Chúng ta có động cơ, nhưng tại sao sự thực hành lại thiếu tinh tấn?
Lúc mới chúng ta bắt đầu rất hăng hái nhưng sau đó sự thực hành chúng ta giảm dần và đi đến sụp đổ. Tại sao vậy? Phải chăng chúng ta chưa tìm cho mình một động cơ chân chính, một niềm cảm hứng thực hành chân thật với pháp tu Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara.
Theo quan kiến Kim Cương Thừa nói về Đức Quan Âm Phật Độ Mẫu Tara ở 3 cấp độ bên ngoài, bên trong và bí mật.
Đức Quan Âm Phật Độ Mẫu Tara bên ngoài
Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara bên ngoài chính là Thượng Sư trong hình tướng loài người.
Đức Quan Âm Phật Độ Mẫu Tara bên trong
Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara bên trong là Đức Phật Mẫu Tara trong lịch sử mà bạn đã biết qua các hình ảnh.
Nói về Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara trong lịch sử - ngay trong kinh điển cũng có vô số miêu tả khác nhau. Khởi đầu đại kiếp của chúng ta, có một vị Phật đặc biệt danh hiệu là Đức Phật Đại Nhật Như Lai. Vào thời của Ngài, có một công chúa tên là Metok Zay hay ‘Mỹ Hoa’. Công chúa Mỹ Hoa siêng năng tụng kinh, và làm nhiều thiện hạnh phi thường vì lợi lạc của chúng sinh. Khi còn trẻ, công chúa thực hiện nhiều cúng dường và hiến tặng lớn lao, có nhiều thiện hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục và từ bi cao quý vì chúng sinh.
Khi Đức Phật Đại Nhật Như Lai hỏi công chúa có ước muốn hay tâm nguyện gì, công chúa trả lời, “Con sẽ lưu lại thế giới này cho đến khi mọi chúng sinh được giải thoát hoàn toàn”.
Đây là điều ngạc nhiên vui mừng đối với Đức Phật, Ngài chưa hề nghe bất kỳ ai có phát nguyện cao quý, vô ngã và dũng cảm như thế. Đáp lại sự xả thân, hạnh nguyện của công chúa, và hoan hỉ với Bồ đề tâm của cô, Đức Phật đã tự nhiên tuyên thuyết kinh Tán thán 21 Đức Phật Độ Mẫu Tara, ca tụng hai mươi mốt phẩm tính của Đức Phật Độ Mẫu Tara.
Nhờ bản kinh tuyên thuyết bởi Đức Phật Đại Nhật Như Lai, công chúa Mỹ Hoa được biết như là hóa thân của Phật Mẫu Tara, xuất hiện từ những giọt nước mắt từ bi của Đức Phật Quan Thế Âm (Avalokiteshvara).
Đức Phật Quan Thế Âm có lòng bi mẫn bao la đối với mọi chúng sinh hữu tình. Mặc dù Ngài nỗ lực không ngơi nghỉ để giúp đỡ chúng sinh, Ngài cảm thấy buồn rầu vô hạn bởi quá nhiều chúng sinh tiếp tục rơi vào các cõi thấp của luân hồi như địa ngục. Ngài thấy rất ít ỏi chúng sinh đạt được tiến bộ trên con đường giác ngộ.
Trong nỗi tuyệt vọng vô hạn vượt quá sự chịu đựng của lòng bi, Đức Quan Thế Âm đã khóc trong đau đớn, cầu nguyện rằng tốt hơn hết thân thể của Ngài tan thành từng mảnh và chết đi, vì Ngài không thể hoàn thành tâm nguyện cứu vớt chúng sinh khỏi đau khổ. Từ những giọt nước mắt bi mẫn đó, Đức Phật Mẫu Tara hiện ra.
Trong sự xuất hiện kỳ diệu như thế, Đức Phật Mẫu Tara nói Đức Phật Quan Thế Âm, rằng, “Ôi, Bậc cao quý, xin đừng từ bỏ hạnh nguyện cao thượng vì lợi ích của chúng sinh hữu tình. Con đã được khích lệ và tùy hỷ với mọi hành động vô ngã của Ngài. Con thấu hiểu những gian khổ vĩ đại mà Ngài đã trải qua. Nhưng có lẽ, nếu con mang hình tướng nữ với tên gọi Phật Mẫu Tara, như một cộng sự của Ngài, thì con có thể trợ giúp Ngài với những nỗ lực cao cả nhất.”
Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara bí mật
Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara bí mật, không là gì khác mà chính là tự tính tâm không tạo tác của chúng ta.
Có thể nói Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara với từng khía cạnh bên ngoài, bên trong và bí mật có thể giúp bạn dần dần khám phá ra Phật tính. Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara bên ngoài có thể là bậc Thượng Sư trong hình tướng người, song hình tướng này có thể rất xa cách bởi sự phân biệt như mình là người Trung Hoa, Thượng Sư lại là người Ấn Độ, rất nhiều khái niệm kiểu như vậy có thể nảy sinh. Cho dù chúng ta đều mang chung hình tướng người, song do khái niệm nhị nguyên nên giữa chúng ta có sự phân biệt.
Nói cách khác, "Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara bên ngoài" vẫn còn là khái niệm nhị nguyên: Thượng Sư của mình đến từ nơi này, Ngài là bậc Toàn tri, Ngài cao lớn hoặc thấp bé… vô số khái niệm như vậy. Đối với Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara bên trong, chúng ta bớt đi những suy nghĩ theo cách này, không cho rằng Ngài đẹp hay không đẹp, ưa nhìn hay khó coi, những điều vô nghĩa như vậy sẽ không phát khởi. Như vậy là khái niệm nhị nguyên đã bớt dần đi. Vì vậy trong Kim Cương Thừa, chúng ta luôn nhấn mạnh tới việc quán tưởng Thượng sư là Phật, để tâm chúng ta bớt nảy sinh khái niệm. Trong bất cứ pháp thực hành Kim Cương Thừa nào, chúng ta đều quán tưởng bậc Thượng Sư bất khả phân với Phật, Ngài luôn tan thành ánh sáng và hòa nhập vào trong tâm hành giả. Rồi sau đó chúng ta an trụ trong tự tính tâm. Điều này cũng giúp chúng ta hiểu ra rằng theo tục đế chúng ta có thể nói điều này tốt, điều kia xấu, đây là vui, kia là buồn, nhưng xét theo chân đế, vạn pháp đều là sự tạo tác của tâm, và tự tính chân thật của tâm vốn bản lại vô nhiễm mọi khái niệm nhị nguyên, và trạng thái đó chính là tự tính Tara – hay trong Đại thừa chúng ta gọi là Phật tính.
Đây là Chân lý Vũ trụ vốn không thuộc riêng tôn giáo nào. Nếu khi trước đây chúng ta vẫn thường nghĩ Phật là đối tượng nào đó tồn tại bên ngoài, thì bây giờ chúng ta nên nhìn lại bằng nhãn quan thanh tịnh để nhận ra Phật luôn có sẵn bên trong mỗi người.
Làm thế nào để chứng ngộ được Phật tính? Một cách ngắn gọn, chúng ta tu tập theo con đường giác ngộ, có ba điểm chính yếu nên khắc cốt ghi tâm:
Thứ nhất: Phát tâm thoát khỏi luân hồi đau khổ.
Thứ hai: Thực hành Bồ Đề Tâm lợi ích chúng sinh.
Thứ ba: Chính kiến, trí tuệ thực chứng tính không- trí tuệ thực chứng tính không hợp nhất với bản tâm tuyệt đối của chính mình.
Thân tâm vi tế của chúng ta có khả năng chuyển hóa thành thân tâm giác ngộ hoàn hảo như chư Phật. Khi chúng ta quán tưởng Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara và hướng tâm chí thành lên Ngài, thấu hiểu rằng đó là công hạnh, trí tuệ, thần lực mà chúng ta đang được viên mãn. Chúng ta sẽ được truyền cảm hứng để chuyển hóa tâm trên con đường đạt được kết quả thành tựu này.
Thực hành Bồ đề tâm vì lợi ích chúng sinh
Có hai loại Bồ đề tâm: Thứ nhất là tâm thanh tịnh hay là Bồ đề tâm nguyện. Bồ đề tâm nguyện soi sáng cho chúng ta trên đường đời, giúp chúng ta nhận ra mình thực sự có thể tạo nên biến đổi, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn theo cách của riêng của mình. Không có Bồ đề tâm nguyện, làm sao bạn có thể hướng tới giác ngộ?
Loại thứ hai là tâm thành tựu hay là Bồ đề hạnh, đây là “tâm thực hành”, nhờ động cơ Bồ đề tâm nguyện, bạn quyết tâm thực hiện hành trình hướng thiện vì lợi ích của hết thảy hữu tình.
Hiện tại, chúng ta đang rèn luyện để dần thực chứng về tự tính của tâm. Thông thường, chúng ta không thực sự chú tâm khi đọc hay lắng nghe điều gì, nó chỉ lướt qua đầu chúng ta trong thoáng chốc. Chúng ta thậm chí không biết mình đang nghĩ gì. Khi bắt đầu thấu hiểu và suy ngẫm giáo pháp, chúng ta sẵn sàng đón nhận bất kể điều gì xảy đến và mọi trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày sẽ trở thành bài pháp chân quý.
Lời thệ nguyện
Bây giờ bạn hãy chú tâm vào pháp tu thực hành, nhưng điều quan trọng hơn là bạn hãy luôn tâm niệm giúp đỡ người khác. Điều này sẽ giữ động cơ của bạn thanh tịnh và chỉ cho bạn con đường đạo chân chính. Theo triết lý nhà Phật, có ba loại động cơ chính:
- Thứ nhất là bạn muốn chứng đạt giác ngộ vì lợi ích của hết thảy chúng sinh. Theo nghĩa này, các bậc giác ngộ là những bậc đã thành tựu sự nghiệp tu tập và phát nguyện tận dụng toàn bộ tâm sức của mình thông qua các phương tiện thiện xảo, để mang lại hạnh phúc và giảm bớt khổ đau cho chúng hữu tình.
- Thứ hai là những người có thể gọi là “người mục đồng”. Trước tiên bạn muốn cứu giúp người khác chứng đạt giác ngộ và sau đó bạn cũng viên mãn. Giống như người chăn cừu tìm được nơi trú ẩn an toàn cho bầy cừu, khi đó họ mới có thể yên tâm. Đây là những người luôn quan tâm đến người khác với tình yêu thương và lòng bi mẫn bao la.
“Khi cứu sống một người, bạn đã cứu cả thế giới”
- Loại động cơ thứ ba là người muốn chứng đạt giác ngộ cùng những người khác, đồng thời với họ, không đến trước cũng chẳng tới sau. Họ cũng giống như người hoa tiêu chèo lái một con tàu vượt qua hiểm nguy gian khó. Họ sẽ không đi trước hoặc giúp hành khách trước rồi mới giúp mình. Tâm nguyện của họ là muốn tất cả cập bến Giác cùng một lúc.
Suy nghĩ về cách hỗ trợ người khác trong khả năng tốt nhất của mình là bước quan trọng trên con đường tu tập. Thông thường, chúng ta có xu hướng ưu tiên những gì có lợi cho bản thân. Ngay cả khi đã giúp đỡ một người, chúng ta cũng thường mong nhận lại điều gì đó. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn luôn tỉnh giác, quan sát tâm và động cơ của mình. Nếu động cơ đúng đắn thì nguồn năng lượng chúng ta truyền tới người khác mới thực sự tích cực.
Tâm, cũng như mọi thứ khác, cần được chăm sóc đầy đủ mới có thể vận hành đúng đắn. Ví như bạn có một chiếc xe ô tô, lúc mới mua nó rất mới đẹp, nhưng nếu liên tục sử dụng mà không bảo trì, nó sẽ dần trở nên cũ hỏng. Tâm ta cũng như vậy, hàng ngày nó cần được thường xuyên kiểm soát. Nếu không cố gắng bảo trì thì dù nước sơn bên ngoài vẫn tốt, chiếc xe có thể hỏng hóc và sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy.
Mặt khác, nếu chúng ta liên tục tái tạo những cảm giác yêu thương, lòng từ bi, tinh tiến hỷ lạc và sự tươi mới một cách vững chắc, thì sự thực hành của chúng ta mới không phải là sự thực hành chết, liên tục tăng trưởng. Vậy nên động lực là vô cùng quan trọng.
Chúng ta nhận thức rõ ràng rằng Bồ đề tâm là mảnh đất quý báu mà nơi đó những thứ đẹp nhất sẽ nảy nở và phát triển. Cho dù thụ nhận giáo pháp, suy ngẫm giáo pháp, thiền định, thực hành pháp hay làm thiện nghiệp chúng ta hãy kết hợp với Bồ đề tâm và tứ vô lượng tâm. Hãy mang lời thệ nguyện về tình yêu thương và lòng từ bi tâm vào sự thực hành và chuyển hóa chúng thành sự hỷ lạc, an bình, và lợi ích cho người khác và chính chúng ta.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
Nhân dịp 15 ngày đầu năm mới Chotrul Duchen thù thắng (từ ngày 24/02 đến ngày 09/03 dương lịch), hãy cùng chúng tôi tham dự khóa chuyên tu Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara để tích luỹ vô lượng công đức, tiêu trừ chướng ngại, vô minh, khơi dậy tình yêu thương vô bờ trong bạn.
Quý vị tải tài liệu và hướng dẫn tu tập tại đây:
http://daibaothapmandalataythien.org/quanam
- 748
Viết bình luận