Vô Niệm Không Phải Là Đoạn Niệm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Vô Niệm Không Phải Là Đoạn Niệm

“Vô niệm" là không vọng niệm. Hãy để cho những tư tưởng, tình cảm của bạn tự nhiên đến và đi; đừng gắn cho chúng bất kỳ ý nghĩa nào mà hãy để chúng vận hành tự nhiên, không khởi tâm phân biệt tốt xấu, hay dở.

Rất nhiều người tự vỗ ngực cho rằng mình am tường phương pháp giải thoát của Đức Phật, rồi dùng một chút ít hiểu biết tầm thường, tùy tiện lí giải Phật pháp theo quan điểm của họ. Gần đây tôi nghe một kiểu thuyết pháp rất kì lạ, nói “Phật pháp dạy chúng ta phải đoạn niệm, lúc phiền não sinh khởi, thì vất nó đi, không chạy theo nó, thì phiền não liền mất”. Kì thực, phương pháp giải thoát của Đức Phật vốn không có danh từ “đoạn niệm”, tôi chỉ nghe câu “tâm hành xứ diệt, ngôn ngữ đạo đoạn” (bặt đường ngôn ngữ, dứt lối tâm hành). Cái này trong Phật pháp gọi là “vô niệm”. Cái gọi là “vô niệm”, là không vọng niệm, không khởi tâm phiền não, cũng chính là “tâm không trụ vào đâu”, xem chỉ là xem, nghe chỉ là nghe, mà không khởi phân biệt tốt xấu, hay dở. Bởi tâm còn phân biệt tốt xấu, hay dở, ắt sẽ chấp trước, cái gì vui thích thì muốn chiếm hữu, còn cái gì không thích thì ra sức loại trừ, được mất, hơn thua, phiền não ập đến.

Cho nên, dùng “đoạn niệm” đối phó phiền não, nhất thời không nghĩ đến điều gì, đầu óc tạm ngưng đôi chút, làm như thế cũng có đôi chút hiệu quả, song chẳng phải là cách giải quyết triệt để gốc rễ phiền não. Thực sự muốn đoạn trừ phiền não, chúng ta phải đối diện với nó, tiếp nhận, xử lí và buông bỏ nó, chứ chẳng phải trốn tránh nó.

Có vị thi nhân nói: “Nếu cuộc sống chỉ là một li nước lạnh, tôi thà chấp nhận một li rượu nồng”. Rất nhiều người lầm lẫn nhận định cho rằng Phật pháp là tư tưởng trốn đời, chẳng khác nào tư tưởng trốn đời của Trúc lâm thất hiền*** thời Ngụy - Tấn. Kì thực, tư tưởng đó không phải của nhà Phật. Đương nhiên, hiện tại cũng có một số tín đồ Phật giáo cho rằng suốt ngày ngồi thiền, làm cho tâm an tịnh, ấy là tu hành. Nếu nghĩ như thế, rất dễ nảy sinh tư tưởng chán đời, bi quan.

Phương pháp giải thoát của đạo Phật rất tích cực nhập thế. Lục Tổ Đàn Kinh ghi: “Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian giác ngộ”. Kinh Duy-Ma-Cật cũng ghi: “Thí như cao nguyên đất liền, không sinh hoa sen; nơi bùn nhơ ẩm thấp, mới sinh ra hoa sen”. Nghĩa là hoa sen được sinh ra từ nơi bùn nhơ nước đọng chứ chẳng phải nơi núi cao đất liền, mượn phiền não của chúng sinh làm nhân duyên quán tưởng, nhận rõ hết thảy mọi hiện tượng trên thế gian đều huyễn hóa, tức khắc thành không, do đó không sinh phiền não.

Song có điều, rất nhiều người biết rõ đạo lí này, nhưng lại không chịu tinh tấn thực hành. Phương pháp giải thoát của Đức Phật khó được nghe, khó thực hành, nhưng kì thực tất cả những giáo pháp thâm sâu đó có thể tóm gọn trong vài câu kệ ngắn, và quý ở chỗ cần chân thật thực hành. Từ nhỏ tôi đã nhận ra phương pháp giải thoát của Đức Phật rất hữu dụng, có ích cho mọi người, do đó một lòng hoằng truyền Chính pháp, tín tâm kiên cố.

Chú thích:

***Trúc lâm thất hiền (bảy hiền sĩ trong rừng trúc): Danh hiệu chung của bảy văn nhân danh sĩ thời Ngụy - Tấn, gồm: Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào, Hướng Tú, Nguyên Hàm, Vương Nhung và Lưu Linh. Bảy người này chơi thân với nhau, thường dạo chơi trong rừng trúc, uống rượu ca hát để trốn tránh các cuộc đấu tranh chính trị gay gắt trong xã hội đương thời.

(Nguồn: “Nhận diện khổ đau”

Tác giả: Pháp sư Thánh Nghiêm

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2017)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6341491
Số người trực tuyến: