Chương 3: Tập đế | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương 3: Tập đế

Chương 3: Tập đế
(Sameda Dukkha)
 
Vì sao Phật nói Khổ đế trước và Tập đế sau?
 
Trong Khổ đế, chúng ta đã thấy rõ những nỗi thống khổ của trần gian. Trước những nỗi khổ ấy, không ai là không nhàm chán, ghê sợ cho cuộc đời ở cảnh giới Ta Bà này, và không ai có thể an tâm, điềm nhiên sống trong cảnh ấy. Nhiều câu hỏi liền nẩy ra trong đầu óc chúng ta: Vì đâu sinh ra những nỗi khổ ấy? Ta có thể thoát ra khỏi móng vuốt của chúng để sống ở một cảnh giới đẹp đẽ hơn chăng? Và thoát ra bằng cách nào?
 
Ðó là những câu hỏi mà đức Phật sẽ lần lượt giải đáp một cách tường tận ở ba phần: Tập, Diệt và Ðạo đế.
 
Ngay trong phần Tập đế này, đức Phật giải đáp câu hỏi thứ nhất của chúng ta là nói rõ nguyên nhân của đau khổ.
 
Ðức Phật rất sành tâm lý của chúng sinh, nên mới nêu lên cái khổ trước rồi mới nói cái nhân sau. Nếu vào ngay đầu, ngài nói: "Này các ngươi! hãy nghe ta nói rõ những nguyên nhân sinh ra đau khổ đây!" Nếu ngài bảo như thế, chắc chúng ta sẽ không chú ý nghe cho lắm, vì chúng ta, mặc dù là sống trong bể khổ, những vì mê mờ, chúng ta có thấy một cách tường tận và rùng rợn tất cả những nỗi khổ của cảnh Ta Bà đâu? Có nhiều khi chúng ta còn cho cảnh giới nầy là vui nữa là khác. Do đó, chúng ta không thiết tha đi tìm nguyên nhân phát sinh đau khổ. Chỉ khi nào chúng ta đã ý thức một cách sâu sắc những nỗi khổ sở của chúng ta, khi ấy chúng ta mới thấy sự băn khoăn khẩn cấp đi tìm đường tự giải cứu cho chúng ta. Và muốn tự giải cứu, tất chúng ta cầm tìm xem vì đâu mà có đâu khổ; như vị lương y, muốn trị bệnh, trước phải tìm hiểu nguyên nhân sinh bệnh.
 
Nguyên nhân sinh bệnh khổ đâu của chúng sinh, đức Phật gọi là Tập đế.
 
I. Định nghĩa
 
Tập đế: Tập là chứa nhóm, dồn thêm mỗi ngày mỗi nhiều hơn lên. Ðế là sự thật vững chắc, đúng đắn hơn cả. Tập đế là sự thật đúng đắn, vững chắc về nguyên nhân của những nỗi khổ đã chứa nhóm, tích trữ lâu đời, lâu kiếp trong mỗi chúng sinh. Ðó là sự thật về cội gốc của sinh tử, luân hồi, của bể khổ trần gian.
 
II. Nguyên nhân của đau khổ là gì?
 
Phật dạy: Cội gốc của sinh tử luân hồi do các phiền não mê lầm là những dục vọng xấu xa, những ý niệm sai quấy, làm não loạn thân tâm chúng ta.
 
Phiền não rất nhiều, nói rộng thì đến tám muôn bốn ngàn (84.000), nói hẹp lại thì có mười phiền não gốc, gọi là căn bản phiền não. Do mười phiền não gốc này mà sinh ra vô số phiền não ngành ngọn (nên xem quyển Tu Tâm, nói rất rõ). Mười phiền não gốc là:
 
1. Tham: nghĩa là tham lam.
 
Tính tham có động lực bắt ta phải dòm ngó, theo dõi những cái gì nó ưa thích, như tiền tài, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở v.v... rồi nó xúi ta lập mưu này, chước nọ để tầm kiếm cho được những thứ ấy. Ðiều tai hại nhất là lòng tham không có đáy, thâu góp bao nhiêu cũng không vừa; được một muốn có mười, được mười muốn có trăm. Tham cho mình chưa đủ, còn tham cho bà con quyến thuộc và xứ sở của mình. Cũng vì tham mà cha mẹ vợ con xung đột; cũng vì tham mà bè bạn chìa lìa; cũng vì tham mà đồng bào trở lại xung đột, xâu xé nhau; cũng vì tham mà chiến tranh tiếp diễn, giết hại không biết bao sinh linh. Tóm lại, cũng vì tham mà nhân loại, chúng sinh chịu không biết bao nhiêu điều thống khổ.
 
Tham không những hại cho mình và cho người, trong hiện tại mà cả đến tương lai nữa.
 
2. Sân: nghĩa là nóng giận.
 
Khi gặp những cảnh trái ý nghịch lòng, như lòng tham không được toại nguyện, thì sân nổi lên, như một ngọn lửa dữ đốt cháy lòng ta. Thế là mặt mày đỏ tía hay tái xanh, bộ dạng thô bỉ, nói năng hung dữ, có khi dùng đến võ lực hay khí giới để hạ kẻ đã làm trái ý, phật lòng ta. Vì nóng giận mà cha mẹ, vợ con, anh em xa lìa, bạn bè ly tán; vì nóng giận mà đồng bào trở nên thù địch, nhân loại đua nhau ra chiến trường; vì nóng giận mà kẻ bị tàn tật, người vào khám đường, kẻ mất địa vị, người tan sự nghiệp. Kinh Hoa Nghiêm chép: "Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai", nghĩa là một niệm sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Sách Phật chép: "Nhất tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn", nghĩa là một đóm lửa giận, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức. Thật vậy, lửa sân hận đã bừng cháy lên giữa lòng nhân loại, và đã đốt thiêu không biết bao nhiêu là công lao, sự nghiệp mà nhân loại đã tốn bao nhiêu mồ hôi và nước mắt để tạo nên.
 
3. Si: nghĩa là si mê, mờ ám.
 
Si như là một tấm màn dày đặc, đen tối trùm lên trí huệ của ta, làm cho ta không thể nhìn thấy được sự thật, phán đoán được cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu. Do đó, ta gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi, làm hại mình, hại người mà không hay. Vì si mà lòng tham trở thành không đáy, bởi vì nếu người sáng suốt thấy cái tai hại của tham, thì người ta đã kềm hãm được một phần nào tánh tham. Vì si mà lửa sân tự do bùng cháy; nếu người sáng suốt biết cái tai hại của lửa sân thì không để cho nó hoành hành như thế. Tổ sư đã dạy: "Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì". Nghĩa là không sợ tham và sân nổi lên, mà chỉ sợ mình giác ngộ chậm. Nói một cách dễ hiểu hơn: Không sợ tham và sân, mà chỉ sợ si mê. Thật đúng như thế: Nếu tham, sân nổi lên, mà có trí sáng suốt ngăn chận lại, thì tham, sân không có trí huệ, sáng suốt thì tham, sân không thể tồn tại được; như khi đã có ánh sáng mặt rời lên, thì bóng tối tất nhiên phải tự tan biến.
 
Ba tính tham, sân, si này, Phật gọi là ba món độc; vì do chúng nó mà chúng sinh phải chịu nhiều kiếp sinh tử luân hồi, đọa vào địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh.
 
4. Mạn: nghĩa là tự nâng cao mình lên và hạ người khác xuống.
 
Tự thấy mình là quan trọng mà khinh rẻ mọi người; ỷ mình có tiền của, tài trí hy quyền thế mà dương dương tự đức, mục hạ vô nhân, khinh người già cả, hỗn láo với người đức hạnh, chà đạp người dưới, lấn lướt người trên.
 
Vì lòng ngã mạn cho mình là hơn hết, nên chẳng chịu học hỏi thêm, không nghe lời nói phải. Do đó, làm nhiều điều lầm lẫn sai quấy, phước lành tổn giảm, tội lỗi càng tăng, phải chịu sinh tử luân hồi không bao giờ cùng.
 
Mạn có bảy thứ:
  1. Mạn: Hơn người ít, mà nghĩa mình hơn nhiều.
  2. Ngã mạn: Ỷ mình hay giỏi mà lấn lướt người.
  3. Quá mạn: Mình bằng người mà cho là hơn người, người hơn mình mà cho là bằng.
  4. Mạn quá mạn: Người hơn mình nhiều mà cho mình hơn người.
  5. Tăng thượng mạn: Chưa chứng thánh quả mà cho mình đã chứng.
  6. Ty liệt mạn: Mình thua người nhiều mà nói rằng thua ít.
  7. Tà mạn: Người tu về tà đạo, được chút ít thần thông, hoặc hiểu biết được đôi chút việc quá khứ, vị lai, rồi khinh lướt người.
5. Nghi: nghĩa là nghi ngờ, không có lòng tin.
 
Người nghi ngờ không làm nên được việc gì hết. Ðối với người thân trong gia đình, họ không tin cậy giao phó công việc; đối với bạn bè, họ nghi ngờ tất cả mọi thiện chí. Ngay đối với mình, họ cũng không tự tin nữa. Ðã không tự tin, họ còn gây hoang mang cho người chung quanh, làm cho người thế gian ngã lòng, thối chí.
 
Ðối với đạo lý chân chánh, họ cũng không hăng hái tin theo. Những pháp tu giải thoát và các điều phước thiện, họ do dự không làm.
 
Nghi có ba phương diện:
  1. Nghi tự: nghĩa là nghi mình. Chẳng hạn như nghe chư Tăng bảo: "Tu hành sẽ được giải thoát", nhưng lại tự nghi rằng: "Chẳng biết mình tu có được không?". Vì lòng do dự ngi ngờ ấy, nên không tu.
     
  2. Nghi pháp: nghĩa là nghi phương pháp mình tu. Chẳng hạn như nghe kinh Di Ðà nói: "Người chí tâm niệm Phật, từ một ngày cho đến bảy ngày, được nhất tâm bất loạn, đến khi lâm chung sẽ được Phật Di Ðà tiếp dẫn sinh về nước Cực lạc"; nhưng họ lại nghi ngờ "Phương pháp ấy không biết có kết quả đúng như vậy không?" Do sự nghi ngờ đó mà không tu.
     
  3. Nghi nhân: nghĩa là nghi người dạy mình. Như có người dạy rằng: "Làm lành sẽ được phước, làm ác sẽ bị tội"; nhưng lại nghi rằng: "Chẳng biết người này nói có thật không". Do sự nghi ngờ ấy mà không làm.
Tóm lại, tính nghi ngờ làm cản trở sự tiến triển của mình, ngăn ngại mọi công tác hữu ích và làm cho cuộc đời không vượt ra khỏi cảnh tối tăm khổ sở.
 
6. Thân kiến: nghĩa là chấp thân ngũ ấm tứ đại giả hiệp này làm ta.
 
Vì cái chấp sai lầm ấy, nên thấy có một cái ta riêng biệt, chắc thật không biến đổi, thấy cái ta ấy là riêng của ta, không dính dấp đến người khác, và là một thứ rất quý báu. Vì tưởng lầm như thế, nên kiếm món ngon, vật lạ cho ta ăn, may sắm quần áo tốt đẹp cho ta mặc, lo xây dựng nhà cao, cửa lớn cho ta ở, thâu góp thật nhiều của cải, đất ruộng để dành cho ta hãnh diện với mọi người. Do sự quý chuộng phụng sự cho cái ta ấy, mà tạo ra lắm điều tội lỗi, chà đạp lên bao nhiêu cái ta khác, làm cho họ đau khổ vì ta. Và thế giới trở thành một bãi chiến trường thường trực cũng vì thế.
 
7.-Biên kiến: nghĩa là chấp một bên, nghiêng về một phía, có một thành kiến cực đoan.
 
Biên kiến có hai lối chấp sai lầm lớn nhất là:
  1. Thường kiến: Nghĩa là chấp rằng khi chết rồi, cái ta vẫn tồn tại mãi: người chết sẽ sinh ra người, thú chết sẽ trở lại thú, thánh nhân chết trở lại làm thánh nhân. Do sự chấp ấy, họ cho rằng tu cũng vậy, không tu cũng vậy, nên không sợ tội ác, không thích làm thiện. Lối chấp này, đọa Phật gọi là "Thường kiến ngoại đạo".
     
  2. Ðoạn kiến: Nghĩa là chấp rằng chết rồi là mất hẳn. Ðối với hạng người chấp Ðoạn kiến, thì hễ tắt thở là không còn gì tồn tại nữa; tội cũng không mà phước cũng chẳng còn. Họ không tin nhân quả luân hồi, nên mặc tình làm các điều tội lỗi. Họ tự bảo: "Tu nhơn tích đức già đời cũng chết; hung hăng, bạo ngược tắt thở cũng không còn".
  1. Có người đối trước những cảnh buồn lòng, nghịch ý, những chuyện tình duyên trắc trở, tưởng rằng chết là hết đau khổ, là giải thoát tất cả, nên họ đã không ngần ngại mượn chén thuốc độc, hay dòng sông sâu để kết liễu đời mình. Họ đâu có ngờ rằng chết rỗi vẫn chưa hết! Lối chấp này, kinh Phật gọi là "Ðoạn kiến ngoại đạo".
8. Kiến thủ: nghĩa là chấp chặt sự hiểu biết sai lầm của mình.
 
Kiến thủ có hai phương diện:
  1. Kiến thủ vì không ý thức được sai lầm của mình:
  1. Hành vi của mình sai quấy, ý kiến của mình sai lầm, nhưng vì không đủ sáng suốt để nhận thấy, nên cứ bảo thủ hành vi, ý kiến của mình, tự cho là giỏi, ai nói cũng chẳng nghe.
     
  2. Kiến thủ vì tự ái hay vì cứng đầu:
  1. Biết mình làm như thế là sai, nói như vậy là dở, nhưng vì tự ái, cứ bảo thủ cái sai cái dở của mình, không chịu thay đổi. Như ông bà trước đã lỡ theo tà đạo, nay con cháu vẫn biết đó là tà, nhưng cứ theo như thế mãi không chịu đổi. Họ cứ nói một cách liều lỉnh: "Xưa sao nay vậy", hay "Xưa bày này làm". Hay như cha mẹ trước đã lỡ làm nghề tội lỗi, đến đời con cháu, vẫn cứ bảo thủ nghề ấy không chịu thay nghề khác.
Nói rộng ra trong thế giới, có một số đông người, mặc dù thời thế đã cải đổi, tiến bộ mà họ cứ vẫn giữ lại những lề thói, cổ tục hủ bại mãi. Chẳng hạn như ở Việt Nam ta, đến bây giờ mà vẫn có những Phật tử, hễ trong nhà có người chết là giết heo bò để cúng kiến; khi đưa đám tang, gánh theo những con heo quay to tướng, đi biểu diễn qua các đường phố; mỗi khi tuần tựhay kỵ giỗ, thì đốt giấy tiền vàng bạc, áo quần kho phướn, mỗi năm phải hội họp để cúng tế tà thần, ác quỷ v.v... Chấp chặt những hủ tục như thế, đều thuộc và "Kiến thủ" cả.
 
9. Giới cấm thủ: nghĩa là làm theo lời răn cấm của ngoại đạo tà giáo.
 
Nhưng sự răn cấm này nhiều khi thật vô lý, mê muội, dã man, không làm sao đưa người ta đến sự giải thoát được, thế mà vẫn có nhiều người tin và làm theo. Chẳng hạn như ở Ấn độ, có phái ngoại đạo lấy đá dằn bụng, đứng một chân giữa trời nắng, nằm chỗ bẩn thỉu, leo lên cao nhảy xuống, gieo mình vào lửa, hay nhảy xuống sông trầm mình để được phước. Có đạo, mỗi năm lại bắt tín đồ giết một người để tế thần, hay như đạo của anh chàng Vô Não, phải giết một trăm người lấy một trăm ngón tay xâu làm chuỗi hạt mới đắc đạo. Những thứ cuồng tín như thế, không làm cho cuộc đời sáng sủa, mà còn làm đen tối, khổ đau thêm.
 
10. Tà kiến: nghĩa là chấp theo lối tà, không chơn chánh, trái với sự thật, trái với luật nhân quả.
 
Nói một cách khác, Tà kiến nghĩa là mê tín dị đoan, như thờ đầu trâu, đầu cọp, bình vôi, ông táo, xin xăm, bói quẻ, buộc tôm, đeo niệt, coi sao, cúng hạn v.v... Nói rộng ra, cả bốn món chấp trên, đều thuộc và Tà kiến cả.
 
III. Tính chất của mười món căn bản phiền não  
 
Tính chất của mười món căn bản phiền não không giống nhau: có thứ nhanh nhẹn, có thứ chậm chạp; có thứ mãnh liệt, có thứ yếu ớt; có thứ đâm sâu gốc rễ trong lòng người, có thứ nằm khơi khơi ở trên ý thức; có thứ dễ dứt trừ, có thứ khó tiêu diệt. Vì tính chất không đồng ấy mà đức Phật đặt cho chúng những danh từ khác nhau, để dễ phân biệt, như Kiết sử, Kiến hoặc, Tư hoặc...
 
1. Kiết sử:
 
Mười thứ phiền não gốc: thâm, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến cũng gọi là "Thập Kiết sử".
 
Kiết là trói buộc; Sử là sai khiến. Mười phiền não nầy gọi là Kiết Sử, vì chúng nó có mãnh lực trói buộc loài hữu tình không cho ra khỏi ba cõi và sai sử chúng sinh phải quay lộn trong vòng sinh tử luân hồi, từ đời này đến kiếp nọ, và phải chịu không biết bao nhiêu điều khổ não.
 
Tuy đều có tánh chất sai sử, trói buộc cả, nhưng mười Kiết sử này có thứ mạnh, thứ yếu, thứ chậm chạp, thứ mau lẹ, nên đức Phật chia chúng ra làm hai thứ với hai tên gọi khác nhau là: Lợi sử và Ðộn sử.
  1. Lợi sử: Là những món phiền não rất lanh lẹ, dễ sinh khởi mà cũng dễ trừ bỏ (lợi là lanh lợi). Lợi sử gồm có năm là: Thân kiến Biên Kiến, Kiến Thủ, Giới Cấm thủ, Tà Kiến.
  2. Ðộn sử: Là những món phiền não nặng nề, chậm chạm, sinh khởi một cách ngấm ngầm, sâu xa, nhưng mãnh liệt, khó dứt trừ (độn là chậm lụt). Thuộc về Ðộn sử gồm có năm phiền não là: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi.
Người học Phật muốn giải thoát, tất nhiên phải chặt đứt mười thứ dây nhợ, xiềng xích nầy mới được.
 
Trước khi muốn chặt đứt chúng một cách có hiệu quả, phải hiểu rõ tánh chất mềm hay cứng, bở hay dai của chúng để liệt chúng vào loại dễ chặt hay khó chặt. Như người bửa củi, chia củi ra làm hai loại: loại dễ bửa và loại khó bửa; loại dễ bửa thì dùng búa nhỏ, loại khó bửa thì dùng búa lớn; cũng vậy, hành giả trước khi muốn chặt đứt phiền não, phải liệt chúng làm hai loại: lợi Kiến hoặc dễ trừ, và loại Tư hoặc khó trừ.
 
2. Kiến hoặc:
 
Chữ Kiến hoặc có hai nghĩa:
  1. Loại mê lầm này mong manh cạn cợt, chỉ tu hành đến địa vị Kiến đạo (thấy chân lý) thì đoạn được.
     
  2. Loại mê lầm nầy thuộc về phần vọng kiến (vọng chấp), phân biệt của ý thức đối với sự vô thường, vô ngã v.v... mà sinh ra; hay do lầm nghe theo lời khuyên dạy của ta sư ngoại đạo mà sinh ra.
  1. Nói một cách dễ hiểu hơn, Kiến hoặc là cái lầm thuộc về mê lý, do vọng chấp (chấp sai) phân biệt của ý thức sinh ra. Ðến địa vị Kiến đạo là đoạn trừ được cái hoặc này. Bởi chúng nó dễ trừ, cũng như cỏ mọc khơi trên mặt đất, hễ dẫy (phác) thì hết, nên cũng gọi là "Phân biệt hoặc" (nghĩa là cái lầm về phần phân biệt của ý thức).
  1. Tóm lại, Kiến hoặc hay Phân biệt hoặc là do mê ly mà sinh, và sẽ bị diệt trừ khi ngộ được chân lý.
Mười phiền não nói trên, hay Kiến hoặc, nếu đem phối hợp với bốn Ðế trong ba cõi, thì thành ra tám mươi tám hoặc.
 
Ðể có một ý niệm rõ ràng hơn, chúng ta hãy phân tách như sau:
 
Mười món Kiến hoặc là: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ và Tà kiến.
 
Trong ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), mỗi cõi có bốn Ðế (khổ, tập, diệt, đạo), mỗi đế có các hoặc (mê lầm) chung hiệp lại thành tám mươi tám Kiến hoặc.
 
Như Dục giới có bốn Ðế: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Khổ đế có đủ mười hoặc. Tập đế và Diệt đế chỉ có bảy hoặc (vì trừ Thân kiến, Biên kiến và Giới cấm thủ). Ðạo đế có tám hoặc (trừ Thân kiến và Biên kiến). Bốn đế cộng thành ba mươi hai Kiến hoặc.
 
Cõi Sắc và Vô sắc cũng y như Dục giới, song ở trong đó mỗi Ðế đều trừ ra một món Sân (vì hai cõi này chỉ có vui trong thiền định, nên chẳng có Sân) nên mỗi cõi chỉ có hai mươi tám hoặc. Hai cõi hiệp lại thành năm mươi sáu hoặc; cộng với ba mươi hai hoặc ở cõi Dục nữa, tổng cộng thành ra tám mươi tám món Kiến hoặc.
 
BẢNG PHÂN TÍCH TÁM MƯƠI TÁM MÓN KIẾN HOẶC
 
I. Dục giới: Có 32.
 
- Khổ đế có 10:
 
a.- Tham.
b.- Sân.
c.- Si.
d.- Mạn.
e.- Nghi.
f.- Thân kiến.
g.- Biên kiến.
h.- Kiến thủ.
i.- Giới cấm thủ.
j.- Tà kiến.
 
- Tập đế có 7:
Như Khổ đế, trừ Thân kiến, Biên kiến và Giới cấm thủ.

Diệt đế có 7:
Như Tập đế.
 
Đạo đế có 8:
Như Khổ đế trừ Thân kiến và Biên Kiến.
 
II. Sắc giới: Có 28.
 
- Khổ đế có 9:
Như Khổ đế ở Dục giới, trừ Sân.
 
Tập đế có 6:
Như Tập đế ở Dục giới, trừ Sân.
 
Diệt đế có 6:
Như Diệt đế ở Dục giới, trừ Sân.
 
Đạo đế có 7:
Như Đạo đế ở Dục giới, trừ Sân.
 
III. Vô sắc giới: Có 28.
 
Như Khổ, Tập, Diệt, Đạo ở Sắc giới.
Sắc giới và Vô sắc giới đều trừ Sân, là vì hai cõi nầy ở trong thiền định, có hỷ có lạc, nên Sân không sinh khởi.
 
Khổ đế đủ mười hoặc là vì thuộc về Quả. Tập đế ít hơn (có 7) là vì thuộc về Nhân. Diệt đế là quả xuất thế nên chỉ có 7. Đạo đế về phần tu hành nên chỉ có 8.
 
3. Tư hoặc:
 
Trong số mười phiền não căn bản nói trên, có bốn thứ ăn sâu gốc rễ từ vô thỉ rất khó diệt trừ là Tham, Sân, Si, mạn (bốn độn sử) thì gọi là Tư hoặc. Theo tân dịch thì Tư hoặc có hai nghĩa:
  1. Nó ngấm ngầm khởi lên, do mê muội về sự vật mà sinh; như đối với sự vật ăn, mặt, ở ( sắc, thanh, hương, vị, xúc) sinh tham gia trước.
     
  2. Sự mê lầm này phải đến địa vị Tu đạo mới trừ dứt được.
Chúng nó có từ vô thủy đến giờ, hễ có ta là có nó, nó với ta đồng sinh một lượt, nên cũng gọi là "câu sinh hoặc". Chúng nó có tiềm tàng sâu kín, và chi phối sai tử chúng ta một cách mãnh liệt, nên hành giả phải hết sức tu trì, mới có thể lần trừ hồi được. Cũng như cỏ cú, phải ra công moi đào nhiều lần, mới nhổ sạch tận gốc.
 
Tóm lại Tư hoặc cũng có tên Câu sinh hoặc, do sự mê là sinh, và chỉ khi đến địa vị Tu đạo mới đoán ra được.
 
Mười món này phối hợp với bốn đế ở ba cõi, sẽ thành tám mươi mốt món như sau:
 
MƯỜI MÓN TƯ HOẶC:
 
- Dục giới, có bốn: Tham, San, Si, Mạn.
 
- Sắc giới có ba: Tham, Si, Mạn.
 
- Vô sắc giới có ba: Tham, Si, Mạn.
 
(Hai cõi sau chỉ có trong cảnh thiền định, nên không có sân).
 
Bốn thứ tư hoặc này lại chia ra làm ba hạng: hạng nhất là bậc thượng; hạng vừa là hạng bậc trung; hạng kém hơn là hạng bậc hạ. Mỗi hạng như thế lại chia ra làm ba bậc hay ba phẩm nữa (thượng, trung, hạ), cộng tất cả thành chín phẩm.
 
BẢNG PHÂN TÍCH MƯỜI MÓN TƯ HOẶC CHIA LÀM CHÍN PHẨM
 
I. THƯỢNG:
- Thượng thượng.
- Thượng trung.
- Thượng hạ.
 
II. TRUNG:
- Trung thương.
- Trung trung.
- Trung hạ.
 
III. HẠ:
- Hạ thượng.
- Hạ trung.
- Hạ hạ.
 
Chín phẩm Tư hoặc nhân cho ba cõi (gồm chín địa) thành ra 81 thứ.
 
BIỂU ĐỒ 81 MÓN TƯ HOẶC
 
BA CÕI:
 
I. Dục giới:
- Ngũ thứ tạp cư địa, có: 9 phẩm Tư hoặc.
 
II. Sắc giới:
- Sơ Thiền, ly sinh hỷ lạc địa: 9 phẩm Tư hoặc.
- Nhị thiền định sinh hỷ lạc địa: 9 phẩm Tư hoặc.
- Tam thiền ly hỷ diệu lạc địa: 9 phẩm Tư hoặc.
- Tứ thiền xả niệm thanh tịnh địa: 9 phẩm Tư hoặc.
 
III. Vô sắc giới:
- Không vô biên xứ địa: 9 phẩm Tư hoặc.
- Thức vô biên xứ địa: 9 phẩm Tư hoặc.
- Vô sỡ hữu xứ địa: 9 phẩm Tư hoặc.
- Phi phi tưởng xứ địa: 9 phẩm Tư hoặc.
Cộng: 9 địa, Thành 81 phẩm Tư hoặc.
 
VI. Tóm tắt ý nghĩa về Kiến hoặc và Tư hoặc
 
Nói tóm lại, những cái mê lầm thuộc về phần phân biệt (do ý thức phân biệt mà sinh) đều thuộc về Kiến hoặc. Những cái mê lầm thuộc về phần câu sinh (ngấm ngầm cùng với ta đồng sinh) thì thuộc về phần Tư hoặc.
 
Lại một nghĩa nữa, những cái mê lầm thuộc về phần mê lý, đến khi Kiến đạo là đoạn trừ đuợc, nên gọi là Kiến hoặc. những cái mê lầm thuộc về phần mê sự, phải tu hành đến địa vị Tu đạo, mới lần đoạn trừ, thì gọi là tư hoặc. Ðoạn Kiến hoặc chỉ mới là hết cái lầm trên phương diện kiến thức; đến khi đoạn Tư hoặc thế gian thì cả cái lầm trên phương diện ý thức, hành vi đều không còn nữa.
 
Ðoạn tám mươi tám cái lầm về Kiến hoặc và tám mươi mốt cái lầm về Tư hoặc thì sẽ chứng được bốn quả thánh Thanh văn của Tiểu thừa, trong đó quả vị cao nhất là quả vị A la hán(Xem phần phụ chú).
 
Sở dĩ chúng sinh chịu các đều khổ não, nguyên nhân là do phiền não gây tạo ra nghiệp Tập đế. Tập đế gồm có nhiều thứ phiền não; nhưng có mười thứ căn bản phiền não là: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiếm, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến.
 
Trong mười món này, vì căn cứ theo bản tánh của những cái dễ phát sinh và dễ trừ là năm món sau, thì gọi là ngũ lợi sử; còn năm món trước tánh nó ngấm ngầm phát sinh và khó đoạn trừ thì gọi là Ngũ độn sử.
 
Ðứng về phương diện Tu chứng mà xét, thì hành giả trong khi tu hành, chia mười món phiền não trên làm hai loại, để đoạn trừ trong thời kỳ sau đây:
 
1.- Những cái mê lầm khi thấy đạo (chân lý) mới đoạn được, thì gọi là Kiến hoặc.
 
2.- Những cái mê lầm khi đến địa vị tu đạo mới đọan được thì gọi là Tư hoặc.
 
Về Kiến hoặc, ở cõi Dục giới có ba mươi hai món mê lầm, ở cõi sắc giới có hai mươi tám và Vô sắc giới cũng có hai mươi tám, cộng lại thành tám mươi tám món mê lầm. Cái lầm ở cõi dục rất thô, đến cõi sắc và Vô sắc giới thì vi tế hơn. Ðoạn được tám mươi tám thứ Kiến hoẳc trong ba cõi, thì chứng đặng quả thánh thứ nhất trong bốn quả của Tiểu thừa là Tu đà hoàn (Tiếng Hán dịch là Dự Lưu). Ðến quả này, tám mươi mốt phẩm tư hoặc của ba cõi vẫn chưa đoạn trừ.
 
Về Tư hoặc thì cõi Dục giới có bốn: tham, sân, si man. Cõi sắc giới và vô sắc, mỗi cõi có ba (vì trừ sân). Cộng chung lại là mười món Tư hoặc. Vì chúng có thô vi tế không đồng nên phân ra có thượng, trung, hạ phẩm. Mỗi phẩm lại phân ra ba phẩm nữa là: Thượng, trung, hạ cộng thành chín phẩm.
 
Trong ba cõi có chia ra làm chín địa mỗi địa có chín phẩm Tư hoặc từ thô đến tế, cộng chung chín địa thành ra tám mươi mốt Tư hoặc (1)
 
Chín phẩm Tư hoặc ở cõi Dục thì rất thô, còn hai cõi trên lần vi tế. Các thứ phiền não Tư hoặc vi tế dây, chiêu cảm với những khổ quả sinh tử, luân hồi trong cõi, chứng quả A la hán.
 
Phần phụ chú
 
Tứ Ðế là thuộc về giáo lý Tiểu thừa. Trong khi nghiên cứu và trung thành với giáo giáo lý này, chung tôi chỉ kể chỉ có hai thứ hoặc là Kiến hoặc và Tư hoặc.
 
Nhưng theo giáo lý Ðạị thừa thì ngoài hai hoặc trên, có hai thứ hoặc khác nữa là Trần sa hoặc và Vô minh hoặc. Nếu chứng quả vị Ðại Thừa Bồ tát hay Phật, thì phải đoạn trừ hai hoặc sau này.
 
Ðể có một ý niệm tổng quát về các thứ hoặc, chúng tôi xin được phụ chú dưới đây hai loại hoặc ấy:
 
1. Trần sa hoặc: Trần sa hoặc là cái mê lầm như cát bụi. Cái mê lầm không phải của mình, vì khi chứng được quả A la hán thì cái mê lầm về phần Kiến Hoặc và Tư hoặc nơi cá nhân mình đã hết. Cái chân trí ở nơi tâm mình đã sáng suốt rồi. Nhưng so với mình, còn thấy cái mê lầm của chúng sinh nhiều như cát bụi, nên sinh tâm chán ngán, thối chí độ sinh, cứ trầm không thu tịch, thủ cảnh thiên không Niết Bàn của Tiểu Thừa, không chịu ra hóa đạo độ sinh (vì còn pháp chấp, mê lầm thấy thật có pháp mình tu, Niết Bàn mình chứng).
 
2. Vô minh hoặc: Vô minh là mê lầm, không rõ được bản chất chân tâm. Thứ mê lầm này là gốc của các thứ mê làm khác, nên gọi là căn bản vô minh. Nó rất vi tế, phá trừ trần sa hoặc rồi mới phá trừ được Vô minh hoặc.
 
Cứ theo lối tu chứng của Ðại Thừa mà luận, thì phải trải qua năm mươi hai địa vị, mới phá hết dược các vô minh. khi mãn địa vị Thập tín rồi bắt đầu lên thập trụ (10 vị) phá một phần vô minh thì được một phần đức pháp tánh (3 đức: Pháp thân, Bát nhã, Giải thoát), chứng lên vị Sơ trụ. Như thế cứ phá thêm một phần vô minh là chứng lên một địa vị; cho đến phá được mười phần thì phá được Thập trụ. Bước qua Thập hạnh (10 vị), Thập hồi hướng (10 vị) và thập địa (10 vị) cũng thế, nghĩa là phá một phần vô minh thì chứng lên một địa vị. Cho đến địa vị thứ năm mươi mốt; là Ðẳng giác, dùng trí Kim cương phá sạch hết tướng vô minh rất vi tế rồi, thì chứng được địa vị thứ năm mươi hai là quả Diệu giác (Phật). Lúc bấy giờ vô minh diệt hết trí giác thế gian toàn minh, cũng như trăng rằm Trung thu, bao nhiêu mây mờ vẹt hết, tỏa ánh sáng khắp mười phương.
 
Chúng ta nên lưu ý: Kiến hoặc, Tư hoặc là chiêu cảm phần đoạn sinh tử trong ba cõi. Còn Trần sa hoặc và Vô minh hoặc thì chiêu cảm biến dịch sinh tử ngoài ba cõi. Ðoạn Kiến hoặc, Tư hoặc thì không thọ phần sinh tử, ra ngoài tam giới, được thiên lý chơn, chúng nhị thừa: Thanh văn, Duyên giác. Ðoạn Trần sa hoặc chứng quyền thừa Bồ tát. Ðoạn từng phần vô minh chứng quả Phật vô thuợng. Xét như thế thì từ khi phát tâm tu hành cho đến thành Phật, phải trải qua một công trình lớn lao và một thời gian lâu xa mới được.
 
GHI CHÚ:
 
(1) Sở dĩ gọi là phẩm mà không gọi là món, loại hay thứ là vì trong mỗi mê lầm ấy, không khác chất, chỉ khác phẩm lượng mà thôi, nghĩa là nó đậm hay nhạt, mạnh hay yếu mà thôi.
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6420335
Số người trực tuyến: