Đức Gyalwang Drukpa chủ trì Tọa đàm Sống hạnh phúc: “Buông bỏ để bớt khổ đau” | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đức Gyalwang Drukpa chủ trì Tọa đàm Sống hạnh phúc: “Buông bỏ để bớt khổ đau”

Theo Đức Gyalwang Drukpa, liều thuốc chữa lành mỗi người trước mất mát, khổ đau là biết buông bỏ, hướng tới chân tâm thay vì trông chờ bên ngoài.

Sáng 10/2, tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Đức Gyalwang Drukpa dành 2,5 giờ trao đổi với gần 200 trí thức, nghệ sĩ, doanh nhân, Phật tử về chủ đề Sống hạnh phúc - Giải pháp chữa lành nỗi đau nơi thân tâm.


Đức Gyalwang Drukpa tại tọa đàm về sống hạnh phúc, ngày 10/2. Ảnh: Gia Chính

Nói về gốc rễ của tổn thương, Đức Gyalwang Drukpa cho rằng tất cả bắt nguồn từ nhân tâm hỗn loạn khi sống trong thế giới biến động. Con người đôi lúc kỳ vọng quá nhiều, luôn muốn những gì tốt đẹp nhất và sợ hãi điều xấu xảy đến với bản thân. Trong đại dịch, đó là nỗi sợ về mất mát thường trực khiến cho tâm thế luôn bất an. Nhiều người vẻ ngoài thì bình thản nhưng trong lòng lại luôn dao động, nổi sóng.

Người đứng đầu truyền thừa Drukpa nhấn mạnh tổn thương từ đâu thì chữa lành ở đó. Sự chuyển hóa trong tâm để vượt qua sợ hãi là vị thuốc để chữa lành tổn thương. Trên hành trình ấy, người khôn ngoan sẽ biết buông bỏ bớt một phần phiền muộn, giữ lại và nuôi dưỡng điều tích cực. Những yếu tố như môi trường sống, bạn bè, mối quan hệ trong xã hội hay thiền định, yoga, tin vào phong thủy, ngũ hành cũng chỉ trợ giúp một phần trong hành trình chữa lành.

Đức Gyalwang Drukpa dẫn ví dụ khi cãi vã với ai đó, sự việc đã qua lâu nhưng nếu nhớ mãi thì chỉ tự mình đau khổ. Chữa lành là cần buông bỏ những hình ảnh, bất hòa ấy để giải phóng tâm mình. Ngược lại, tức giận, bất an, bất mãn là những "độc tố" làm hại cơ thể lẫn tinh thần.

"Có khi trận cãi vã chỉ diễn ra 5 phút nhưng con người ôm ấp sự phiền muộn, bực tức đến ba tháng, thậm chí ba năm. Đó là người vô minh, tự làm hại mình và ảnh hưởng người xung quanh, dù có tín ngưỡng hay không", Ngài nói, nhấn mạnh việc buông bỏ cũng như chiếc máy tính thi thoảng phải dọn dẹp một lần, bỏ bớt rác và giữ lại dữ liệu quan trọng.


Hội trường kín khách mời là những doanh nhân, trí thức, văn nghệ sĩ, phật tử, sáng 10/2. Ảnh: Gia Chính

Đức Gyalwang Drukpa cho rằng là con người không tránh khỏi lỗi lầm. Điều quan trọng gây lỗi thì biết sám hối, sửa chữa và không tái diễn, có khởi đầu mới. Những sân hận, tội lỗi như đám mây tích tụ trên đầu rồi sẽ tan đi.

Tại tọa đàm, Đức Gyalwang Drukpa dành hơn một giờ giải đáp những thắc mắc và đưa ra lời khuyên cho khách mời. Anh Ngô Di Lân, nhà nghiên cứu chính sách ngoại giao, nêu ý kiến dư luận cho rằng những tâm bệnh hiện nay bắt nguồn từ lối sống hiện đại, ngày càng phụ thuộc vào sản phẩm công nghệ, smartphone lẫn mạng xã hội. "Con người phải làm gì để duy trì an nhiên trong lòng và đời sống tâm linh lành mạnh?", anh Lân đặt câu hỏi.

Đức Gyalwang Drukpa giải thích "con người thông minh hơn điện thoại thông minh". Tâm tính con người vốn yếu ớt và dễ bị chi phối bởi các xúc cảm tiêu cực, smartphone, công nghệ, những thú vui giải trí bên ngoài. Những mong cầu niềm vui từ thú tiêu khiển còn có thể gây hệ lụy, ảnh hưởng công việc, sức khỏe, gia đình, lãng phí thời gian lẫn năng lượng bản thân.

Ngược lại, nếu tâm tính đủ mạnh thì khó bị xu hướng này chi phối. Con người có thể nuôi dưỡng tâm tính khỏe mạnh hơn bằng cách thiền định, làm chủ cảm xúc, hướng cuộc sống và những việc làm chân thật hơn. Smartphone hay khoa học công nghệ khi ấy sẽ là trợ thủ cho những mục tiêu cao cả đó chứ không phải là thứ dẫn dắt.


Anh Ngô Di Lân băn khoăn làm thế nào để giữ được tâm an, thích nghi trước những tâm bệnh bắt nguồn từ lối sống hiện đại, phụ thuộc quá nhiều vào smartphone và mạng xã hội. Ảnh: Gia Chính

Anh Trần Thái Tùng, Phật tử đến từ TP HCM, giám đốc quản lý tài sản của một quỹ đầu tư, lại trăn trở về môi trường kinh doanh Việt Nam còn nhiều xô bồ, dễ phạm giới và làm cách nào để vừa kinh doanh tốt vừa giữ được giới luật, hướng đến an lạc. Theo Đức Gyalwang Drukpa, đây là hai vấn đề tách biệt. Nhưng một phật tử sẽ luôn biết trưởng dưỡng tâm tính, chính là nền tảng vừa giúp kinh doanh thành công mà vẫn giữ được giới hạnh.

Trước băn khoăn của người trẻ "làm thế nào khi yêu nhiều lại bị tổn thương", Đức Gyalwang Drukpa cho rằng những điều không như mong đợi trong tình duyên đến từ cả bản thân và đối tác. "Tình yêu luôn có sự mong đợi, duy trì mong đợi càng nhiều thì càng dễ thất vọng. Thế nên hãy cứ yêu nhưng đừng mong đợi quá nhiều", ông nói.

Pháp vương Drukpa thuyết giảng sống hạnh phúc

Đức Gyalwang Drukpa chủ trì tọa đàm Sống hạnh phúc - Giải pháp chữa lành nỗi đau nơi thân tâm. Video: Lộc Chung

Tọa đàm là hoạt động cuối cùng của Đức Gyalwang Drukpa trước khi trở về Ấn Độ, kết thúc hai tuần viếng thăm Việt Nam sau bốn năm nhập thất ẩn tu. Các hoạt động tiếp nối sẽ do Nhiếp chính vương Kim cương thừa Thuksey Rinpoche cùng Tăng đoàn chủ trì, diễn ra từ ngày 11/2 đến 19/2 tại TP HCM và Bình Dương.

Nhiếp chính vương cùng Tăng đoàn sẽ cử hành pháp hội cầu nguyện quốc thái dân an xuân Quý Mão tại Quan Âm tu viện (quận Phú Nhuận, TP HCM) ngày 12-13/2; viếng thăm, tặng quà cho người khiếm thị, giảng pháp cho ni chúng tại chùa Thiên Quang (thị xã Dĩ An, Bình Dương) vào các ngày 16-17/2.

(Nguồn: VNExpress)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6239154
Số người trực tuyến: