3 điểm khởi đầu quan trọng khi hành trì pháp tu Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3 điểm khởi đầu quan trọng khi hành trì pháp tu Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara

Sau khi đã đón nhận quán đỉnh, cũng có nghĩa là đón nhận sự gia trì, bạn đã được dẫn nhập vào pháp tu, và giờ bạn sẽ phải thực hành pháp tu để viên mãn các tâm nguyện giác ngộ. Chúng ta cần thực hành về Đức Quan Âm Phật Độ Mẫu Tara một cách miên mật để phát triển công hạnh yêu thương, để đón nhận ân phúc gia trì giải thoát. Có ba điểm khởi đầu quan trọng bạn cần lưu ý khi hành trì: thứ nhất là quán tưởng, thứ hai là tâm chí thành và thứ ba là động cơ thanh tịnh vì lợi ích giác ngộ của hết thảy chúng hữu tình.

1. Quán tưởng

 

Quán tưởng vô cùng quan trọng. Để khởi đầu, các bạn có thể dùng một tấm ảnh Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara. Các bạn cần quán tưởng Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara hiện thân trước mặt mình, cho dù hình ảnh quán tưởng đó không rõ lắm cũng được, miễn là các bạn hình dung được sắc thân của Ngài. Rồi các bạn phải thiền định về hình ảnh đó. Nếu thực hành đúng pháp, các bạn sẽ phải quán tưởng hình ảnh đó thật sắc nét, rõ ràng và sinh động, song lúc đầu có thể điều đó sẽ khó khăn. Vì vậy, các bạn cần thực tập thật nhiều lần và dần dần sắc thân Bản tôn sẽ xuất hiện một cách rõ ràng và sinh động.

Sau khi công phu thực hành quán tưởng trong nhiều năm, các bạn có thể chuyển hóa sắc thân đó thành tự thân Bản tôn của chính mình và hợp nhất tất cả những phẩm chất của bạn và Đức Phật Bản tôn. Qua đó, bạn có thể chuyển hóa cuộc sống của mình trở nên trí tuệ, hạnh phúc và tự tại. Đây là trải nghiệm của rất nhiều hành giả, không chỉ ở vùng Himalaya mà còn trên khắp thế giới. Chính vì thế mà pháp thực hành này được phổ biến ở rất nhiều nơi. Rất nhiều người đã chứng nghiệm việc chuyển hóa phàm thân của mình thành Báo thân Đức Phật Bản tôn.

2. Tâm chí thành

Để có được hạnh phúc trong cuộc đời, chúng ta cần phát triển lòng từ bi và thể hiện qua các hoạt động của tình yêu thương. Hiện giờ, do chưa có các công đức thiện hạnh này nên chúng ta cần phải trì tụng chân ngôn Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara. Kết quả của việc thực hành pháp tu Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara phụ thuộc hoàn toàn vào tâm chí thành. Bạn có thể tưởng tượng một cách đơn giản rằng tâm chí thành giống như bộ máy của một chiếc xe hơi, cho dù xe có thương hiệu gì, tốt hay xấu,... song bộ máy vẫn là phần quan trọng nhất.


(Nguồn ảnh: Trung tâm Phật Trường Thọ)

Tâm chí thành không phải là một điều gì Đức Phật bắt bạn tin theo mà đó chính là trí tuệ hiểu biết. Đức Phật đã nhiều lần dạy rằng bạn cần phải tự tìm hiểu, phát triển trí tuệ hiểu biết của chính mình.

Người ta vẫn nói “Tin vào Thượng đế”, song trong đạo Phật chúng ta không nói như vậy. Chúng ta cũng không nói nhiều về việc “Tin vào Phật” mà luôn nhấn mạnh tâm chí thành. Đây là một sự hiểu biết tự giác, xuất phát từ trải nghiệm tự thân của bạn. Những công hạnh bi mẫn của Đức Quan Âm Phật Độ Mẫu Tara đã được chứng minh đầy đủ trong thực tế. Nhưng bản thân mỗi chúng ta cần phải tự mình trải nghiệm điều đó. Trải qua quá trình tu tập, bạn sẽ chứng nghiệm được những phẩm hạnh của Đức Quan Âm Phật Độ Mẫu Tara. Chỉ khi ấy, bạn mới có thể trưởng dưỡng tâm chí thành bền vững đối với Ngài.

Nhân đây tôi xin chia sẻ một câu chuyện của một bậc Thầy giác ngộ. Một đệ tử của Ngài trước kia đã không may mắc phải căn bệnh nan y. Anh ta có tín tâm rất sâu sắc và cũng là hành giả có kinh nghiệm thực hành pháp tu Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara. Bậc Thầy tâm linh đã hướng đạo cho anh ta thực hành pháp này, và yêu cầu anh phát nguyện trì đủ một triệu biến chân ngôn “Om Tare Tuttare Ture Soha” của Đức Lục Độ Phật Mẫu. Anh ta đã nhất tâm làm theo và cùng với sự thực hành, căn bệnh nan y cũng biến mất. Các bác sĩ không thể nào tin nổi sự nhiệm màu này, song cũng không thể tìm ra lời giải thích thỏa đáng nào cho điều đó. Đây chỉ là một trong rất nhiều thí dụ về sự cảm ứng tâm chí thành.

Xin các bạn cũng nhớ rằng chúng ta quy y Phật, Pháp, Tăng là đã có được giải pháp tối ưu để loại bỏ tất cả chướng ngại. Nhưng nếu chúng ta không thực hành để tịnh hóa chướng ngại thì khi chúng xảy đến, nhất định chúng ta sẽ phải hứng chịu vô số khổ đau. Bởi vậy, nếu đã có tâm chí thành, chúng ta hãy cùng sách tấn nhau thực hành ngay từ bây giờ.

Đức Phật đã nhiều lần dạy rằng không nên coi Phật pháp là một tôn giáo có tính thần quyền. Có những người không theo tôn giáo hoặc theo chủ nghĩa vô thần, nhưng lại có người thiếu nền tảng tâm linh nhưng lại quá sùng đạo và chỉ chạy theo khuynh hướng tín ngưỡng cuồng nhiệt. Điều này không tốt vì lẽ ra tín ngưỡng phải giúp bạn sống cởi mở, hòa hợp hơn với cộng đồng, song bạn lại trở thành người quá bảo thủ và tạo ra rất nhiều rắc rối không cần thiết.

Ngược lại, với những người có tín ngưỡng và niềm tin tâm linh mãnh liệt thì tôn giáo lại là biểu trưng của tâm linh. Điều đó không sai. Tuy nhiên đối với đạo Phật, khía cạnh tôn giáo chỉ là thứ yếu. Những lời dạy của Đức Thế Tôn đều là những điều có liên hệ mật thiết tới cuộc sống và cần thiết cho việc bạn nên định hướng cho cuộc sống của mình như thế nào.

Đúng là chúng ta có chùa chiền bảo điện, có tượng Phật để thờ phụng, có kinh pháp và cộng đồng Tăng già. Chúng ta có những hình ảnh để quán tưởng như Đức Quan Âm Phật Độ Mẫu Tara, song những điều đó không có nghĩa rằng chúng ta là một tôn giáo. Học thuyết tôn giáo là điều hoàn toàn khác. Nhiều tôn giáo tin rằng thế giới được tạo ra bởi một một Đấng Sáng tạo, trong khi những Phật tử chúng ta lại không tin vào điều đó.

Là Phật tử, chúng ta đều biết Đức Phật đã dạy rằng thế giới được vận hành và tạo ra bởi Nghiệp, không gì khác ngoài Nghiệp. Chính Nghiệp tạo ra mọi thứ; không chỉ thế giới bên ngoài như núi sông, thung lũng,... mà còn gồm cả những gì chúng ta đang trải nghiệm: nỗi khổ, niềm vui và tất cả những trải nghiệm khác. Chúng ta đang hạnh phúc, vậy ai mang lại cho chúng ta hạnh phúc? Hạnh phúc xuất phát từ tâm chúng ta chứ không từ bất kỳ đối tượng bên ngoài nào khác.

Cho dù chúng ta có cảm giác rằng hạnh phúc do một ai đó khác mang lại, thực ra chúng ta mới chính là người tạo ra và trải nghiệm hạnh phúc. Điều đó cũng đúng với những khổ não mà chúng ta đang trải qua. Đó là Nghiệp riêng của bạn. Đó là chân lý mà Đức Thế Tôn đã khai thị và chúng ta phải có chính kiến về điều này.

Chẳng hạn như các bạn có thể ngồi chờ đợi hàng giờ để đón nhận Quán đỉnh. Các bạn đã chuẩn bị tâm thế để chờ đợi nên có thể vượt qua vất vả mệt nhọc và tất cả mọi khó khăn, kể cả việc ngồi trên sàn đất cứng cũng không thấy phiền hà. Vì các bạn đã chuẩn bị vững vàng về tinh thần nên mọi thứ đều ổn thỏa cả. Song nếu bạn không cảm thấy hoan hỷ hay tâm chưa chuẩn bị sẵn sàng thì mọi chuyện không thể nào bình an. Điều đó có nghĩa là tâm của các bạn mới chính là nhân tố quyết định. Vạn pháp đều do tâm tạo, đều phụ thuộc vào nghiệp. Vì vậy nếu suy xét một cách tường tận thì khổ đau hay hạnh phúc hoàn toàn không phải do người khác mang lại. Chính tâm của bạn quyết định mọi thứ.

3. Động cơ thanh tịnh

Trước khi bắt đầu thực hành bất cứ pháp nào, chúng ta nên trưởng dưỡng Bồ đề tâm một cách thâm sâu “từ tận đáy sâu trong tim và từ xương tủy của chúng ta”. Chúng ta nên phát triển cảm giác yêu thương và từ bi mạnh mẽ đến tất cả chúng sinh, sự nhiệt tâm cùng cảm giác hứng khởi và sự tập trung vào pháp môn thực hành cũng như sự lân mẫn và gần gũi với các bậc Thượng Sư giác ngộ hay các bậc Thầy tâm linh đã thành tựu pháp tu Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara. Sau đó chúng ta nên phát nguyện, cam kết và gan dạ thực hành tứ vô lượng tâm. Đó là tình yêu thương vô bờ, lòng từ bi vô bờ, hỷ lạc vô bờ và bình đẳng vô bờ.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6316867
Số người trực tuyến: