Ý nghĩa giải thoát của phẩm vật cúng dàng Ganachakra | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ý nghĩa giải thoát của phẩm vật cúng dàng Ganachakra

Trong thực hành Đạo Phật, từ bi là con đường dẫn đến giác ngộ, và phương tiện trên con đường này là sự thực hành các Ba la mật khác nhau. Đặc biệt đứng hàng đầu có Bố thí Ba la mật, gồm Thượng cúng dàng chư Phật, Hạ bố thí chúng sinh. Có nhiều cách thức cúng dàng khác nhau. Đại lễ cúng dàng Ganachakra có nghĩa là “sự vân tập”. Chúng ta cùng nhau vân tập để cúng dàng lên chư Phật, Bồ tát mười phương, Tam Bảo, Tam Căn Bản cùng nhau thực hành Phật pháp, cùng hướng tâm tới một đích đến sẽ mang lại cho chúng ta niềm cảm hứng ngập tràn. Điều này lợi lạc hơn rất nhiều so với việc bạn thực hành cúng dàng ở nhà một mình. Đó chính là ý nghĩa cúng dàng Ganachakra của truyền thống Phật giáo vùng Himalaya.

Việc cúng dàng Ganachakra vân tập 4 điều kiện: 1) Tất cả Tăng Ni Phật tử vân tập, 2) Tất cả phẩm vật hương hoa, bánh trái...đều vân tập để cúng dàng, 3) Hải hội chư Phật, Bồ tát về bản nguyện khi triệu thỉnh đều vân tập để chứng minh, 4) Việc cúng dàng tịnh hóa tất cả chướng ngại, viên mãn đầy đủ công đức trí tuệ và đó là phương pháp rất mầu nhiệm để tiến nhanh trên con đường giác ngộ.

Trong đại lễ cúng dàng Ganachakra, khi trì tụng bài cầu nguyện, bạn sẽ thấy có rất nhiều chủ thể trong pháp thực hành này. Chẳng hạn khi bạn cúng dàng lên Kim Cương Thượng sư, Ngài chính là tổng nhiếp của mười phương ba đời chư Phật, của giáo pháp toàn bộ con đường giác ngộ. Trong một số trường hợp, có thể qua thực hành thiền định hàng ngày, bạn không thấy có sự tiến bộ, chuyển hóa rõ rệt. Nhưng trong Đại lễ cúng dàng Ganachakra, nương năng lực cộng hưởng của cả đàn Pháp, bạn có thể đạt được một vài cấp độ chứng ngộ nhất định ngay tức khắc. Nhiều người đã thành tựu giác ngộ thông qua khóa lễ thực hành đơn giản như vậy.

Khi cúng dàng Ganachakra, mỗi người cố gắng cúng 1 bông hoa, nếu không thì là bánh, hoặc nếu không kịp chuẩn bị gì thì giữ tâm tĩnh lặng duyên theo lời cầu nguyện gia trì. Phẩm vật cúng dàng gồm 2 chất liệu: chất đặc như bánh, pho mai nêu biểu phương tiện thiển xảo. Lòng từ bi, tình yêu thương của Đức Phật. Bạn nên nếm một chút phẩm vật cúng dàng với tâm thanh tịnh, không khái niệm, danh ngôn mà coi nó là hiện tướng của trí tuệ. Khi ăn bánh, uống nước, dù chỉ được chia một ít thôi, thì bạn cũng đã nhận được sự hợp nhất của cả bi và trí.

Các phẩm vật cúng dàng có thể nhìn dưới con mắt phàm phu là bánh quả...nhưng qua việc triệu thỉnh, tịnh hóa, gia trì cúng dường đã thực sự trở thành những phẩm vật gia trì để viên mãn các tâm nguyện khác nhau. Phẩm vật cúng dàng chỉ cần dùng một chút thôi, không cần tham nhiều cũng có giá trị giúp bạn giải thoát. Chúng ta có thể dùng hay chia cho những người ốm đau chướng ngại đều được lợi ích tốt đẹp.

Lúc chia hay khi nhận phẩm vật cúng dàng, bạn không nên chọn lựa, cũng không được từ chối bất cứ cái gì, mà đón nhận bằng tất cả lòng thành. Nếu để ý trong các đàn lễ, bạn sẽ thấy khi nhận đồ cúng dàng, các bậc Thượng sư giác ngộ thường cúi đầu cung kính lấy đồ và đặt lên đỉnh đầu. Bởi vì đối với các Ngài, những phẩm vật cúng dàng đấy trọn vẹn tướng giải thoát. Cung kính với phẩm vật cúng dàng là cung kính với sự giải thoát.

Như vậy, lợi ích cao nhất của việc cúng dàng Ganachakra là tích lũy trọn vẹn công đức trí tuệ, và thứ đến là tịnh hóa được chướng ngại, viên mãn mọi tâm nguyện.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6408510
Số người trực tuyến: