nga
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là làm sao!
Lên lầu cao, xuống dòng nước chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi
Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương!
Thảm thiết lẽ không hương không khói
Hồn ngẩn ngơ bãi cói ngàn sim
Thương thay chân yếu tay mềm
Càng năm càng héo càng đêm càng rầu.
Cuối cùng là loại cô hồn “Thương vong hoạnh tử chi lưu”, tức những hành khất, các tử tội, những kẻ chết do tai nạn nước, lửa, bị thú dữ ăn thịt và những người chết bất đắc kỳ tử do vô số tai nạn khác như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn giao thông…
Cũng có kẻ nằm cầu gối đất,
Trải tháng ngày hành khất ngược xuôi.
Thương thay cũng một kiếp người,
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan.
Cũng có kẻ thân tù ở ngục,
Chết nương nhờ chiếu rách một manh.
Mảnh xương vùi dập góc thành,
Kiếp nào cởi được oan tình, tỉnh ra!
Người thì mắc sơn tinh thủy quái,
Các nạn tai, biển thẳm, núi sâu.
Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau,
Hồn mê phách lạc nơi đâu nương nhờ?
Tuy nhiên, mười hai loại cô hồn kể trên chỉ là sự phân chia mang tính khái quát, ước lệ cho các thành phần trong xã hội. Nếu xét về chi tiết thì trong mỗi loại cô hồn có vô vàn cá biệt, tùy theo nghiệp của mỗi người mà thành. Họ phải lang thang, vất vưởng và chịu bao khổ đau, đói khát trong nhiều kiếp không biết bao giờ mới được giải thoát. Nương vào sự cầu nguyện người sống với tâm từ bi vô ngã, nỗ lực làm việc phúc thiện hồi hướng cho các cô hồi thì họ mới sớm được siêu sinh về cảnh giới an lạc:
Này hỡi hỡi mười loại chúng sinh!
Gái trai già trẻ thỉnh vào nghe kinh.
Kiếp phù du như hình bóng ảnh,
Sách dạy rằng vạn cảnh là không.
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi vòng trầm luân.
Đàn chẩn tế vâng lời Phật dạy,
Của có chi bát nước nén nhang,
Gọi là kết chút duyên vàng,
Linh kỳ một lá dẫn đàng chúng sinh
Ai đến đây dưới trên ngồi lại,
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu.
Phép thiêng biến ít thành nhiều,
Trên nhờ tôn giả chia đều chúng sinh.
Phật hữu tình từ bi phổ độ,
Chớ ngại rằng có có, không không.
Ma ha Bát Nhã ba la mật đa.
Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng.
Nam mô nhất thiết siêu thăng thượng đài.
CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI LỄ VÍA ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ VÀ CẦU SIÊU CÁC ANH HÙNG CHIẾN SỸ TỈNH VĨNH PHÚC
Thời gian: Thứ Năm ngày 17 tháng 11 năm Bính Thân (tức ngày 15/12/2016)
-
7h30: Chào mừng Quý Quan khách cùng chư Phật tử thiện hữu xa gần về dự lễ.
-
8h30: Nghi thức triệu thỉnh đức Phật A Di Đà
-
Vũ điệu triệu thỉnh Ngũ trí Như Lai hội nhập Mạn Đà La
-
Lễ gia trì rót đồng chuông hồng chung 3 tạ
-
Cúng dường Ganachakara (Tshog) để tích lũy công đức.
-
11h00: Ngọ trai
-
Chương trình từ thiện
-
Lễ khai chuông
-
Khóa lễ Changwa cầu siêu độ chư hương linh anh hùng chiến sĩ tỉnh Vĩnh Phúc.
-
Cúng dường tạ ơn Thiên long Bát bộ Hộ pháp.
-
Cầu nguyện gia trì Cát tường.
-
Hồi hướng công đức
- 924
Viết bình luận