Vì sao người thân cần có mặt trong suốt buổi lễ cầu siêu? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Vì sao người thân cần có mặt trong suốt buổi lễ cầu siêu?

Cầu siêu là một nghi thức tâm linh quan trọng, không chỉ giúp hương linh thoát khỏi cảnh lang thang vất vưởng, siêu sinh Tịnh độ, mà còn giúp gia đình người đã mất nương năng lực gia trì của chư Phật cùng trải tâm từ bi và tình yêu thương, đến người quá cố, từ đó giúp tâm người sống thanh thản và cuộc sống an bình, suôn sẻ.

Nhưng không phải ai cũng hiểu được tầm quan trọng của việc tham dự buổi lễ cầu siêu cho người thân đã mất. Ngày nay, vì bận rộn hay vì những lý do cá nhân, rất nhiều người nghĩ rằng chỉ cần gửi danh sách và ảnh nhờ các Thầy trên chùa làm lễ cầu siêu là người mất có thể siêu thoát được, hoặc chỉ cần nghe các Thầy đọc xong sớ của nhà mình rồi rời đàn tràng ngay là việc cầu siêu đã toàn mãn. Thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Kinh điển cũng dạy rằng, trong trạng thái trung ấm, vong linh trở nên vô cùng thông minh, hơn chín lần khi họ còn sống. Họ có nhiều năng lực thần thông như có thể đọc được tâm của người khác, biết được gia đình quyến thuộc có thực sự yêu thương hay lại vui sướng trước cái chết của họ. Vì thần thức quá linh thông, họ lại càng đau đớn khổ sở hơn khi biết rằng những người thân không thực sự quan tâm đến cảnh khổ của họ.

Do vậy, nếu người sống tham dự Khoá lễ cầu siêu, nhất tâm khuyến thỉnh vong linh nghe theo lời khai thị giáo pháp của bậc Thượng sư giác ngộ thì sẽ vô cùng lợi lạc và giúp vong linh tức thời được siêu thoát. Dưới đây là 5 điều kiện để khóa lễ cầu siêu được trọn vẹn công đức:

1. Hành đàn thanh tịnh: Đàn tràng phải được thiết lập đúng pháp, đúng như lời Phật dạy. Trước khi vào khóa lễ cầu siêu, chư tăng ni cung thỉnh đức Phật A Di Đà quang giáng đàn tràng và kết giới để những năng lực nhiễm ô không xâm phạm được vào đàn tràng. Các Phật tử và chư hương linh về dự đàn tràng sẽ được ân hưởng trọn vẹn ân phúc gia trì của mười phương chư Phật.

Mandala Đức Phật A Di Đà

Đàn tràng chính là một Mandala giác ngộ của chư Phật, là không gian của ân phúc gia trì và công đức. Vì thế, cần bảo vệ năng lực gia trì của đàn tràng, tránh những năng lượng tiêu cực có thể gây chướng ngại cho sự tu trì của mình và Thánh hóa môi trường tu tập bằng cách quán tưởng cảnh giới Mandala Bản tôn. Trên thực tế, các bậc giác ngộ vẫn đang hiển diện khắp mười phương, song bởi vô minh, ám chướng che dày nên chúng ta không thể nhận ra. Vì thế, để có sự kết nối và thỉnh cầu sự hiển diện của các Ngài, chư tăng ni là người trực tiếp kiến lập Mandala của Đức Phật A Di Đà, để giữ được năng lực thanh tịnh của cả đàn tràng. Mùa siêu độ chính là mùa Vu Lan vào tháng 7 âm lịch. Năng lực của chúng Tăng sau 3 tháng an cư kiết hạ, trau dồi Giới – Định – Tuệ, thanh tịnh giới phẩm, tha thiết chú nguyện, nương năng lực của chư Phật mới có đủ sức mạnh phá cửa địa ngục, để các tội nhân của địa ngục được lên dự lễ trai đàn cầu siêu độ.

Đức Phật đã chỉ dạy rằng, trong mùa báo hiếu Vu Lan, tất cả chư tăng ni mang trên mình trọng trách giúp cho các Phật tử, hướng dẫn thực hành pháp và tích lũy công đức, để có thể siêu độ cho ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình và tha nhân.

2. Động cơ thanh tịnh: Chư tăng ni một lòng thương xót tất cả chúng sinh, mong nguyện thiết lập đàn cầu siêu để tất cả chư hương linh còn đang lang thang, không nơi nương tựa được siêu thoát. Với giới đức của người xuất gia, các Ngài không vì cầu danh, cầu lợi, không đặt điều kiện vật chất thế gian để tham dự đàn lễ cầu siêu. Đối với gia đình hương linh, tham dự đàn cầu siêu không phải để cầu xin hương linh ông bà tổ tiên phù hộ cho mình được phát lộc, phát tài mà với lòng thành tha thiết cầu nguyện cho họ sớm được cao đăng Phật quốc, vĩnh viễn xa lìa mọi khổ đau. Vì hương linh tồn tại dưới dạng năng lượng, chính tâm từ bi vô điều kiện của chư tăng ni và tâm thành cầu nguyện của người thân sẽ tạo nên các năng lượng tích cực chiêu cảm đến chư hương linh.

3. Sự cảm ứng gia trì của chư Phật: Ai thành tâm cầu nguyện đến chư Phật đều được cảm ứng. Các hương linh bị cản trở bởi tâm bám chấp vào cái tôi, vào thân người và vào lục đạo luân hồi, nên nương nhờ ân phúc gia trì của chư Phật và lời cầu nguyện của đại chúng, chư hương linh sẽ buông xả mọi bám chấp, giải oan gỡ kết, nhẹ bước vãng sinh cõi Phật.

Trong đàn lễ cầu siêu theo truyền thống Kim Cương thừa có sử dụng nhiều pháp khí. Pháp khí có những tần sóng rung động thanh cao, thoát tục, có thể đưa tâm thức của hương linh hợp nhất với năng lực của chư Phật. Mỗi Pháp khí đều mang ý nghĩa lợi ích riêng để trợ giúp cho hương linh. Khi mỗi một hồi pháp khí vang lên, gia đình người thân nên thành tâm cầu nguyện chư hương linh nhận ra con đường giải thoát mà chư Phật từ bi tiếp nhận.

4. Sự hiện diện của gia đình, người thân: Sự gia trì của chư Phật, năng lực của lòng từ bi của chư tăng vẫn đầy khắp pháp giới, nhưng rất cần có sự kết nối huyết thống với chư hương linh. Để đàn cầu siêu được lợi ích, người nhà phải có mặt vì người mất nương vào tinh thần của người sống. Do đã mất đi cái thân vật chất nên tâm thức người mất chỉ còn biết bấu víu vào tâm thức của người thân.

Chúng ta ngồi đây tụng Kinh cầu nguyện, tạo nên nguồn năng lượng tích cực bằng tâm chí thành chí kính. Nương công đức tụng kinh, mỗi câu niệm Phật tạo nên trong không gian nguồn năng lực rất an lành. Với hàng ngàn người quy tụ tại đàn tràng, cùng nhau tụng cả bộ kinh, vô số năng lượng tích cực được tạo ra và quyện lại với nhau thành sức mạnh không thể nghĩ bàn.

5. Hồi hướng thanh tịnh: Trong kinh dạy: “Dù chỉ là giọt nước một khi nhỏ xuống biển sẽ không bị cạn kiệt cho đến khi biển khô cạn, và giọt nước ấy sẽ tồn tại chừng nào biển còn tồn tại. Nên nếu một người hồi hướng những thiện hạnh và công đức của mình với tâm Bồ Đề thì công đức đấy sẽ không bao giờ bị mất cho đến khi đạt được giác ngộ vì lợi ích tất cả chúng sinh”. Cả ngày tu tập, thực hành nghi lễ tâm linh với mục đích cầu siêu cho ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ, bao nhiêu công đức tu tập trong 1 ngày, xin hãy hồi hướng cho người thân quá vãng  được siêu sinh Tịnh độ.

Đặc biệt trong phần cuối của khóa lễ, mỗi người tham gia đàn tràng nên tự mình khấn nguyện, gửi đến ông bà, cha mẹ những lời nói, những tâm tình, tâm sự để chia tay, để ông bà cha mẹ chúng ta yên tâm nhẹ gót thăng mây vãng sinh cõi Phật. Đây là phần rất quan trọng của đàn lễ cầu siêu, nên chúng ta cần cố gắng dự đến cuối buổi lễ, không bỏ đi giữa chừng. Nương công đức lớn lao tích lũy từ đàn cầu siêu trong suốt cả một ngày, chúng ta hồi hướng, gửi sức mạnh an lành tới ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Năng lượng ấy như một đám mây đỡ chân ông bà, cha mẹ nhẹ gót vãng sinh cõi Phật.

Ngoài ra, trong tháng Vu Lan báo hiếu, chúng ta có thể tích lũy tất cả những năng lượng an lành, công đức thiện nghiệp như phát tâm ăn chay, niệm Phật, tụng kinh và phóng sinh, để hồi hướng và cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình cao đăng Phật quốc.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6217910
Số người trực tuyến: