Những tình huống tránh tạo khẩu nghiệp bất thiện | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Những tình huống tránh tạo khẩu nghiệp bất thiện

Đức Phật dạy rằng ác nghiệp về khẩu là một trong những nghiệp nặng nhất, vì nó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như dẫn đến sự đổ vỡ, dẫn đến sự đau khổ tột cùng, dẫn tới mọi sự phiền não và tái sinh vào cảnh giới đọa lạc… Trong cuộc sống hiện tại, một lời nói vô tình có thể làm mình và người khác đau khổ ray rứt cả cuộc đời. Giữa hai vợ chồng một lời nói cũng có thể làm tan vỡ gia đình, giữa nhân viên với lãnh đạo lời nói có thể làm mất việc, mất công danh sự nghiệp, giữa anh em bạn bè người thân có thể gây mâu thuẫn, bất mãn, thù ghét, căm hận, giữa hai vị đứng đầu một lãnh thổ có thể gây ra chiến tranh…

Cổ nhân cũng có câu: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”, nghĩa là: bệnh từ cái miệng, họa cũng từ cái miệng. Của cải dù to lớn như núi, nhưng miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phúc đức do cực khổ gieo tạo nhiều đời nhưng cái miệng tạo ác nghiệp làm tổn hại người khác sẽ khiến phúc đức đó tiêu tan mất.

Lời nói đổi trắng thay đen,

Súc sinh, điạ ngục bon chen lối vào?

Trực ngôn tâm chẳng lao xao.

Giữ tâm thiền định biết bao an lành.

1. Không nói dối (không vọng ngữ)

Không nói dối tức là nói đúng sự thật, sự việc như thế nào thì nói như thế. Nghĩ thế nào thì nói đúng như ý nghĩ, điều suy nghĩ và lời nói không trái ngược nhau. Không nên cho rằng nói dối là chỉ để đùa vui hoặc lừa phỉnh nhau, không hại gì. Dù thế nào đi nữa thì nói dối đều có hại vì nó làm cho thành quen với thói xấu ấy, thậm chí có hại khi nói thật vì nhiều người sẽ không tin nữa.

Có nhiều loại nói dối: Nói dối vì đùa vui, nói dối vì lừa phỉnh, nói dối để khoe khoang, nói dối vì sợ hãi khiếp nhược, nói dối để thu lợi bất chính v.v…tất cả những tội nói dối ấy đều mắc tội mà nhà Phật gọi là tội vọng ngữ, sẽ bị đọa vào ba đường ác tùy theo tội nặng hay nhẹ. Vì vậy kinh sách Phật đều dạy ta không được nói dối.

Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có nói: Người giữ được hạnh không nói dối sẽ được tám điều lợi ích sau:

1. Được thế gian kính phục.

2. Lời nói nào cũng đúng lý, được người, trời kính yêu.

3. Miệng thường thơm sạch, nói ra có mùi thơm như hoa.

4. Thường dùng lời êm ái, an ủi chúng sinh.

5. Được hưởng lạc thú như ý nguyện, và ba nghiệp đều trong sạch.

6. Lời nói không buồn giận, mà còn tỏ ra vui vẻ.

7. Nói lời tôn trọng, được người trời đều vâng theo.

8. Trí tuệ hơn người.

2. Không nói lưỡi hai chiều (không lưỡng thiệt)

Không nói lưỡi hai chiều hay không nói hai lưỡi là không nói dèm pha, nói xấu người này trước mặt người khác hoặc ngược lại, làm cho hai bên hiểu lầm nhau. Không đem chuyện người này ra nhạo báng, khích bác người nọ làm cho đôi bên oán giận, sân hận nhau và cũng không làm trung gian đưa chuyện gây hiềm khích cho hai bên. Người nói lưỡi hai chiều là người có tà tâm, không trong sáng, có ác cảm, hay gây cho hai bên thù oán nhau.

Người không nói lưỡi hai chiều là người luôn luôn tôn trong sự thật, tôn trọng sự đoàn kết, không có dã tâm làm cho những kẻ thân thành thù hận, không có ác tâm làm cho anh em bà con láng giềng xa nhau. Người không nói lưỡi hai chiều luôn luôn là người nói sự thật đúng đắn, nói những lời êm ái hòa thuận làm cho bạn bè thêm tôn trọng nhau, bà con thêm tin yêu nhau, mọi người quý mến nhau.

Vì vậy kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có dạy ta không được nói lưỡi hai chiều để không phạm tội. Nếu xa lìa nghiệp nói lưỡi hai chiều thì được năm pháp không thể bị hại.

1. Được thân không bị ai hại vì không có ý hại người;

2. Được bà con dòng họ không bị hại, không ai phá hại;  

3. Được lòng tin không bị hại, do thuận theo bổn nghiệp;  

4. Được pháp hạnh không bị hại, vì tu kiên cố;  

5. Được thiện tri thức không bị hại vì không dối lừa người.

3. Không ác khẩu (Không nói lời thô ác)

Không nói lời thô ác hay không ác khẩu tức là nói những lời nói đem lại sự mát dịu cho người nghe, là nói những lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng, dễ thuyết phục, dễ cảm mến, làm cho người nghe dễ chịu, hòa ái. Người không ác khẩu tạo được sự tin tưởng và thân mến của mọi người và như vậy tâm hồn thư thái, vui vẻ, bình yên, ít khổ và dễ thành công trong mọi công việc thông qua lời nói cùa mình.

Trái lại, người nói lời thô ác không thể làm người nghe vừa lòng, và như vậy không thể đạt được hiệu quả công việc của mình. Công việc sẽ không được thuận lợi, sự nghiệp khó thành công. Người hay nói lời thô ác là người cứ mở miệng ra là nói những lời nói khó nghe, hoặc đay nghiến, hoặc thô lỗ, khích bác, châm chọc, cộc cằn, thô tục, không thân thiện. Người nói ác khẩu không chỉ khó nghe về nội dung lời nói mà ngay cả sắc thái giọng nói cũng làm cho người nghe khó chịu. Khi nói những lời thô ác, sắc thái giọng nói của họ nghe mỉa mai, chát chúa, dè bỉu, hạch xách hoặc đành hanh, la mắng kẻ khác, giọng như ra lệnh làm người nghe cảm thấy như dao đâm, như kim châm, làm cho người nghe tổn thương về tâm lý, gây nhức đầu, đau xót, khó chịu, mất ngủ, trằn trọc.

Vì thế, không nói lời độc ác, hay không ác khẩu (về cả mặt nội dung lời nói và sắc thái giọng nói) là một hạnh tu trong Hành Thập thiện. Đó là hạnh tu nói lời dễ nghe, dịu dàng, dễ cảm mến để tránh mang tội ác.

Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, nói: người không nói lời độc ác sẽ được tám điều lợi ích:

1. Lời nói không sai pháp, không trái lẽ thường

2. Lời nói luôn luôn có lợi ích  

3. Lời nói luôn đúng chân lý

4. Lời nói nào cũng khôn khéo,đẹp đẽ

5. Lời nói dễ lĩnh hội nghe theo được  

6. Lời nói được mọi người tin dùng  

7. Lời nói không ai có thể chê  

8. Lời nói được ưa thích, yêu mến.

4. Không nói lời thêu dệt (Không ỷ ngữ)

Không nói lời thêu dệt tức là không nói lời văn hoa trau chuốt mỹ miều. Người không ỷ ngữ thì lời nói của họ không như hoa thêu, gấm dệt, không ngọt ngào, đường mật với dụng tâm làm lung lạc lòng người. Lời nói của họ không quyến rũ người khác để làm những điều sai trái.

Những kẻ nói lời thêu dệt là những kẻ có tâm bất chính. Họ thường lợi dụng lòng tin của người để lừa gạt, phỉnh phờ trục lợi. Những người này thường xuất phát từ lòng tham và ý nghĩ đen tối mà nói ra những lời đẹp đẽ, êm tai, ngọt ngào để dễ chinh phục người nghe vì lợi ích của mình. Người nói lời thêu dệt thường bị người đời coi rẻ chê cười, và xa lánh để khỏi bị tổn hại tài sản, danh giá và ngày cả đến tính mạng nữa.

Theo kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, người không nói lời thêu dệt sẽ được hưởng ba điều lợi ích:

1. Được mọi người yêu mến;

2. Dùng trí tuệ thành thật đáp lời người hỏi;  

3. Có oai đức tốt đẹp, không hư vọng.

(Còn tiếp)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6488632
Số người trực tuyến: