Cách cúng cô hồn ngày Rằm tháng Bảy | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cách cúng cô hồn ngày Rằm tháng Bảy

Vào ngày Vu Lan, chư Tăng Ni, Phật tử thường tổ chức cúng dường để cầu siêu cho người thân quá vãng, cầu phúc, tích lũy công đức cho người sống. Sau khi dâng vật phẩm cúng dàng lên chư Phật và chư Tăng, chùa thường làm lễ cúng thí thực cho các vong hồn bơ vơ, không được ai thờ cúng, mà trong dân gian thường gọi là cúng cô hồn.

Nhân duyên đức Phật cứu loài ngã quỷ

Theo Kinh Cứu Bạt Diệm Khẩu Đà La Ni nói rằng: lúc bấy giờ Đức Phật đang thuyết pháp tại tăng xá Ni-câu-luật-na trong thành Ca-tỳ-la-vệ, tôn giả A Nan ngồi nhập định ở chỗ thanh vắng. Trong đêm hôm đó, khoảng quá canh ba bỗng thấy một ngạ quỷ tên Diệm Khẩu (còn gọi là Diệm Nhiên) xuất hiện, cổ họng nhỏ như cây kim, hình dáng khô gầy xấu xí, tóc xõa rối bời, móng vuốt sắc bén giơ ra rất đáng sợ, miệng phun lửa đỏ. Ngạ quỷ đến trước Ngài A Nan và báo rằng còn 3 ngày nữa Ngài sẽ chết rồi đọa đường ngạ quỷ. Tôn giả nghe như vây sinh tâm hoảng sợ, liền hỏi xem phải làm sao để thoát khỏi cảnh khổ ấy. Ngạ quỷ bảo, nếu ngày mai tôn giả có thể bố thí cho vô số ngạ quỷ cùng vô số các vị tiên nhân Bà la môn, mỗi người đều được thí cho một hộc lương thực…. cũng như vì ngạ quỷ mà cúng dường Tam bảo thì bản thân Ngài sẽ được tăng tuổi thọ lại cũng giúp cho ngạ quỷ này được thoát khỏi cảnh khổ và sinh lên cõi trời.

Tôn giả A Nan nhìn thấy ngạ quỷ thân hình khô gầy xấu xí, miệng phun lửa đỏ, cổ họng nhỏ như cây kim… lại nói ra những lời đáng sợ như vậy thì hết sức kinh hoàng, vội vàng đứng dậy tìm đến Đức Phật, cầu xin Ngài chỉ dạy phương thức để không phải đọa cảnh ngạ quỷ.

Đức Phật bảo A Nan: “Ông không nên quá lo lắng, ta có cách giúp ông có thể bố thí cho vô số ngạ quỷ cùng vô số các vị tiên nhân Bà la môn đều được đầy đủ món ăn thức uống”.

Kinh cũng dạy rằng: “Tất cả chúng sinh đều do nơi ăn uống mới sống được, nếu không ăn uống, thì thân thể ốm gầy, dẫu có thí tài, thí pháp cũng không đủ cho sinh mạng; nay nhân sự cực khổ của chúng sinh, mà khởi cái bi tâm, nên dùng chân ngôn vật thực, mà cúng thí cho Quỷ loại, khiến đặng dứt khổ được vui”.

Sau đó, Đức Phật truyền dạy chân ngôn Vô lượng uy đức tự tại quang minh thù thắng diệu lực (tức chú biến thực). Đức Phật dạy Ngài A Nan rằng, chân ngôn này có năng lực giúp người trì chân ngôn có thể bố thí cho vô số ngạ quỷ, vô số vị tiên nhân Bà la môn… đều được no đủ với các món ăn thức uống tùy theo nghiệp lực của họ; giúp họ được thoát khổ, đồng thời giúp người trì chân ngôn tăng được tuổi thọ…

Khi thực hành bố thí theo pháp này thì vô số ngạ quỷ khắp bốn phương ngay khi ấy đều thấy trước mặt họ có đầy đủ các món ăn. Những ngạ quỷ ấy thọ nhận thức ăn này rồi đều được no đủ, lại sẽ bỏ thân ngạ quỷ mà sinh lên cõi trời.

Thức ăn của cô hồn, ngã quỷ

Ngày nay, hầu hết các chùa chúng ta đều tụng Mông sơn thí thực vào thời công phu chiều mỗi ngày, để cúng thí cho cô hồn; vì theo lời của Đức Phật dạy rằng buổi chiều là giờ ăn của ngạ quỷ.

Đối với cô hồn, hay nói chung đối với người chết, chẳng những sắc uẩn là thân vật chất không còn. Mà cả thọ, tưởng, hành uẩn cũng không có. Họ chỉ còn giữ lại thức uẩn. Nhưng khi còn sống, thức uẩn do thọ, tưởng, hành uẩn huân tập mà thành.

Do đó, lúc chết, cả ba phần là thọ, tưởng và hành (nghĩa là cảm thọ, tưởng tượng, hành vi tạo tác trong tâm) đều lưu lại trong thức uẩn. Nó khiến cho linh hồn hay thần thức bị ám ảnh, thấy nóng lạnh, đói, khổ, v.v… Trong khi sự kiện thực tế gây ra nóng lạnh, đói khổ, không hề có. Thí dụ một linh hồn người chết cảm thấy bị đánh đau đớn, là vì lúc sống họ đã bị đánh và có cảm nhận đau đớn. Sự kiện và cảm nhận đó được lưu trữ trong tiềm thức. Đến khi chết, mặc dù thật sự không bị ai đánh cả; nhưng vì thần thức vẫn còn hoạt động, vẫn còn nghĩ rằng họ đang bị đánh đau. Bấy giờ là thức bị đau, không phải thân đau. Như vậy, cô hồn sống với thức, nên khổ trong thức. Sự đau đớn, bị nóng bức thiêu đốt mà cô hồn phải gánh chịu, chỉ do tâm họ khởi lên mà thôi.


Vật phẩm sau khi được  tịnh hóa, chú nguyện, gia trì đem đốt tạo thành khói thơm cúng dàng lên chư hương linh

Sức mạnh cứu cô hồn thoát khỏi cảnh khổ

Cô hồn đang chịu cảnh đau đớn chỉ cần tỉnh ra mọi sự vật hiện tượng do tâm biến hiện thông qua bài kệ của kinh Hoa Nghiêm, cô hồn đều có thể vãng sinh về Tịnh độ. Kinh dạy rằng:

“Nếu ai muốn biết rõ
Ba đời hết thảy Phật,
Nên quán tánh pháp giới
Tất cả duy tâm tạo”.

Người chết hay cô hồn chỉ liên hệ với người sống qua tâm. Thức của họ và thức của hành giả tiếp xúc với nhau, nói chuyện với nhau. Tất nhiên sự truyền thông bằng thức không đơn giản. Vì nó đòi hỏi cả vấn đề hạ thủ công phu cao độ, mới có lực dụng hóa giải được tâm trạng u uất cho cô hồn. Kinh Duyên Khởi nói: Nếu muốn hành trì pháp thí thực, thì nên phát tâm bồ đề, trì giữ tam muội da giới.

Điểm đặc biệt trong nghi thức Mông Sơn thí thực, phần lớn là các bài chân ngôn. Trong tiếng Phạn, chân ngôn có nghĩa là “tư tưởng được giải thoát và bảo vệ” hay còn gọi là “Bảo hộ tâm”. Trên phương diện năng lượng, chân ngôn là một đơn âm hoặc chuỗi âm thanh có liên quan đến một vị Phật Bản tôn và vì thế chứa đựng hàng loạt sóng âm ba và năng lượng tâm linh vô cùng tích cực. Chân ngôn là chìa khóa trực tiếp giúp hiển lộ vũ trụ pháp giới bên ngoài và bên trong, là công cụ nhanh chóng, nhẹ nhàng, hiệu quả để tiếp cận những kênh năng lượng linh thiêng từ các chiều tâm thức cao hơn.


Năng lực gia trì thần diệu của chân ngôn

Như vậy, khi đọc chân ngôn, tư cách của người đọc rất quan trọng. Không phải ai đọc cũng có tác dụng giống nhau. Nếu đọc chân ngôn suông theo hình thức, bằng âm thanh, ngôn ngữ, mà không có sự định tâm thì chân ngôn không chứa đựng nhiều năng lực gia trì, thì làm thế nào người chết không còn nhĩ căn tiếp nhận cho được. Chính vì vậy, công lực của chân ngôn phụ thuộc vào trạng thái thiền định và nội chứng của hành giả và đặc biệt vào sự hướng đạo chỉ dẫn từ một bậc Thầy tâm linh giác ngộ.

Kế đến tụng danh hiệu Phật và Bồ tát xong, quy y Tam Bảo và sám hối cho cô hồn. Quy y Tam Bảo vì đó là mô hình cần thiết tất yếu cho tất cả những ai muốn đi trên con đường bình an vĩnh cửu thật sự. Khi đã quy y Tam Bảo, các loại cô hồn được nhắc nhở thêm về việc sám hối. Sở dĩ giờ đây linh hồn vất vưởng khổ sở chỉ vì tham lam, sân hận, ngu si của ba nghiệp thân khẩu ý từ vô thỉ kiếp mà tạo ra vô số tội. Ngày nay, nương nhờ theo Tam Bảo, biết rõ tội lỗi của mình, hết lòng ăn năn sám hối cho tiêu tội, xóa được nghiệp thức.

Sau cùng tụng cho cô hồn một loạt các chân ngôn như diệt định nghiệp, biến thực, biến thủy chân ngôn, v.v… Và nghi Mông Sơn thí thực kết thúc bằng Bát Nhã Tâm Kinh, hồi hướng như thường lệ.

Qua phần cúng thí thực cô hồn cho chúng ta thấy lòng từ bi của chư Phật cùng sức mạnh của câu chân ngôn cộng hưởng với năng lực tu hành đức độ của hành giả tác động vào thần thức của cô hồn, giúp cô hồn, ngã quỷ tỉnh ngộ và siêu thoát.

Từ nghi Mông Sơn thí thực mà chúng ta công phu mỗi ngày, hoặc tổ chức trong ngày lễ Vu Lan rằm tháng 7, chúng ta rút ra bài học thiết thực. Những hành giả muốn đi trên con đường thánh thiện giải thoát của Đức Phật không gì khác hơn là phải nỗ lực phát huy trí tuệ, trưởng dưỡng tình yêu thương, phát triển đời sống giới đức, phạm hạnh. Vì chỉ có đức hạnh và trí tuệ mới tạo cho hành giả tự tại trong mọi tình huống, cứu độ vong linh, cô hồn, tạo phước điền cho người tại thế nương nhờ.

 

 

 




 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6318954
Số người trực tuyến: