Cờ bay - Gió Động Hay Tâm Động?
Văn học Thiền có ghi lại câu chuyện về hai nhà sư tranh cãi nhau: “cờ động hay gió động”; và kết luận của một nhà sư thứ ba: “không phải cờ hay gió động, mà là tâm động.”
Thật ra câu chuyện về chủ đề tâm và cảnh này đã từng được A-hàm ghi lại giữa ngài Xá-lợi-phất và ngoại đạo, về sau còn được trích dẫn trong Pháp Uẩn Túc Luận và Câu-xá.
Ngoại đạo cho rằng tham dục nằm ở nơi cái đẹp của cảnh chứ không phải ở lòng người. Ngài Xá-lợi-phất thì chỉ ra rằng tham dục là phản ứng của tâm đối với cảnh chứ không xuất phát từ cảnh. Lập luận của cả hai bên đều rất thú vị.
Ngoại đạo: “Nếu tham dục nằm ở tâm thì Thầy của ông vẫn có thể sinh khởi tham dục khi nhìn thấy cảnh.”
Ngài Xá-lợi-phất: “Nếu tham dục nằm ở cảnh thì Thầy của ông khi nhìn thấy cảnh chắc chắn sẽ nhiễm tham dục.”
Vấn đề này cũng được văn học phương Tây đề cập qua câu nói “chiếc áo không làm nên ông thầy tu”. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều Phật tử mơ hồ về nguyên lý này, và vì thế thường hay bị người khác sử dụng hình tướng để đánh lừa.
Giác ngộ không nằm trong kinh điển. Nếu giác ngộ có trong kinh điển thì bất cứ ai đã đọc kinh điển cũng đều phải giác ngộ. Nói cho dễ hiểu hơn, kinh điển là “ngón tay” chỉ cho mặt trăng giác ngộ chứ kinh điển không phải là “mặt trăng”.
Vì lẽ này mà Phật giáo Trung Hoa có câu: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan” (nếu giải thích lời Phật mà dựa vào kinh điển là hiểu sai ý Phật trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai).
Tuy nhiên, nếu không có kinh điển thì người học sẽ không biết con đường nào dẫn tới giác ngộ để đi. Mặc dù “ngón tay” không phải là “mặt trăng” nhưng nếu không có ngón tay thì cũng sẽ không biết dựa vào đâu để có thể nhìn đúng mặt trăng. Vì thế chư Tổ mới dạy tiếp, “Ly kinh nhất tự tức đồng Ma thuyết” (nếu không y cứ vào Thánh điển mà tuỳ tiện dựa vào tư kiến để nói về Pháp thì đó chỉ là lời của Ma chứ không phải của Phật.)
Lúc còn tại thế, Đức Phật đã từng tuyên bố Ngài thuyết giáo theo “con đường giữa”, chứ không dựa vào hai cực đoan; và vì thế đã thiết định một lúc cả hai phương tiện tu tập là Thanh văn thừa và Bồ-tát thừa.
Mặc dù biết rằng tham dục nằm ở tâm chứ không ở cảnh, nhưng khi chủng tử tham dục ở tâm chưa được đoạn trừ thì người học vẫn có nguy cơ bị cảnh cuốn trôi. Vì thế, phương cách thiện xảo nhất vẫn là từ bỏ “ngôi nhà phiền não” để đi theo Phật mà nghe Pháp, hoặc vào ở trong chùa để nghe kinh kệ sớm hôm.
Đối với những người không có điều kiện xuất gia thì Ngài khuyến khích là vẫn có thể tu tập ngay giữa chợ đời. Và, ngoài các giới pháp dành cho Thanh văn ra, Ngài còn trang bị thêm hai loại tâm giới là “nhiếp thiện pháp” và “nhiếp chúng sinh”. Một khi đã được trang bị bởi 3 tầng “áo giáp” luật nghi như thế, cộng thêm tâm nguyện “thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh” thì người học có thể bước những bước vững chắc trên Bô-tát đạo mà không sợ bị cảnh làm cho ô nhiễm.
Một khi nắm được yếu nghĩa của hai phương tiện tu tập nói trên, người học sẽ nhận ra rằng, Thanh văn thừa và Bồ-tát thừa không phải là hai “cỗ xe” chạy trên 2 con đường khác nhau, mà thật ra chỉ là 2 phương tiện có thể hoán đổi nhau trong suốt hành trình dẫn đến giác ngộ.
Vì thế, con đường tu học lý tưởng không chỉ thuộc về Thanh văn hay Bồ-tát mà là “con đường giữa, không dựa vào hai cực đoan”, và nhân cách của một người học như thế thường được mô tả một cách thơ mộng trong văn học Phật giáo Việt Nam: “Ngoại hiện tướng Thanh văn; tâm tàng Bồ-tát hạnh”.
Và từ đó người học cũng nhận ra kết luận của nhà sư thứ ba trong câu chuyện trên cũng chỉ là sự thật tương đối. Nếu nhìn từ góc độ của “lý sự viên dung” thì cả tâm và cảnh đều động. Và ngày nào người học còn tách biệt tâm với cảnh thì con đường dẫn tới Đệ Nhất Nghĩa Đế (Chân lý tối cao - Niết-bàn tịch tĩnh) vẫn còn cách xa muôn trùng vạn dặm.
(Nguồn: Trích Bộ “A-tì-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận")
- 504
Viết bình luận