Công đức tắm Phật vô lượng vô biên và tương tục mãi cho đến khi thành Phật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Công đức tắm Phật vô lượng vô biên và tương tục mãi cho đến khi thành Phật

Nghi thức tắm Phật vừa mang tính truyền thống giúp chúng ta nhớ lại khoảnh khắc Đức Phật đản sinh, vừa là lời nhắc nhở về vị Phật trong lòng mỗi người, nguyện chúng sinh đắc nhân an lạc, sống yên vui từng chớp sát na, nguyện chúng sinh muôn khổ lìa xa, thoát vòng tục lụy phiền hà thế gian. Đức Phật dạy rằng trong các sự cúng dàng, tắm tượng Phật là đệ nhất và thù thắng hơn cả việc đem đồ bảy báu nhiều như cát sông Hằng để bố thí. Nếu thực hành tắm tượng Phật đúng pháp như lời Phật dạy, hiện đời sẽ được thọ hưởng giàu sang, an vui, không bệnh, và sống lâu, mọi điều cầu mong, không gì là chẳng toại. Bạn bè thân quyến tất cả đều an ổn. Tám nạn tiêu trừ, ra khỏi biển khổ vĩnh viễn, không thọ thân nữ, và sớm thành chính giác.

Duyên khởi về nghi thức tắm Phật

Trong Kinh Công đức tắm Phật, Bồ tát Thanh Tịnh Tuệ có bạch Phật rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, chư Phật Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác, do bởi nhân duyên gì mà được thân thanh tịnh và đầy đủ tướng tốt?

Lại nữa, tất cả chúng sinh khi gặp Như Lai và thân cận cúng dàng, họ sẽ được vô lượng vô biên phước báo. Tuy nhiên, con vẫn không biết sau khi Như Lai nhập Bát-niết-bàn, chúng sinh phải cúng dàng như thế nào và tu công đức ra sao để khiến căn lành của họ mau có thể đạt tới cứu cánh vô thượng Bồ-đề?.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Thanh Tịnh Tuệ Bồ-Tát:

- Lành thay, lành thay! Ông vì chúng sinh đời vị lai mà có thể hỏi Ta việc như thế. Ông nay lắng nghe, hãy khéo tư duy, và thực hành theo lời Phật dạy. Ta sẽ vì ông phân biệt giảng giải.

Thanh Tịnh Tuệ Bồ-Tát thưa rằng:

- Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Con vui thích muốn nghe.

Phật bảo Thanh Tịnh Tuệ Bồ-Tát:

- Này thiện nam tử! Ông phải biết rằng, do bởi bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, từ bi hỷ xả, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực, vô sở úy, tất cả Phật Pháp, và Nhất Thiết Chủng Trí của Như Lai đều chí thiện và thanh tịnh nên Như Lai được thân thanh tịnh.

Nếu ai với tâm thanh tịnh và làm muôn sự cúng dàng cho chư Phật Như Lai--họ dâng hương hoa anh lạc, tràng phan lọng che, và an trí những cái gối nệm ở trước Phật cùng các đồ vật để trang nghiêm xung quanh; lấy nước thơm thượng diệu để tắm rửa Tôn tượng; thắp lên những nén hương và vận ý khởi tưởng mùi hương đó xông khắp Pháp Giới; dâng cúng thức ăn nước uống; lại dùng âm nhạc ca vịnh và tán thán công đức tối thắng của Như Lai; phát lời thệ nguyện thù thắng và hồi hướng đến vô thượng biển Nhất Thiết Trí--thì công đức có được là vô lượng vô biên và tương tục mãi cho đến khi chứng quả Bồ-đề.

Chuẩn bị Pháp đàn và cách thức tắm Phật theo lời Phật dạy

Khi Thanh Tịnh Tuệ Bồ-Tát bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Chúng sinh ở đời sau cần phải tắm tượng như thế nào?”, Đức Phật đã từ bi chỉ dạy nghi thức tắm Phật như sau:

(i) Khi tắm tượng, hãy lấy các loại hương, như là hương ngưu đầu chiên đàn, hương chiên đàn trắng, hương chiên đàn tím, hương trầm thủy, hương huân lục, hương uất kim, hương long não, hương linh lăng, hương cây hoắc, hay những loại hương quý khác, rồi đặt chúng trên một miếng đá sạch và nghiền ra thành bột. Sau đó, hãy hòa chung hương bột với nước để làm thành nước hương và đổ vào trong bình sạch.

(ii) Lại nữa, tại một nơi thanh tịnh, hãy lấy đất sạch mà dựng làm Pháp đàn, hoặc tròn hay vuông, kích cỡ tùy theo hoàn cảnh. Trên đó an trí các đồ vật để tắm, còn tượng Phật thì được đặt ở chính giữa. Kế đến, rưới nước hương nóng ấm để tẩy rửa tượng. Rồi tiếp tục rưới nước trong như thế cho đến khi tượng được sạch sẽ và thơm khiết. Nước sử dụng phải là nước sạch, vì như thế sẽ không làm hại côn trùng.

(iii) Khi đã an trí tượng và đốt các loại hương, mặt đối trước tượng, kiền thành chắp tay, và hãy đọc bài kệ tán rằng:

Con nay tắm gội chư Như Lai

Tịnh trí công đức trang nghiêm tụ

Nguyện chúng quần sinh đời năm trược

Mau chứng Như Lai tịnh Pháp thân

Giới định tuệ giải tri kiến hương

Mười phương sát độ luôn phảng phất

Nguyện khói hương này cũng như vậy

Vô lượng vô biên làm Phật sự

Cũng nguyện ba đường khổ ách dừng

Trừ sạch nhiệt não được thanh lương

Đều phát vô thượng Bồ-đề tâm

Vĩnh rời sông ái lên bờ kia"

(iv) Trong lúc tắm tượng, có thể thấm ướt bàn tay vào nước đã tắm tượng, rồi cho những giọt nước từ hai đầu ngón tay nhỏ xuống ở trên trán của mình. Đây gọi là Nước Cát Tường.

(v) Về phần nước đã tắm tượng, hãy xả nước chảy ở trên chỗ đất sạch và chớ để chân của mình giẫm đạp.

(vi) Khi đã tắm tượng xong, hãy lấy một cái khăn mềm mịn mà lau tượng cho sạch. Sau đó, hãy đốt các nén hương quý để hương thơm lan tỏa khắp quanh tượng. Khi xong, hãy an trí tượng về chỗ cũ.

Công đức cúng dàng lên Đức Phật vô lượng vô biên và tương tục mãi cho đến khi thành Phật

Đó là bởi phúc trí của chư Phật là chẳng thể nghĩ bàn, vô số vô lượng, và không ai có thể sánh bằng.

Chư Phật Thế Tôn đều đầy đủ ba thân. Đó là Pháp thân, Báo thân, và Hóa thân. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, nếu ai muốn cúng dàng ba thân này thì họ nên cúng dàng xá-lợi của Phật. Nhưng xá-lợi có hai loại:

1. Thân cốt xá-lợi

2. Pháp tụng xá-lợi

Nếu thiện nam tín nữ và hàng năm chúng đệ tử xuất gia nào [Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na] muốn tạo tượng Phật, hoặc những ai không sức mà muốn đóng góp chút ít, thậm chí chỉ lớn bằng hạt lúa tẻ, hoặc xây một cái tháp chỉ lớn bằng quả táo, cột trụ nhỏ như kim, mái che nhỏ như vỏ trấu, xá-lợi nhỏ như hạt cải, hoặc biên chép bài Pháp tụng và đặt ở trong tháp đó, thì cũng như lấy kỳ trân dị bảo mà làm cúng dàng. Hãy làm theo khả năng của mỗi người và nếu có thể chí thành cung kính thì cũng như chính Phật hiện thân không khác.

Nếu có chúng sinh nào mà có thể làm các sự cúng dàng như thế thì sẽ thành tựu 15 loại công đức thù thắng để tự trang nghiêm thân họ:

1. Luôn biết hổ thẹn.

2. Phát tín tâm thanh tịnh.

3. Lòng dạ ngay thẳng.

4. Gần gũi bạn lành.

5. Nhập trí tuệ vô lậu.

6. Thường thấy chư Phật.

7. Luôn thọ trì Chính Pháp.

8. Có thể thực hành theo lời dạy.

9. Tùy ý vãng sinh vào quốc độ thanh tịnh của chư Phật.

10. Nếu sinh trong hàng người thì sẽ sinh trong gia đình tôn quý giàu sang, được mọi người cung kính, và ai thấy cũng đều hoan hỷ.

11. Khi sinh trong chốn nhân gian thì tự nhiên sẽ luôn tưởng nhớ Phật.

12. Bè lũ của ma quân không thể tổn hại và não loạn.

13. Có thể hộ trì Chính Pháp ở trong đời Mạt Pháp.

14. Được mười phương chư Phật gia hộ.

15. Sớm được thành tựu ngũ phần Pháp thân [giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến]."

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Sau khi Ta nhập diệt

Xá-lợi muốn cúng dàng

Thì hãy xây dựng tháp

Và đặt tượng Như Lai

Tại nơi tượng tháp kia

Tô vẽ mạn-đà-la

Dùng đủ mọi hương hoa

Rải lên ở trên đó

Lấy nước thơm tịnh diệu

Tắm gội vào tượng Phật

Các ẩm thực thượng vị

Đem hết dâng cúng dàng

Tán thán Phật công đức

Vô lượng chẳng nghĩ bàn

Phương tiện trí thần thông

Sẽ mau đến bờ kia

Chứng đắc thân kim cang

Đầy đủ ba hai tướng

Và tám mươi vẻ đẹp

Cứu độ chúng quần sinh.

Đức Phật cũng dạy Bồ tát Thanh Tịnh Tuệ Bồ tát rằng trong các sự cúng dàng, tắm tượng Phật là đệ nhất và thù thắng hơn cả việc đem đồ bảy báu nhiều như cát sông Hằng để bố thí. Nếu thực hành tắm tượng Phật đúng pháp như lời Phật dạy, hiện đời sẽ được thọ hưởng giàu sang, an vui, không bệnh, và sống lâu, mọi điều cầu mong, không gì là chẳng toại. Bạn bè thân quyến tất cả đều an ổn. Tám nạn tiêu trừ, ra khỏi biển khổ vĩnh viễn, không thọ thân nữ, và sớm thành chính giác.

Hôm nay, nhân kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Từ Phụ, chúng con xin được cúng dàng Hương Thủy lên Đức Thế tôn. Nguyện nương nhờ công đức này, chúng con gột rửa sạch tâm phàm phu nghiệp chướng nhơ nhiễm, để Đức Phật trong lòng chúng con sớm được đản sinh!

Tham khảo thêm

Kinh Công đức tắm Phật

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327760
Số người trực tuyến: